
BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN TRONG CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ
Đại tá, Tiến sĩ NGUYỄN HỒNG HẢI
Trung tá VŨ VĂN DUY
Báo Quân đội nhân dân (QĐND) là cơ quan của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam. Sau 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành đã làm nên truyền thống quý báu của tờ báo-chiến sĩ, đơn vị 2 lần anh hùng. Những bước phát triển của Báo QĐND luôn gắn chặt với chặng đường lịch sử của QĐND Việt Nam và sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kỳ quyết liệt, với sự nhạy bén về chính trị và bản lĩnh của các nhà báo - chiến sĩ, Báo QĐND đã kịp thời cử các đoàn phóng viên tham gia các mặt trận, chiến trường, trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng bộ đội chiến đấu với quân thù. Từ các chiến trường, những bài viết nóng hổi hơi thở chiến sự của quân và dân ta được đăng tải kịp thời trên Báo QĐND đã góp phần động viên, củng cố ý chí, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Cuối năm 1974 đầu năm 1975, cục diện chiến trường ở miền Nam đã chuyển biến nhanh chóng và ngày càng có lợi cho ta. Trước tình thế mới, từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975, Bộ Chính trị họp và nhận định: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay”. Bộ Chính trị quyết định: “Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền trong thời gian 1975-1976 đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành công tác chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện chín muồi, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam Việt Nam”.
Nhạy cảm về chính trị, nắm chắc diễn biến tình hình chiến trường miền Nam, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, từ cuối năm 1974, tòa soạn Báo QĐND đã có chủ trương đưa nhiều phóng viên vào chiến trường, bám sát các mặt trận để làm tin, viết bài phản ánh, cổ vũ kịp thời cuộc chiến đấu.
Các phóng viên đi đợt đầu năm 1975 gồm: Tô Phương, Cao Tiến Lê, Trọng Lượng, Tô Vân, Thiều Quang Biên, Vũ Đạt, Trần Hữu Tòng, Anh Ngọc, Thanh Dục, Hà Đình Cẩn hoạt động chủ yếu ở Nam Bộ, Tây Nguyên và cực Nam Trung Bộ. Trong buổi gặp mặt giao nhiệm vụ cho các phóng viên vào chiến trường đợt này, Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước quán triệt: “Báo ta cử các đồng chí vào chiến trường. Đảng ủy và Ban biên tập đã lựa chọn các phóng viên có sức khỏe, nhanh nhạy và có sức viết nhanh để phản ánh cuộc chiến đấu”.
Đầu tháng 2-1975, Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước cùng các phóng viên Khánh Vân, Trần Ngọc, Nguyễn Thanh vào chiến trường Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đi suốt đường Hồ Chí Minh, qua Tây Nguyên vào tận núi Bà Đen (Tây Ninh) rồi trở ra Quảng Trị, Tổng biên tập và các phóng viên đã trực tiếp chứng kiến những gì đã xảy ra ở chiến trường vào thời kỳ đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Sau chuyến đi, phóng sự dài “Từ núi Bà Đen đến Thành cổ Quảng Trị” đã ra đời. Đây là kết quả lăn lộn ở chiến trường hàng tháng và nội dung của nó đã được độc giả đánh giá cao, có sức thuyết phục, cổ vũ tinh thần xốc tới Sài Gòn, giành toàn thắng
Đầu tháng 3-1975, hai phóng viên Trần Bá Đạo, Lê Liên được cử vào chiến trường Trị - Thiên. Sau đợt này còn nhiều đợt khác, phóng viên của báo tiếp tục vào chiến trường. Với sự có mặt đông đảo phóng viên của báo tại chiến trường, tình hình chiến sự ở miền Nam được phản ánh khá đậm nét, nhất là từ chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Sau một tháng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, đến ngày 6-4-1975, ta đã giải phóng hoàn toàn 16 tỉnh, 5 thành phố. Báo QĐND sôi động bởi những tin chiến thắng liên tiếp. Ngày 7-4-1975, báo đăng thông báo của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam tổng hợp một tháng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ cùng 1 bản đồ lớn kín cả trang 4. Đây là một bước nhảy vọt lớn của cách mạng miền Nam đúng như xã luận của báo ngày 7-4 đã viết: “Suốt 30 ngày qua, bão táp cách mạng đã dấy lên khắp rừng núi, đồng bằng, nông thôn và thành thị của miền Nam... Chỉ trong 30 ngày, 5 thành phố cùng 16 tỉnh trải rộng hơn 3/5 đất đai của toàn miền Nam đã hoàn toàn giải phóng... Cách mạng miền Nam đang tiến với tốc độ một ngày bằng nhiều năm...”.
Ngày 30-4, trong các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, có mặt cán bộ, phóng viên Báo QĐND. Nguyễn Trần Thiết, Mạnh Hùng, Hải Nam, Trọng Lượng, Cao Tiến Lê, Vũ Đạt, Thiều Quang Biên... đã đến dinh Độc Lập. Ghi nhanh “Sài Gòn trong những giờ phút lịch sử” chuyển ra tòa soạn bằng con đường điện báo. Đến 23 giờ ngày 1-5-1975, bài có ở tòa soạn. Đồng chí Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước cùng đồng chí Hồng Phương sửa chữa đến 1 giờ ngày 2-5 để đưa xuống nhà in kịp ra báo, số quan trọng nhất mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng (2-5-1975). Các bài khác về giờ phút lịch sử trọng đại này của phóng viên báo gửi về đăng lần lượt trên các số tiếp theo của Báo QĐND, Báo Nhân Dân và một số báo, tạp chí khác, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu khát khao thông tin của bộ đội và nhân dân cả nước về chiến thắng của quân và dân ta ở miền Nam và những ngày đầu tiên Bắc, Nam sum họp.
Bài và ảnh của Báo QĐND phản ánh đại thắng mùa Xuân 1975 có chất lượng tốt, kịp thời, lượng thông tin cao, làm cho tờ báo trở nên độc đáo, được cấp trên và bạn đọc khen ngợi, gây được sự hào hứng, sôi nổi trong quân và dân ta. Chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta được cả thế giới hết lời ca ngợi, bản thân kẻ thù (cả Mỹ và ngụy) cũng phải thừa nhận. Báo khai thác cả những lời thú nhận của cá nhân trong bộ máy cầm quyền của Mỹ-ngụy làm tăng tính thuyết phục về thắng lợi mà chúng ta đã đạt được.
Không dừng lại ở Sài Gòn, các phóng viên như: Phạm Phú Bằng, Nguyễn Đức Toại, Phan Hiền, Vũ Ba đã thẳng tiến xuống Cà Mau, mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Nhiều phóng viên khác của báo cũng có mặt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ra Côn Đảo, Phú Quốc, chứng kiến giờ phút trọng đại của dân tộc tại các vị trí tiền tiêu với nhiều bài phóng sự và loạt ảnh đầy sức thuyết phục. Đặc biệt, Nguyễn Thắng, Nguyễn Khắc Xuể là các phóng viên đầu tiên có mặt tại quần đảo Trường Sa.
Sau thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong niềm vui chiến thắng, Báo QĐND còn dành nhiều số liên tiếp đăng tin, bài, ảnh về tổng tiến công, giải phóng Sài Gòn và các tỉnh, thành phố khác ở miền Nam .
Báo QĐND luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và Quân đội, là một trong những tờ báo chủ lực, quan trọng của nền báo chí cách mạng Việt Nam, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Báo QĐND thể hiện vai trò là lực lượng tinh nhuệ trên mặt trận chính trị, tư tưởng-văn hóa ở những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, Báo QĐND luôn quán triệt, thực hiện và tổ chức hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Quân đội, lấy chính trị là “linh hồn”, là mạch nguồn, là mục tiêu xuyên suốt trong công tác thông tin, tuyên truyền. Tích cực, chủ động triển khai hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền đường lối cách mạng, đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Báo chuyển đường lối, niềm tin, quyết sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân một cách chính xác, sắc bén và thuyết phục. Báo tuyên truyền, cổ vũ mạnh mẽ, bền bỉ và sáng tạo cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, thực hiện chân lý, mệnh lệnh của Tổ quốc: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Trong vai trò “tổ chức hành động tập thể”, các phong trào, các điển hình, các mũi tiến công báo đã nêu thực sự có sức thuyết phục, cuốn hút đồng bào và chiến sĩ, tạo nên các cao trào hành động, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Thứ hai, đội ngũ nhà báo-chiến sĩ dấn thân, trách nhiệm, xung kích nơi tuyến đầu. Báo QĐND là một cơ quan của Quân đội nên những người làm báo hầu hết là các sĩ quan đều nắm chắc nhiệm vụ, cơ chế hoạt động cùng môi trường đặc thù của quân đội, tâm lý của cán bộ, chiến sĩ. Trong chiến tranh, phóng viên của báo cũng thường xuyên học tập, rèn luyện các kiến thức, kỹ năng quân sự, rèn luyện sức khỏe để sẵn sàng hành quân xa, đến với các chiến trường, các trận địa, bám sát bước chân chiến sĩ. Nhiều phóng viên của Báo QĐND có mặt tại các chiến trường đã kịp thời ghi lại những chiến công oanh liệt của quân và dân ta bằng những bài tường thuật, ghi chép và nhiều bức ảnh sinh động. Tòa soạn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đưa tin, đăng bài, bản đồ chiến sự kịp thời, đầy đủ nhất về chiến thắng của quân và dân ta. Ban biên tập căn dặn các phóng viên phải gửi bài ra tòa soạn nhanh nhất.
Có những phóng viên viết báo ngay cả trong lúc bị thương, lúc ốm đau. Bản lĩnh, phong cách của những người làm báo là nhân tố quyết định trực tiếp chất lượng của tờ báo. Tờ báo chính trị-quân sự đòi hỏi trước hết mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên phải có trình độ chính trị vững vàng. Mọi vấn đề, sự kiện, hiện tượng đưa lên mặt báo đòi hỏi phải được nhìn bằng con mắt chính trị. Lời dạy của Bác Hồ: “Viết cho ai, viết để làm gì” luôn là điều những người làm báo Báo QĐND phải nằm lòng, phải cân nhắc, suy tính trước mọi quyết định của mình. Hiện thực cuộc sống vốn đa dạng, không dễ nắm bắt, nhận thức của mỗi người viết cũng rất có thể khác nhau nhưng vì nhiệm vụ chung, vì tờ báo, mỗi người đều phải đặt cách nhìn của mình trong cách nhìn đúng đắn của tờ báo, quan điểm của Đảng, lợi ích của quân đội, đất nước và nhân dân.
Thứ ba, Báo QĐND phát huy các thế mạnh, điểm mạnh truyền thống, xuất phát từ vị trí, chức năng cũng như thực tế lịch sử, báo luôn xác định đúng những trọng tâm tuyên truyền trong từng giai đoạn, từng thời điểm và có cách làm phù hợp, đạt hiệu quả cao. Tuyên truyền quyết tâm dám đánh, biết đánh, quyết thắng trong kháng chiến được báo thể hiện bằng những vệt đợt lớn với nhiều điểm nhấn, nhiều thể loại bài. Đặc biệt, báo luôn đề cao việc tuyên truyền về những tập thể, cá nhân điển hình, góp phần tích cực tạo nên những phong trào hành động cách mạng trong lực lượng vũ trang và nhân dân. Báo cũng chú trọng giới thiệu những kinh nghiệm hay, những tấm gương tốt trong, chiến đấu, công tác của các đơn vị, trong cuộc sống đất nước.
Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, Báo QĐND đã bám sát đường lối cách mạng của Đảng trong từng thời kỳ, thực hiện tốt vị trí, vai trò là cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ường, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng và vũ trang nhân dân Việt Nam. Để hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh toàn diện, trong đó vững mạnh về chính trị là cơ sở, Báo QĐND cần quán triệt và thực hiện tốt một số vấn đề trọng tâm sau:
Thứ nhất, trong mọi điều kiện hoàn cảnh phải luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội; kiên định với đường lối đổi mới của Đảng. Mọi hoạt động thông tin, tuyên truyền của báo đều hướng tới cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta triển khai thực hiện thắng lợi cương lĩnh, nghị quyết, chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước; tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Quân đội và nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng; truyền thống, bản chất tốt đẹp của QĐND Việt Nam và phẩm chất, giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ; truyền thống anh hùng của các lực lượng, quân chủng, binh chủng trong toàn quân. Tích cực tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua quyết thắng gắn với các cuộc vận động lớn của đất nước, Quân đội phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, từng giai đoạn lịch sử.
Lấy thông tin tích cực, nhân văn, tiến bộ là dòng thông tin chủ lưu trong các sản phẩm, ấn phẩm, tác phẩm báo chí; chủ động tìm tòi, phát hiện, tôn vinh, cổ vũ những điển hình tiên tiến, những mô hình hay, cách làm tốt trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Qua đó, lan tỏa những thông tin tốt đẹp trong xã hội, đồng thời khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, trao truyền năng lực tinh thần tích cực cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, phát huy vai trò tiên phong, xung kích đi đầu và là lực lượng mũi nhọn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tích cực tham gia phòng, chống suy thóai về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống “diễn biến hòa bình” và thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội; làm tốt vai trò dẫn dắt thông tin, định hướng dư luận xã hội, góp phần kiến tạo môi trường thông tin lành mạnh, qua đó tăng cường sự đồng thuận xã hội và củng cố, bồi đắp niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, tuyên truyền hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị và cơ quan chính trị các cấp trong việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với QĐND Việt Nam; chú trọng tuyên truyền Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam. Đồng thời, tích cực thông tin, tuyên truyền các cấp ủy, tổ chức đảng trong Quân đội triển khai, thực hiện nhiệm vụ, giải pháp xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, trong đó lấy xây dựng vững mạnh về chính trị là cơ sở gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu và xây dựng, giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của Quân đội và Bộ đội Cụ Hồ.
Thứ năm, tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên có lập trường cách mạng kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, thể hiện rõ vai trò nhà báo - chiến sĩ. Thực hiện tốt nhiệm vụ này thể hiện vị thế, vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng trong Quân đội, mà còn là tiền đề, cơ sở để góp phần bảo vệ, giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng trong mọi hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các ấn phẩm, tác phẩm báo chí.
- Ảnh: TTXVN, Tư liệu, Báo Quân đội nhân dân
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC