Đạo đức công vụ - Giá trị cốt lõi của nền hành chính phục vụ, vì dân ở thành phố Hà Nội - Bài 5: Vì một Thủ đô vươn mình trong kỷ nguyên mới
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, sáng 10-10-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phải làm thế nào để xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước”.
Đồng chí Tổng Bí thư cũng đưa ra chỉ đạo về xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó yêu cầu về phẩm chất đạo đức được đặt lên hàng đầu.
Chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đã khái quát, bao hàm 5 chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, công chức, viên chức, đó là: Tính chính trực, liêm chính; tính khách quan, công bằng, bình đẳng; sự đúng mực, tính thận trọng; sự tận tụy và kịp thời; năng lực và sự chuyên cần.
Nhấn mạnh chuẩn mực liêm chính, phục sự của người thực thi công vụ, TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, yêu cầu tiêu chí, tiêu chuẩn của văn hóa công vụ, đạo đức công vụ đã được nêu đầy đủ trong Luật Cán bộ, công chức, Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Tuy nhiên, đối với cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị nói chung và hệ thống công quyền nói riêng, chuẩn mực đạo đức hàng đầu đó là liêm chính và phục sự. Điều quan trọng nhất đó là ý thức làm việc cho nhà nước, khác với làm việc trong khu vực tư nhân. Làm việc trong khu vực tư nhân là vì cái lợi ích của mình. Còn trong khu vực nhà nước, cụ thể là các cơ quan trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, làm việc vì lợi ích của người khác. Mọi quyết định của cán bộ, cơ quan nhà nước thực hiện đều nhằm phục vụ người khác.
Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Viện trưởng Viện phát triển kinh tế Hà Nội, cho rằng, đạo đức công vụ cũng như yêu cầu của kỷ nguyên mới đòi hỏi công chức phải làm hết mình, trước hết là làm đúng pháp luật, không né tránh, không đổ lỗi, không tranh công và đặc biệt không được phép vòi vĩnh, tham nhũng. Đồng thời, phải tương trợ lẫn nhau, vì người dân, doanh nghiệp phục vụ chứ không phải là “quan trên” của họ. Trong thời đại công nghệ số, người cán bộ, công chức phải thành thạo công nghệ, chống những biểu hiện hình thức cũng như các tiêu cực khác trong hoạt động hành chính công.
Về vai trò của đạo đức công vụ đối với cải cách hành chính Thủ đô, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước, đạo đức công vụ có ý nghĩa to lớn trong công cuộc cải cách nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, liêm chính, phục vụ nhân dân, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đạo đức công vụ là một trong những yếu tố tiên quyết để nâng cao chỉ số cải cách hành chính, xây dựng chính quyền Thủ đô. Theo đó, văn hóa công vụ, đạo đức công vụ chính là thực hiện nghiêm túc tất cả những quy định của nền hành chính công, thực hiện đúng theo quy định và chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật. Nhiều văn bản luật đã quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn và những điều công chức và nhân viên không được làm như: Mè nheo, hạch sách, đòi tiền lót tay, đòi tiền bôi trơn, cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc của dân, phải biết lễ phép, thưa gửi, biết nói lời xin lỗi, cảm ơn, biết lắng nghe, chia sẻ…, đó chính là văn hóa, đạo đức cao nhất của người làm công vụ.
Trong kỷ nguyên mới, hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đó là khát vọng cống hiến; tinh thần yêu nước, tính nhân văn; sự liêm chính, chí công vô tư; tính trung thực; sẵn sàng bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý; thượng tôn pháp luật, tôn trọng nhân dân...
Đồng chí Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Trong kỷ nguyên mới, hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đó là khát vọng cống hiến; tinh thần yêu nước, tính nhân văn; sự liêm chính, chí công vô tư; tính trung thực; sẵn sàng bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý; thượng tôn pháp luật, tôn trọng nhân dân; thực hành dân chủ; lấy chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ... cán bộ, công chức phải ý thức đầy đủ về trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ của mình trong quá trình hoạt động công vụ, trong mối quan hệ với cơ quan, tổ chức, công dân. Đồng thời, giáo dục liêm sỉ, lương tâm, danh dự, ý thức trách nhiệm, ý thức pháp luật nghề nghiệp gắn liền với thực hành đạo đức, lối sống liêm khiết. Qua đó, giúp cán bộ, công chức thấm sâu các giá trị cơ bản của nền văn hóa Việt Nam, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tinh thần, thái độ làm việc phù hợp với các giá trị, chuẩn mực văn hóa, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại.
Xác định vai trò quan trọng của văn hóa, đạo đức trong quá trình thực thi công vụ, từ năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Đề án văn hóa công vụ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31/5/2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo” cũng chỉ ra những mục tiêu hết sức cụ thể, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy khoa học, đổi mới, có phương pháp, kỹ năng, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.
Nghị quyết Số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng chỉ rõ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô”.
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, thành phố đã và đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp cơ bản, trước hết là quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và thực hành văn hoá công vụ, đạo đức công vụ. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, ban hành thể chế văn hoá công vụ, đạo đức công vụ; nghiên cứu, sửa đổi các quy định, nội quy, quy chế làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc ngăn ngừa những vi phạm về văn hoá công vụ, đạo đức công vụ. Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xã hội thông tin, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chính quyền điện tử, chính phủ thông minh, thể chế văn hoá công vụ phải đáp ứng được yêu cầu của sự thay đổi trong phương thức quản lý, quản trị, phù hợp với cách thức, tư duy thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
TS Nguyễn Văn Đáng cho rằng, để xây dựng thành công văn hóa công vụ, đạo đức công vụ, giải pháp bền vững nhất và lâu dài nhất là đẩy mạnh công tác giáo dục, đưa nội dung giáo dục văn hóa công vụ, đạo đức công vụ vào các chương trình đào tạo cán bộ, công chức cả dài hạn và ngắn hạn, các buổi tập huấn hằng năm, lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định về kiểm tra, giám sát trong nội bộ cơ quan, hệ thống cơ quan, kịp thời phát hiện những biểu hiện lệch chuẩn đạo đức công vụ để uốn nắn, chấn chỉnh, xử lý. Đẩy mạnh công khai, minh bạch để có thể giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra những hiện tượng gây khó khăn hoặc nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. Càng công khai, càng minh bạch thì càng khó có thể làm ẩu, vì vậy cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để người dân giám sát các hoạt động của cơ quan công quyền, kịp thời phản ánh những biểu hiện lệch chuẩn.
Để xây dựng văn hóa công vụ, đạo đức công vụ gắn với nền hành chính phục vụ, trước tiên cần đổi mới, hoàn thiện tư duy nền hành chính phục vụ, với mục tiêu là hướng đến sự hài lòng của người dân, tổ chức. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đề cao vai trò quan trọng của nhân dân trong đánh giá việc thực thi công vụ của đội ngũ công vụ và các cơ quan. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động cũng là điều vô cùng cần thiết, nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm hội họp, giấy tờ và chế độ báo cáo hành chính, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến, đánh giá đây là yếu tố quan trọng nhằm uốn nắn, kịp thời có biện pháp “tuýt còi” đối với những người làm sai quy định. Quá trình đó, người đứng đầu phải nêu gương về đạo đức công vụ, khi cấp dưới làm sai thì người đứng đầu phải công khai, minh bạch và khách quan trong việc xử lý, tuyệt đối không đánh đồng, xóa nhòa hay cào bằng giữa người làm tốt với người làm chưa tốt. Đảng, Nhà nước đang có chủ trương quyết liệt tinh gọn bộ máy, những người không xứng đáng là “công bộc” của dân cần phải loại ra khỏi đội ngũ.
Còn theo Luật sư Đặng Văn Cường, đổi mới phương thức lãnh đạo, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và xây dựng văn hóa công vụ, đạo đức công vụ là xu hướng tất yếu của thời đại, là hướng đi đúng đắn mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định. Khi thực hiện các thủ tục hành chính nếu công dân phát hiện ra các cán bộ thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, vụ lợi hoặc không làm tròn bổn phận của mình thì có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện vụ án hành chính.
Theo Sở Nội vụ thành phố Hà Nội, thời gian tới, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ, công chức sẽ tiếp tục được tăng cường, tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn cụ thể, hướng tới cung cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức những tri thức, hiểu biết về pháp luật, kỹ năng vận dụng pháp luật, từ đó, hình thành tri thức pháp luật, tình cảm pháp chế và hành vi công vụ phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Theo đó, ngoài những thông tin, kiến thức pháp luật chung, cần tập trung vào các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành liên quan tới chuyên môn, công vụ của từng đối tượng cán bộ, công chức; đặc biệt, chú ý trang bị kỹ năng mềm cho đội ngũ cán bộ, công chức, như biết lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân...
*****
Đạo đức công vụ đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ trong các cơ quan nhà nước. Bởi nó góp phần điều chỉnh hành vi, hoàn thiện nhân cách, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức, thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính và nâng cao uy tín của các cơ quan nhà nước của Thủ đô.
Bước vào thời kỳ vươn mình phát triển cùng dân tộc, thành phố Hà Nội xác định mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân và xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ mang tính phi lợi nhuận; tuân thủ, thực hiện đúng theo hiến pháp, pháp luật. Công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền; hệ thống thứ bậc, đồng bộ, hiệu quả định tính và định lượng được. Dân chủ, nhân văn, liêm chính, công bằng, trách nhiệm, chuyên nghiệp, thượng tôn pháp luật. Xác định giá trị và chuẩn mực cốt lõi của nền văn hóa công vụ: Giá trị và chuẩn mực chung; giá trị và chuẩn mực xã hội; giá trị và chuẩn mực chính trị; giá trị và chuẩn mực ngành, nghề; giá trị và chuẩn mực đạo đức, nhân văn; giá trị và chuẩn mực quốc tế.
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, phát huy những thành quả quan trọng đã đạt được Hà Nội sẽ thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra, góp phần định hướng, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đáp ứng yêu cầu không ngừng đổi mới, sáng tạo, phục vụ nhân dân, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tiến nhanh, tiến cùng thời đại.
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN
- Ảnh: Báo QĐND và CTV
- Kỹ thuật, đồ họa: QUỲNH OANH
- Đạo đức công vụ - Giá trị cốt lõi của nền hành chính phục vụ, vì dân ở thành phố Hà Nội - Bài 1: Sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo thành công
- Đạo đức công vụ - Giá trị cốt lõi của nền hành chính phục vụ, vì dân ở thành phố Hà Nội - Bài 2: Những bông hoa đẹp trong vườn hoa Thủ đô
- Đạo đức công vụ - Giá trị cốt lõi của nền hành chính phục vụ, vì dân ở thành phố Hà Nội - Bài 3: Nền hành chính vì dân không phải thứ “xin-cho”