LONGFORMVăn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới

“Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, đoàn kết, gắn bó cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước ta”. Đoạn trích từ Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới cho thấy mục tiêu xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ nêu trên vẫn còn nguyên giá trị. Trong quãng thời gian đủ để một thế hệ trưởng thành, chúng ta chưa làm được quá nhiều để hoàn thành mục tiêu đề ra. Vì sao đến nông nỗi đó và đâu là giải pháp căn cơ để văn nghệ có thể thăng hoa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới

Trừ số ít cá nhân thiên tài trăm năm mới xuất hiện, có khả năng sáng tác những tác phẩm vượt thời đại, bất chấp hoàn cảnh, môi trường sáng tạo có khó khăn ra sao, đa phần văn nghệ sĩ dù rất tài năng cũng phải cần những yếu tố bên ngoài để nâng tầm và lan tỏa các sáng tác. Chẳng hạn, rất nhiều họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, trong chiến tranh đã không phát huy hết tài năng sáng tạo vì không có thị trường mua bán tác phẩm, môi trường xã hội khép kín, nhiệm vụ xã hội lấn át tìm tòi cá nhân…

Lâu nay khi bàn đến hỗ trợ văn nghệ sĩ, câu chuyện dường như chỉ xoay quanh vấn đề kinh phí hỗ trợ. Kinh phí rất cần thiết nhưng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”; văn nghệ sĩ cần nhiều yếu tố để thăng hoa sáng tạo, để tên tuổi vang danh; nhưng rất tiếc, chúng ta chưa thực sự tìm hiểu kỹ lưỡng và chưa thực sự bắt tay hành động căn cơ để xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ.

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
Nữ văn sĩ Han Kang đoạt giải Nobel Văn học 2024 một phần nhờ nỗ lực dịch thuật, quảng bá văn học của Hàn Quốc.

Cách đây 30 năm, cứ một cuốn sách Việt Nam dịch ra tiếng Hàn Quốc thì có một cuốn sách Hàn Quốc được dịch ra tiếng Việt. Bây giờ tỷ lệ chênh lệch hàng chục lần nghiêng về phía nước bạn. Hàn Quốc làm được việc này vì họ xem đây là một chiến lược để đưa văn học Hàn Quốc tiến ra thế giới như điện ảnh, âm nhạc...

Minh chứng là việc nữ văn sĩ Hàn Quốc Han Kang được trao giải Nobel Văn học 2024. Chưa bàn đến chất lượng sáng tác của nhà văn Han Kang, chỉ biết bà sáng tác bằng tiếng Hàn Quốc mà nếu không có các dịch thuật tốt thì chưa chắc Hàn Quốc đã có giải Nobel Văn học đầu tiên. Tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các tiếng nói tâm huyết đã nhiều lần kêu gọi nhà nước cần đầu tư dịch thuật và quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Rõ ràng, nhà văn đâu chỉ cần kinh phí, tài trợ để sáng tác, họ cần có một chiến lược để quảng bá tác phẩm ra nước ngoài. Lâu nay, công việc này chủ yếu thông qua mối quan hệ cá nhân; đôi khi giới thiệu hình ảnh méo mó về con người và đất nước của chúng ta. Các đơn vị xuất bản đặt vấn đề kinh doanh nên việc này không được quan tâm do khó mang lại lợi nhuận. Tất yếu cần sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc sử dụng quyền lực, uy tín của Nhà nước kêu gọi xã hội góp sức. Tuy nhiên đầu tư cho dịch thuật văn học Việt Nam ra nước ngoài từ ngân sách nhà nước rất ít ỏi, dẫn đến sự thiệt thòi cho các nhà văn Việt Nam.

Câu chuyện về dịch thuật và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài chỉ là một trong vô số ví dụ về việc làm chưa hay như nói, nói không đi đôi với làm trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Nguyên nhân chủ yếu là các cơ quan liên quan chưa quan tâm đầy đủ đến lĩnh vực văn nghệ; lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật chậm được đổi mới; có lúc, có nơi xem nhẹ, thậm chí buông lỏng; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. So với các lĩnh vực khác, đầu tư cho lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa tương xứng, còn dàn trải và hiệu quả thấp, chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn học nghệ thuật để đầu tư đúng hướng và có hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực văn học nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc đấu tranh phòng, chống sự xâm lăng, thẩm lậu của các sản phẩm văn nghệ ngoại sinh độc hại chưa thật sự kiên quyết, thậm chí có lúc, có nơi còn buông lỏng.

Để gỡ những điểm nghẽn hỗ trợ văn nghệ sĩ, chúng ta cần đi vào bản chất các vấn đề căn cốt nhất. Trước hết phải xác định vị trí, vai trò của văn nghệ trong đời sống xã hội, đặc biệt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như thế nào? Nghị quyết 23 cách đây 17 năm đã nêu rất rõ: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Nếu không có nhận thức đúng đắn về vị trí văn nghệ trong kỷ nguyên mới, rất dễ xem văn nghệ là “cờ, đèn, kèn, trống”, là lĩnh vực tiêu tiền, không thiết thực; văn nghệ sĩ cũng sẽ không có môi trường tốt để phát huy hết tài năng. Ở các nước phát triển, văn nghệ chính là “xương sống” của công nghiệp văn hóa, một lĩnh vực kinh tế khai thác vốn văn hóa có thể mang lại siêu lợi nhuận. Nếu không chú ý tính kinh tế trong văn hóa thông qua các nghiên cứu định lượng, văn nghệ dẫn đến tâm lý “sống chết mặc bay”, buông lỏng, để kinh tế thị trường văn hóa tự vận hành thì vừa bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển, lại có thể dẫn đến lệch lạc, thiếu lành mạnh.

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
TS Nguyễn Văn Đáng.

Tiếp đến chúng ta cần phân định rõ nhiệm vụ của các chủ thể trong phát triển văn nghệ hiện nay: Nhà nước làm gì? Khối tư nhân làm gì? TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Nhà nước có nhiệm vụ bảo đảm các dịch vụ sự nghiệp công có tính thiết yếu và cơ bản, không thể thay thế. Đây là những lĩnh vực khó thu hút nguồn lực xã hội hóa, cần dựa vào ngân sách nhà nước như: Đặt hàng các sản phẩm văn nghệ, tổ chức các hoạt động văn nghệ nhằm tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; hỗ trợ các loại hình văn nghệ dân gian; xây dựng một số thiết chế văn hóa phục vụ cho văn nghệ...

Hiện nay, nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, các đơn vị văn học nghệ thuật sẽ chịu nhiều tác động. Nhưng cần xem đây là cơ hội để tái cấu trúc hệ thống đơn vị, sắp xếp nguồn nhân lực; từ đó tiếp tục đầu tư để xây dựng những đơn vị văn nghệ “hạt nhân” lớn mạnh mang tính dẫn dắt. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta có nhiều nhà hát nghệ thuật truyền thống thuộc trung ương và địa phương quản lý. Nếu địa phương đảm bảo ngân sách hoạt động thì có thể giữ lại. Nếu không cần tái cơ cấu theo hướng sáp nhập vẫn giữ bộ khung văn nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn. Thậm chí nếu đoàn có ý định giải thể có thể chuyển nhiệm vụ và con người cho nhà hát trung ương, rồi đầu tư để giữ gìn và phát huy các nghệ thuật truyền thống tránh nguy cơ mai một. Đối với một số nhà hát gắn với nghệ thuật đặc thù chỉ có ở địa phương như Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh thì nhất thiết phải giữ lại.

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
Nhiệm vụ của Nhà nước là đầu tư giữ gìn nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Đối với các loại hình nghệ thuật hiện đại như kịch nói, ca múa nhạc, nghệ thuật đương đại…; thiết nghĩ chỉ nên giữ lại những đơn vị có chất lượng, có truyền thống lâu đời để phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Với các buổi biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa hoàn toàn có thể “đấu thầu” lựa chọn các đơn vị tổ chức sự kiện nghệ thuật thực hiện, không nhất thiết phải duy vị một bộ máy đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật.

Rõ ràng, các nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống vốn “yếu thế” hơn sẽ được quan tâm hơn. Vậy các văn nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật hiện đại sẽ gặp khó khăn? Họ vẫn sẽ được Nhà nước hỗ trợ một cách gián tiếp, nếu các chính sách đặt hàng sáng tác, hỗ trợ trưng bày, quảng bá... thay đổi theo hướng tích cực. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy: Ngân sách nhà nước chi cho văn nghệ cần mang tính chất “vốn mồi”, hỗ trợ “cần câu” chứ không phải là cho cả “con cá”. Chẳng hạn, để tổ chức một triển lãm nhiếp ảnh, Nhà nước chỉ hỗ trợ 50-70% kinh phí, phần còn lại cá nhân nghệ sĩ hoặc tổ chức phải huy động nguồn lực xã hội hóa. Tất nhiên, để được kinh phí hỗ trợ, phải trải qua các bước xét duyệt kỹ lưỡng, công bằng, minh bạch.

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
Hà Nội là địa phương tiên phong tìm đến các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ để tổ chức các không gian sáng tạo.

Nhà nước sẽ làm nhiệm vụ quan trọng đó là thiết kế cơ chế, chính sách để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa. Nhà nước sẽ phải tìm mọi cách để khơi dòng đầu tư và tài trợ cho văn nghệ từ nguồn lực xã hội hóa. Bởi vốn dĩ Nhà nước không có chức năng làm ra các sản phẩm để kinh doanh mà nên để khối tư nhân trở thành rường cột. Một số chương trình, dự án có khả năng tạo ra lợi nhuận thì cần có một mô hình huy động tài chính linh hoạt, chẳng hạn như hợp tác công tư. Một khi các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, thị trường văn hóa phát triển, văn nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề nếu có tài năng; không cần phải trông chờ đầu tư của Nhà nước. Đây là xu hướng chung trên toàn thế giới, phát huy nguồn lực xã hội hóa để phát triển văn hóa, phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước đề ra là chấn hưng văn hóa là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới

Về cơ bản, khối tư nhân có các hình thức là đầu tư sinh lời, tài trợ với mong muốn có được quyền lợi và hiến tặng không đòi hỏi lợi ích. Việc đầu tư vào lĩnh vực văn hóa để sinh ra lợi nhuận đang phát triển tốt. Năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% tổng sản phẩm trong nước (GDP), về đích trước 2 năm so với chỉ tiêu 3% mà Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra. Để hoàn thành mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030 cần tiếp tục khơi thông đầu tư của khối tư nhân; đặc biệt dòng vốn phải “chảy” vào các ngành nghệ thuật mũi nhọn là điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, kiến trúc…

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
TS Trần Thị Thủy.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, TS Trần Thị Thủy, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng: Kinh doanh văn hóa, văn nghệ có sự rủi ro cao, do vậy, bất cứ nhà nước nào cũng có những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân. Năm 2005, Trung Quốc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 3 năm cho các doanh nghiệp hình thành từ các đơn vị văn hóa mang tính kinh doanh và các doanh nghiệp văn hóa mới ra đời. Các nước phát triển đều cung cấp tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp thông qua các quỹ đầu tư, bảo trợ.

Hiện nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho văn hóa đã có nhưng chưa đầy đủ. Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26-3-2021 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư”, lĩnh vực văn hóa chỉ thấy có ưu đãi bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống và thực hiện các dịch vụ công phi lợi nhuận. Từ đây, dư luận cũng hiểu vì sao mấy năm gần đây, nhiều tập đoàn tư nhân lại chỉ “thích” đầu tư vào nhà hát, bảo tàng bởi họ sẽ nhận ưu đãi lớn như miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Bên cạnh kích thích đầu tư của tư nhân, một vấn đề quan trọng là làm sao để cá nhân, tổ chức có tiềm lực kinh tế tài trợ, hiến tặng nhiều hơn cho các hoạt động văn hóa tương tự như các hoạt động từ thiện. Việc tài trợ tùy thuộc vào tấm lòng hảo tâm của cá nhân, tổ chức có tính ngẫu nhiên cho nên mô hình tài chính hỗn hợp được đánh giá là bền vững hơn. Nguồn vốn sẽ được tập trung vào quỹ tài trợ do Nhà nước và tư nhân quản lý tùy thuộc chủ thể thành lập. Nguồn thu của quỹ ngoài tiền tài trợ, hiến tặng của khối tư nhân có thể được trích từ các hoạt động hợp pháp khác do Nhà nước điều phối. Chẳng hạn, theo quy định của Pháp, các nhà đầu tư tư nhân và nền tảng phát trực tuyến như Netflix, Amazon Prime Video, Disney+... phải tái đầu tư một phần doanh thu của họ tại Pháp vào ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Pháp. Ở Anh, nguồn thu được trích từ doanh thu xổ số, các công trình xây dựng. Ở Trung Quốc, 3% doanh thu các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được trích cho quỹ phát triển âm nhạc. Các quỹ này sẽ có hội đồng chuyên môn tách bạch riêng với bộ máy quản lý nhằm xét duyệt dự án nào xứng đáng nhận được tài trợ, tránh cơ chế “xin-cho” thiếu minh bạch.

Một cách làm khác phổ biến trên thế giới là hợp tác công tư, điển hình là ở các bảo tàng, khu di tích. Theo đó, hiện vật, cơ sở vật chất là tài sản quốc gia; tư nhân bỏ vốn vận hành, lợi nhuận thu về dùng để phát triển cơ sở vật chất, bảo tồn và bổ sung hiện vật... Khi chúng ta triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, đặc biệt là phát huy công cụ cơ chế, chính sách khơi thông dòng tiền đầu tư và tài trợ văn hóa không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức văn hóa tự chủ tài chính, đủ “sức khỏe” để sáng tạo, đủ nội lực nâng tầm vị thế nền văn hóa Việt Nam.

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
Các show diễn "Chị đẹp đạp sóng rẽ gió" và "Anh trai vượt ngàn chông gai" minh chứng cho sự trưởng thành của ngành công nghiệp giải trí ở Việt Nam.

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới

Trong một lần trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, thần đồng thơ ca một thời, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phủ nhận chuyện ông bỗng dưng có thể làm thơ rất hay từ khi còn nhỏ. Thực tế trước khi làm thơ, ông biết chữ sớm và đọc rất nhiều truyện thơ cổ điển có sẵn trong gia đình. Rõ ràng, không có bất cứ văn nghệ sĩ nào lại bỗng dưng sáng tạo và chắc chắn muốn có một sự nghiệp dài lâu thì không thể nào không chịu khó học tập, nghiền ngẫm mà chỉ trông vào năng khiếu trời cho.

Để có được đội ngũ văn nghệ sĩ giỏi chuyên môn, công tác đào tạo là quan trọng nhất. Mặc dù các cơ sở đào tạo văn nghệ bậc đại học ở nước ta không thiếu nhưng để có đội ngũ văn nghệ sĩ chất lượng cao thì việc đào tạo ở nước ngoài cần đặc biệt quan tâm. Trước và sau giai đoạn đất nước tiến hành đổi mới, hầu hết các du học sinh được đào tạo các ngành nghệ thuật ở nước ngoài đều phát huy được năng lực, kiến thức của mình đóng góp cho xây dựng nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sau khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, việc cử số lượng lớn du học sinh đào tạo ở nước ngoài không được nhiều như trước. Một số ngành do thiếu người đi du học nên trở nên èo uột, thiếu vắng sáng tác đỉnh cao như sân khấu, múa, nhiếp ảnh… Mặc dù Nhà nước đã có đề án cử các tài năng văn học nghệ thuật nhưng hiện nay số lượng ứng cử viên đáp ứng các tiêu chí không nhiều nên nhân lực chất lượng cao chưa thể khỏa lấp khoảng trống.

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
Cần có chiến lược đưa tài năng trẻ Việt Nam du học ở các cơ sở đào tạo văn nghệ hàng đầu thế giới.

Thách thức cho văn nghệ sĩ hiện nay còn nằm ở việc cân bằng việc sáng tạo đáp ứng thị hiếu công chúng để có thể bán được sản phẩm nhưng đồng thời phải nâng cao giá trị thẩm mỹ, tránh những sản phẩm nhảm nhí rẻ tiền. Điều này đòi hỏi văn nghệ sĩ không ngừng nâng cao chuyên môn nghề nghiệp, đồng thời nghiêm túc tìm hiểu thị trường, trang bị đầy đủ các kỹ năng về tiếp thị, quảng bá sản phẩm… Đây là điều mà các cơ sở giáo dục ở nước ta cần chú trọng thay đổi chương trình đào tạo nếu không một thế hệ văn nghệ sĩ có thể chuyên môn tốt nhưng không phù hợp trong thời buổi công nghiệp văn hóa lên ngôi.

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới

Cùng với toàn dân, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để có thể hình dung về vai trò đội ngũ văn nghệ sĩ trong giai đoạn then chốt của đất nước, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phóng viên: Nội hàm của kỷ nguyên vươn mình đã bước đầu làm rõ, trong đó chủ đạo là phát triển kinh tế bền vững và đổi mới sáng tạo. Vậy còn về văn hóa, cụ thể là văn nghệ, ông hình dung “bức tranh” văn nghệ trong kỷ nguyên mới sẽ như thế nào?

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn: Văn hóa nói chung và văn nghệ nói riêng rất khó vẽ ra một “bức tranh” cụ thể trong tương lai. Nguyên do ở tính chất định tính, chỉ một số ngành, lĩnh vực người ta có thể dùng các phép đo đếm định lượng để dự đoán. Chẳng hạn nếu nhìn vào số lượng hãng phim tư nhân, mức độ đầu tư, lợi nhuận có thể dự đoán điện ảnh nước nhà 10-20 năm nữa thế nào.

Từ thực tiễn, các nhà nghiên cứu đã đúc rút được mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa kinh tế và văn hóa, văn nghệ. Kỷ nguyên vươn mình đặt mục tiêu kinh tế phát triển, theo tôi là điều tốt với văn nghệ. Tôi từng học tập ở Trung Quốc - đất nước có nhiều điểm tương đồng với chúng ta, tôi thấy rằng kinh tế phát triển rất có lợi cho văn nghệ. Đơn giản là khi xuất hiện ngày càng nhiều người khá giả, giàu có thì mới có nhu cầu thụ hưởng tác phẩm nghệ thuật, thị trường văn nghệ sẽ phát triển, nghệ sĩ sống được bằng nghề. Một khi nền kinh tế phát triển, Nhà nước có điều kiện đầu tư cho văn nghệ bằng nhiều hình thức. Tất cả những điều đó là môi trường rất tốt để có cơ hội nâng tầm nền văn nghệ và có thể kết tinh tác phẩm đỉnh cao. Là chủ thể của nền văn nghệ, đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ phát huy hết tài năng của mình, không bị hạn chế, bó buộc bởi những điều kiện khách quan. Tất nhiên, mức độ cạnh tranh cũng sẽ rất khốc liệt, văn nghệ sĩ nào thực sự có tài năng thật sự mới có thể thành danh, có sự nghiệp kéo dài.

Phóng viên: Sự thay đổi môi trường như vậy, ắt hẳn khiến văn nghệ sĩ cũng phải thay đổi để thích ứng. Ông nghĩ sao về điều này?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn: Tôi cho rằng đây là điều tất yếu! Nhìn lại lịch sử nền văn nghệ Việt Nam, chúng ta thấy mỗi lần xã hội thay đổi tác động rất lớn để kiến tạo một thế hệ văn nghệ sĩ mới. Thời buổi hội nhập quốc tế, tác động của khoa học công nghệ sẽ khiến văn nghệ sĩ phải thay đổi rất nhiều. Ví dụ, nghệ sĩ thị giác mà không tham dự triển lãm nghệ thuật có tầm vóc quốc tế định kỳ 2-3 năm/lần (còn gọi là Biennale và Triennale) thì làm sao có thể nắm bắt xu thế sáng tác trên thế giới, chào hàng tác phẩm…

Nói chung đã qua rồi giai đoạn văn nghệ sĩ sáng tác rồi… để đó, chờ đợi sự nổi tiếng kiểu “há miệng chờ sung”. Văn nghệ sĩ cần chủ động hội nhập thế giới và nhất là có một “hệ sinh thái” hỗ trợ để họ chuyên tâm sáng tạo. Ví dụ như trong ngành nghệ thuật thị giác, vai trò của các gallery sẽ rất quan trọng không chỉ đơn giản là mua bán tác phẩm nghệ thuật, mà còn là kiến tạo xu hướng sáng tạo, dẫn dắt thẩm mỹ tiếp nhận của công chúng.

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
Đoàn nghệ sĩ, giám tuyển, nhà quản lý Việt Nam tham quan các trung tâm nhiếp ảnh công lập ở Pháp.

Phóng viên: Ông vừa đưa ra những hình dung về diện mạo đội ngũ văn nghệ sĩ, cũng như thị trường văn nghệ trong tương lai. Làm sao chúng ta có thể biến những mơ ước tươi sáng trở thành hiện thực, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn: Tôi đồng ý với ý kiến của một số nhà nghiên cứu khi phân chia cụ thể chủ thể đầu tư trong văn nghệ. Nhà nước và tư nhân phải tách bạch nhiệm vụ. Nhiệm vụ chính của tư nhân đầu tư vào văn nghệ rõ ràng là lợi nhuận trên hết; Nhà nước thì không kinh doanh tác phẩm văn nghệ nhưng cần đầu tư đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn nghệ của nhân dân (nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội), để không ai bị bỏ lại phía sau; ngoài ra còn là nhiệm vụ chính trị, đối ngoại…

Nhiều người hay lấy ví dụ Hoa Kỳ không có cơ quan cấp bộ về văn hóa để nói rằng không cần Nhà nước quản lý, điều hành văn hóa. Thực chất, Hoa Kỳ và các nước phương Tây họ can thiệp vào văn hóa, văn nghệ thông qua thể chế, chính sách; còn lại việc vận hành là để kinh tế thị trường điều tiết. Từng đến tham quan, tìm hiểu mô hình của các nước phương Tây tôi thấy rằng họ biết cách huy động nguồn lực đầu tư và tài trợ của tư nhân. Họ còn biết cách vận dụng linh hoạt cơ chế phối hợp công tư, ví dụ như Nhà nước có thiết chế văn hóa (bảo tàng, nhà triển lãm…), sẽ hỗ trợ đối đa nghệ sĩ trưng bày, triển lãm, bán sản phẩm… Hiện nay, nếu chúng ta không sớm khơi thông nguồn lực quan trọng từ tư nhân thì văn hóa, văn nghệ của chúng ta khó phát triển trong kỷ nguyên vươn mình.

Theo tôi, chúng ta cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Vừa thu hút nguồn lực xã hội hóa thông qua cơ chế, chính sách; vừa tiến hành việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ; vừa đổi mới cơ chế quản lý văn hóa, văn nghệ… Ngay việc Nhà nước cần quan tâm đến nghệ thuật truyền thống ngoài mục đích giữ gìn, tránh mai một vốn quý dân tộc; điều quan trọng nghệ thuật truyền thống sẽ được khai thác trong các sản phẩm nghệ thuật đương đại; qua đó, bản sắc dân tộc trong nghệ thuật ở kỷ nguyên mới sẽ đậm đà hơn.

Phóng viên: Câu hỏi cuối muốn gửi đến ông là: Liệu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, văn nghệ nước ta liệu có thể tạo ra một “làn sóng” ảnh hưởng đến khu vực và thế giới được không?

Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
Các bộ phim do Trấn Thành làm đạo diễn và nhà sản xuất đang đạt doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn: Nếu chúng ta lấy cột mốc năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam), thời điểm này Nghị quyết XIII của Đảng đặt mục tiêu nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, cũng đánh dấu nước ta thực sự vươn mình giàu mạnh, tức là còn đúng 20 năm nữa. Hai thập niên là thời gian chỉ đủ để một thế hệ trưởng thành, nhưng trong văn nghệ, có thể có đến 2-3 thế hệ văn nghệ sĩ xuất hiện.

Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, mà nhiều người đều có niềm tin vào năng lực thẩm mỹ, khả năng sáng tạo, sự thông minh, cần cù chịu khó, thích ứng với thời cuộc… của con người Việt Nam, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ. Âm nhạc Việt Nam đã bước đầu được thế giới biết đến; những ngành nghệ thuật khác thì sao? Theo tôi, chúng ta cần phải khẩn trương “công nghiệp hóa” các bộ môn nghệ thuật. Không chỉ là câu chuyện thu được bao nhiêu lợi nhuận, cốt tử là khi tạo ra một thị trường, chúng ta mới có động lực phát triển. Văn hóa văn nghệ gắn chặt với kinh tế mới có thể vươn xa được.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

  • Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 5: Văn nghệ thăng hoa trong kỷ nguyên mới
  • Nội dung: Nhóm Phóng viên Báo Quân đội nhân dân
  • Ảnh: Báo Quân đội nhân dân, CTV
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top