LONGFORMĐảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để “đói, nghèo đeo bám”

Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để “đói, nghèo đeo bám”

Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để đói, nghèo đeo bám
Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để đói, nghèo đeo bám

“Xóa đói, giảm nghèo” là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ cấp bách đối với Đảng bộ, chính quyền các cấp thuộc tỉnh Hà Giang trong nhiều năm qua. Suốt hành trình thực hiện ấy, cán bộ trên từng địa bàn đã gặp không ít những khó khăn, trở ngại và gian nan nhưng đổi lại mọi mặt đời sống của đồng bào từng bước “thay da, đổi thịt”.

========*****========

Xóa đói là không để nhân dân “đứt bữa”

Đảng bộ tỉnh Hà Giang không có một nghị quyết nào, một nhiệm kỳ nào mà không nhắc đến mục tiêu “xóa đói, giảm nghèo” cho nhân dân; Tỉnh ủy đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị riêng về việc xóa đói, giảm nghèo, trong đó Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 1-12-2020 (Nghị quyết 05) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là một minh chứng.

Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để đói, nghèo đeo bám
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ (BĐBP tỉnh Hà Giang) hướng dẫn người dân cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết số 05-NQ/TU (Nghị quyết 05) ngày 1-12-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Chấp hành và cụ thể hóa Nghị quyết 05, các huyện trên toàn tỉnh đã có những kế hoạch, chương trình hành động riêng, phù hợp với vị trí địa lý, thổ nhưỡng địa bàn, khí hậu và nhận thức của bà con để có những mục tiêu cụ thể khác nhau.

Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để đói, nghèo đeo bám
Đồng chí Vương Thị Thủy, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mèo Vạc

Đồng chí Vương Thị Thủy, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mèo Vạc cho rằng: "Đối với huyện Mèo Vạc, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện căn cứ vào thực tế từng xã để có những quyết định giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Trên thực tế, có những xã chúng tôi chỉ đặt mục tiêu xóa đói. Xóa đói là không để nhân dân “đứt bữa”, tức là bà con mỗi bữa phải được ăn no, không bị bỏ đói. Có những xã thì quyết tâm xóa đói, giảm nghèo để bà con có đời sống khấm khá hơn".

Năm 2023 là năm thứ 3 huyện Mèo Vạc tổ chức thực hiện Nghị quyết 05, tổng nguồn vốn huyện đã sử dụng để thực hiện các hạng mục cải tạo vườn tạp là gần 3 tỷ đồng; tổng số hộ triển khai thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn năm 2023 là 127 hộ (trong đó: 108 hộ được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 05 và 19 hộ thuộc diện nhân rộng).

Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để đói, nghèo đeo bám
Đồng chí Vương Thị Thủy, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mèo Vạc và đoàn công tác làm việc tại xã Pả Vi, cùng người dân tại khu đất cải tạo vườn tạp.

Đến nay, huyện Mèo Vạc có tổng diện tích vườn được cải tạo là gần 220.000m². Trong đó, diện tích cải tạo vườn cây ăn quả là 4.000m², cây ăn quả chủ yếu là cây lê; diện tích vườn tạp được cải tạo trồng các loại rau, đậu là 31.181m², bà con trồng chủ yếu là rau địa phương, sản phẩm chủ yếu là phục vụ bữa ăn hằng ngày của gia đình và tận dụng để chăn nuôi; diện tích được cải tạo trồng các loại cây ngắn khác (cây lương thực, cây ngắn ngày…) là 17.327m²; sản phẩm chủ yếu là nguồn lương thực của gia đình và một phần phục vụ cho phát triển chăn nuôi (cơ bản là không bán); diện tích vườn tạp được cải tạo để hộ gia đình thực hiện chăn nuôi là 2.353m².

Đoàn chúng tôi đến thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (Mèo Vạc) cảm nhận ngay được sự trù phú khi vừa đến đầu thôn. Nhìn không gian những vườn cây ăn quả, vườn rau xanh mướt một vùng, ai cũng thấy ấm lòng với sự đổi thay nơi đây.

Đến hộ gia đình của ông Vừ Chúa Xá, được huyện và xã đánh giá là hộ gia đình làm kinh tế giỏi. Ông Vừ Chúa Xá và con trai là Vừ Mí Dế cùng gia đình có một trang trại trồng các loại cây, có cây ăn quả như cây lê, ngô, rau mùa… Đặc biệt là trong trang trại gia đình ông có khá nhiều trâu, bò đã ở tuổi trưởng thành.

Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để đói, nghèo đeo bám
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ (BĐBP tỉnh Hà Giang) thăm, kiểm tra mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại hộ gia đình ông Giàng Chứ Sình, thôn Lẻo Chá Phìn B, xã Sơn Vĩ, Mèo Vạc, Hà Giang.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vừ Chúa Xá cho biết: "Mới đầu được cán bộ vận động làm kinh tế hộ gia đình, cải tạo vườn tạp, chăn nuôi. Khi quyết tâm làm thì cán bộ làm hồ sơ hỗ trợ vay vốn, nuôi con giống, trồng các loại cây. Cứ thế, tôi bảo vợ, con cùng làm. Bây giờ gia đình tôi khá nhiều rồi, không thiếu ăn nữa mà còn đang được xã, huyện lấy làm mô hình để nhân rộng làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo".

Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để đói, nghèo đeo bám
Gia đình ông Vừ Chúa Xá cải tạo vườn tạp, chăn nuôi giỏi tại xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc.

Quyết tâm không để đói, nghèo đeo bám

Trong suốt hành trình đến với Hà Giang, đoàn công tác chúng tôi luôn canh cánh trong lòng rằng, xóa đói, giảm nghèo như thế nào để thành công và hiệu quả, khi mà hơn 80% nhân dân trên địa bàn tỉnh là người các dân tộc, họ có những phong tục tập quán riêng, chưa kể là có những hủ tục, tập quán lạc hậu. Và rồi, cái điều canh cánh đó cũng đã mở ra đáp án khi chúng tôi đi gần hết suốt hành trình.

Khi đoàn công tác làm việc với đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Giang, huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, các xã Lũng Cú, Lũng Táo, Ma Lé, Lũng Chinh, Pả Vi, Thượng Phùng, Xín Cái… điều mà cán bộ ở đây luôn kỳ vọng, trăn trở nhất chính là kết hợp cải tạo vườn tạp, chăn nuôi xây dựng kinh tế hộ gia đình với phát triển du lịch, để người dân cả nước và du khách nước ngoài đều biết đến Hà Giang hùng vĩ, bao la. Đây là một nội dung quan trọng giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, có điều kiện tiếp cận với những sự phát triển chung của xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của bà con, đặc biệt là vùng dân tộc, có nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu.

Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để đói, nghèo đeo bám
Phát triển du lịch tại Hà Giang là một nội dung quan trọng giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Trong ảnh: Toàn cảnh thị trấn Đồng Văn, Hà Giang; Xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn, Hà Giang; Xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, Hà Giang; Một góc của làng Mông (huyện Mèo Vạc); Dòng sông Nho Quế từ trên cao nhìn xuống.

Đồng chí Dương Ngọc Đức, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn, người cán bộ đồng hành cùng chúng tôi đến từng hộ dân tại xã Lũng Cú, Thài Phìn Tủng, Lũng Phìn, Lũng Táo... Anh Đức chia sẻ: "Đồng Văn là huyện vùng núi đá của tỉnh Hà Giang, toàn huyện có 17 xã và 2 thị trấn, dân tộc Mông chiếm 87%, còn lại là người thuộc dân tộc Tày, Lô Lô, Hoa, Dao, Pu Péo, Cờ Lao, Giấy, Nùng… Tuy tỉnh nhà có sự quan tâm đặc biệt nhưng Đồng Văn vẫn là một trong số huyện nghèo, có nhiều khó khăn thách thức, thời tiết khí hậu không thuận lợi, khắc nghiệt, giá rét, bão lốc thường xuyên xảy ra, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; diện tích đất canh tác bình quân 0,4ha/hộ; sản xuất chủ yếu 1 vụ 1 năm, thuần nông độc canh cây ngô là chủ yếu; tư tưởng về sản xuất hàng hóa chưa có sự tiến bộ; còn hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống nhân dân…".

Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để đói, nghèo đeo bám
Đại diện huyện Đồng Văn làm việc với đoàn công tác.

Khi đến thôn Chúng Mung, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, chúng tôi được chứng kiến một bầu không khí của sự đổi thay rõ rệt. Đồng chí Vàng Chìa Ly, Bí thư Chi bộ thôn Chúng Mung, chia sẻ: "Trước ai cũng nghèo, còn thiếu ăn, sau này tôi được đi nghe cán bộ tuyên truyền về cách làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tôi cũng về nói lại với bà con, mới đầu bà con không thích nghe đâu. Sau tôi cứ lẳng lặng làm, vay vốn về chăn nuôi lợn, gà, trong quá trình làm tôi được cán bộ hướng dẫn chỉ bảo rất nhiều; rồi tôi vận động anh em trong nhà cũng làm như tôi, thế là dần dần mọi người cùng làm theo, cả thôn mọi người giờ ai cũng cố gắng làm kinh tế tốt để xóa đói, giảm nghèo, nuôi cho các con đi học…".

Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để đói, nghèo đeo bám
Ảnh bên trái: Cán bộ Đồn Biên Phòng Lũng Cú cùng bà con xã Ma Lé trao đổi cách thu hoạch quả chanh. Ảnh bên phải: Anh Vàng Chìa Ly, xã Thài Phìn Tủng đang cho đàn gà ăn.

Tại xã Lũng Táo, chúng tôi đến phòng làm việc của đồng chí Lầu Mí Pó, Bí thư Đảng ủy xã, trên bàn làm việc của anh là 3 chai mật ong được đóng gói rất cẩn thận, đẹp, có mẫu mã và quy cách rất chuyên nghiệp. Anh Lầu Mí Pó chia sẻ: "Đây là sản phẩm mật ong hoa bạc hà mà bà con Lũng Táo chúng tôi quyết tâm xây dựng thương hiệu để xóa đói, giảm nghèo".

Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để đói, nghèo đeo bám
Đời sống của bà con Lũng Táo ngày càng được nâng cao.

Xã Lũng Táo là xã thuộc biên giới của huyện Đồng Văn, tuy mọi thứ từ khí hậu đến thổ nhưỡng đều rất khó khăn, nhưng chúng tôi cùng bà con quyết tâm không để đói, nghèo đeo bám, mà phải vươn lên thúc đẩy phát triển và xây dựng kinh tế gia đình, góp phần xây dựng xã Lũng Táo ngày càng giàu hơn, trù phú hơn, để nuôi con em đi học, tiếp cận những tri thức mới về xây dựng quê hương. (Đồng chí Lầu Mí Pó, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn).

Với sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm chính trị cao nhất của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Hà Giang đã biến những khó khăn thành cơ hội phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Tốc độ tăng sản phẩm bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 5,94%; tỉnh đã giảm được 8.889 hộ nghèo và cận nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 37,08%, hộ cận nghèo còn 12,87%; các tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, nông nghiệp từng bước được phát huy và khai thác hiệu quả; lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ.

(Còn nữa)

  • Đảng bộ tỉnh Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 2: Không để đói, nghèo đeo bám
  • Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ
  • Ảnh: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN và CTV
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top