Đạo đức công vụ - Giá trị cốt lõi của nền hành chính phục vụ, vì dân ở thành phố Hà Nội - Bài 2: Những bông hoa đẹp trong vườn hoa Thủ đô
Để xây dựng, phát triển văn hóa, đạo đức công vụ trong tổ chức thì bản thân người lãnh đạo trước tiên phải xây dựng được văn hóa cá nhân, thể hiện ở tinh thần, thái độ, tác phong làm việc, chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, chuẩn mực về đạo đức, lối sống… 70 năm sau Ngày giải phóng, cùng nhịp chảy không ngừng của sự phát triển sau kỷ nguyên đổi mới, trong hệ thống chính trị Thủ đô đã xuất hiện nhiều tấm gương như thế - từ lãnh đạo thành phố, đến những cán bộ, công chức bình thường ở cơ sở - họ đã sống và lao động, cống hiến hết mình vì nhân dân, vì một tình yêu tha thiết với Hà Nội.
Tại Hội nghị vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024, nhiều người đặc biệt chú ý đến một công dân, đó là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, người có 10 năm liên tục trên cương vị lãnh đạo, tham gia trực tiếp và chứng kiến một giai đoạn chuyển mình của Hà Nội. Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, ông vẫn trăn trở với sự phát triển của Thủ đô.
Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về khoảng thời gian mà ông gọi là một cơ duyên này, có những câu chuyện từng được ông kể lại trong cuốn tự truyện “Đi tìm một vì sao” của mình, nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói: Công việc của Hà Nội lúc nào cũng “nhiều như nước sông Hồng”, nhất là khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô: “Trừ những lúc ngủ, còn tỉnh giấc là thấy việc, là thấy khó”. Có lẽ vì môi trường công việc nơi đây thực sự khó khăn, phức tạp, nhạy cảm và luôn chịu nhiều áp lực trước những yêu cầu cao; là nơi trên soi dưới xét; chuyên gia, cố vấn, nhà khoa học, báo chí, truyền thông, các ngành, các giới, nói khái quát là dư luận xã hội luôn nhiệt tình cho ý kiến, góp ý, bình luận, khen chê... Tôi thực sự cảm nhận được sức nóng, sự va đập, ảnh hưởng, tác động nhiều chiều qua từng công việc, từng ngày, từng tháng. Áp lực của công việc không đơn thuần là yêu cầu, đòi hỏi phải tìm ra lời giải, mà còn là thách thức về thước đo phẩm chất, bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm... của mỗi người. Những công việc khó khăn, phức tạp đôi khi vượt quá giới hạn.
Làm lãnh đạo thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; thấy điều có lợi mà không dám làm; chỉ khư khư giữ ghế, sẵn sàng hy sinh lợi ích chung để giữ sự an toàn cho bản thân; những cán bộ như thế sẽ là những vật cản đường cho sự phát triển đi lên của đất nước.
Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội
Từ việc “nhỏ như con thỏ” là chỉ đạo cơ quan y tế cấp giấy xác nhận tình trạng sức khỏe, cấp sổ đỏ hay chuyện trả lại căn nhà tranh chấp cho một người dân, đến việc “cắt ngọn” giải tỏa những công trình xây dựng vi phạm quy định,... những việc tưởng là nhỏ nhưng đã tốn không biết bao nhiêu thời gian và giấy mực đơn thư gửi đi các cấp suốt mấy chục năm mới giải quyết được. Bên cạnh những công việc cụ thể dồn dập xảy ra mỗi ngày cần được tập trung xử lý; khi xử lý được một việc, nhân dân thêm tin tưởng, đơn thư gửi tới Bí thư càng nhiều, còn là những nhiệm vụ lớn, trọng tâm như cải cách hành chính, mở rộng địa giới hành chính, những thứ liên quan Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Tất cả những nỗ lực ấy, với tư cách người đứng đầu cấp ủy Thủ đô, được dư luận đồng tình đón nhận như một làn gió mới, thể hiện ý chí, quyết tâm đổi mới lề lối, phong cách làm việc.
Ở Thủ đô Hà Nội, nhiều việc quyết định để làm đã khó, nhưng quyết định không làm nhiều khi còn khó hơn. Cân nhắc, đắn đo, nghiên cứu, hội thảo, nâng lên, hạ xuống. Suy nghĩ qua ngày, qua tuần, qua tháng, qua năm. Bàn tới, tính lui. Nén vui, nén giận, nén buồn. Cuối cùng dù hết sức khó khăn, cũng phải quyết. Ngoài tư duy, quyết tâm chính trị, trách nhiệm cá nhân, đặt lợi ích chung của thành phố và đất nước lên trên. Nhưng cái hay, cái tích cực ở Thủ đô, đó là sự quan tâm cộng đồng trách nhiệm, sự giám sát, phản biện tự nguyện, là lắng nghe được thông tin nhiều chiều, sự phản hồi mà không vấp phải rào cản quan liêu, bưng bít thông tin... Điều đó cực kỳ có lợi, luôn giúp cho lãnh đạo thành phố kịp thời nắm bắt được tình hình thực tế... Đó là mặt tích cực lớn lao của môi trường tập trung tinh hoa trí tuệ của các trí thức, các nhà khoa học, báo chí, dư luận ở Thủ đô.
Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính có cả núi công việc phải giải quyết, xử lý, trong đó có những việc trực tiếp Bí thư Thành ủy phải trực tiếp chỉ đạo. Ông kể: Ví thử như đề xuất, kiến nghị của cơ quan công an yêu cầu người dân Hà Tây làm lại sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, đổi biển số xe máy, xe ô tô... tôi yêu cầu không cần phải làm, phải đổi. Từ nay, mọi biển số xe ở Hà Tây đã cấp mặc nhiên trở thành biển số Hà Nội (mở rộng); chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu Hà Tây giờ đây mặc nhiên là công dân Hà Nội. Các tên đường phố ở Hà Đông, Sơn Tây trùng với tên các đường phố Hà Nội cũng không cần phải đổi. Với phương pháp, cách làm thực sự dân chủ, công khai, hợp tình hợp lý và đặc biệt là không có tiêu cực trong công tác cán bộ, Hà Nội sau hợp nhất đã tạo được sự đoàn kết thống nhất, cùng đồng lòng bắt tay vào công việc.
“Mười năm kề vai, chung sức cùng tập thể lãnh đạo thành phố, không ít lần tôi phải đụng đầu với những công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, nếu không khéo lần gỡ từng manh mối, không tỉ mỉ, chi ly từng khâu, từng việc, không sâu sát hiểu thấu bản chất từng vụ việc, con người, không dự báo được những nguy cơ, hậu quả có thể xảy ra... thì nhiều công việc đã không thể giải quyết êm thấm được”, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói.
“Đôi khi, vì không thể “nhắm mắt” làm theo những quy định đã lạc hậu, lỗi thời; đôi khi phải làm khác đi mới đem lại được kết quả tốt; tôi buộc phải làm những việc trái quy định, bởi tôi có niềm tin vào sự nhìn nhận đánh giá khách quan của tập thể, của lãnh đạo, của nhân dân”.
Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội
Hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện mấy chục hộ dân ở Đường Lâm (Sơn Tây) ký đơn xin trả lại danh hiệu “Di tích làng cổ”. Bí thư Thành ủy đã phải tự mình đến làng cổ Đường Lâm, khảo sát tận nơi và tổ chức buổi làm việc với đầy đủ đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan và có kết luận được người dân đồng tình. Bài học được ông rút ra là phải gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân nhiều hơn nữa... Ông bộc bạch: Qua xử lý việc này, tôi càng thấm thía, có những quyết định, tưởng là tốt nhưng với người dân, chưa hẳn là như thế, nếu không có một hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, hợp lý, khả thi đi cùng. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Làm lãnh đạo thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; thấy điều có lợi mà không dám làm; chỉ khư khư giữ ghế, sẵn sàng hy sinh lợi ích chung để giữ sự an toàn cho bản thân; những cán bộ như thế sẽ là những vật cản đường cho sự phát triển đi lên của đất nước.
“Đôi khi, vì không thể “nhắm mắt” làm theo những quy định đã lạc hậu, lỗi thời; đôi khi phải làm khác đi mới đem lại được kết quả tốt; tôi buộc phải làm những việc trái quy định, bởi tôi có niềm tin vào sự nhìn nhận đánh giá khách quan của tập thể, của lãnh đạo, của nhân dân”, ông chia sẻ.
Đảng ta đã ban hành “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” (Kết luận số 14-TW, ngày 22-9-2021) để bảo vệ những người đi đầu, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Quy định đó ra đời để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn giúp cho những cán bộ có tinh thần đổi mới, sáng tạo, tránh được những rủi ro, oan sai khi bắt tay thực hiện những nhiệm vụ chưa có tiền lệ. Hà Nội - nơi hàng ngày luôn đứng trước áp lực phải giải quyết những công việc, những vấn đề mới, rất cần có những con người dám chịu trách nhiệm. Và, điều cần hơn là một cơ chế, chính sách đúng đắn nhằm ủng hộ, bảo vệ những người hết lòng vì việc chung.
Một “Công dân Thủ đô ưu tú” khác cũng được tôn vinh năm 2024 là GS.TS, Nhà giáo ưu tú Phùng Hữu Phú, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội, người đã dành nhiều tâm huyết cống hiến cho Hà Nội, bởi với ông, Hà Nội luôn là một tình yêu lớn.
Ông từng chia sẻ rằng, tham gia Thành ủy Hà Nội từ năm 1996, gắn bó với Hà Nội trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII, XIV, những năm tháng gắn bó với Hà Nội, trải qua nhiều cương vị công tác, ông đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô bồi dưỡng, đào tạo về cả tri thức và thực tiễn. Bởi vậy, tất cả công việc ông làm chỉ có một suy nghĩ, đó là ân tình, công lao mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội dành cho ông. Làm được điều gì đó cho Hà Nội chính là sự đền đáp công lao ấy.
Suốt thời gian công tác tại Hà Nội, ông luôn nỗ lực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Ông trực tiếp chủ trì chương trình khoa học cấp Nhà nước về phát huy các tiềm lực, nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh, bền vững phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; tham gia Ban chỉ đạo chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của Thành ủy Hà Nội, phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố; tham gia tổng kết 35 năm Thủ đô đổi mới và tham gia tổng kết một số Nghị quyết của Đảng về Hà Nội, một số sự kiện lịch sử trọng đại, dự án quan trọng của Thủ đô; cộng tác thường xuyên với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao, Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong… trong công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, tuyên truyền, bồi dưỡng cán bộ.
Ông là một cán bộ, lãnh đạo luôn lăn lộn với thực tiễn, luôn chú ý, nghiêm túc lắng nghe và học hỏi nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp. Vì vậy, mỗi ý kiến, mỗi việc ông làm đều giàu tính trí tuệ, nhân văn, vững vàng, sâu sắc. Nhân dân thủ đô Hà Nội dành trọn tình cảm, sự quý mến dành cho người cán bộ tận tụy, gần gũi, hết lòng với công việc.
Chưa ai nhìn thấy anh tức giận, chưa từng nghe thấy anh to tiếng khi làm việc… đó chỉ là những lời nhận xét tích cực của người dân khi nói về anh Đinh Tác Nghiệp.
Là công chức Văn phòng-Thống kê, UBND xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội, anh Nghiệp là một cán bộ rất cần cù, chịu khó, nhiệt huyết, trách nhiệm, có tư duy và biết cách xử lý hài hòa các tình huống, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Vốn là một xã có tỷ lệ dân là người dân tộc thiểu số chiếm đến hơn 80% nên anh Nghiệp gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và làm việc với người dân. Vì trình độ dân trí của người dân không đồng đều, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên nhiều người dân chưa được tiếp cận với công nghệ thông tin, đặc biệt là điện thoại thông minh. Do vậy, trong các công việc liên quan đến dịch vụ công trực tuyến, anh Nghiệp luôn kiên trì và giữ thái độ hòa nhã với người dân. Nhiều lúc, anh phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để động viên bà con cài đặt ứng dụng và hỗ trợ người dân một cách tỉ mỉ, tường tận. Cũng chính vì thế mà người dân và cán bộ dễ dàng xích lại gần nhau hơn. Người dân ở đây luôn coi anh như người trong nhà.
Cũng giống như anh Nghiệp, anh Nguyễn Văn Tuấn cán bộ Tư pháp - Hộ tịch ở UBND xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội, luôn được người dân địa phương nhận xét là cán bộ mẫu mực, nhiệt huyết, luôn biết lắng nghe và gần gũi. Phàm là việc gì người dân thắc mắc, chưa hiểu đều được hướng dẫn một cách chi tiết, rõ ràng, giúp họ hiểu đúng và thực hiện các thủ tục pháp lý một nhanh gọn và đúng quy trình. Với kiến thức sâu rộng về pháp luật, công tác hộ tịch, anh luôn đảm bảo các công việc được thực hiện đúng quy định, không để xảy ra sai sót. Bên cạnh đó, anh cũng không ngừng cải tiến quy trình làm việc, đề xuất các giải pháp giúp giảm thiểu thủ tục hành chính phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Theo nhận xét của lãnh đạo địa phương, dù khối lượng công việc lớn, anh Tuấn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không ngại khó khăn hay áp lực. Nhờ đó mà anh luôn được lòng tin yêu của người dân và đồng nghiệp, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.
Làm công việc tiếp dân như “làm dâu trăm họ” có tính chất “độc hại vô hình” vì người dân thường mang cái bực của họ gửi đến mình. Có người nóng tính, người cục cằn, người ít va chạm, không kiểm soát được hành vi và lời nói. Vì thế nếu không giữ được bình tĩnh, không khéo léo, mềm mỏng sẽ dễ dẫn tới phát sinh nhiều chuyện phức tạp. Việc ai đó đòi hòi quyền lợi của mình cũng là chuyện bình thường. Nhiệm vụ của mình là phải phân tích cho họ hiểu.
Ngô Văn Được, Công chức Văn phòng - Thống kê, UBND xã Phú Cát
Là cán bộ phụ trách công tác tiếp dân, Bộ phận một cửa, UBND xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội từ năm 2019 đến nay, anh Ngô Văn Được chưa một lần bị người dân phàn nàn về thái độ phục vụ, trách nhiệm hay năng lực chuyên môn. Anh chia sẻ vui rằng, làm công việc tiếp dân như “làm dâu trăm họ” có tính chất “độc hại vô hình” vì người dân thường mang cái bực của họ gửi đến mình. Có người nóng tính, người cục cằn, người ít va chạm, không kiểm soát được hành vi và lời nói. Vì thế nếu không giữ được bình tĩnh, không khéo léo, mềm mỏng sẽ dễ dẫn tới phát sinh nhiều chuyện phức tạp. Việc ai đó đòi hòi quyền lợi của mình cũng là chuyện bình thường. Nhiệm vụ của mình là phải phân tích cho họ hiểu.
Gần gũi, tận tụy và trách nhiệm, làm việc của dân như làm cho chính người thân trong gia đình, đó là cảm nhận chung của nhiều người dân đối với đội ngũ cán bộ ở đây. Cầm trên tay bản sao giấy khai sinh của con, chị Nguyễn Thị Hạnh, thôn 2 xã Phú Cát chia sẻ: Tôi rất hài lòng và tin tưởng mỗi lần đến UBND xã giải quyết công việc. Các đồng chí cán bộ luôn hướng dẫn cho bà con rất tận tình, đến nơi đến chốn, đặc biệt tuyệt nhiên không có biểu hiện gây phiền hà hay sách nhiễu gì. Các anh thực sự là những tấm gương được mọi người yêu mến, quý trọng.
Ngoài những cán bộ trẻ, trên địa bàn thành phố vẫn còn rất nhiều cán bộ sau khi đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục cống hiến thời gian, sức lực cho công việc của tập thể. Điển hình như tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, người dân ai cũng biết, yêu quý, kính trọng ông Vũ Quyết Tiến, Trưởng ban Bảo vệ dân phố - một cán bộ mẫu mực, tận tuỵ, hết lòng vì công việc chung. Là cán bộ nghỉ hưu, năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn miệt mài, tận tâm với các hoạt động của địa phương và đảm đương nhiều vị trí như Phó Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận của tổ dân phố, Trưởng ban Bảo vệ phường Yên Phụ.
Dù tham gia những công việc làng, xã như nhiều người nói là “làm dâu trăm họ”, nhưng ông xác định bản thân phải nêu gương với phương châm “mình làm tốt, nói dân mới tin”, “miệng nói, tay làm”, ông thường xuyên bám sát địa bàn, đến từng hộ gia đình để vận động người dân thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chấp hành các quy định của địa phương, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và giữ gìn ngõ phố văn minh, xanh-sạch-đẹp; cùng cán bộ y tế công đồng tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch bệnh. Phát huy kinh nghiệm và uy tín cá nhân, ông thường xuyên thăm hỏi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách. Hòa đồng, sâu sát, biết lắng nghe nên bà con trong khu phố ai cũng coi ông như người nhà; có khúc mắc gì là đều tìm ông để bày tỏ và xin tư vấn.
Trong số 10.565 công chức hành chính cấp huyện trở lên và công chức phường hiện nay của Hà Nội vẫn còn rất nhiều những tấm gương "Người tốt, việc tốt" như thế. Họ dù ở lĩnh vực nào, trên cương vị công tác gì vẫn đang hằng ngày bằng những việc làm cụ thể, thiết thực tận tâm tận lực phục vụ nhân dân góp phần xây dựng dựng đơn vị, địa phương. Họ thực sự là những bông hoa trong “vườn hoa” đẹp của Thủ đô.
(còn nữa)
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN
- Ảnh: Báo QĐND và CTV
- Kỹ thuật, đồ họa: QUỲNH OANH