LONGFORMĐể mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 1)

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 1)

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 1)

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, Tiến sĩ Trần Du Lịch, người từng là Chủ nhiệm chương trình Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế thành phố, có hơn 20 năm gắn bó với các chương trình, đề án phát triển và đổi mới cơ chế quản lý của TP Hồ Chí Minh khẳng định, trên thế giới, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, việc xây dựng chính quyền đô thị là đòi hỏi tất yếu đối với các quốc gia và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh là đô thị hạng đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế thì việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị thực sự là yêu cầu tất yếu mang tính thời đại.

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 1)

Xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở các thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có TP Hồ Chí Minh là chủ trương đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo từ sớm. Các cơ quan Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, trong đó có chính quyền đô thị.

Ngày 10-8-2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, cho phép thành phố thí điểm triển khai thực hiện phương án mô hình chính quyền đô thị nhằm tiếp tục tạo điều kiện phát huy thế mạnh, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị chưa được cụ thể hóa bằng các quy định pháp luật. Do vậy, trên thực tế, cơ chế, chính sách phát triển của TP Hồ Chí Minh chưa thể hiện sự khác biệt với các địa phương khác.

Để giải quyết từng bước các thách thức, TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, đề xuất và được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 4 thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, thời gian thực hiện 5 năm (đến năm 2022), từ ngày 15-1-2018. Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực (quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, cơ chế phân cấp ủy quyền và chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức), Nghị quyết số 54/2017/QH14 đóng vai trò quan trọng, giúp thành phố phát huy tốt hơn các lợi thế tự nhiên, nguồn lực trong nhân dân để đẩy nhanh sự phát triển theo hướng bền vững.

Trong chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, tại buổi làm việc ngày 21-10-2022, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Theo đánh giá của Chính phủ, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 có thể coi là quyết sách quốc gia kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo, cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho TP Hồ Chí Minh, cơ bản nhận được sự quan tâm và đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thành phố. Kinh tế TP Hồ Chí Minh liên tục tăng trưởng cao, bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015; tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn; đời sống của cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện, qua đó khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực…

Từ thực tiễn thí điểm và trên cơ sở quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Quốc hội khóa XIV cũng đã ban hành Nghị quyết số 131/2020/NQ 14 ngày 16-11-2020 cho phép TP Hồ Chí Minh được chính thức thực hiện tổ chức chính quyền đô thị để bảo đảm tính ổn định, lâu dài. Ngày 29-3-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2021/NĐ-CP, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14. Đây là những quy định pháp lý quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng chính quyền thành phố năng động, hoạt động hiệu lực và hiệu quả. Đồng thời cho thấy, chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong thúc đẩy xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại thành phố, phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại.

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 1)

Hiện thực hóa những chủ trương, chỉ đạo của trên, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI đã xác định chủ đề năm 2021 của thành phố là: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh cũng xác định chủ đề năm 2022 là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Điều này cho thấy, xây dựng chính quyền đô thị là một trong những nhiệm vụ được Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh quan tâm và chỉ đạo sâu sát.

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 1)
TP Hồ Chí Minh đã có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời, tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch.
Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 1)

Theo TS Trần Du Lịch, vấn đề xây dựng chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh đã được đặt ra từ khá lâu, chính xác là cách đây hơn 10 năm. Từ những năm 2006-2007, thành phố đã có những chủ trương trong việc xây dựng chính quyền đô thị với những lý do mà ai cũng thấy rõ. Đó là việc, với đặc điểm là một đô thị đặc biệt, không thể quản lý TP Hồ Chí Minh giống như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước mà cần có cơ chế phù hợp với tính chất một đô thị. Trên thế giới thường gọi là mô hình quản lý chính quyền đô thị.

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 1)

Một cuộc hội thảo về chính quyền đô thị được tổ chức từ năm 2014 cho thấy, việc phân chia đơn vị hành chính và thiết lập chính quyền đô thị của các nước trên thế giới rất đa dạng. Ngay trong cùng một nước cũng có thể áp dụng nhiều mô hình chính quyền đô thị chứ không nhất thiết phải áp dụng một mô hình chính quyền đô thị chung cho cả nước. Mỗi thành phố, tùy thuộc đặc điểm địa lý, số lượng, mật độ dân cư mà lựa chọn mô hình chính quyền riêng phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý địa phương. Một số chính quyền đô thị đã được các nước áp dụng như tại Tokyo (Nhật Bản), Bangkok (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc), Paris (Pháp)…

Trong bài viết “Chính quyền đô thị ở một số quốc gia trên thế giới và những kinh nghiệm đối với Việt Nam”, TS Quách Thị Minh Phượng, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đưa nhận định, không có một mô hình mẫu về chính quyền đô thị áp dụng chung cho tất cả các quốc gia. Mỗi đô thị, tùy thuộc đặc điểm địa lý, số lượng, mật độ dân cư để lựa chọn mô hình chính quyền phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý địa phương. Điều kiện kinh tế - xã hội, thể chế nhà nước, đặc điểm dân cư, truyền thống lịch sử, văn hóa khác nhau của các quốc gia cũng như các đô thị trong một quốc gia là cơ sở tạo nên sự đa dạng về mô hình tổ chức của chính quyền đô thị.

Đồng quan điểm này, nghiên cứu về chính quyền đô thị, TS Võ Thị Hoa, Phó trưởng khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đưa nhận định, khó có thể kết luận mô hình chính quyền đô thị của một nước nào đó ưu việt hơn những nước khác. Mỗi mô hình đều có điểm mạnh riêng và đều có lý do riêng để tồn tại trong những quốc gia cụ thể.

TS TRẦN DU LỊCH, nguyên Chủ nhiệm Chương trình “Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tại Việt Nam, mặc dù, quy mô đô thị còn nhỏ so với đô thị nhiều nước trên thế giới nhưng cũng đã xuất hiện những vấn đề phức tạp tương tự. Do đó, việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại các thành phố lớn là yêu cầu cần thiết, phù hợp với sự phát triển trong nước cũng như xu thế của thời đại.

Trước khi ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 30, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, trong tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày đã nêu rõ sự cần thiết xây dựng dự thảo nghị quyết. Theo đó, mặc dù là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế nhưng trong quá trình phát triển, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt.

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 1)
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với tính chất là một đô thị loại đặc biệt của TP Hồ Chí Minh.

Rõ ràng, trước sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, cùng những đòi hỏi mới của thời đại, việc tổ chức thực hiện chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hành trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

(còn nữa)

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 1)

  • Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 1)
  • Nội dung: BĂNG CHÂU, TRẦN YẾN, HUY ĐĂNG, VIỆT CƯỜNG
  • Ảnh: XUÂN CƯỜNG, BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, TƯ LIỆU
  • Kỹ thuật, đồ họa: TRUNG THÀNH

top