Xã hội số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 4: Những giải pháp đột phá chiến lược, đồng bộ (tiếp theo và hết)
Kỷ nguyên mới, xã hội Việt Nam được xây dựng gắn liền với hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, con người và cộng đồng, trong đó chuyển đổi số là phương thức, là động lực để xã hội số phát triển. Trong quá trình đó, quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận khoa học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường tìm lời giải cho những vấn đề nảy sinh từ thực tế trong công cuộc hoàn thiện xã hội, trong đó có xã hội số ở Việt Nam hiện nay.
Kỷ nguyên mới của đất nước đang bắt đầu với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, để sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi. Trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng xã hội “ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang”[1] luôn được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chú trọng và thúc đẩy. Xã hội Việt Nam được Đảng ta khẳng định là xã hội xã hội chủ nghĩa, “đưa quần chúng đến một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và ngày càng phồn vinh, làm cho mọi người lao động có một Tổ quốc tự do, hạnh phúc và hùng cường, hướng tới những chân trời tươi sáng”[2].
Kỷ nguyên mới, xã hội Việt Nam được xây dựng gắn liền với hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, con người và cộng đồng, trong đó công nghệ số là phương thức, là động lực để xã hội số phát triển. Trong bối cảnh đó, quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận khoa học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường; là cơ sở để tư duy, tìm tòi lời giải đáp cho những vấn đề nảy sinh từ thực tế,... trong công cuộc hoàn thiện xã hội nói chung, xã hội số nói riêng hướng tới xã hội tươi đẹp, tiến bộ, hạnh phúc.
Xây dựng xã hội số, cần gắn liền với quá trình đổi mới, phát huy hiệu lực, hiệu quả, trong sạch, vững mạnh; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức trong hệ thống chính trị; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xã hội số cần gắn với phát triển văn hóa - xã hội bền vững, xây dựng, phát huy, bảo tồn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên cơ sở nâng cao chỉ số hạnh phúc của từng gia đình, phát triển con người toàn diện cả về trí tuệ, nhân cách và thể lực, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, trong đó tập trung xây dựng và phát triển văn hóa số và con người số.
Văn hóa số trong kỷ nguyên mới cần đảm bảo kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc, phải là giá trị "soi đường cho quốc dân đi”, là sức mạnh nội sinh để đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực để thực hiện khát vọng phát triển đất nước, hướng tới Việt Nam là quốc gia có dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Con người số cần gắn liền với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia. Trong đó cần gìn giữ, phát huy hệ giá trị tốt đẹp về tình yêu thương, sự hiếu thuận, hòa hợp, tôn trọng, cần cù, sáng tạo, duy trì được sự gắn kết các thành viên dựa trên nền tảng tình cảm, sự thủy chung, đức hy sinh và tinh thần trách nhiệm. Hệ giá trị văn hóa với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hệ giá trị quốc gia là những giá trị cốt lõi, phản ánh những khát vọng, mong cầu, mục tiêu chung của cả quốc gia, được kết tinh từ quá khứ, phát huy vai trò trong hiện tại và có định hướng tới tương lai. Đó là nền tảng để điều tiết, dẫn đạo sự phát triển của đất nước, là thực hiện “dân giàu, hạnh phúc, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trên cơ sở hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam…
Thực tiễn phát triển đất nước giai đoạn hiện nay đặt ra nhiều vấn đề, thách thức mới, vô cùng phong phú, đồng thời cũng hết sức phức tạp. Trong bối cảnh đó, quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển xã hội vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường; là cơ sở để tư duy, tìm tòi lời giải đáp cho những vấn đề nảy sinh từ thực tế... trong công cuộc hoàn thiện xã hội, trong đó có xã hội số tốt đẹp ở Việt Nam hiện nay.
Để xây dựng xã hội số một cách an toàn, bền vững, cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, triển khai, thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta, với trọng tâm xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam; xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển xã hội số, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và cơ chế thực hiện pháp luật hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc “thượng tôn” Hiến pháp và pháp luật, lấy pháp luật làm căn cứ điều chỉnh các mối quan hệ trên môi trường số.
Thứ hai, quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới hướng tới phát triển hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người bền vững.
Đây là một chiến lược mang tính đột phá chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Với những mục tiêu, định hướng phát triển rõ ràng, Nghị quyết đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản được đúc rút từ thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta trên lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thứ ba, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số bền vững; xây dựng hệ thống lý luận chỉnh thể, thực chứng về xã hội số theo từng lĩnh vực và cấp độ lãnh đạo, quản lý. Thực hiện đẩy mạnh việc đổi mới tư duy, thống nhất về tư tưởng và hành động trong hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội về sự cần thiết, tính tất yếu, phương thức, kỹ năng, nội dung, mục tiêu xây dựng xã hội số.
Thứ tư, thực hiện tổ chức, sắp xếp bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, từ đó xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ nền tảng số, kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, an toàn, an ninh số làm tiền đề để xây dựng và phát triển xã hội. Sử dụng công nghệ để tăng hiệu quả quản lý, tối ưu hóa hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy công bằng xã hội, tất cả vì sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong mục tiêu xây dựng đất nước ta “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Thứ năm, phát triển văn hóa số và con người số làm tiền đề để phát triển xã hội số Việt Nam hiện đại, văn minh hướng tới nâng cao chất lượng sống của người dân, thúc đẩy sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của người dân thông qua ứng dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào từng lĩnh vực của hệ thống chính trị; văn hóa số phải toàn diện, thống nhất, thấm nhuần tinh thần nhân văn, nhân ái, vị tha, nhân cách, danh dự, phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phát triển các lĩnh vực văn hóa mới; con người số phải trách nhiệm, có ý thức, có tinh thần yêu nước, gắn kết hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người, “sống” trách nhiệm, tích cực, an toàn trên môi trường số.
Thứ sáu, đơn vị quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông) sau khi sắp xếp, tinh gọn cần xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về môi trường số, trong đó các tiêu chuẩn cần đảm bảo sự toàn diện, hướng vào mục tiêu phát triển văn hóa số và con người số bền vững; xây dựng hệ sinh thái số quốc gia trên cơ sở sử dụng các kỹ thuật, công nghệ mới như dữ liệu lớn, chuỗi khối, trí thông minh nhân tạo… để phát triển xã hội số, phát triển các dịch vụ số quốc gia, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho xã hội số, văn hóa số, con người số.
Thứ bảy, chú trọng đến mục tiêu và phương pháp trong giáo dục - đào tạo, phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng và phát triển xã hội số an toàn, phát triển bền vững. Giáo dục đào tạo cần hướng đến mục tiêu phát triển con người, trong đó tập trung đổi mới giáo dục, đào tạo các lĩnh vực liên quan đến công nghệ số, môi trường số. Giáo dục phải hướng đến đổi mới, sáng tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu phát triển mới của kinh tế - xã hội. Giáo dục phải “đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”[3].
Thứ tám, sử dụng công nghệ số để “thẩm thấu”, phát triển hệ giá trị chính trị - xã hội, mô hình nhà nước và chính sách quốc gia để xây dựng sức mạnh mềm quốc gia, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia. Xây dựng sức mạnh mềm Việt Nam gắn liền với xây dựng xã hội số văn minh, hiện đại là phát huy những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam đến các quốc gia trên thế giới, đồng thời tăng cường uy tín, vị thế của dân tộc Việt Nam trong các quan hệ quốc tế.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 294; [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. XII; [3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.232-233.
- Nội dung: Nhóm PV Báo QĐND
- Ảnh: Báo QĐND, CTV
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC - THANH HƯƠNG