Xã hội số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Bài 3. Con người số
Trong bối cảnh mới, con người số cần định vị mình trong hệ giá trị quốc gia để tận dụng thế mạnh của kỹ thuật, công nghệ, có khát vọng cống hiến, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người Việt, xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị dân tộc Việt để phát triển đất nước.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” [1], nghĩa là con người Việt Nam toàn diện với giá trị văn hoá Việt, con người Việt với những bản sắc không thể lẫn với dân tộc khác. Trong điều kiện hiện nay cần “từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại” [2] và “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt nam thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” [3].
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự ra đời của công nghệ số đã làm thay đổi cách tiếp cận về con người. Ở Việt Nam, chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số quốc gia, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số", trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”. Như vậy, chuyển đổi số gắn liền với mục tiêu là phục vụ con người, vì con người với trọng tâm cho công tác phát triển kinh tế số, xây dựng công dân số.
Con người số có thể được hiểu là con người tham gia hoạt động trên môi trường số, có kỹ năng số, có trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo trong tham gia xã hội số.
Đối với mỗi quốc gia và các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, con người số tạo nên các công dân số. Công dân số khi hoạt động trên môi trường số cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng và có trách nhiệm trong các giao dịch, tương tác trực tuyến; có kiến thức và kỹ năng trong sử dụng và đánh giá thông tin một cách nghiêm túc; tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn và hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động trực tuyến; đảm bảo quyền tự do ngôn luận (quyền riêng tư và tự do ngôn luận) và trách nhiệm (tôn trọng và trách nhiệm giải trình); quản lý thời gian sử dụng phù hợp để đảm bảo sức khoẻ tinh thần và thể chất trên môi trường số; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho cá nhân và cộng đồng; sử dụng công nghệ một cách an toàn, có đạo đức, có trách nhiệm và chủ động, sáng tạo trong thúc đẩy phát triển môi trường số toàn diện, tích cực.
Con người số, vốn mang trong mình giá trị con người, tuy nhiên trong môi trường số, các giá trị này đã không còn chỉ giới hạn ở phạm vị địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia. Con người số hiện nay đã có thể tham gia vào các hoạt động xuyên quốc gia khi mọi thông tin được cung cấp, truyền dẫn, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua hạ tầng công nghệ thông tin, không phụ thuộc thời gian, không gian hay vị trí địa lý.
Thông qua môi trường số, con người số có thể có các trải nhiệm xã hội, tương tác, trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin, tranh luận hoặc đánh giá những hiện tượng, sự kiện liên quan đến đạo đức, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá hoặc xung đột quân sự, chiến tranh, an ninh truyền thống hay an ninh phi truyền thống, chính vì thế, con người số hiện nay đối mặt với những khó khăn, thách thức và cơ hội nhất định. Đó là: Con người cần có năng lực về thông tin và dữ liệu số với những kỹ năng tạo lập dữ liệu, tiếp nhận, kiểm tra, lọc thông tin, đánh giá dữ liệu và quản lý dữ liệu một cách đúng đắn; cần có các kỹ năng tương tác qua công nghệ số, thực hiện quyền công dân số, cộng tác qua lại trên nền tảng số và thực hiện các quy tắc ứng xử trên môi trường số; bên cạnh đó, con người số cần có năng lực tự bảo vệ và bảo vệ an toàn cá nhân, bảo vệ giá trị quốc gia, dân tộc, bảo vệ cộng đồng trước những tiêu cực trên môi trường số.
Hiện nay, môi trường số đã tạo nên những thách thức để phát triển toàn diện và bền vững, công dân số khi sử dụng công nghệ đã và đang ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu.
Với khối lượng dữ liệu khổng lồ trên internet, đồng thời internet hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây đang có hàng tỷ giao dịch khiến dữ liệu ngày càng “nở” ra một cách nhanh chóng. Internet cũng khiến cho con người số “chết đuối trong thông tin nhưng chết đói tri thức”, hằng ngày chúng ta tiếp cận rất nhiều thông tin khác nhau nhưng có lúc thông tin bị báo hoà, thiếu chiều sâu và tiếp cận hiểu biết về vấn đề. Con người, bất cứ khi nào bắt đầu tham gia đăng ký địa chỉ email, sử dụng thương mại điện tử hay bất cứ hoạt động nào trên môi trường số đều bắt đầu được coi là con người số.
Thực tiễn cho thấy, hiện nay trên môi trường số, nhiều thông tin cổ xuý cho hành vi lệch chuẩn, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới trên môi trường mạng, theo đuổi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, thủ đoạn, bè cánh, lối sống hưởng thụ, chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý, sống thờ ơ, vô cảm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai trái, tiêu cực không dám đấu tranh, không dám can ngăn...; sự vô cảm, manh động, coi thường giá trị con người, đạo đức gia đình, học đường, quan hệ gia đình, xã hội đang đứng trước những khó khăn, thách thức.
Trên không gian số, có nhiều hành vi cổ xuý cho lối sống hưởng thụ, buông thả, xem thường các giá trị truyền thống khá phổ biến dẫn tới các tội phạm ngày càng trẻ hóa, quan hệ giữa con người với con người ngày càng lỏng lẻo, con người đang ngày càng trở nên ích kỷ, lạnh lùng, vô cảm với những vấn đề xung quanh...; con người số trong nhiều trường hợp coi sự tương tác, hình ảnh trên thế giới ảo là duy nhất, là quan trọng đến mức đánh đổi con người thật, các mối quan hệ thật, thậm chí là danh dự của bản thân; văn hoá ứng xử đi ngược lại với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, trong đó tràn lan những câu từ nói tục chửi bậy, “bóc phốt”, moi móc vi phạm đời sống riêng tư… đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các cấp, các ngành về giá trị con người. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng công nghệ số để tuyên truyền, bôi nhọ, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ngày càng manh động và phức tạp.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.
Ở Việt Nam, những công dân số đầu tiên xuất hiện khi đất nước ta kết nối với mạng lưới internet toàn cầu. Con người số, trong bối cảnh mới, cần định vị mình trong hệ giá trị quốc gia để tận dụng thế mạnh của kỹ thuật, công nghệ để tự bản thân mình phải có khát vọng cống hiến, khát vọng phát triển đất nước; góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người Việt; xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị dân tộc Việt để phát triển đất nước, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật.
Xây dựng con người số Việt Nam cần gắn liền với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia. Trong đó, hệ giá trị gia đình của con người số cần gìn giữ, phát huy hệ giá trị tốt đẹp về tình yêu thương, sự hiếu thuận, hòa hợp, tôn trọng, cần cù, sáng tạo, duy trì được sự gắn kết các thành viên dựa trên nền tảng tình cảm, sự thủy chung, đức hy sinh và tinh thần trách nhiệm. Hệ giá trị văn hoá với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Hệ giá trị quốc gia là những giá trị cốt lõi, phản ánh những khát vọng, mong cầu, mục tiêu chung của cả quốc gia, được kết tinh từ quá khứ, phát huy vai trò trong hiện tại và có định hướng tới tương lai, làm nền tảng để điều tiết, dẫn đạo sự phát triển của đất nước. Đó là thực hiện “Dân giàu, hạnh phúc, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trên cơ sở hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam…
Mỗi con người số, cần khẳng định những mặt tích cực; lên án, phê phán cái xấu, cái ác, cái giả, có bản lĩnh đấu tranh, phản bác trước những thông tin xấu, độc, lệch chuẩn; khẳng định cái đúng, cái tốt, cái đẹp, lan toả các tấm gương tích cực để xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, đậm bản sắc dân tộc Việt; truyền cảm hứng tích cực cho xã hội. Trong kỷ nguyên mới, môi trường số ở Việt Nam phải thông minh, an toàn và bền vững, phục vụ phát triển công dân số để đưa đất nước vươn mình trở thành quốc gia có dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
(Còn nữa)
Bài 4: Những giải pháp đột phá chiến lược, đồng bộ
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 47; [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.143; [3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 136
- Nội dung: Nhóm PV Báo QĐND
- Ảnh: Báo QĐND, CTV
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC - THANH HƯƠNG