LONGFORMĐảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu

Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu

Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu

Mỗi dân tộc ở Hà Giang đều có phong tục, tập quán đặc sắc, tạo nên sự đa dạng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào. Tuy nhiên, một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, con người nơi đây. Với sự vào cuộc tích cực, chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương ở Hà Giang, nhiều hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu từng bước được đẩy lùi, góp phần xây dựng nếp sống văn minh nơi biên giới.

========*****========

Nghị quyết đột phá, căn cơ

Những ngày khảo sát ở các huyện biên giới của tỉnh Hà Giang, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện buồn về các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đời sống sinh hoạt của bà con, như: Việc không đưa người chết vào áo quan, tang ma tổ chức nhiều ngày, giết mổ nhiều gia súc khiến gia đình tang chủ trở nên khánh kiệt, nghèo “bền vững” trong suốt nhiều năm. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn nhiều; một số lễ nghi trong cúng bái còn rườm rà, gây lãng phí, tốn kém…

Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Tổ vận động thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục trong đám tang.

Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10-5-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy bài trừ các hủ tục vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang (Chỉ thị 09). Ngày 1-5-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU, về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 27).

Ngay khi Nghị quyết 27 ra đời, Ban Chỉ đạo các cấp được thành lập, các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa thành nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch hành động gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn hằng năm. Công tác tuyên truyền được tổ chức đa dạng, phong phú, linh hoạt bằng nhiều hình thức; 100% thôn, tổ dân phố thành lập Tổ tuyên truyền, vận động; phát huy tốt vai trò của Hội nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng.

Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Một tiết mục sân khấu hóa tại hội thi dân vận khéo xóa bỏ hủ tục tại huyện Mèo Vạc.

Tại huyện Đồng Văn, theo đồng chí Dương Ngọc Đức, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy thì tại địa phương có hơn 90% dân số là đồng bào Mông, việc xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu thực sự là “cuộc cách mạng” trong đời sống nhân dân, không thể thành công trong một sớm một chiều.

Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú (Hà Giang) tuyên truyền đến người dân những nội dung cơ bản của Nghị quyết 27.

Nhận thức rõ khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 27, Huyện ủy Đồng Văn triển khai loạt giải pháp như: Thành lập Ban Chỉ đạo từ huyện đến thôn; 100% cán bộ, đảng viên ký cam kết không vi phạm nghị quyết; lựa chọn những người có uy tín, già làng, trưởng bản, cán bộ, đảng viên gương mẫu, tiên phong làm trước, người dân làm theo… Huyện Đồng Văn tổ chức tuyên truyền nghị quyết bằng cả tiếng Kinh và tiếng Mông, đăng phát liên tục, kết hợp tuyên truyền cố định và phát thanh lưu động ở các phiên chợ, nơi đông người; những việc cần làm trong Nghị quyết 27 được lược bớt thành “Nghị quyết 1 trang” với “mấy việc cần làm trong nghị quyết”, dán ở nhà người dân, trụ sở thôn, bản.

Đồng chí Nguyễn Đình Phúc, Trưởng Phòng Dân vận các cơ quan Nhà nước (Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Giang) cho biết: Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 được xem “nghị quyết đột phá, căn cơ” của tỉnh với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn, nhằm xóa bỏ hoàn toàn các hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Hà Giang.

========*****========

“Mình không thay đổi thì ai làm theo”

Ngày mẹ đồng chí Vàng Chìa Ly, Bí thư chi bộ thôn Chúng Mung, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn qua đời, anh em trong nhà đã mua áo quan (quan tài) về, giờ chỉ mời thầy cúng đến làm lễ. Thế nhưng nhiều anh em trong họ và 6 dòng họ ở thôn không đồng tình, bảo phải làm cáng để đưa bà đi, không bỏ vào áo quan. Nếu không làm theo tục cũ thì con cháu trong dòng họ sẽ ốm đau, vì vậy, mọi người không đến giúp gia đình đồng chí Vàng Chìa Ly.

Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Thôn Chúng Mung, xã Thài Phìn Tủng như một thung lũng nhỏ nằm sâu dưới hẻm núi.

Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu

Ảnh 1: Đoàn công tác Báo Quân đội nhân dân Điện tử trao đổi với anh Vàng Chìa Ly, Bí thư Chi bộ thôn Chúng Mung, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh 2: Anh Vàng Chìa Ly (trái), Bí thư Chi bộ thôn Chúng Mung, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử. Ảnh 3: Nhà anh Vàng Chìa Ly, Bí thư Chi bộ thôn Chúng Mung, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là một trong những hộ gia đình tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Khi ấy, đồng chí Vàng Chìa Ly đã nói với mọi người: Bà con không giúp anh em mình thì tùy thôi. Nhà anh em có việc, gia đình mình vẫn đến giúp. Giờ thì anh em mình phải đưa mẹ vào áo quan theo nếp sống mới.

Nghĩ thấy sự chân thành của anh em nhà Vàng Chìa Ly! Nghĩ đến Ly là cán bộ, đảng viên trong thôn luôn giúp đỡ bà con, việc gì cũng gương mẫu đi đầu nên sáng hôm sau, anh em trong họ và 6 dòng họ trong thôn đều đến giúp lo việc hậu sự cho mẹ đồng chí Ly.

“Đã 2 năm trôi qua từ khi mẹ tôi mất, anh em, con cháu trong nhà đều khỏe mạnh. Anh em tôi đều phát triển kinh tế tốt, trở thành những hộ khá trong thôn. Nhờ vậy, bà con dần tin theo, nhiều gia đình tổ chức việc cưới, việc tang theo nếp sống mới. Nếu mình không thay đổi, tiên phong làm mẫu thì bà con không tin theo”đồng chí Vàng Chìa Ly chia sẻ.

Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Đoàn cán bộ Báo Quân đội nhân dân làm việc tại nhà ông Vương Văn Tuấn, thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc.

Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Ông Vương Văn Tuấn, thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc

Ở thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, ông Vương Văn Tuấn (sinh năm 1959) cho chúng tôi biết, dòng họ Vương của ông là một trong những dòng họ tích cực thực hiện nghiêm Nghị quyết 27 về xóa bỏ hủ tục. Họ nhà ông Tuấn có 20 hộ với hơn 90 nhân khẩu, có 13 người là đảng viên. Nhiều năm công tác tại xã (10 năm giữ chức Chủ tịch UBND xã, 10 năm giữ chức Bí thư Đảng ủy xã), ông Tuấn đã vận động bà con dời núi cao xuống thung lũng ở; trồng cỏ để nuôi bò vỗ béo. Thực hiện Nghị quyết 27 của tỉnh, tất cả các hộ trong dòng họ đều ký cam kết chấp hành theo nếp sống mới, đồng thời vận động đồng bào triển khai thực hiện. Ông Vương Văn Tuấn kể: “Mới đây, khi bà nội của gia đình Vương Mí Trạ mất, có anh em trong họ ở xã khác định đi viếng 9 con bò. Nhận được thông tin, tôi và một số anh em đến vận động, cuối cùng gia đình đồng ý chỉ viếng phong bì theo nếp sống mới, không viếng bò nữa”.

Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Cán bộ Ban CHQS huyện Mèo Vạc vận động nhân dân xây dựng nếp sống mới ở xã Xín Cái.

Đem những câu chuyện ghi nhận ở cơ sở, chúng tôi chia sẻ với đồng chí Ly Mý Chả, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Mèo Vạc, đồng chí cho biết: Đây là bước chuyển đột phá trong đời sống của đồng bào trong huyện. Trước đây, trên địa bàn huyện, đám hiếu thường tổ chức dài ngày (5-6 ngày), giết mổ nhiều gia súc (13-15 con bò, chi phí trên dưới 200 triệu đồng). Huyện ủy Mèo Vạc đã ban hành Đề án 13 về xóa bỏ hủ tục, tập trung chủ yếu vào đám hiếu, với ba tiêu chí chính: Đưa người chết vào áo quan; tổ chức không quá 48 giờ; giết mổ không quá 2 con bò, 4 con lợn, dê. Gia đình nào thực hiện đủ được ba tiêu chí sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng, thực hiện được hai trong ba tiêu chí sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng. Tình trạng như kéo dâu, bắt vợ (phụ nữ 14-15 tuổi, chưa đủ tuổi kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình) nay đã được xóa bỏ. Về lĩnh vực tôn giáo, huyện đã vận động, tuyên truyền gần 150 hộ từ bỏ tà đạo, đạo lạ, ký cam kết không tham gia lại.

Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Huyện Quang Bình tổ chức các hoạt động tuyên truyền xóa bỏ hủ tục bằng hình thức sân khấu hóa.

Quá trình thực hiện Nghị quyết 27, các địa phương trong tỉnh Hà Giang đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả như: Huyện đoàn Đồng Văn tổ chức cưới tập thể cho đoàn viên, thanh niên khi đến tuổi kết hôn; thành phố Hà Giang tổ chức hội thi tuyên truyền “Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh”… Việc tang lễ được tổ chức đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa từng dân tộc, dòng họ. Các hủ tục dần được loại bỏ, hạn chế việc giết mổ nhiều gia súc, thi hài người chết được chôn cất chu đáo, đảm bảo vệ sinh, trong đó thành phố Hà Giang thực hiện “Đám tang không nhận vòng hoa, bức trướng”; huyện Mèo Vạc xây dựng mô hình dòng họ tự quản về an ninh trật tự gắn với bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh; Huyện Quản Bạ thành lập ban tang lễ thôn, tổ dân phố, vận động 13/14 dòng họ dân tộc Mông đưa người chết vào áo quan.

Giờ đây, Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 thực sự đã đi vào cuộc sống tại Hà Giang, với các giải pháp khoa học, bài bản, kiên trì, phù hợp với đặc điểm, đặc thù của từng địa phương, dân tộc, không rập khuôn, máy móc. Với phương châm: “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời lên án, phê phán mạnh mẽ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, tiến tới xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.

Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Lớp dạy xóa mù chữ tại thôn Sảng Pả B, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) của thầy giáo Phạm Đình Tiến Hà – Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, Hà Giang.

Một số kết quả tiêu biểu đạt được trong thời gian qua như: Các địa phương trong toàn tỉnh đã tuyên truyền vận động đưa được 9.009 chuồng trại ra xa nhà, cải tạo, làm mới 11.535 nhà vệ sinh, 7.047 nhà tắm; vận động được 420 cặp đôi trong đồng bào các dân tộc thiểu số tự nguyện hoãn hôn (chưa đủ tuổi kết hôn); vận động được 4.516 gia đình là người dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh đưa người chết vào trong áo quan khi làm tang ma và thời gian không quá 48 giờ; vận động được hơn 2.000 đám tang không giết mổ nhiều trâu, bò; huyện Quản Bạ 13/14 dòng họ dân tộc Mông ký cam kết thực hiện đưa người chết vào áo quan khi làm tang ma...

(còn nữa)

  • Đảng bộ Hà Giang trên hành trình xóa đói nghèo, lạc hậu - Bài 3: Cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục lạc hậu
  • Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ
  • Ảnh: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN và CTV
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top