
Văn nghệ sĩ với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 4: Thành công từ lối đi riêng
Văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại đã và đang biến đổi, phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ. Đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà thêm một lần nữa thay đổi trong nhận thức và tư duy sáng tạo, từ đó tạo nên diện mạo của văn học nghệ thuật đa dạng và in đậm dấu ấn tài năng và cá tính cá nhân.
Hơn 20 năm đầu tiên của thế kỷ XXI đã trôi qua, thời kỳ này được các nhà nghiên cứu gọi là giai đoạn đương đại của văn nghệ Việt Nam. Đặc điểm của thời kỳ này là mức độ hội nhập nhanh chóng chưa từng thấy; cùng với đó là sự phát triển của internet, truyền thông đại chúng đã tạo ra một không gian mới cho sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật. Cùng với đó, thế hệ nghệ sĩ đương đại có cái nhìn mới, phong cách mới, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.
Có thể thấy rõ sự biến chuyển văn nghệ đương đại từ âm nhạc. Âm nhạc giờ đây đã trở về đúng chức năng nguyên thủy là giải trí.
Theo nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: “Âm nhạc ngày nay có đủ thể loại với nội dung phong phú, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhiều đối tượng khác nhau, không chỉ số đông, mà còn cả số ít. Âm nhạc không còn nhất nhất chỉ ngợi ca cái lớn lao, cao cả; bên cái “chung” còn có cái “riêng”, ngoài cái “ta” còn có cái “tôi”. Nở rộ nhất là chủ đề tình yêu đôi lứa với đủ trạng thái và các lứa tuổi, cứ như bù đắp lại tình trạng thiếu hụt sau nhiều thập niên bị kìm nén”.
Luôn cháy hết mình mỗi lần biểu diễn, ca sĩ, nhạc sĩ Hoàng Hồng Ngọc khiến công chúng phải ấn tượng ngay từ lần đầu. Cô gái xứ Nghệ sinh năm 1992 sở hữu giọng ca đẹp, nội lực, đầy biến hóa cùng cá tính âm nhạc độc đáo. Và khi tìm hiểu về Ngọc mới thấy cô gái này thực sự đặc biệt.
Tuổi thơ của Ngọc gắn liền với những sân khấu ở địa phương, rèn giũa giọng ca và tích lũy kinh nghiệm biểu diễn. Bước ngoặt mở đường hành trình âm nhạc của Ngọc chính là giành ngôi Quán quân Sao Mai 2015 dòng nhạc nhẹ. Cô tiếp tục gây chú ý khi thử thách bản thân qua cuộc thi Sing My Song 2016 và bất ngờ hơn, cô đã đoạt Quán quân Sing My Song online. Kết quả này đã mở ra cho Ngọc một chặng đường mới hơn, hấp dẫn hơn, giúp cô có thêm niềm tin vào duyên sáng tác của chính mình.
Ngọc từng chia sẻ từ lâu cô đã định hướng bản thân theo con đường nghệ sĩ đa năng. Cô tin rằng với bản lĩnh và chất riêng của mình, cô sẽ sớm có một lượng khán giả của riêng mình. Dõi theo từng bước tiến của Ngọc, công chúng thấy bất ngờ bởi sức sáng tạo, sự nhiệt huyết, đam mê và chỉn chu trong từng sản phẩm chất lượng.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành thanh nhạc của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Ngọc về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Từng hát rất nhiều ca khúc về người lính, tuy nhiên với vai trò là tác giả, cô đã thực sự mang hơi thở mới vào các sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Việc chuyển hướng từ một ca sĩ thuần túy sang vai trò người sáng tác dù không phải điều dễ dàng, thế nhưng với niềm đam mê và sự cố gắng không ngừng nghỉ, Ngọc liên tiếp gặt hái được những “trái ngọt” trong nước và quốc tế. Có thể kể đến ca khúc “Yêu anh - người lính” giành Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018; “Bắn trúng tim em” giành Huy chương Vàng Liên hoan ban nhạc toàn quốc năm 2019; “Thương anh chiến sĩ quân hàm xanh” giành Huy chương Vàng Liên hoan tiếng hát Đường 9 xanh 2019; “Sứ mệnh trái tim” dành tặng những người lính “mũ nồi xanh”...
Ngoài các ca khúc về đề tài người lính, Ngọc còn thử sức với nhiều đề tài khác như tuổi trẻ, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; trong đó, ca khúc “Lẳng lơ” mang lại cho cô giải “Nghệ sĩ trẻ châu Á triển vọng” trong Giải thưởng âm nhạc châu Á Popket Asia Music Awards diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc năm 2019. Năm 2020, khi tham gia Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) diễn ra tại Liên bang Nga, Ngọc giành giải Nhì ở phần thi song ca (ca khúc “Quê hương ba miền” cùng với Đại úy Trịnh Văn Phương) và giải khuyến khích ở phần thi đơn ca (ca khúc “Sen”)...
Những năm qua, Ngọc luôn tập trung xây dựng cho bản thân một phong cách mang màu sắc riêng, bởi cô luôn đặt ra tôn chỉ “không chạy theo thị trường để có danh tiếng”. Cô muốn theo đuổi những giá trị bền vững và khai thác những thứ người ta đang lãng quên, từ đó cảm nhận theo cách của riêng mình và thổi năng lượng tích cực vào đó. Hứa hẹn trong chặng đường nghệ thuật sắp tới của cô gái tài năng này sẽ còn nhiều điều mới lạ.
Hoàng Hồng Ngọc tiếp tục khẳng định tên tuổi của một nghệ sĩ có sức sáng tạo không ngừng nghỉ khi cô “lấn sân” sang sản xuất âm nhạc. Cô đã góp phần vào thành công cho các dự án âm nhạc của nhiều ca sĩ trẻ như: Sèn Hoàng Mỹ Lan với dự án “Noọng ơi”, Hồng Duyên với MV “Tết ơi, con muốn về nhà”…
Thời gian gần đây, giới nghệ sĩ trẻ Việt Nam đang có sự chuyển biến sáng tạo khi cho ra mắt hàng loạt ca khúc mang chất liệu văn học, dân gian hòa cùng thanh âm hiện đại, mang đến màu sắc mới mẻ, thu hút giới trẻ. Sự xuất hiện của các nghệ sĩ như Sơn Tùng MTP, Suboi, Đen Vâu, Hoàng Thùy Linh, Hòa Minzy… đã làm thay đổi bức tranh âm nhạc Việt Nam thế kỷ XXI. Gần đây nhất là ca khúc “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy, NSƯT Xuân Hinh và nhạc sĩ Tuấn Cry đã khuấy đảo các bảng xếp hạng trong nước và ghi dấu ấn quốc tế khi khéo léo kết hợp chất liệu dân ca quan họ và phong cách phối khí EDM (nhạc điện tử) tạo nên sự mới mẻ, khác biệt, vừa đủ lạ tai để gây ấn tượng, vừa đủ quen thuộc để người nghe cảm thấy gần gũi… Đây cũng là cách thể hiện tình yêu dân tộc của những người làm nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, và là một kênh truyền bá văn hóa truyền thống, di sản văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ.
Người thức thời không sợ và không ngại đổi thay. Tinh thần đổi mới luôn cần được nâng tầm một cách uyển chuyển khéo léo để nâng cao độ nhận diện của âm nhạc Việt Nam, đồng thời hướng tới một môi trường âm nhạc phù hợp với thời đại mà vẫn hài hòa và cân đối, độc đáo và nhân văn. Theo nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: “Thời đại của tính đa dạng không thể áp đặt quan niệm của thế hệ này cho thế hệ khác, không thể lấy thước đo loại nhạc này để đánh giá loại nhạc khác, mà cần phải biết chấp nhận sự khác biệt: Chấp nhận những khác biệt trong sáng tạo, trong diễn tấu cũng như trong cảm thụ âm nhạc; chấp nhận những khác biệt về tuổi tác và nghề nghiệp, sở thích và thị hiếu, hoàn cảnh và môi trường sống, nhân sinh quan và trình độ thẩm mĩ…”.
Thế hệ đương đại đã và đang tiếp nối, phát huy những giá trị văn học nghệ thuật của các thế hệ đi trước, đồng thời mang đến những cách nhìn mới, sáng tạo và đa chiều hơn. Họ là những người tiên phong trong việc kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại, góp phần lan tỏa những giá trị vô cùng đẹp đẽ và quý giá trong dân gian, đồng thời đưa văn học nghệ thuật Việt Nam vươn ra thế giới.
Trong các bộ môn nghệ thuật làm xương sống cho công nghiệp văn hóa Việt Nam, điện ảnh là bộ môn bước đầu hình thành quy trình sản xuất chuyên nghiệp, cùng với đó thị trường cũng được mở rộng. Những bộ phim doanh thu trăm tỷ đồng không còn là điều hiếm; có thể cạnh tranh với các phim “bom tấn” Hollywood trên “sân nhà” vào những dịp nghỉ lễ cao điểm… là những ví dụ minh chứng tầm vóc trưởng thành của điện ảnh Việt Nam.
Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, diện mạo điện ảnh Việt Nam đã có những thay đổi rõ rệt: Đề tài phong phú hơn, phong cách sáng tác đa dạng hơn… Hiện thực cuộc sống với sự đâm chồi nảy lộc của những cái mới; mối quan hệ con người trong gia đình và ngoài xã hội với những xung đột không dễ vượt qua; vết thương chiến tranh và những góc khuất trong tình cảm, khát vọng của con người…
Một trong những đề tài kinh điển của điện ảnh Việt Nam đã và vẫn tiếp tục được khai thác là đề tài chiến tranh. Đề tài này cũng có sự đổi mới, ngay cả khi được thể hiện trực diện thì vẫn thấy một cách nhìn khác, đi vào chiều sâu tâm hồn. Thuộc thế hệ đạo diễn trẻ của điện ảnh nước nhà, Đinh Tuấn Vũ luôn xác định một tâm thế làm phim sẽ để lại những suy nghĩ và cảm xúc gì đó với khán giả, và một ngày nào đó, họ sẽ muốn xem lại phim của mình.
Mới 35 tuổi nhưng Đinh Tuấn Vũ đã có trong tay 6 tác phẩm điện ảnh. Anh từng gây tiếng vang với bộ phim “Cuộc đời của Yến”, bộ phim này được Giải thưởng Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim lần thứ 19. Với bộ phim này, năm 2016, Vũ được vinh danh là Đạo diễn điện ảnh xuất sắc khi vừa tròn 26 tuổi. Cùng năm, bộ phim tiếp tục gây bất ngờ khi giành Giải thưởng Lớn (Grand Festival Prize) - giải thưởng quan trọng nhất của Liên hoan Phim công chiếu quốc tế do Hội đồng Điện ảnh Philippines tổ chức. Sau chuỗi thành công đó, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ được đánh giá là một trong những gương mặt đạo diễn trẻ tài năng.
Với số vốn 6 tác phẩm điện ảnh trong tay, trong đó có tới một nửa là những bộ phim khai thác về đề tài văn hóa, lịch sử, Đinh Tuấn Vũ chia sẻ bản thân anh thực sự rất có đam mê với những bộ phim chiến tranh và những câu chuyện về đề tài chiến tranh.
Sinh ra trong một gia đình có ông nội, ông ngoại và bố đều là những người tham gia trực tiếp vào hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Những câu chuyện, bài hát của thế hệ đi trước dần ngấm dần vào con người anh từ khi còn nhỏ để rồi tự nhiên nó đã trở thành một phần máu thịt, thành bản năng trong anh. Chính vì thế, khi lớn lên, đọc truyện ngắn hay tiểu thuyết chiến tranh, kể cả Việt Nam hay nước ngoài, Vũ đều có cảm xúc rất mạnh.
Đọc truyện ngắn “Truyền thuyết về Quán Tiên” của cố nhà văn Xuân Thiều từ cách đây nhiều năm và vô cùng ám ảnh về câu chuyện khác lạ và độc đáo so với những tác phẩm về đề tài chiến tranh trước đó. Bộ phim kể câu chuyện thời chiến của ba nữ thanh niên xung phong thuộc một binh trạm giao liên được cử đến một hang động nằm sâu trong núi rừng Trường Sơn mở một “Quán Tiên” để tiếp tế cho những người lính lái xe nghỉ ngơi trên đường vào tiền tuyến. Bên cạnh đạn bom, thiếu thốn vật chất, còn là nỗi cô đơn gặm nhấm tâm hồn các cô gái trẻ. Đặc biệt, cô “chị cả” tên Mùi - người chỉ được ở với chồng mới cưới ba ngày thì anh ra trận suốt 5 năm bặt vô âm tín - bị ám ảnh bởi một con vượn luôn ẩn hiện, rình mò cô ngày đêm. Bộ phim diễn tả được sự tàn khốc của chiến tranh không phải bằng bom rơi, đạn nổ mà qua số phận của những người phụ nữ với khát vọng tình yêu đôi lứa, bị giằng xé cảm xúc, khổ đau vì khát vọng được yêu thương như bản năng vốn có. Đặt trong những tình huống điện ảnh giữa thực và mơ, giữa gần gũi và xa cách, giữa sự sống và cái chết...; vượt qua những cảm xúc cá nhân, họ luôn sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho Tổ quốc.
Vũ từng chia sẻ, anh nhận kịch bản bộ phim từ nhà biên kịch Đoàn Tuấn khi mới chỉ 28-29 tuổi. Cái khó nhất đối với anh có lẽ là không sinh ra trong thời chiến, cũng chưa từng nếm trải những đau khổ mà thế hệ ông cha đã trải qua. Thế nhưng, anh cũng xem đó là một thuận lợi vì là người trẻ nên anh có cảm xúc và góc nhìn khách quan, từ đó có sự nhìn nhận về thời chiến khá tương đồng với giới trẻ ngày nay. Do đó, anh tin rằng cách truyền tải của mình thông qua bộ phim có thể giúp các bạn trẻ hiểu thêm về lịch sử dân tộc, về sự hy sinh của cha ông trong quá khứ.
Chia sẻ góc nhìn về bộ phim này, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng: Phim về chiến tranh, nói về con người và hệ lụy của tình yêu bị chiến tranh tàn phá, văn học và điện ảnh thế giới đã nói nhiều. Nhiều phim của Việt Nam cũng khai thác thành công tối đa mặt bi kịch của con người ở lĩnh vực tình yêu trong chiến tranh. Nếu phim chỉ dừng lại như thế thì đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng chỉ là đi theo một vết xe cũ. “Truyền thuyết về Quán Tiên” đã phá vỡ khuôn mẫu thông thường khi đề cập đến mảng tình yêu, hạnh phúc trong chiến tranh. Ở đây, không chỉ con người là ba cô gái đau khổ. Chiến tranh không chỉ tàn phá riêng hạnh phúc của loài người. Chiến tranh lạnh lùng đã phá tất cả, đẩy sự đau khổ trên hành tinh này cho muôn loài buộc chú vượn mất hết gia đình phải tìm đến sự chia sẻ của con người, và con người đã thông cảm, thấu hiểu nỗi niềm ấy. Như vậy, cách nhìn đa chiều, cách khai thác những góc khuất chiến tranh, những lát cắt đời thường của các nhân vật, cách thể hiện lúc tinh tế, lúc trần trụi đã làm nên sự khác biệt của bộ phim so với phim chiến tranh trước đây. Đây là điều lớn nhất, mới lạ nhất mà phim “Truyền thuyết Quán Tiên” đã làm được, đặc biệt hơn là từ một nhà làm phim trẻ.
Từ con đường sáng tạo của Đinh Tuấn Vũ, mà trong đó đáng quý là tâm huyết với đề tài kinh điển, giàu giá trị chân-thiện-mỹ, cho chúng ta cơ hội tin tưởng vào sự đổi mới nội dung và hình thức, góp phần đưa điện ảnh Việt Nam tìm đường ra biển lớn, hòa cùng với sự phát triển chung của điện ảnh thế giới.
Khác với thế hệ văn nghệ sĩ ở thời kỳ trước đã có độ lùi thời gian để đánh giá di sản sáng tạo, văn nghệ sĩ đương đại vẫn đang tiếp tục hành trình vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao nghệ thuật. Từ những thành công cũng như hạn chế của họ, theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Vũ Hiệp: Văn nghệ sĩ hứng khởi bước vào kỷ nguyên mới để hoàn thành sứ mệnh chấn hưng văn hóa nước nhà.
Phóng viên: Ở góc độ người làm nghiên cứu, ông đánh giá thế nào về đội ngũ văn nghệ sĩ thời đương đại?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Đội ngũ văn nghệ sĩ thời đương đại nhìn chung có một lực lượng đông đảo, bao gồm nhiều thế hệ gối tiếp nhau, tạo nên một cuộc chạy tiếp sức giữa nhiều lực lượng. Phần lớn họ đều là những người trưởng thành và học tập sau năm 1986 - giai đoạn đất nước đã đổi mới, kinh tế không còn khó khăn như thời kỳ trước, giao lưu văn hóa rộng rãi. Do đó, tư duy về nghệ thuật đã cởi mở hơn rất nhiều.
Văn nghệ sĩ thời kỳ này được đánh giá có nền tảng học thức tốt, được tiếp cận nhiều lý thuyết về văn học nghệ thuật đương đại trên thế giới, năng động và sáng tạo, do đó nhìn ra được bối cảnh, xu thế chung của văn học nghệ thuật đương đại thế giới. Nhiều người biết mình biết người, lựa chọn con đường phù hợp với hoàn cảnh nước nhà, học hỏi có chọn lọc, kết hợp phát huy những thế mạnh của mình để tạo ra những tác phẩm chất lượng, từ đó nhận được sự ghi nhận của cộng đồng văn học nghệ thuật quốc tế. Ví dụ, các kiến trúc sư Việt Nam được trao các giải thưởng quốc tế chủ yếu bởi các công trình xanh, khai thác yếu tố bản địa, quy mô vừa và nhỏ.
Trong thời đại phát triển, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, các văn nghệ sĩ trẻ có nhiều cơ hội giao lưu với các nước phát triển, được tự do sáng tác, tiếp cận với tư duy nghệ thuật mới trên thế giới du nhập vào Việt Nam và luôn có ý thức cách tân mạnh mẽ.
Mặc dù vậy, thế hệ này vẫn thiếu một nền tảng chắc chắn và sâu sắc, cả về lý luận và thực hành, đủ để tạo ra một trường phái hoặc hệ phái nghệ thuật mang đặc thù Việt Nam. Họ chưa kết hợp được với nhau để tạo nên các nhóm dẫn dắt, hay những trào lưu có tính tiên phong. Những tác phẩm độc lập có ảnh hưởng quốc tế chưa xuất hiện rõ ràng.
Dù có nhiều cơ hội sáng tạo, nhưng đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Áp lực từ sự thương mại hóa, xu hướng tiêu thụ nhanh chóng của công chúng và các yếu tố quản lý nhà nước cũng tạo ra những hạn chế nhất định đối với tự do sáng tạo.
Một khó khăn lớn mà nhiều văn nghệ sĩ đương đại gặp phải đó là vấn đề tài chính và cơ hội phát triển bền vững. Trong khi một số ít văn nghệ sĩ nổi bật có thể tạo dựng được tên tuổi và kiếm sống tốt từ nghề, phần lớn vẫn phải vật lộn với việc duy trì nguồn thu nhập, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài và cống hiến của họ cho nền văn hóa nghệ thuật.
Phóng viên: Kinh tế ngày càng phát triển, đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, theo ông, những yếu tố nào ảnh hưởng đến văn học nghệ thuật thời kỳ này?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Yếu tố đầu tiên chính là sự xuất hiện của các quỹ văn hóa, trung tâm văn hóa nước ngoài từ những năm 1990 và nở rộ vào giai đoạn 2000-2010. Đội ngũ văn nghệ sĩ có cơ hội được giao lưu quốc tế, được tiếp xúc với nhiều xu hướng nghệ thuật mới, lạ, từ đó có cơ hội phát triển, vươn mình ra thế giới. Tuy nhiên, cũng có mặt trái là các văn nghệ sĩ phải đi theo định hướng của người tài trợ, ít nhiều phải nghĩ, cảm thụ, sáng tạo theo hệ quy chiếu xa lạ với truyền thống dân tộc hay đặc thù xã hội Việt Nam.
Ngoài cơ quan quản lý nhà nước, thời kỳ này đã xuất hiện thị trường nghệ thuật và các chủ đầu tư tư nhân, nhờ đó, văn nghệ sĩ có hợp đồng đa dạng hơn và có cái nhìn sâu hơn về cơ chế hoạt động của thị trường (vấn đề hợp đồng, sở hữu trí tuệ, marketing…) vì giờ đây nghệ thuật đã là một sản phẩm của thị trường.
Dù trong thời kỳ mở cửa nhưng đội ngũ văn nghệ sĩ đương đại vẫn dưới sự quản lý nhất định của cơ quan quản lý nhà nước. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nghệ thuật thời kỳ này đã có nhiều đổi mới về tư duy; xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về văn hóa, văn nghệ, tạo hành lang pháp lý và môi trường lành mạnh để văn nghệ sĩ sáng tạo, phát triển tài năng; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nghệ sĩ trong sáng tác, quảng bá tác phẩm nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài, góp phần lan tỏa vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng, sự ra đời của các mạng xã hội nói riêng, mạng Internet nói chung, cũng có tác động mạnh mẽ đến văn học nghệ thuật thời kỳ này, thúc đẩy văn học nghệ thuật đổi mới theo hướng số hóa, tạo ra một không gian mới cho việc quảng bá và tiếp nhận các tác phẩm nghệ thuật. Các văn nghệ sĩ không chỉ sáng tác trên giấy hay trong các phòng thu mà có thể trực tiếp chia sẻ tác phẩm của mình với công chúng toàn cầu qua các nền tảng trực tuyến. Điều này giúp văn nghệ sĩ có thể nhanh chóng gây dựng được cộng đồng người yêu thích, tuy nhiên cũng tạo ra áp lực về việc “làm mới” và “hút khách” để duy trì sự chú ý của công chúng. Hơn nữa, sự bùng nổ và chiếm ưu thế của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đã, đang và hứa hẹn sẽ tạo ra làn sóng biến đổi lớn cho văn học nghệ thuật trong tương lai gần.
Phóng viên: Theo ông, đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ cần làm gì để văn học nghệ thuật Việt Nam trở thành một “làn sóng” có sức ảnh hưởng toàn cầu?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ cần phải xây dựng nền tảng chắc chắn hơn, thấu hiểu giá trị nghệ thuật Việt Nam. Song, họ cũng cần có cái nhìn hướng ra quốc tế, cần được trang bị ngoại ngữ, suy tư về những vấn đề dân tộc tính lẫn những vấn đề toàn cầu. Việc đổi mới và thử thách bản thân với các hình thức nghệ thuật đương đại sẽ giúp nghệ sĩ không chỉ khẳng định danh tiếng trong nước mà còn có cơ may tiếp cận được công chúng quốc tế.
Ngoài ra, văn nghệ sĩ trẻ cần liên kết với nhau để tạo thành những trào lưu văn nghệ thực sự lớn mạnh, có triết lý nghệ thuật đặc sắc gắn với dân tộc và thời đại, thúc đẩy nhau cách tân, sáng tạo.
Song, muốn tạo ra “làn sóng” có sức ảnh hưởng toàn cầu, Nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cũng giữ một vai trò quan trọng.
Trước hết, Nhà nước cần có cái nhìn cởi mở hơn, chấp nhận sự phản ánh những hạn chế, góc khuất, mặt trái của xã hội để hướng tới sự phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Xã hội nào cũng có những u nhọt, những vết thương rỉ máu, và văn học nghệ thuật phải điều trị đúng chỗ u nhọt đó thì mới thuyết phục, và có cơ may đạt được đỉnh cao.
Nhà nước cũng cần khuyến nghị, có cơ chế kích thích, thậm chí ra nhiệm vụ cho các tổ chức tư nhân tạo ra các quỹ đầu tư nghệ thuật để hỗ trợ các nghệ sĩ sáng tác, vươn ra thế giới. Một khế ước rất đơn giản: Nhà nước đã tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, thì tư nhân phải có trách nhiệm trở lại với xã hội, cùng gánh vác những việc cần đầu tư mà không ra tiền ngay nhưng rất quan trọng đối với quốc gia, đó là văn hóa. Nhìn lại lịch sử, những cường quốc nghệ thuật thế giới luôn gắn liền với các nhà bảo trợ.
Hiện nay, chúng ta đang nhận ra sự rút lui thầm lặng của các quỹ văn hóa nghệ thuật nước ngoài. Khoảng trống này mở ra cơ hội và thách thức. Có tín hiệu đáng mừng là hiện nay đã xuất hiện các trung tâm văn hóa nghệ thuật tư nhân và bảo tàng tư nhân. Nhưng cũng có tín hiệu đáng lo ngại là sự tan rã khá nhanh của một số trung tâm nghệ thuật tư nhân. Ngoài nguồn vốn đủ lớn để đi đường dài, phương pháp quản trị trong thị trường nghệ thuật cũng là bài học xương máu đối với các đơn vị trong nước.
Một tầm nhìn dài hạn, có chiến lược rõ ràng là điều cần thiết. Điện ảnh Hàn Quốc không phải một sớm một chiều mà khuynh loát thế giới như vậy. Kiến trúc Trung Quốc cũng có những lộ trình vươn tầm thế giới: Đầu tiên là mời các kiến trúc sư giỏi nhất thế giới đến Trung Quốc, tiến hành dự án phải kết hợp với kiến trúc sư bản địa; sau khi kiến trúc sư Trung Quốc đã vững mạnh, họ lại đưa ra các điều khoản kỹ thuật để tạo ưu thế cho kiến trúc sư trong nước trong các cuộc thi tuyển, đấu thầu.
Phóng viên: Đứng giữa những tác động của xu hướng thương mại hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ thời nay cũng như các cơ quan quản lý cần làm gì để văn học nghệ thuật phát triển toàn diện và mạnh mẽ song vẫn gìn giữ và phát huy được các giá trị truyền thống tốt đẹp?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Văn nghệ sĩ phải luôn cố gắng trau dồi phẩm chất, nâng cao năng lực, mạnh dạn đổi mới trong cách thức thể hiện, không ngừng tìm tòi và sáng tạo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Cùng với sự sáng tạo, các văn nghệ sĩ và cơ quan quản lý cần trân trọng, bảo tồn di sản nghệ thuật, trong đó có di sản nghệ thuật hiện đại mà chúng ta đã xây dựng từ khi giành độc lập. Nguy cơ biến mất những thước phim nhựa, những công trình kiến trúc thời bao cấp đã gắn bó với cuộc kiến tạo quốc gia XHCN, đang ngày một rõ rệt. Chỉ khi trân trọng, tin tưởng những điều mà thế hệ đi trước đã sáng tạo, thì chúng ta mới có đủ bản lĩnh đứng vững trước những cơn sóng nghệ thuật thế giới liên tục dồn dập lao đến.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần có những chính sách khích lệ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là đội ngũ trẻ; xây dựng một môi trường thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ có thể tự do sáng tạo, tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi cho họ và giảm bớt những rào cản về thủ tục hành chính.
Phóng viên: Theo ông, văn nghệ sĩ cần nhất điều gì để phát huy hết tài năng đóng góp cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa nước nhà trong kỷ nguyên mới?
Nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Văn nghệ sĩ cần có môi trường quản lý văn học nghệ thuật cởi mở, không bị bó buộc quá nhiều bởi các quy chuẩn, định kiến hay áp lực, chấp nhận những cái khác, cái mới. Điều quan trọng là họ có sự thoải mái nhất định để thể hiện cá tính, suy nghĩ và cảm xúc của mình. Đây là yếu tố then chốt giúp họ phát huy tối đa khả năng sáng tạo.
Tâm thế xã hội của nghệ sĩ cũng là điều cần thiết. Nghệ sĩ phải tự tin vào nền nghệ thuật dân tộc mình. Khi được cả một truyền thống nâng đỡ thì tác phẩm của nghệ sĩ sẽ đáng tin cậy hơn rất nhiều.
Sự tôn vinh, cảm thông, đối thoại và lắng nghe từ các cơ quan quản lý là nguồn động viên tinh thần đối với các văn nghệ sĩ trẻ. Họ cũng cần nhiều cơ hội để giới thiệu và quảng bá rộng rãi tác phẩm nghệ thuật tới công chúng. Các quỹ sáng tạo, hỗ trợ công bố tác phẩm, giải thưởng văn học nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh đương đại bởi sự tôn trọng và công nhận từ xã hội cũng là yếu tố quan trọng giúp văn nghệ sĩ vững tin với con đường sáng tạo của mình.
Sự tin tưởng, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau rất cần thiết. Việc chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi giữa các nghệ sĩ không chỉ giúp mỗi cá nhân phát triển mà còn tạo ra một môi trường sáng tạo mạnh mẽ, đầy tính kích thích và thúc đẩy sự phát triển chung của nền văn hóa. Bên cạnh đó, sự tin cậy lẫn nhau giữa Nhà nước với đội ngũ văn nghệ sĩ, doanh nghiệp và ngược lại cũng giúp các văn nghệ sĩ trẻ có thế đứng tự tin trước thời cuộc, cống hiến hết mình vì sự nghiệp chấn hưng văn hóa nước nhà trong kỷ nguyên mới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
(Còn nữa)
- Nội dung: Nhóm Phóng viên Báo Quân đội nhân dân
- Ảnh: Báo Quân đội nhân dân, CTV
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC