LONGFORMĐể mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)

Sau hơn một năm triển khai mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16-11-2020 của Quốc hội, TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, quá trình tổ chức mô hình CQĐT tại TP Hồ Chí Minh vẫn bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý và điều hành.

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)
Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)

Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện mô hình CQĐT, có thể dễ dàng nhận ra rằng, với khối lượng công việc ngày càng tăng trong điều kiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cán bộ, công chức tại các địa phương phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, dẫn đến quá tải, đặc biệt là trong giai đoạn chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch.

Theo Công văn số 2891 của UBND TP Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về những vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức CQĐT tại TP Hồ Chí Minh, ở lĩnh vực nội vụ, thành phố gặp khó khăn trong việc bố trí biên chế công chức và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường.

Trong quá trình hơn một năm thực hiện tổ chức CQĐT tại 249 phường, TP Hồ Chí Minh ghi nhận việc bố trí số lượng công chức làm việc tại phường theo quy định hiện nay là chưa phù hợp với khối lượng công việc và quy mô dân số, đặc điểm của từng địa phương.

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31-12-2021, thành phố có 90/249 phường có dân số từ 30.000 dân trở lên, trong đó: 54 phường có dân số từ 30.000 dân đến dưới 50.000 dân; 21 phường có dân số từ 50.000 dân đến dưới 75.000 dân; 12 phường có dân số từ 75.000 dân đến dưới 100.000 dân. Đặc biệt, có 3 phường có dân số trên 100.000 dân, đó là: Phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức; phường Hiệp Thành, quận 12 và phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân.

Theo quy định tại Điều 8, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đơn vị hành chính, dân số của phường thuộc quận là từ 15.000 dân trở lên. Như vậy, bình quân dân số một phường của TP Hồ Chí Minh hiện tại đang là 28.378 dân, gấp 1,89 lần so với quy định. Từ thực tiễn bố trí số lượng công chức bình quân là 15 người/phường thì không đủ để đáp ứng nhu cầu giải quyết khối lượng công việc.

Hiện tại, bình quân một cán bộ, công chức làm việc tại phường đang phục vụ 1.343 người dân. Nơi đông nhất như phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (125.894 dân) năm 2021, bình quân một cán bộ, công chức tham mưu 628 văn bản/năm, 52 văn bản/tháng; một cán bộ, công chức giải quyết 3.241 hồ sơ/năm, 270 hồ sơ/tháng.

Như vậy, nếu cùng so sánh các tiêu chí diện tích và dân số giữa các phường cùng phân loại đơn vị hành chính cấp xã đã có sự chênh lệch rất lớn do quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 chỉ áp dụng mức quy định tối thiểu, không quy định mức tối đa.

Tại hội nghị giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 đối với quận 8, đồng chí Nguyễn Thanh Sang, Phó chủ tịch Thường trực UBND quận 8 cho biết: Trách nhiệm và áp lực công việc của các cơ quan chuyên môn và UBND 16 phường trong việc quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và ở địa phương ngày càng cao, đòi hỏi phải nâng chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, so với thời điểm trước khi thực hiện CQĐT, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách chưa có nhiều thay đổi. Các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước thay đổi theo hướng điều chỉnh tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế làm tăng trách nhiệm và áp lực tham mưu của các cơ quan chuyên môn.

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)

Cùng trao đổi về những vướng mắc của mô hình CQĐT, đồng chí Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân nhấn mạnh: Số lượng người hoạt động không chuyên trách bố trí theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP chưa đáp ứng được khối lượng công việc tại phường. Cùng với đó, công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: Việc giải quyết hài hòa giữa số lượng biên chế, người làm việc cần đảm bảo đúng quy định trong khi yêu cầu về chất lượng, khối lượng công việc ngày càng lớn, tính chất phức tạp ngày càng cao hơn; việc sắp xếp, bố trí, kéo giảm số lượng cấp phó đúng theo quy định, trong khi nhiều trường hợp là cán bộ lãnh đạo, quản lý còn trẻ, được đào tạo bài bản, có nguyện vọng cống hiến lâu dài trong các cơ quan của hệ thống chính trị.

Ngoài ra, việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ và giải quyết chế độ chính sách đối với các trường hợp dôi dư với số lượng lớn cũng ít nhiều ảnh hưởng, xáo trộn về công tác tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, chia sẻ một số điểm đã làm được trong công tác xây dựng chính quyền đô thị trên địa bàn quận.

Không chỉ gặp khó trong việc bố trí biên chế công chức và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường, chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn gặp phải một số điểm hạn chế. Đơn cử như việc một số cán bộ, công chức, viên chức được phân công cử sang làm việc tại các cơ quan, đơn vị ngoài các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc theo chế độ hợp đồng 68 (cách gọi rút gọn của hợp đồng lao động được ký theo quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP), có tham gia công tác và có đóng góp cho hệ thống chính trị thành phố nhưng chưa thuộc đối tượng được hưởng chính sách chi thu nhập tăng thêm. Do đó, giữa những trường hợp này còn có sự so bì, tâm tư, chưa tạo động lực lan tỏa đồng đều trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)

Sở dĩ xuất hiện những phát sinh trong quá trình phân bổ cán bộ, công chức UBND các phường khi triển khai mô hình CQĐT là bởi quá trình sắp xếp, điều phối chưa thực sự phù hợp với khối lượng công việc, quy mô dân số và đặc điểm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quản lý hạ tầng cơ sở trên địa bàn. Bên cạnh đó, ​quá trình tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp, chưa được củng cố kịp thời. Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc.

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)

Từ thực tế quản lý nhà nước cho thấy, trên địa bàn quận, phường thường phát sinh nhiều nội dung chi, nhất là sửa chữa cơ sở hạ tầng đô thị, an sinh xã hội, giải quyết bức xúc của nhân dân… Vì thế, khi không còn là cấp ngân sách, quận, phường không thể chủ động trong điều hành ngân sách, nguồn chi để kịp thời xử lý những vấn đề cấp thiết. Khi phát sinh khoản chi ngoài dự toán như: Dịch bệnh, thiên tai, nhiệm vụ đột xuất… các quận, phường buộc phải chờ thành phố xem xét, phân bố kinh phí.

Về vấn đề này, đồng chí Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy quận 7 cho biết: Trong điều kiện thực hiện CQĐT, phường không còn là cấp ngân sách, chỉ là cấp dự toán, phường không thể tự quyết. Trong khi đó, các dự toán ở cấp HĐND thành phố theo định kỳ hằng năm nên quận không thể trình khẩn cấp mà phải trình theo quy định, dẫn đến chậm trễ trong công tác triển khai, thực hiện. “Hiện UBND quận không còn chủ động sử dụng kinh phí từ việc vận động nhân dân đóng góp sửa chữa hẻm, đường và các khoản vận động khác, mà phải báo cáo, trình UBND thành phố chấp thuận chủ trương, bố trí nguồn sau khi đã tổ chức vận động”, đồng chí Võ Khắc Thái thông tin thêm.

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)

Còn theo đồng chí Phạm Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch UBND quận 3, công tác quản lý, điều hành ngân sách không đáp ứng kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội tại địa phương. Nguyên nhân là do quận, phường không còn là một cấp ngân sách theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Đặc biệt, nếu phát sinh các nhiệm vụ chi ngoài dự toán thì thủ tục khá phức tạp. Quận phải báo cáo Sở Tài chính, rồi trình UBND TP Hồ Chí Minh. UBND thành phố trình HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất. Quy trình này không đáp ứng kịp thời nhu cầu kinh phí cho quận, phường thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về an sinh xã hội...

Cùng chung quan điểm, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, đồng chí Lê Thị Ngọc Dung cho biết, khi triển khai mô hình CQĐT, quận đã gặp không ít vướng mắc trong các lĩnh vực về tài chính, ngân sách. Cụ thể, quận không còn các nguồn kết dư ngân sách, dự phòng ngân sách, chi khác ngân sách để chủ động trong các hoạt động đột xuất phát sinh trong năm và chi đầu tư xây dựng từ nguồn vốn kết dư ngân sách. Khi giao dự toán ngân sách năm 2022, Sở Tài chính có bố trí kinh phí thuộc gói điều hành ngân sách (82,445 tỷ đồng), tuy nhiên kinh phí này chỉ đáp ứng một phần các nhu cầu hoạt động của quận.

Bên cạnh đó kinh phí này phải được phân bổ ở dự toán đầu năm cho các đơn vị, trong năm khi có nhiệm vụ đột xuất cần phải điều chỉnh dự toán từ nhiệm vụ chi này sang nhiệm vụ chi khác, từ đơn vị đã phân bổ đầu năm sang đơn vị khác phải trình Sở Tài chính tổng hợp trình UBND thành phố, UBND thành phố báo cáo Thường trực HĐND thành phố cho ý kiến, do đó không đảm bảo tính kịp thời trong thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.

Đối với hỗ trợ các đơn vị ngành dọc, khi còn là cấp ngân sách, UBND quận được cân đối ngân sách để hỗ trợ các đơn vị ngành dọc thực hiện các nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Khi tổ chức thực hiện CQĐT, quận không còn các nguồn kinh phí để thực hiện nội dung này.

Điểm vướng mắc dẫn đến giải ngân chậm trễ được cho là do Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có nhiều quy định thay đổi so với thời điểm TP Hồ Chí Minh thí điểm mô hình CQĐT. Theo quy định hiện hành, quận không còn tổ chức HĐND sẽ không còn là cấp ngân sách. Để sửa luật hoặc chờ sơ kết Nghị quyết số 131/2020/QH14 sẽ mất nhiều thời gian, do đó, TP Hồ Chí Minh đã đưa các nội dung này vào khi xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)
Những quy định về quản lý, điều hành ngân sách thiếu đồng bộ đang ảnh hưởng đến quá trình xây dựng chính quyền đô thị ở TP Hồ Chí Minh.

Đứng trên góc độ của một chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc triển khai mô hình CQĐT tại TP Hồ Chí Minh gặp phải nhiều vướng mắc là do các quy định còn thiếu đồng bộ. Ví dụ, trước đây, khi chưa triển khai mô hình CQĐT, cấp quận sẽ cấp ngân sách nhưng khi thực hiện CQĐT, quận chỉ là đơn vị dự toán ngân sách. Trong khi đó, các quận của TP Hồ Chí Minh rất lớn, đều hơn 600.000 dân, có thể lớn hơn một tỉnh. Đối với một quận mà dân số lớn hơn một tỉnh, việc điều chỉnh thành cơ quan dự toán ngân sách sẽ khiến cho các quận không thể tự chủ hoạt động. Hay khi thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở hợp nhất 3 quận, gồm: Quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, có quy mô kinh tế chiếm ⅓ TP Hồ Chí Minh, tương đương với khoảng 7% GDP cả nước, nhưng với cơ chế của một quận theo mô hình CQĐT chỉ là cấp dự toán thì sẽ không thể phát triển.

(còn nữa)

Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)

  • Để mô hình chính quyền đô thị thực sự phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)
  • Nội dung: BĂNG CHÂU, TRẦN YẾN, HUY ĐĂNG, VIỆT CƯỜNG
  • Ảnh: XUÂN CƯỜNG, BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, TƯ LIỆU
  • Kỹ thuật, đồ họa: TRUNG THÀNH
top