
Củng cố quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển vững chắc, ổn định, bền vững
-------------------***-------------------
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14 đến 15-4. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ tư của đồng chí Tập Cận Bình trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và là chuyến thăm lần thứ hai trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc; đặc biệt là diễn ra trong “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc”, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc (1950-2025).
-------------------***-------------------
Hai “thời kỳ vàng” của quan hệ Việt - Trung
Việt Nam-Trung Quốc là láng giềng gần gũi, núi liền núi, sông liền sông, nhân dân hai nước có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai nước, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, đã đặt nền móng cho quan hệ hai nước và được các thế hệ lãnh đạo hai bên dày công vun đắp.
Ảnh 1, ảnh 2: Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và nhân dân Trung Quốc chào mừng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu, thăm hữu nghị Trung Quốc, tháng 6-1955.
Ảnh 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông nâng ly chúc tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, tháng 8-1957. Ảnh 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông, ngày 2-11-1960 tại Bắc Kinh, trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 2 đến 4-11-1960.
75 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (18-1-1950 / 18-1-2025), quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc về tổng thể duy trì xu thế phát triển ổn định, tin cậy chính trị ngày càng được củng cố, tình cảm hữu nghị giữa người dân hai nước gắn kết chặt chẽ, hợp tác trên các lĩnh vực không ngừng đi vào chiều sâu thực chất, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ, trong tiệc chiêu đãi kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Việt Nam, từng chia sẻ rằng, có hai “thời kỳ vàng” trong quan hệ hai nước. Thời kỳ vàng đầu tiên là tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” đã đặt “gốc rễ” cho sự ra đời và phát triển của quan hệ hai nước. Thời kỳ vàng thứ hai là “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” đã tạo thêm động lực mới cho hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam thời đại mới.
Những nhận định trên của Đại sứ Hà Vĩ hoàn toàn đúng với thực tế của quan hệ hai nước trong 3/4 thế kỷ qua. Trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc đầy cam go, Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và Trung Quốc đã kề vai sát cánh, tương trợ lẫn nhau, “mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em” đã trở thành biểu hiện sinh động nhất của quan hệ hai Đảng, hai nước.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, hai nước học hỏi lẫn nhau, cùng nhau tiến lên, tiếp tục làm sâu sắc hợp tác chiến lược toàn diện, cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung trở thành đặc trưng rõ nét nhất của quan hệ hai Đảng, hai nước.
Kể từ khi hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đến nay, quan hệ song phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10-2022) và chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam lần thứ ba của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12-2023), hai bên đã nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” theo định hướng “6 hơn” bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng, từ đó mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ song phương.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (nay là Tổng Bí thư) Tô Lâm hồi tháng 8-2024, lãnh đạo chủ chốt hai Đảng, hai nước tiếp tục khẳng định việc phát triển quan hệ song phương là ưu tiên hàng đầu, lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại và ngoại giao láng giềng của Việt Nam và Trung Quốc, nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” giữa hai nước; qua đó tiếp thêm động lực duy trì đà phát triển tích cực của quan hệ song phương, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành hai bên, hình thành không khí hợp tác sôi động, thiết thực và thúc đẩy đạt nhiều thành quả thực chất trên các lĩnh vực.
Cùng với đó, quan hệ giao lưu, hợp tác trên kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội/Nhân đại, Mặt trận Tổ quốc/Chính hiệp và hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, hình thành nhiều cơ chế, chương trình hợp tác hiệu quả, thực chất.
Về đa phương, hai nước tăng cường điều phối, phối hợp trong các cơ chế đa phương quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), cũng như của khu vực như khuôn khổ Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS).
Hợp tác quốc phòng không ngừng được mở rộng
Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước, hợp tác quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc luôn được xác định là một trong những trụ cột quan trọng, không ngừng được mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, góp phần tích cực hiện thực hóa nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Trong đó, hai bên đã duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao như: Chuyến thăm Việt Nam của Thượng tướng Đổng Quân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc và đoàn đại biểu Quân đội Trung Quốc dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (tháng 12-2024); chuyến thăm Việt Nam của Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (tháng 10-2024); hay chuyến thăm các di tích lịch sử gắn với cách mạng Việt Nam tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) hồi tháng 10-2024 của đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) làm trưởng đoàn...
Trong các cuộc hội đàm, trao đổi, lãnh đạo Bộ Quốc phòng nước ta đều nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Trung Quốc trong các giai đoạn lịch sử; đặc biệt sự hy sinh anh dũng của các quân nhân, chuyên gia Trung Quốc đã hết mình vì tinh thần đoàn kết các dân tộc, vì tinh thần quốc tế cao cả. Thống kê cho thấy, có 1.460 chuyên gia Trung Quốc có công giúp cách mạng Việt Nam đã được an táng tại 30 nghĩa trang trên khắp đất nước Việt Nam. Với truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, từ nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chủ động chăm lo, tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang này; dự kiến thời gian tới sẽ lập hồ sơ các liệt sĩ Trung Quốc tại các nghĩa trang và tiến hành số hóa để lưu trữ lâu dài.
Hợp tác biên giới trên bộ tiếp tục được tăng cường, thúc đẩy và thực sự là một điểm sáng, trực tiếp góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Trong những năm qua, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công 8 cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc và hiện đã sẵn sàng cho Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 9 diễn ra từ ngày 16 đến 17-4 tới tại tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 9 năm 2025 là điểm nhấn kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước; góp phần cụ thể hóa nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng ngày càng thực chất hơn. Đặc biệt, hoạt động ý nghĩa này sẽ giúp tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền địa phương và nhân dân ở khu vực biên giới hai nước Việt Nam-Trung Quốc, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển”, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh.
Cùng với đó, hợp tác giữa hải quân, cảnh sát biển hai nước tiếp tục được thúc đẩy. Hợp tác trên các lĩnh vực như giáo dục-đào tạo, nghiên cứu chiến lược, trao đổi, nghiên cứu giữa các nhà trường, học viện quân sự, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, quân y... được triển khai thường xuyên, thiết thực, hiệu quả. Hai bên cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tham vấn và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương khu vực và quốc tế...
Những đối tác thương mại quan trọng
Bên cạnh thành tựu trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, thành tựu hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc những năm gần đây còn được thể hiện rõ nét qua những con số thống kê về hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư song phương.
Điển hình là về thương mại, năm 2024, Việt Nam duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc xét theo tiêu chí quốc gia (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Về đầu tư, năm 2024, Trung Quốc đứng đầu về số dự án cấp mới với 955 dự án, đứng thứ 3/110 đối tác đầu tư vào Việt Nam về số vốn với 4,73 tỷ USD (tăng hơn 3,05%). Lũy kế đến ngày 31-12-2024, Trung Quốc tiếp tục đứng thứ 6/148 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 5.111 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 30,83 tỷ USD, chiếm hơn 6,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế có đầu tư FDI và tại 55/63 tỉnh thành Việt Nam. Trong tháng 3-2025, Trung Quốc đứng thứ hai về tổng số vốn đăng ký, đạt 1,23 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,5%, chỉ đứng sau Singapore.
Hai bên đã hợp tác chặt chẽ trong việc lập Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Việt Nam phấn đấu xây dựng tuyến đường sắt này trong năm 2025 cũng như hoàn thành lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội trong năm 2026, qua đó góp phần tạo thuận lợi cho người dân hai nước qua lại cũng như thúc đẩy giao thương hàng hóa.
Về du lịch, năm 2024, Việt Nam đón 3,74 triệu lượt khách Trung Quốc (tăng 114% so với năm 2023), chiếm 21,26% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đứng thứ hai sau Hàn Quốc. Trong 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đón 1,58 triệu lượt khách Trung Quốc vào Việt Nam, tăng 178% so với cùng kỳ, đứng đầu trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam.
Nhân dân là cội nguồn sức mạnh
Diễn ra trong “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc”, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình góp phần tăng cường trao đổi chiến lược cấp cao, đặc biệt là tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, qua đó làm vững chắc hơn nữa nền tảng tin cậy chính trị, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị và phát triển đất nước, định hướng cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ song phương trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.
Bên cạnh các hoạt động chính như lễ đón, hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Việt Nam, một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là tham dự “Gặp gỡ hữu nghị nhân dân Việt Nam – Trung Quốc”. Đây là dịp để hai bên ôn lại những chặng đường và tri ân công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo tiền bối hai Đảng, hai nước đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ngày nay; cùng nhau đẩy mạnh hơn nữa hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch; phối hợp triển khai sâu rộng các hoạt động giao lưu hữu nghị, qua đó giúp cho các tầng lớp nhân dân hai nước hiểu biết đầy đủ hơn về văn hóa, đất nước, con người của nhau.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của thế hệ trẻ, những người tiếp bước cha anh, kế thừa, gìn giữ và không ngừng phát huy những giá trị tốt đẹp của tình hữu nghị truyền thống hai nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ tham dự Lễ khởi động “Hành trình đỏ: Nghiên cứu, học tập của thanh niên”.
Hiện nay, số lượng lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc đạt mức kỷ lục với khoảng 24.000 sinh viên, cao gấp đôi giai đoạn 5 năm trước và hiện có hơn 2.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Việt Nam. Trong những năm qua, nhiều chương trình, thỏa thuận hợp tác giáo dục đã được ký kết và triển khai thuận lợi, tạo điều kiện cho việc trao đổi lưu học sinh, sinh viên hai nước ngày càng sôi động. Bên cạnh đó, có nhiều hoạt động giao lưu thanh niên được tổ chức thường xuyên, như: Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung, các diễn đàn thanh niên, trại hè sinh viên…
Tin tưởng vào những “sứ giả văn hóa trẻ”, trong Chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam-Trung Quốc các thời kỳ” diễn ra cuối tháng 3 vừa qua tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi lời nhắn nhủ tới các thế hệ thanh niên cần nâng cao nhận thức sâu sắc về bề dày lịch sử, ý nghĩa quan trọng và tầm cao chiến lược của quan hệ Việt-Trung. Bên cạnh đó, thanh niên hai nước cần nỗ lực học tập, rèn luyện, vươn lên làm chủ khoa học-công nghệ để đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển lực lượng sản xuất mới ở mỗi nước, củng cố nền tảng vật chất của quan hệ hai nước…
Với niềm tin và hy vọng, chúng ta tin tưởng rằng chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tạo mốc son mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”; góp phần củng cố quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển vững chắc, ổn định, bền vững, đem lại lợi ích lớn hơn cho người dân mỗi nước.
- Nội dung: LINH OANH
- Ảnh: QĐND, TTXVN, SGGP, nhandan.vn
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC