Chủ nhật, 01/12/2024 GMT+7

Về Báo Quân đội nhân dân

“TỜ BÁO ANH HÙNG CỦA QUÂN ĐỘI ANH HÙNG, DÂN TỘC VIỆT NAM ANH HÙNG”

Báo Quân đội nhân dân là cơ quan của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam, được ra đời trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu của quân đội nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng, từ thực tiễn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Báo Quân đội nhân dân được thành lập trên cơ sở truyền thống của các tờ báo đầu tiên thuộc lực lượng vũ trang cách mạng như Chiến đấu (1944), Kèn gọi lính (1944), Tiếng súng reo (1944), Quân giải phóng (1945), Sao Vàng (1946) và sự hợp nhất, sáp nhập hai tờ báo Vệ quốc quân (1947) và Quân du kích (1948)...

Ngày 20-10-1950, tại thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên giữa chiến khu Việt Bắc, Báo Quân đội nhân dân đã ra số đầu tiên và từ đó ngày 20-10 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của tòa soạn. Tờ báo vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên và ra chỉ thị căn dặn đăng trên số đầu tiên: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, xông pha trên các mặt trận, chiến trường, kịp thời truyền đạt các chỉ thị, nghị quyết của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh tới cán bộ, chiến sĩ; phản ánh kịp thời tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường và những chiến công hào hùng của quân và dân ta trong các chiến dịch: Biên giới (1950), Hòa Bình (1952 ), Tây Bắc (1952), Chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954…, trên chiến trường cả nước và toàn Đông Dương với nhiều tên tuổi các cây bút nổi tiếng, có người đã anh dũng hi sinh trên chiến trường như các nhà báo Hoàng Lộc, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Trần Đăng... Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức tòa soạn tiền phương, xuất bản được 33 số báo ngay tại mặt trận, phát hành tận tay cán bộ, chiến sĩ ở chiến hào. Trong số báo xuất bản tại mặt trận, với các bài viết, bản vẽ của các nhà báo, họa sĩ lão thành, như: Nguyễn Khắc Tiếp, Phạm Phú Bằng, Mai Văn Hiến…, đã kịp thời ghi lại toàn bộ các sự kiện, diễn biến của chiến dịch, trở thành cuốn tư liệu sống động, góp phần động viên tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội và dân công hỏa tuyến vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong giai đoạn cách mạng mới, Báo Quân đội nhân dân đã khẩn trương chấn chỉnh tổ chức lực lượng, tiến hành ngay các hoạt động bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ thông tin viên, cộng tác viên... Việc phát hành báo cũng được mở rộng ra toàn dân, nhằm kịp thời tuyên truyền sâu rộng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, của Tổng Quân ủy, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Các bài viết về phong trào “Đồng khởi” của quê hương Bến Tre, “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ, “Ba đảm đang” của phụ nữ, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Cờ ba nhất” trong Quân đội và nhiều phong trào thi đua yêu nước, được đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân như những luồng gió mới, thổi bùng ngọn lửa thi đua yêu nước trong toàn dân, toàn quân, tạo sự lan tỏa, nhân lên sức mạnh tinh thần “Tất cả vì miền nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Nhà báo đồng thời cũng là người chiến sĩ, vừa cầm bút vừa cầm súng trên mặt trận. Điển hình như Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sĩ, Thượng úy, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Lê Đình Dư tại mặt trận Cửa Việt khi nhận chỉ thị phải vào hầm trú ẩn: “Người chiến sĩ có thể đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn; còn phóng viên chúng tôi chỉ có quyền đứng thẳng trên chiến hào dùng vũ khí là máy ảnh, bút máy để ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của quân thù!”. Đại tá, nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng nhiều lần vừa tác nghiệp trực tiếp trên chiến trường vừa tham gia chiến đấu và chỉ huy bộ đội trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, Báo Quân đội nhân dân đã có hai nhà báo được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là Thượng úy, liệt sĩ Lê Đình Dư và Đại tá Đặng Thọ Truật.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kỳ quyết liệt, với sự nhạy bén về chính trị và bản lĩnh của các nhà báo - chiến sĩ, Báo Quân đội nhân dân đã kịp thời cử các đoàn phóng viên tham gia các mặt trận, chiến trường B, C, K, trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng bộ đội chiến đấu với địch. Từ các chiến trường, những bài viết nóng hổi hơi thở chiến đấu của quân và dân ta được đăng tải kịp thời trên Báo Quân đội nhân dân đã góp phần động viên, củng cố ý chí, quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Ngày 30-4-1975, các cán bộ, phóng viên của Báo Quân đội nhân dân từ các chiến trường đã hòa cùng 5 cánh quân có mặt tại Dinh Độc Lập chứng kiến thời khắc lịch sử và chung niềm vui giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất và đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới đất nước, Báo Quân đội nhân dân đã nhanh chóng ổn định tổ chức, xác định tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam…, Báo Quân đội nhân dân vừa kịp thời tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vừa thực hiện tốt chức năng là diễn đàn của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Quân đội nhân dân luôn khắc ghi và thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy, giữ vững tôn chỉ, mục đích của tờ báo, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, bám nắm cơ sở, gần gũi bộ đội và nhân dân, tuyên truyền kịp thời và hiệu quả mọi hoạt động của lực lượng vũ trang, của các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh và xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Thực hiện đúng đường lối chính trị là một tờ báo của Đảng trong lực lượng vũ trang, Báo Quân đội nhân dân không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về quy mô, lực lượng, phương tiện và loại hình báo chí. Từ một tờ báo phát hành nội bộ trong lực lượng vũ trang, tháng 11/1956, Báo Quân đội nhân dân đã phát hành ra toàn dân; từ xuất bản 03 kỳ trong tuần, phát triển thành nhật báo từ 19-5-1965. Từ một ấn phẩm duy nhất là báo in hằng ngày, đã mở rộng phát triển thêm nhiều ấn phẩm khác, như: Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần (trước đây gọi là Báo Quân đội nhân dân thứ Bảy ra số đầu tiên ngày 7-7-1990), Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng (ra số đầu tiên ngày 10-3-1994), Nội san Thông tin viên; Báo in hằng ngày tăng 04 trang lên 08 trang (2002), Báo Quân đội nhân dân Điện tử (khai trương ngày 20-12-2002). Từ tờ báo đơn ngữ phát triển thành tờ báo đa ngữ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử tiếng Anh (năm 2005), Báo Quân đội nhân dân Điện tử tiếng Trung Quốc (năm 2012), Báo Quân đội nhân dân Điện tử tiếng Lào, Báo Quân đội nhân dân Điện tử tiếng Khmer (năm 2017); chuyên trang Media (Video-Audio) của Báo Quân đội nhân dân Điện tử (từ tháng 5-2019)…

Ngày 3-4-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trong đó xác định xây dựng Báo Quân đội nhân dân là một trong 6 cơ quan báo chí được thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, định hướng dư luận.

Ngày 12-5-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc , xác định: Các Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan chủ lực, có nhiệm vụ xây dựng các hình thức tuyên truyền chuyên sâu về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc như chuyên trang, chuyên mục, tuyến bài tuyên truyền trọng điểm… Ngày 6-3-2019, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 807/QĐ-BQP phê duyệt Đề án đầu tư phát triển Báo Quân đội nhân dân theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện đến năm 2025.

Vào đúng dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 /19-5-2019), Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng triển khai Đề án phát triển Báo Quân đội nhân dân theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện đến năm 2025 và chính thức khai trương chương trình phát thanh, truyền hình trên nền báo điện tử của Báo Quân đội nhân dân Điện tử.

Báo Quân đội nhân dân là cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam, là một trong những tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước, trực tiếp thể hiện kịp thời mọi quan điểm của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam về mọi vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước và thế giới. Chính vì vậy, Báo Quân đội nhân dân không phải là một tờ báo chỉ viết về quân đội. Vị trí, chức năng và vai trò của Báo Quân đội nhân dân khác hẳn những tờ báo của các ngành, các địa phương trong nước. Báo Quân đội nhân dân không phải là một tờ báo ngành, mà là tờ báo của Đảng trong lực lượng vũ trang, tờ báo chính trị-quân sự của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị của đất nước.

Theo Giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử số 259/GP-TTTT ngày 12-5-2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, tôn chỉ mục đích của Báo Quân đội nhân dân: “Thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến các thỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Phản ánh phong trào hành động cách mạng của lực lượng vũ trang nhân dân và của toàn dân, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng”.

Báo Quân đội nhân dân đã có nhiều thành tích, chiến công nổi bật, được Đảng, Nhà nước, quân đội ghi nhận, biểu dương. Cùng với những tấm huân chương được trao trong các thời kỳ kháng chiến, Báo Quân đội nhân dân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:

-Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000).

-Danh hiệu Anh hùng Lao động (2010)

-Huân chương Sao Vàng (2005)

-Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (Tháng 12-2011)

-Huân chương Độc lập hạng Ba (tháng 10-2020)

-Huân chương Hồ Chí Minh (1990)

-Huân chương Quân công Hạng Nhất (1984)

-Huân chương Lao động Hạng Nhì (1963)

-Huân chương Chiến cộng Hạng Nhất (1961)

-Huân chương Quân công Hạng Ba (1956)…

Phát biểu khi đến thăm và làm việc với Báo Quân đội nhân dân năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét: “Báo Quân đội nhân dân thực sự là tờ báo anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và dân tộc Việt Nam Anh hùng. Đây là tờ báo quan trọng, không thể thiếu trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam; một trong những tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước, của quân đội, có uy tín và bản sắc riêng. Đó là bản lĩnh chính trị vững vàng, tính tư tưởng, tính chiến đấu cao; là “binh đoàn chủ lực” trên mặt trận tư tưởng-văn hóa; định hướng đúng đắn dư luận xã hội. Cán bộ, phóng viên của báo luôn xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, khó khăn, gian khổ, bám sát thực tiễn để phản ánh, tuyên truyền, nhân lên các điển hình tiên tiến, giáo dục cái tốt, cái đẹp với cách thể hiện sáng tạo, có sức lan tỏa. Báo Quân đội nhân dân luôn đấu tranh, phê phán kịp thời, sắc bén những cái xấu; phản bác mạnh mẽ các luận điệu xuyên tạc, thù địch; là người bạn, người đồng đội tin cậy của bộ đội và nhân dân; là cầu nối để nhân dân hiểu, tin Đảng, Nhà nước và quân đội”.

top