Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình
Lịch sử Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh là cuộc hành trình bền bỉ của công cuộc khai khẩn, đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất giang sơn, đổi mới hội nhập và phát triển. Truyền thống 325 năm (1698-2023) đã hun đúc nên phẩm chất anh hùng, hào hiệp, nghĩa tình của các thế hệ công dân Thành phố. 48 năm qua kể từ ngày đất nước thống nhất, các giá trị truyền thống của ông cha đã được kế thừa, tỏa sáng rực rỡ, đưa Thành phố vươn lên tầm cao mới…
Hạnh phúc trước những đổi thay, phát triển
Thấm thoắt đã gần một phần tư thế kỷ, tôi trở thành công dân của Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng như rất nhiều những cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức và người lao động đã lập thân, lập nghiệp nơi đây, Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Gần 25 năm qua, tôi thở cùng nhịp thở Thành phố; những con đường, góc phố trở nên thân quen như chính mảnh vườn, bờ ruộng, sân đình… nơi chốn sinh ra.
Cảm ơn Thành phố đã đùm bọc, nuôi dưỡng, bao dung, cho tôi có được sự nghiệp, gia đình và những người thân quen.
Nhớ những ngày đầu chập chững đặt chân đến thành phố này, nhiều khu vực ngoại ô như: Quận 2, Quận 9, Thủ Đức (nay là Thành phố Thủ Đức) vẫn còn hoang vu lắm. Hai bên Xa lộ Hà Nội là những cánh rừng tràm, hoa màu, ruộng lúa. Đường chỉ có 4 làn xe, nhiều đoạn vẫn là đường nhựa có từ thời Mỹ chiếm đóng Sài Gòn.
Hơn hai thập kỷ qua, các khu đô thị dọc theo Xa lộ Hà Nội, giáp với hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai là khu vực phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ nhất. Hàng loạt khu đô thị hiện đại với những công trình, cao ốc khang trang được hình thành. Thành phố Thủ Đức hiện nay là nơi tập trung các mô hình kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ điển hình, như: Trung tâm tài chính, đô thị sáng tạo, đô thị thông minh… tạo động lực cho Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước phát triển.
Đi giữa Thành phố khang trang, hiện đại hôm nay, lòng không khỏi bồi hồi xao xuyến nghĩ về những chặng đường lịch sử đã qua… Nhìn lại chặng đường 48 năm xây dựng và phát triển sau ngày non sông liền một dải, càng những lúc gặp khó khăn thách thức; tinh thần, bản lĩnh, phẩm chất của con người Thành phố càng được khẳng định, tỏa sáng.
Vươn tầm cao từ truyền thống vững
Nhân dịp kỷ niệm 325 năm (1698-2023) Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh và 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2023), Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông Thành phố tổ chức ra mắt tác phẩm: “Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử (1698-2020)” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Bộ sách dày hơn 1.500 trang được tác giả miệt mài nghiên cứu, biên soạn trong 20 năm qua. Đây là công trình xứng tầm lịch sử, là cẩm nang cho giới chuyên môn và độc giả.
Tại chương trình ra mắt sách, khi chúng tôi hỏi suy nghĩ của tác giả về những điều cốt lõi rút ra từ quá trình nghiên cứu lịch sử - văn hóa của Thành phố này, nhà nghiên cứu 103 tuổi nói: Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh trong dòng chảy lịch sử dân tộc luôn giữ vị trí trung tâm, tiên phong trong tiếp nhận, hấp thu các giá trị văn minh nhân loại và sáng tạo, khởi phát các mô hình, thành tựu văn minh cho cả nước. Sau gần nửa thế kỷ thống nhất đất nước, sự phát triển của Thành phố đã vươn lên tầm cao mới.
Nhiều thành tựu văn minh ngang tầm khu vực, châu lục, vươn tầm quốc tế. Thành phố trở thành điểm đến giàu tiềm năng của các nhà đầu tư, là thành phố đáng sống của người dân và du khách, là niềm tự hào của mỗi công dân. Chúng ta cần cảm thấu sâu sắc niềm tự hào ấy để đứng vững trên nền tảng truyền thống, nuôi dưỡng, lan tỏa khát vọng dân tộc, đưa Thành phố phát triển lên những tầm cao mới.
Câu chuyện với nhà nghiên cứu tuổi bách niên làm chúng tôi nhớ lại những cuộc phỏng vấn nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam khi ông còn sống. Là người trọn đời tâm huyết với công tác khảo cứu văn hóa Sài Gòn – Nam Bộ, nhà văn Sơn Nam khẳng định: Từ cuối thế kỷ 18, Sài Gòn đã là một trong những thương cảng sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất châu Á – Thái Bình Dương. Nói đến văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là nói đến văn hóa biển, văn hóa sông nước. Đó là lối sống nghĩa hiệp, hào phóng, luôn luôn đổi mới, luôn luôn thích ứng, sáng tạo để phát triển…
Trong những ngày Tháng Tư lịch sử, nhắc lại câu chuyện với hai nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa hàng đầu của Nam Bộ để thấy rõ hơn tầm vóc, vị thế và bề dày lịch sử truyền thống, tư duy đổi mới và khát vọng văn minh, hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh.
“Cánh cửa” mới từ ngày hội lớn
Quý 1 năm 2023, chỉ số tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh giảm sâu. Hàng loạt giải pháp cấp bách đã được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Thành phố chỉ đạo triển khai quyết liệt. Mũi nhọn đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn tăng trưởng là đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.
Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công cán bộ chủ chốt làm Tổ trưởng các tổ giám sát, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, giám sát 36 dự án quan trọng của Thành phố. Ngay trong tháng 4, sự chuyển biến đã diễn ra rõ nét. Những thông tin từ Sở Giao thông vận tải Thành phố đã lan tỏa niềm vui, kỳ vọng.
Theo đó, từ mốc thời gian trong dịp lễ này, hệ thống hạ tầng giao thông của Thành phố bước vào thời điểm đột phá, thay đổi lớn chưa từng có với hàng loạt dự án trọng điểm chiến lược được khánh thành, khởi công.
Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây thông xe đúng dịp lễ 30-4. Dự kiến cuối năm nay, toàn tuyến cao tốc nối Nha Trang – Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ sẽ thông xe. Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã chạy thử thành công, sẽ đưa vào khai thác sử dụng vào dịp lễ 2-9 năm nay. Dự án Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, Nút giao thông An Phú, Quốc lộ 50 cũng vừa khởi công. Dự án Đường Vành đai 3 đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, sẽ khởi công trong quý 2. Dự án Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã hoàn thành xây dựng đề án, triển khai đầu tư…
Đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược. Theo đồng chí Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố: Dịp kỷ niệm 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mở ra “cánh cửa” lớn về động lực, niềm tin, sức mạnh tinh thần để hạ tầng giao thông Thành phố tăng tốc, cất cánh. Khi những dự án trọng điểm lần lượt khánh thành, khởi công, sẽ kéo theo sự chuyển động của các lĩnh vực khác, như xây dựng cơ bản, thu hút đầu tư, bất động sản, tài chính, ngân hàng...
Theo các chuyên gia kinh tế, với sự tăng tốc mạnh mẽ của các dự án trọng điểm, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ khơi thông nhanh chóng. Dự báo quý 2 tăng trưởng kinh tế của Thành phố sẽ khởi sắc và quý 3 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, có thể đạt mức 10-14%.
Sứ mệnh vẻ vang của thành phố đầu tàu
Trong những lần đến thăm, làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Thành phố kể từ sau Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh vai trò, vị thế đầu tàu của Thành phố. Tổng Bí thư mong muốn, Thành phố tiên phong thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng để dẫn dắt kinh tế cả nước phát triển. Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định rõ: Quy mô kinh tế của Thành phố năm 2020 so với năm 2010 tăng 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và niềm tin, kỳ vọng của nhân dân cả nước, sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của các địa phương, Thành phố đứng trước cơ hội lớn, tạo đột phá mạnh mẽ, xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vươn lên tầm cao mới…
Kỷ niệm Ngày hội non sông thống nhất năm nay trùng vào Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch). Ngày vui có sự hội tụ, hiển linh của nguyên khí quốc gia, linh khí cội nguồn Tiên tổ, kết tinh thành động lực, niềm tin, khát vọng mới, vươn tới những tầm cao mới…
Mục tiêu đến năm 2030 Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP… Tầm nhìn đến năm 2045: Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á.
(Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị)
- Nội dung: PHAN TÙNG SƠN
- Ảnh: PHAN TÙNG SƠN, LÊ HÙNG KHOA, HÀ PHƯƠNG TRẦN
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
- Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 1)
- Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 2)
- Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)
- Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (tiếp theo và hết)