
Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 3: Đổi mới cùng nhịp đập sôi động của cuộc sống
Ngày 30-4-1975, đất nước ta thống nhất, đời sống thời chiến chuyển sang thời bình. 10 năm sau đó, trước khi tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước gặp muôn vàn khó khăn; nghèo đói, lạc hậu bao trùm; sự chủ quan, tình trạng quan liêu, duy ý chí trong điều hành, vận hành xã hội khiến đời sống ngột ngạt. Hiện thực cuộc sống biến đổi muôn hình vạn trạng và khắc nghiệt này vô tình trở thành cảm hứng và chất liệu cho sáng tạo nghệ thuật. Bằng trực giác nhạy bén, văn nghệ sĩ đã sớm nhận thức rằng: Nếu không thay đổi con đường sáng tạo, họ sẽ tự mình đánh mất công chúng…
Thế hệ văn nghệ sĩ sống ở thời đại nào đều có sứ mệnh riêng, chỉ có thể đánh giá họ có hoàn thành sứ mệnh thông qua tác phẩm để lại cho đời. Thế hệ văn nghệ tiền chiến đã có công hiện đại hóa văn hóa, văn nghệ Việt Nam hòa nhập với thế giới; thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành trong chiến tranh cũng hoàn thành xuất sắc sứ mệnh phục vụ mục tiêu cao cả của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc. Nối tiếp họ là một thế hệ chỉ khẳng định tài năng sau năm 1975. Những vấn đề hiện thực đất nước hậu chiến, những biến đổi nhân tình thế thái bởi công cuộc đổi mới từ kinh tế kế hoạch hóa quan liêu sang kinh tế thị trường sôi động đã tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm của văn nghệ sĩ.
Những năm sau chiến tranh, văn học vẫn ở vị trí trung tâm đời sống văn hóa. Nhà văn được ví như “cá gặp nước”, khi ý thức tự vấn trong văn chương gặp đúng thời điểm thuận lợi, trở thành tiếng nói của một thế hệ, góp phần làm nên thành công của văn học đổi mới.
Trong “trận đánh mở đường” đổi mới văn chương, nhà văn Lê Lựu (1942-2022), theo nhận xét của nhà phê bình Bùi Việt Thắng, là “người lính xung kích”, người đã cho thấy sự thay đổi rõ nét trong cách nhìn cuộc sống và con người. Và “Thời xa vắng” (1984) có lẽ là ví dụ điển hình. Dù được viết theo lối cũ, cốt truyện không ly kỳ, không có cao trào, không có nhân vật phản diện, nhưng “Thời xa vắng” lại có sức hút mãnh liệt bởi cách nhà văn tấn công trực diện vào cái cũ, cái lỗi thời, lạc hậu và trên hết là bởi sự chân thực của nó. Thực đến nỗi mà nhiều người đã cảm thấy phảng phất bóng hình của mình trong đó. Nhà văn Lê Lựu từng chia sẻ, câu chuyện của nhân vật Giang Minh Sài không chỉ là câu chuyện của chính cuộc đời ông mà còn là câu chuyện của nhiều người cùng thế hệ.
Vẫn viết về người lính, nhưng anh lính Giang Minh Sài trong “Thời xa vắng” không phải là người lính xông pha nơi “hòn tên mũi đạn”, đổ máu nơi chiến trường, mà là người lính phải chiến đấu với chính bản thân mình, bị bó buộc bởi những lề thói, quy định cứng nhắc. Anh lính trẻ khát khao về hạnh phúc riêng tư tạo nên sự đấu tranh, giằng xé trong chính con người anh. Sài phải đấu tranh giữa khát vọng tình yêu và hạnh phúc cá nhân với một bên là lề thói ấu trĩ; giữa một bên là “điều mình mong muốn”, bên kia là “điều người khác muốn”.
Sau “Thời xa vắng”, văn học nước nhà tiếp tục đón nhận những tác phẩm cho thấy sự thay đổi đáng kể cách nhìn của người cầm bút với hiện thực như: “Bến không chồng” (Dương Hướng), “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (Nguyễn Khắc Trường)…
Nhà văn nói riêng và văn nghệ sĩ thời kỳ sau năm 1975 thực sự xứng đáng với danh xưng “người thư ký của thời đại”. Bằng trực giác nghệ thuật, họ đã phản ánh được những góc khuất của xã hội hậu chiến, những bức bối cơ chế cũ kìm hãm sự phát triển của đất nước trước thời điểm Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới tại Đại hội Đảng lần thứ VI (1986).
Tại cuộc gặp mặt giữa Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với 100 văn nghệ sĩ, nhà văn hóa diễn ra trong hai ngày 6 và 7-10-1987, người đứng đầu Đảng ta khi đó thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng trong văn hóa văn nghệ chưa phát huy tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ: “Nghe các đồng chí phát biểu tôi cũng không ngờ rằng trong lĩnh vực này cũng có kiểu quản lý hành chính bao cấp, tới đây phải sửa chữa và phải xây dựng những văn bản pháp quy nhằm bảo đảm sự phát triển cho ngành các đồng chí”.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cho rằng văn nghệ sĩ bằng tài năng của mình phải tự “cởi trói”: “Một mặt khác, tôi nghĩ, trong lĩnh vực của các đồng chí, không thể có ai khác hơn là các đồng chí phải tự làm. Hồi sáng, nhân có ý kiến đồng chí nào đó phát biểu, tôi có nói chen vào “Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu” là trên ý nghĩa như vậy. Chính các đồng chí cũng đòi hỏi rằng trong lĩnh vực của các đồng chí, không được áp đặt mọi công việc như đặt con tàu chạy trên đường ray, các đồng chí cần được tự do lo liệu cho các công việc của mình. Nếu như trong lĩnh vực kinh tế hiện nay cần phát huy dân chủ cho người sản xuất thì ở lĩnh vực của các đồng chí, các đồng chí cũng phải làm chủ”.
Từ cuộc gặp lịch sử kể trên, đội ngũ văn nghệ sĩ đều có cảm giác đã bắt đầu bước sang một thời kỳ khác…
Những năm 1980 là thời đại hoàng kim của kịch nói; bởi lẽ môi trường xung đột mới-cũ thời hậu chiến phù hợp với đặc tính của kịch nói là khai thác xung đột, căng thẳng. Người viết kịch đã nói hộ cho tâm sự, băn khoăn của công chúng về xã hội đang “trở dạ”, cái cũ lạc hậu nhường chỗ cho bao điều mới mẻ. Vì thế, nhiều người có lý khi nói vui: Kịch nói những năm 1980 không khác nào “cập thời vũ” (mưa đúng lúc). Những mầm mống xung đột cũ-mới đã được những người nghệ sĩ, bằng khả năng quan sát tinh tế cùng với trách nhiệm công dân, biến thành chất liệu cho hàng loạt vở kịch kinh điển. Trong các kịch tác gia những năm tháng sôi động nhất, Lưu Quang Vũ (1948-1988) là một ông hoàng không ngai.
Giới nghiên cứu đến tận bây giờ vẫn tiếp tục lý giải sức hấp dẫn lâu bền của kịch Lưu Quang Vũ. Không ít ý kiến cho rằng, yếu tố thời đại đã chắp cánh cho những thành công của kịch Lưu Quang Vũ. Tham gia đời sống văn nghệ từ thơ, truyện ngắn, Lưu Quang Vũ đã cho thấy tài năng văn chương, tâm hồn nhạy cảm của một người nghệ sĩ, khả năng quan sát, nắm bắt hiện thực, phát hiện những mâu thuẫn trong hiện thực. Trong bối cảnh cơ chế kinh tế kế hoạch hóa bộc lộ những hạn chế cần phải được thay đổi, xung đột mới-cũ đan xen đầy kịch tính, tài năng của ông chẳng khác nào gặp “thiên thời”. Cùng với trái tim luôn đau đáu muốn nói hết sự thật về đất nước của mình, Lưu Quang Vũ đã sử dụng kịch như là phương tiện để ông thể hiện tài năng cũng như bao suy tư về cuộc sống.
Kịch của Lưu Quang Vũ có sức hấp dẫn không gì cưỡng lại, khi suất chiếu nào của ông cũng cháy vé. Trong bối cảnh nhiều đoàn kịch sống dở, chết dở vì chuyển đổi mô hình hoạt động, những tác phẩm của Lưu Quang Vũ được ví như “cứu tinh”. Trong vòng 8 năm gắn bó với kịch, Lưu Quang Vũ liên tiếp cho ra đời hơn 50 đứa con tinh thần và tác phẩm nào cũng “làm mưa làm gió”, tạo nên sự nhộn nhịp, tưng bừng, náo nhiệt sân khấu trong Nam ngoài Bắc.
Có ý kiến cho rằng, điều tạo nên sức hút trong kịch Lưu Quang Vũ chính là cách ông khéo léo lồng ghép những vấn đề nhức nhối của xã hội vào kịch bằng cách tổ chức ngôn ngữ để tạo ra những câu thoại “đắt giá”, vừa dí dỏm vừa sâu sắc cho từng nhân vật. Từng lời thoại, màn “đấu khẩu”, từng lớp diễn trên sân khấu…trong “Tôi và chúng ta”, “Bệnh sĩ”, “Lời thề thứ 9”… như “gãi đúng chỗ ngứa” của công chúng, nói lên những “điều ai cũng biết đó là gì” nhưng không ai dám lên tiếng hoặc không có điều kiện để lên tiếng, khiến ai cũng háo hức đi xem để được khóc-cười, vui-buồn cùng nhân vật và suy ngẫm về những triết lý sâu xa đằng sau mỗi vở.
“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một ví dụ. Mượn tích truyện dân gian ngắn và đơn giản, Lưu Quang Vũ đã phát triển thành vở kịch với nhiều tình huống xung đột, từ đó gián tiếp phản ánh những vấn đề nhức nhối trong xã hội. Thông qua sai lầm của Nam Tào khiến Trương Ba phải chết khi số còn chưa tận, Lưu Quang Vũ đã bóng gió cung cách làm việc tắc trách, quan liêu, làm “phiên phiến”, “đại khái”, “làm ào cho xong”, vô trách nhiệm, duy ý chí lúc bấy giờ. Không giống như cái kết đẹp trong truyện cổ tích rằng Trương Ba sống lại viên mãn trong cái xác anh hàng thịt, Lưu Quang Vũ đã đẩy câu chuyện trở nên kịch tính hơn khi hồn và xác đấu tranh, dằn vặt, đối chất. Sự giằng xé đó cũng chính là cuộc chiến của những con người hiền lành, trong sáng để không bị sa ngã trước những cám dỗ. Những vấn đề được Lưu Quang Vũ đề cập cách đây hàng thập kỷ vẫn là vấn đề nhức nhối trong xã hội đương đại, nơi mà con người vẫn phải đấu tranh để bảo vệ cái tốt đẹp trong mình.
Về triết lý sâu sắc về sự vay mượn thân xác của hồn Trương Ba, PGS, TS, nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ, em gái nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhận xét: “Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được. Sống vay mượn, chắp vá, không có sự hài hòa giữa hồn và xác chỉ đem lại bi kịch cho con người. Cuộc sống chỉ có giá trị khi con người được sống đúng là mình, được sống trong một thể thống nhất”.
Ngoài Lưu Quang Vũ, kịch thời kỳ này cũng có sự góp mặt của nhiều tên tuổi như Vũ Dũng Minh (“Đôi mắt”), Xuân Trình (“Thời tiết ngày mai”, “Mùa hè ở biển”), Nguyễn Đình Thi (“Người đàn bà hóa đá”), Võ Khắc Nghiêm - Doãn Hoàng Giang (“Nhân danh công lý”)... Tuy nhiên, tài năng Lưu Quang Vũ nổi trội không chỉ bởi gia tài đồ sộ mà ông để lại, mà còn tính dự báo, tính đối thoại, triết lý đằng sau mỗi tác phẩm.
Trong lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm có sức sống vượt thời gian. Với cách tư duy mới, đầy sáng tạo, đạo diễn người Huế đã không những tạo những tác phẩm điện ảnh kinh điển mang tính nghệ thuật đích thực cho điện ảnh nước nhà mà còn góp phần mang câu chuyện của người Việt Nam đến với thế giới.
Công việc ban đầu của Đặng Nhật Minh là phiên dịch tiếng Nga trong ngành điện ảnh. Dù không trải qua trường lớp chính quy nào về điện ảnh nhưng nhờ quá trình tự học, đã tạo nên một Đặng Nhật Minh khác biệt. Vị đạo diễn từng chia sẻ, ông đến với điện ảnh bắt đầu bằng một sự tình cờ. Người họ hàng thân thuộc am hiểu lĩnh vực văn học nghệ thuật là nhà sử học Nguyễn Hồng Phong, không chỉ giúp trang bị cho Đặng Nhật Minh những kiến thức cần thiết mà còn tập cho ông cách tư duy bằng hình ảnh, cách nhìn sự vật - phẩm chất không thể thiếu của người làm điện ảnh. Với ông, hành trang quan trọng nhất khi bước vào điện ảnh là cái thế giới quan, cái cảm quan thẩm mỹ riêng, mà “không có cái đó, người đạo diễn chỉ là một người thợ”.
Sau 12 năm làm phiên dịch, Đặng Nhật Minh được mời về hãng phim truyện làm phó đạo diễn, rồi lên làm đạo diễn chính. Tuy nhiên, việc làm phim theo kịch bản được định hướng về mặt nội dung dần khiến ông không mấy mặn mà. Một hôm khi đang ngồi uống nước chè trong quán nước ven đường, ông tình cờ gặp nhà nghiên cứu triết học và văn học Vũ Hoàng Địch (bạn của nhà sử học Nguyễn Hồng Phong), người đã khuyên ông rằng: “Sao cậu không tự viết kịch bản để làm, viết cái gì cậu thích. Cái truyện ngắn “Thị xã trong tầm tay” của cậu tớ vừa đọc trên Báo Văn nghệ. Cái đó làm phim được. Đấy là cinéma chứ còn gì nữa”. Và thế là bộ phim “Thị xã trong tầm tay” ra đời năm 1983. Dù không có sự gào thét của bom đạn, nhưng người xem vẫn có thể cảm nhận rõ được sự mất mát, đau thương, và đó là một cách nhìn mới, một thứ ngôn ngữ mới chưa từng thấy trong các phim Việt Nam từ trước đến nay.
Xem phim Đặng Nhật Minh có thể nhận thấy, cách kể câu chuyện trong “Thị xã trong tầm tay” mở ra lối đi riêng mà ông đã chọn, đó là kể những câu chuyện bình dị, làm cho người xem cảm động. Thông qua số phận của Duyên trong “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1985), người đã nhận hung tin chồng đã hy sinh sau một lần đi thăm anh, người xem nhận thấy rằng, người đau khổ, mất mát không chỉ riêng người cầm súng xông pha nơi chiến trường, mà còn cả những người ở hậu phương. Nỗi đau đó đại diện cho nỗi đau của biết bao người phụ nữ hóa “hòn vọng phu” trong thời chiến, cùng với đó là những mất mát đau thương của những gia đình có con ra đi không bao giờ trở về.
Hay như qua số phận của Nguyệt trong “Cô gái trên sông” (1987), người xem nhận ra rằng, trong sự biến đổi của cuộc sống, bên cạnh những trở về sau chiến tranh vẫn giữ nguyên phẩm chất tốt đẹp của người lính, còn có những người tha hóa, sa vào lối sống vật chất tầm thường mà quên đi ơn nghĩa của nhân dân, những người đã từng nuôi dưỡng, chở che, đùm bọc, cưu mang, thậm chí mạo hiểm cả tính mạng để cứu mạng họ trong thời kỳ kháng chiến.
Hay như những câu chuyện sau lũy tre làng trong “Thương nhớ đồng quê” (1995), Đặng Nhật Minh phơi bày những thay đổi có phần khắc nghiệt của nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đầu hội nhập, đó là hình ảnh trai tráng bỏ lên thành thị. Qua những cảnh quay chậm về cuộc sống của người dân, Đặng Nhật Minh còn cho thấy được một lát cắt về làng quê Việt Nam, nơi con người và tự nhiên hòa quyện, tình người được gắn kết.
Không chỉ có sức hấp dẫn với khán giả Việt, những bộ phim của Đặng Nhật Minh còn được khán giả thế giới đón nhận. Năm 1985, “Bao giờ cho đến tháng Mười” được chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Hawaii và khiến nhiều khán giả rơi lệ. Qua những câu chuyện dung dị, đời thường, họ hiểu hơn về số phận của con người Việt Nam và nhận ra người dân Việt Nam đẹp, hiền hậu chứ không như họ từng hình dung. Bộ phim đã nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, đặc biệt được kênh truyền hình nổi tiếng CNN (Mỹ) tôn vinh là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại.
Từ những bộ phim tạo ra tiếng vang lớn, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã cho thấy một điều rằng: Dù không kỹ xảo cầu kỳ, vốn đầu tư lớn nhưng điện ảnh Việt Nam vẫn thừa sức vươn ra thế giới bằng cách kể những câu chuyện của người Việt Nam thông qua lối kể dung dị, nhẹ nhàng.
Nếu lấy mốc đổi mới văn học nghệ thuật Việt Nam gắn công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng (1986) thì thời gian cũng đã gần 40 năm. Những nỗ lực cách tân lớn lao đó đã góp phần định hình khuôn mặt văn nghệ đương đại hôm nay. Nhìn lại để bước tiếp, liệu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta có thể trông đợi vào một lần đổi mới văn nghệ tiếp theo hay không? Theo PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam: Yếu tố quyết định nhất vẫn là tài năng và bản lĩnh của văn nghệ sĩ.
Phóng viên: Từ thực tiễn nghiên cứu văn nghệ Việt Nam hiện đại, ông có đánh giá như thế nào về đội ngũ văn nghệ sĩ thời kỳ hậu chiến?
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Từ dấu mốc 30-4-1975 đến nay, văn học nghệ thuật Việt Nam có một đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu, giàu khát vọng. Bên cạnh những nghệ sĩ lão thành là những nghệ sĩ trẻ được sinh ra và lớn lên trong thời bình, bắt đầu con đường nghệ thuật trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế. Phần lớn các nghệ sĩ đều có ý thức sâu sắc về trách nhiệm xã hội và trách nhiệm nghệ thuật, nỗ lực đổi mới, sáng tạo để đưa văn học nghệ thuật Việt Nam nhanh chóng bắt kịp nhịp điệu nghệ thuật hiện đại của thế giới.
Đóng góp quan trọng nhất của văn nghệ sĩ Việt Nam sau năm 1975 là cố gắng thể hiện chân thực, sinh động những “thay da, đổi thịt” của đất nước và khát vọng hùng cường của cả một dân tộc trên tinh thần nhân văn hiện đại. Chưa bao giờ đời sống văn học nghệ thuật lại phong phú, đa dạng như giai đoạn này. Văn học nghệ thuật đã đem đến cho công chúng nghệ thuật nhiều sản phẩm mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc. Những tìm tòi, đổi mới của họ, kể cả thành công hay thất bại đều rất đáng trân trọng vì họ xứng đáng là những người “mở đường” cho tiến bộ của nghệ thuật. Trong thành tựu chung của văn học nghệ thuật Việt Nam sau 1975, cũng cần ghi nhận đóng góp quý báu của văn nghệ sĩ người Việt hiện đang sinh sống và hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài. Mặc dù sống xa Tổ quốc nhưng phần lớn họ đều có ý thức hướng về nguồn cội, thể hiện tình yêu quê hương xứ sở qua những tác phẩm nghệ thuật đầy tâm huyết của mình.
Phóng viên: Qua nửa thế kỷ, những biến đổi của xã hội Việt Nam đã tác động thế nào đến văn học nghệ thuật thời kỳ này?
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Đúng là trong nửa thế kỷ qua nhân loại đã trải qua nhiều biến đổi chóng mặt. Chiến tranh Lạnh kết thúc, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, dân chủ xã hội và sự bùng nổ của công nghệ truyền thông hiện đại là những nhân tố cơ bản tạo nên khuôn diện của thế giới đương đại. Một mặt, Việt Nam vừa chịu những tác động to lớn trên bàn cờ địa chính trị thế giới, mặt khác, vừa phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thời hậu chiến. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua khủng hoảng kinh tế và tình trạng bị bao vây, cấm vận kéo dài.
Chủ trương đổi mới của Đảng (1986) và bản lĩnh, ý chí tự cường của dân tộc đã khai thông thế bế tắc, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Tất cả những biến đổi trên đây đều tác động sâu sắc đến đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà. Tất nhiên, đó không phải là kiểu tác động cơ học, tức thời, mà thẩm thấu qua nhiều tầng mức khác nhau, đặc biệt là thẩm thấu qua bộ lọc văn hóa để hình thành hệ giá trị mới. Có thể nhận thấy những tác động này qua các phương diện chính sau đây:
Thứ nhất, dân chủ xã hội mở rộng, tinh thần “nhìn thẳng sự thật”, “nói thẳng sự thật” đã góp phần mài sắc ý thức cá nhân và giải phóng cá tính sáng tạo của nghệ sĩ. Chiến tranh đã khép lại, đời sống nghệ thuật Việt Nam sau 1975 cũng thực hiện bước chuyển từ mĩ học thời chiến sang mĩ học thời bình. Ý thức mĩ học mới và hệ sinh thái tinh thần đương đại đòi hỏi các loại hình nghệ thuật phải tái hiện đời sống từ những hệ quy chiếu thẩm mĩ mới, đề cao giá trị nhân văn hiện đại, hướng tới con người, vì con người.
Thứ hai, kinh tế thị trường đòi hỏi văn học, nghệ thuật vận hành theo một chu trình khác hẳn mô hình kinh tế quan liêu bao cấp trước đây. Công chúng nghệ thuật trở thành “thượng đế” trong mối quan hệ cung - cầu. Muốn tồn tại, văn nghệ sĩ bắt buộc phải thay đổi tư duy, đa dạng hóa “thực đơn” tinh thần nhằm thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu người đọc hiện đại. Trong thời đại tiêu dùng, văn hóa đại chúng (popular culture) phát triển mạnh. Cần thấy rằng, sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật đại chúng nằm trong logic của văn hóa đương đại, vì thế không thể hạn chế hoặc cấm cản nó. Nhưng sự bùng nổ quá mức của loại hình nghệ thuật này rất dễ dẫn tới nguy cơ làm suy yếu văn nghệ tinh hoa. Đây là điều chúng ta cần suy tính để tạo ra sự phát triển hài hòa.
Thứ ba, sự bùng nổ của công nghệ và truyền thông hiện đại đã mở ra những tương tác nghệ thuật mới khác hẳn mô hình sản xuất - lưu thông - tiêu dùng nghệ thuật truyền thống. Trong bối cảnh văn hóa đương đại, bên cạnh sự đầu tư của Chính phủ, việc xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật là hết sức cần thiết. Mặt khác, phát triển công nghiệp văn hóa chính là con đường khuếch đại tiềm lực và sự năng sản của văn hóa, khiến cho các sản phẩm văn hóa và văn học nghệ thuật vừa thỏa mãn hiệu quả xã hội vừa đạt hiệu quả kinh tế. Công nghiệp văn hóa chính là biểu hiện sinh động của kinh tế tri thức: Văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa.
Thứ tư, tiến trình toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế. Cùng với sự bùng nổ của Internet và truyền thông hiện đại, nhiều trào lưu tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật hiện đại của thế giới, đặc biệt là chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại đã ảnh hưởng đến đời sống văn nghệ Việt Nam một cách nhanh chóng. Tất nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực là những tác động tiêu cực. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải chủ động tiếp thu, tiếp biến, xử lý tốt mối quan hệ truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại để phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách hiệu quả.
Phóng viên: Tinh thần đổi mới của văn nghệ sĩ sau năm 1975 giống và khác gì so với thế hệ tiền chiến trước năm 1945?
Dân chủ xã hội mở rộng, tinh thần “nhìn thẳng sự thật”, “nói thẳng sự thật” đã góp phần mài sắc ý thức cá nhân và giải phóng cá tính sáng tạo của nghệ sĩ.
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Điểm giống nhau cơ bản giữa thế hệ các nghệ sĩ tiền chiến trước 1945 và thế hệ nghệ sĩ sau 1975 là họ đều mang trong mình lòng yêu nước thiết tha, tinh thần dân tộc sâu sắc và khát vọng cống hiến cho nghệ thuật. Điểm khác biệt lớn nhất là ở chỗ các văn nghệ sĩ tiền chiến phải trải qua những năm tháng “nhận đường” quyết liệt để xác lập “đôi mắt” mới. Vấn đề quan trọng nhất của thế hệ sau 1975 là họ phải biết tạo ra sự hài hòa giữa trách nhiệm công dân và trách nhiệm nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật của họ vừa là tiếng nói cá nhân độc đáo vừa thể hiện được tâm thế và khát vọng của thời đại.
Phóng viên: Từ thực tiễn nghiên cứu, ông có thể cho biết, đội ngũ văn nghệ sĩ đã thực hiện tinh thần công cuộc đổi mới, đặc biệt là lời kêu gọi “cởi trói” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh như thế nào?
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Cuộc gặp gỡ giữa đại diện văn nghệ sĩ cả nước với người lãnh đạo cao nhất của Đảng thực sự là “hai ngày đáng ghi nhớ mãi” vì đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư chăm chú lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giới nghệ sĩ trước khi nói về “cởi trói”. Bản chất của “cởi trói” là tôn trọng tự do sáng tạo của nghệ sĩ. Muốn có tự do sáng tạo thì phải mở rộng dân chủ xã hội, cho phép nghệ sĩ được phản tư, đối thoại. Tuy nhiên, cần nhìn “cởi trói” từ hai phía: Phía của những người quản lý văn nghệ và phía nghệ sĩ. Tức là chính nghệ sĩ phải biết tự “cởi trói”. Đây là cuộc gặp gỡ chạm đúng khát vọng “được thành thực” của văn nghệ sĩ cả nước, kích hoạt năng lượng sáng tạo của họ. Hàng loạt tác phẩm xuất sắc ra đời và được chào đón nồng nhiệt. Mỗi người một phong cách sáng tạo, một ý hướng tìm tòi. Đây là nguyên nhân quan trọng góp phần tạo nên sự phong phú của đời sống nghệ thuật Việt Nam đương đại.
Tinh thần “cởi trói” không chỉ diễn ra sôi nổi trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn mà còn thể hiện rõ trong lĩnh vực lý luận phê bình. Hàng loạt cuộc tranh luận mang tính học thuật đã diễn ra hết sức sôi động, từ đó chúng ta dần vượt qua những nhận thức cũ kỹ, giáo điều trong thẩm định giá trị nghệ thuật. Nhờ thế mà Thơ mới, Tự lực văn đoàn, Vũ Trọng Phụng và nhiều hiện tượng văn học nghệ thuật khác đã được đánh giá lại một cách thỏa đáng hơn.
Nghệ sĩ nói về nỗi đau chiến tranh là để hướng tới hòa bình, nói về sự vô cảm, tha hóa là để khơi thức tình thương và lòng bác ái, tái hiện chấn thương sinh thái là để hướng tới sự hài hòa giữa con người và tự nhiên. Để có sự phồn vinh của văn học nghệ thuật, chúng ta có thể nói đến nhiều yếu tố khác nhau, nhưng yếu tố quyết định nhất vẫn là tài năng và bản lĩnh của văn nghệ sĩ.
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp
Phóng viên: Theo ông, văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ thời kỳ đổi mới có vai trò như thế nào trong xây dựng xã hội mới, bồi đắp những giá trị chung của con người Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Chúng ta đã bước vào “kỷ nguyên đổi mới” và bây giờ là “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc. Tôi nghĩ, vị thế văn học nghệ thuật không vì thế mà bị suy giảm. Trái lại, văn học nghệ thuật với sức mạnh đặc trưng của nó có khả năng to lớn trong việc cảm hóa nhân tâm, khơi thức những khát vọng cao đẹp của con người. Trong không gian tinh thần rộng mở, nghệ sĩ có quyền phiêu lưu để tìm kiếm những phương thức biểu đạt mới. Vấn đề là các sản phẩm tinh thần mà họ tạo ra đã đủ cao về tư tưởng, sâu về nghệ thuật hay chưa. Nghệ sĩ nói về nỗi đau chiến tranh là để hướng tới hòa bình, nói về sự vô cảm, tha hóa là để khơi thức tình thương và lòng bác ái, tái hiện chấn thương sinh thái là để hướng tới sự hài hòa giữa con người và tự nhiên. Để có sự phồn vinh của văn học nghệ thuật, chúng ta có thể nói đến nhiều yếu tố khác nhau, nhưng yếu tố quyết định nhất vẫn là tài năng và bản lĩnh của văn nghệ sĩ.
Gần đây, không ít người lo lắng khi trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, kể cả sáng tạo nghệ thuật. Đúng là trí tuệ nhân tạo có những ưu việt khiến chúng ta không khỏi giật mình. Nhưng dù thông minh đến đâu, AI cũng không thể làm thay công việc của văn nghệ sĩ bởi nghệ thuật là câu chuyện của tâm hồn. Không còn lựa chọn nào khác, nghệ sĩ cần biến lời Alfred de Musset thành động lực sáng tạo: “Hãy gõ vào tim anh, thiên tài nằm ở đó”!
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
(còn nữa)
- Nội dung: Nhóm Phóng viên Báo Quân đội nhân dân
- Ảnh: Tư liệu, CTV
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC