Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (tiếp theo và hết)
Mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành được hơn một năm nhưng đến nay chưa thực sự đạt được những kết quả như kỳ vọng. Và một câu hỏi đặt ra đó là làm thế nào để khai thác tối đa tiềm năng, tạo sự đột phá trong xây dựng CQĐT tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới?
Việc xác định cấp quận, phường trở thành cấp dự toán khi triển khai mô hình CQĐT đã khiến cho các địa phương mất đi tính chủ động và chậm trễ trong việc giải quyết phát sinh trong quá trình vận hành.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quản lý ngân sách tại địa phương, trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức CQĐT tại TP Hồ Chí Minh đối với quận 8, đồng chí Nguyễn Thanh Sang, Phó chủ tịch Thường trực UBND quận 8 kiến nghị UBND TP đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép đơn vị dự toán ngân sách quận thuộc TP Hồ Chí Minh có dự phòng ngân sách.
Bên cạnh đó, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn quy trình cho phép UBND quận thực hiện giao, quản lý, điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và nhập dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc như cấp ngân sách trước đây, nhằm đảm bảo tính chủ động, kịp thời cho UBND quận trong công tác điều hành ngân sách.
Cũng có chung những khó khăn về vấn đề tài chính ngân sách, tại buổi giám sát của Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 đối với quận Gò Vấp, đồng chí Nguyễn Ngọc Anh, Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp kiến nghị cần có cơ chế ủy quyền cho UBND quận quyết định điều chỉnh dự toán giữa các lĩnh vực chi khi có yêu cầu; phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của UBND phường trực thuộc; phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn quận. Đồng thời, cần phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho các quận để hoàn thành nhiệm vụ, không mất quá nhiều thời gian chờ đợi chỉ đạo của cấp trên.
Về phía quận Bình Tân, để đảm bảo tính chủ động, kịp thời trong công tác điều hành ngân sách, đồng chí Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân kiến nghị UBND thành phố nên hướng dẫn về quy trình hoặc ban hành cơ chế đặc thù cho phép UBND quận thực hiện giao, quản lý, điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc như cấp ngân sách trước đây.
Đứng trên góc độ của một nhà nghiên cứu, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, UBND TP Hồ Chí Minh cần phải đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương. Ở cấp quận, phường, dựa trên khả năng thực tiễn của từng địa phương, tạo ra cơ chế tự chủ hơn trong huy động nguồn lực, đầu tư phát triển và quản trị công.
Cũng theo TS Trần Du Lịch, để mô hình CQĐT tại TP Hồ Chí Minh phát huy tối đa hiệu quả, UBND thành phố nên thống nhất nền hành chính nhưng không nên đồng nhất. Bởi theo TS Trần Du Lịch, các nguyên tắc đồng nhất mà không bám sát với tình hình thực tế, mất đi tính linh hoạt sẽ khiến cho quá trình quản lý, vận hành gặp nhiều khó khăn.
Sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy tốt nguồn nhân lực để phục vụ người dân tốt hơn là một trong những ưu tiên hàng đầu khi vận hành mô hình CQĐT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tại TP Hồ Chí Minh đã phát sinh nhiều điểm bất cập, đặt ra vấn đề phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Từ những vướng mắc khi thực hiện CQĐT trong việc sắp xếp cán bộ, công chức, đồng chí Nguyễn Thanh Sang, Phó chủ tịch Thường trực UBND quận 8 kiến nghị UBND thành phố đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cho các phường trên địa bàn thành phố nói chung và quận 8 nói riêng, phù hợp với quy mô dân số của từng địa phương.
Có cùng quan điểm với đồng chí Nguyễn Thanh Sang, đồng chí Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân đề xuất UBND thành phố nên xem xét, bố trí thêm công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường có dân số đông để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức phường hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cụ thể, cho phép thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù bố trí số lượng cán bộ, công chức đối với các phường, xã, thị trấn đông dân tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó cho phép thành phố bố trí số lượng cán bộ, công chức đảm bảo số lượng tối đa 23 người/phường (đơn vị hành chính loại I) theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP khi thực hiện CQĐT (sử dụng biên chế phó chủ tịch HĐND và chủ tịch Hội Nông dân để bố trí các chức danh có yêu cầu).
Cùng với đó, quận Bình Tân cũng kiến nghị với UBND TP cho phép đối với phường, xã, thị trấn có hơn 50.000 dân thì cứ thêm 10.000 dân, bố trí bổ sung thêm 1 công chức; xem xét bố trí tăng thêm số lượng người hoạt động không chuyên trách phù hợp đặc thù phát triển và địa bàn phường, xã, thị trấn có dân số đông. Theo đó, đối với các phường, xã có dân số hơn 50.000 dân, cứ thêm 10.000 dân được bố trí thêm 1 người hoạt động không chuyên trách.
Còn về phía quận 7, từ thực tiễn triển khai mô hình CQĐT tại quận, trong buổi làm việc với đoàn công tác UBND TP Hồ Chí Minh sáng 4-3, Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh kiến nghị UBND thành phố xem xét, chấp thuận cho quận 7 thí điểm sắp xếp lại khu phố - tổ dân phố trên địa bàn quận trên nguyên tắc: Sắp xếp, tổ chức khu phố có quy mô số hộ và ranh địa giới tương đồng, thống nhất với địa bàn quản lý của cảnh sát khu vực nhằm đảm bảo phối hợp thuận lợi và sắp xếp nhân sự; cảnh sát khu vực là phó trưởng khu phố, vừa tăng cường phối hợp các lực lượng tuần tra, kiểm soát địa bàn, xây dựng nòng cốt trong nhân dân.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong việc bố trí biên chế công chức và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường khi vận hành mô hình CQĐT, trong Công văn số 2891 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức CQĐT tại TP Hồ Chí Minh, UBND TP đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường quy định tại khoản 1, Điều 29, Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ từ bình quân 15 người/phường trong một quận, thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh thành biên chế công chức làm việc tại phường có dân số từ 30.000 dân trở xuống là 17 người. Đối với phường có từ 30.000 dân trở lên, ngoài số lượng quy định, cứ 15.000 dân được thêm một 1 công chức.
Mặt khác, UBND TP cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép thành phố căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu của thực tiễn và ngân sách thành phố, trình HĐND cùng cấp quyết định số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thêm ngoài số lượng đã quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP.
Ðể bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bên cạnh việc sắp xếp, tinh gọn, gắn liền với thực tế từng địa phương thì yếu tố then chốt vẫn nằm ở con người, trước hết là những cán bộ lãnh đạo. Bởi thực tế cho thấy, trong quá trình vận hành CQĐT, nhiều địa phương đã gặp phải khó khăn khi thiếu cán bộ đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở những cơ quan, đơn vị hợp nhất, vị trí kiêm nhiệm, dẫn đến tình trạng “thừa biên chế nhưng thiếu người làm”.
Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm và theo chức danh; đồng thời gắn với thực hiện các nội dung cải cách hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số.
Có thể khẳng định, với vai trò là một đô thị đặc biệt, việc xây dựng mô hình CQĐT tại TP Hồ Chí Minh là thực sự cần thiết, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thành phố và phục vụ lợi ích của nhân dân. Từ những kết quả ban đầu, chúng ta có quyền tin tưởng rằng mô hình CQĐT tại TP Hồ Chí Minh sẽ thành công, góp phần tạo động lực cho việc mở rộng và phát triển mô hình CQĐT ở nhiều địa phương.
- Nội dung: BĂNG CHÂU, TRẦN YẾN, HUY ĐĂNG, VIỆT CƯỜNG
- Ảnh: XUÂN CƯỜNG, HUY QUÂN, BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, THÀNH ỦY TP HỒ CHÍ MINH, TƯ LIỆU
- Kỹ thuật, đồ họa: TRUNG THÀNH