Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo lạc hậu - Bài 4: Xóa nghị quyết suông và tâm lý “chờ thời” (tiếp theo và hết)
Vượt lên những khó khăn, khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Kết quả đó xuất phát trước hết từ những nghị quyết hợp lòng dân, với những chủ trương, quyết sách phù hợp, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trực tiếp gỡ những điểm nghẽn ở cơ sở; quyết liệt xóa bỏ tình trạng nghị quyết chung chung, xa rời thực tiễn.
========*****========
Đưa khó khăn, vướng mắc ở cơ sở vào nghị quyết
Chúng tôi đi trên những cung đường của tỉnh Hà Giang lên các huyện biên giới Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc trong những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024 với ngập tràn sắc đào đua sắc. Ven những con đường ấy, không khí thi đua lao động sản xuất đầu năm rộn ràng khắp các mảnh vườn, nương ngô của đồng bào vùng biên cương đá xám. Thấp thoáng trên những triền núi là hình ảnh người đàn ông kéo cày, làm đất; người phụ nữ tra ngô, đậu với tiếng nói, cười rộn rã.
Về thôn Mà Lủng, xã Lũng Táo (Đồng Văn), sự ấm no, đổi thay của đồng bào hiện rõ trong từng nếp nhà kiên cố; những mảnh vườn được cải tạo trồng rau xanh, cây ăn quả. Cả thôn có 18 hộ với 106 nhân khẩu, hiện chỉ còn 2 hộ nghèo. Năm 2002, thôn về đích nông thôn mới. Nhiều gia đình trong thôn áp dụng các mô hình kinh tế vươn lên trở thành hộ khá như hộ gia đình anh Lý Mí Và nuôi 3 con bò, 2 con lợn mẹ sinh sản và lợn thịt, hằng năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Đồng chí Ly Mí Chá, Bí thư chi bộ thôn Mà Lủng phấn khởi chia sẻ: “Chi bộ luôn chú trọng phát huy tính tiền phong, gương mẫu của mỗi đảng viên. Từ việc tham gia đóng góp xây dựng nghị quyết lãnh đạo, đến đi đầu trong áp dụng các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, vận động con em đến trường. Từ đó, bà con thấy hiệu quả, cán bộ, đảng viên vì dân nên tích cực hưởng ứng tham gia các mô hình, các phong trào ở thôn”.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thu (cán bộ biên phòng tăng cường xã), Phó bí thư Đảng ủy xã Lũng Táo cho chúng tôi xem lại các Nghị quyết của Đảng bộ xã từ 2010 đến nay, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó Đảng bộ xã đã bám sát vào tình hình ở địa phương, quán triệt các nghị quyết của cấp để đề ra những nghị quyết, chương trình, kế hoạch sát đúng, trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở địa phương mình như: Thực hiện chủ trương của Đảng bộ huyện Đồng Văn về phát triển vùng trồng cây ăn quả, hoa, rau chuyên canh phục vụ du lịch giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển đàn gia súc, với kết quả cụ thể từ năm 2020 đến nay, tổng đàn gia súc hiện có hơn 4.000 con....
Có thể thấy, từng nghị quyết ở các chi bộ thôn đến Nghị quyết Đảng ủy xã Lũng Táo đều xác định rõ những việc cần làm, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đồng chí Vừ Sâu Pó, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Táo cho biết: “Câu chuyện nghị quyết suông, nghị quyết chung chung từ lâu không còn xuất hiện trong Đảng bộ. Đảng ủy xã phân công từng đồng chí trong Đảng ủy tham gia sinh hoạt ở các chi bộ, vừa trực tiếp hướng dẫn, vừa giám sát để từng nghị quyết phải bám sát chủ trương chung của toàn Đảng bộ, gắn với thực tiễn, việc làm cụ thể ở chi bộ mình, đặc biệt hướng vào giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong nâng cao đời sống cho nhân dân. Trong thành tích chung của xã, có dấu ấn của nhiều cán bộ biên phòng ngày đêm bám dân, bám bản trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hộ dân phát triển kinh tế”.
Trời đổ bóng về chiều, trên đường vào xã Xín Cái (Mèo Vạc), hình ảnh những đàn trâu, đàn bò no nê đang thủng thẳng về chuồng, đi sau là lũ trẻ đùa vui, rộn vang tiếng cười đùa, khói lam chiều tỏa ra từ những căn nhà của đồng bào Mông ở lưng chừng núi, mang lại cho chúng tôi cảm nhận rõ về sự đổi thay, ấm no đến với đồng bào nơi đây. Thôn Sủa Nhè Lự nằm lưng chừng núi, đồng chí Sùng Thị Song, Bí thư chi bộ dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn, giới thiệu một số mô hình chăn nuôi hiệu quả của đồng bào. Đồng chí Song chia sẻ: “Chi bộ tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động bà con duy trì một vụ ngô, một vụ lúa để bảo đảm lương thực; đồng thời vận động một số hộ dân có nguồn lao động, mạnh dạn vay vốn để chăn nuôi bò, lợn, gà để nâng cao mức thu nhập như gia đình ông Vàng Xè Phứ nuôi lợn sinh sản và bò, chim bồ câu; gia đình anh Và Mí Sáu, vừa làm dịch vụ tạp hóa, nuôi 12 con bò, đem lại thu nhập ổn định…”.
Kết quả thực hiện 3 khâu đột phá trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh Hà Giang: Về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã tập trung bố trí nguồn lực với hơn 8.455 tỷ đồng (chiếm 53% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công thực tế giao. Trong đó, đã khởi công Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1); xây dựng Dự án tuyến cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, đến nay toàn tỉnh có 201 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; bố trí hơn 1.800 tỷ đồng tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…
Tạo chuyển biến mạnh mẽ từ công tác cán bộ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đảng bộ tỉnh Hà Giang hiểu sâu sắc rằng: Kết quả có được như ngày hôm nay, có đóng góp quan trọng từ đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh. Bởi vậy, trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết, quy định, quy chế của Trung ương về công tác cán bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 16-12-2021 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể hóa thành Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó, chú trọng công tác bồi dưỡng, tạo nguồn, luân chuyển cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS).
Đồng chí Vừ Thị Dính là một cán bộ nữ trẻ. Tháng 6-2019, khi đang là Chủ tịch UBND xã Tả Lủng, đồng chí Dính được Huyện ủy Đồng Văn điều chuyển về xã Sính Lủng và giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã. Trên cương vị mới, đồng chí Dính đã cùng với tập thể Đảng ủy Sính Lủng lựa chọn những vấn đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gỡ những khó khăn, tạo đà cho địa phương phát triển. Hiện tại, 100% các thôn, xóm trong xã đều có đường bê tông, nhiều xóm trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới…
Bằng các giải pháp quyết liệt, cụ thể phù hợp với địa phương, đến hết năm 2023, Huyện ủy Đồng Văn đã bố trí, sắp xếp 19/19 Bí thư Đảng ủy và 18/19 Chủ tịch UBND xã, thị trấn không phải là người địa phương. Đồng chí Tráng Thị Lan, Phó ban Tổ chức Huyện ủy Đồng Văn cho biết: "Qua đánh giá hằng năm cho thấy, đội ngũ cán bộ của huyện hiện nay phát huy tốt vai trò và khả năng của bản thân, không ngừng nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý điều hành, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”.
Đánh giá về đội ngũ cán bộ của tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Tuệ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của Hà Giang từng bước được nâng lên, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận cán bộ hạn chế về năng lực và tác phong công tác. Một trong những điểm đáng chú ý mà theo đồng chí Nguyễn Văn Tuệ thì Tỉnh ủy Hà Giang và cấp ủy các cấp trong tỉnh thống nhất cao quyết tâm: Điều chuyển, bố trí lại người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để địa phương, đơn vị trì trệ, có nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Vương Thị Thủy, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: “Quá trình thực hiện nhiệm vụ, có một số cán bộ ngại va chạm, thiếu quyết tâm trong làm việc nên tình hình địa phương chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Thực tiễn sẽ là chiếc “sàng” minh bạch nhất. Do vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định cùng với việc quan tâm, tạo điều kiện để các đồng chí điều động, luân chuyển thể hiện mình, Huyện ủy sẽ tiến hành đánh giá, sàng lọc đội ngũ cán bộ và kiên quyết điều chuyển những cán bộ có tâm lý “chờ thời”.
Để vùng biên cương đá xám Hà Giang ngày một phát triển, cùng với sự quan tâm đầu tư nguồn lực của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc thì đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải vì lợi ích chung của nhân dân để hành động, để điều hành, quản lý địa phương phát triển. Làm được việc đó, đội ngũ cán bộ phải vừa hồng vừa chuyên; bản lĩnh, năng lực trình độ phải ngang tầm với nhiệm vụ. Có như vậy, Hà Giang mới từng ngày đổi thay tích cực.
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ
- Ảnh: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN và CTV
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
- Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 1: Xóa “trắng đảng viên”, xây chắc từng chi bộ
- Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để “đói, nghèo đeo bám”
- Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu