Công nghiệp quốc phòng Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới - Bài 2: “Make in Vietnam” đã không còn xa lạ
Năm 2022, 170 đơn vị đến từ 30 quốc gia tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ nhất. Có thể nói đó là một thành công ngoài mong đợi. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, quy mô của Triển lãm đã tăng gấp đôi về diện tích khu vực trưng bày với sự góp mặt của hơn 240 đơn vị từ 38 quốc gia.
Chưa dừng lại ở đó, tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, đối tác nước ngoài, đại diện các đoàn tham dự và người dân trong nước đã chứng kiến sự “lột xác” của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, một bước phát triển ngoạn mục khi Việt Nam ra mắt thêm nhiều chủng loại vũ khí, khí tài trang bị cho các quân, binh chủng cũng như các sản phẩm lưỡng dụng hiện đại được các nhà máy quốc phòng Việt Nam trực tiếp thiết kế, phát triển, thử nghiệm và sản xuất. Một “Việt Nam tự cường” trong công nghiệp quốc phòng đang dần định hình và ngày càng rõ nét.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 khẳng định: Việt Nam chủ trương xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; từng bước hòa nhập công nghiệp quốc phòng vào công nghiệp quốc gia; đầu tư xây dựng có trọng điểm một số cơ sở công nghiệp quốc phòng tiên tiến, tiến tới hình thành các tập đoàn, tổ hợp công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng công nghệ cao, tự chủ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Từ chủ trương lớn đó của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã thiết thực đầu tư phát triển nguồn nhân lực, vật lực để hướng đến mục tiêu tự chủ về vũ khí, khí tài. Nếu trước đây có người còn nghi ngờ về khả năng tự chủ về vũ khí, trang bị của Việt Nam thì đến Triển lãm Quốc phòng quốc tế năm nay đã thấy một không gian trưng bày “ngập tràn tự chủ”. Những sản phẩm quân dụng và lưỡng dụng “Make in Vietnam” đã không còn xa lạ. Công chúng có thể tận mắt chứng kiến, chạm vào và thậm chí trải nghiệm những thành tựu công nghiệp quốc phòng Việt Nam tự mình nghiên cứu, sản xuất. Trước mắt, những sản phẩm này sẽ được trang bị cho các lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhưng đồng thời cũng sẽ vươn ra thị trường nước ngoài với những biên bản ghi nhớ hợp tác ký kết ngay tại Triển lãm.
Tại gian trưng bày của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Đại tá Nguyễn Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Quản lý công nghệ, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, chia sẻ: “Hai năm sau Triển lãm lần thứ nhất, công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã có nhiều sản phẩm mới. Chúng tôi đã khuyến khích các doanh nghiệp trưng bày các sản phẩm thế mạnh của mình, cả những sản phẩm quốc phòng và sản phẩm kinh tế. Có thể nói là có rất nhiều kỳ vọng”.
Điểm nhấn của gian trưng bày trong nhà của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng là khu vực giới thiệu các mẫu súng bộ binh STV (súng tiểu liên Việt Nam) và SPL (súng phóng lựu), trong đó các mẫu STV 380, STV 215 và STV 022 có tính năng kỹ-chiến thuật cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau về tầm bắn. Súng phóng lựu SPL 40 của Việt Nam cũng có thể được gắn vào bên dưới nòng (kẹp nòng) các loại súng tiểu liên STV, cho thấy sự phát triển liền mạch, có khả năng tích hợp cao của các dòng vũ khí bộ binh do công nghiệp quốc phòng Việt Nam chế tạo. Thu hút đối tác và khách tham quan không kém là trang bị bộ binh, thiết bị bay không người lái (UAV), trang phục chống đạn... Ở khu vực trong nhà, gian hàng của Viettel cũng là nơi níu bước chân khách tham quan. Nổi bật ở gian trưng bày của Viettel là hàng loạt UAV các loại, trong đó có UAV trinh sát hạng nhẹ tầm trung VU-R70, UAV trinh sát hạng nhẹ tầm ngắn VU-R50, UAV cảm tử (đạn tuần kích) VU-C2.
Tại khu vực trưng bày ngoài trời, khu vực gây ấn tượng mạnh với người xem năm nay trưng bày một số loại vũ khí do Viettel và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tự nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Một số vũ khí, khí tài điển hình được nhiều người nhắc đến gồm: Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT, các loại UAV, hệ thống tác chiến điện tử, radar cảnh giới biển, hệ thống tên lửa bờ Trường Sơn với tên lửa hành trình diệt hạm Sông Hồng, xe chiến đấu bộ binh XCB-01… Giới thiệu cho khách tham quan tại khu vực trưng bày tổ hợp trinh sát, gây nhiễu chống UAV cấp chiến thuật, phiên bản xung điện từ VCUS/E, Đại úy Đỗ Văn Lộng cho biết: “Để phát hiện UAV thì chúng ta dùng radar, trinh sát vô tuyến, hệ thống quang điện tử như camera ảnh nhiệt… Sau khi phát hiện UAV, quyết định chế áp điện từ sẽ được đưa ra để hệ thống thực hiện gây nhiễu (jamming)”.
Ở khu vực ngoài trời cũng trưng bày các loại UAV cỡ lớn do các đơn vị công nghiệp quốc phòng khác thuộc Bộ Quốc phòng tự nghiên cứu, sản xuất, như UAV RAV-80 có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng, phù hợp cho các nhiệm vụ trinh sát, hỗ trợ chiến đấu, giám sát hạ tầng và tìm kiếm cứu nạn; hay UAV M400-CT2 được thiết kế làm mục tiêu bay cho huấn luyện và thử nghiệm vũ khí phòng không tầm trung, tầm gần…
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều sản phẩm công nghiệp quốc phòng của Việt Nam trưng bày tại triển lãm, nhưng đã đủ nói lên năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. Nhận xét về năng lực công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Cựu chiến binh Nam Phi Richard Hlophe cho biết: “Tôi đánh giá rất cao nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam. Các loại vũ khí, khí tài mới của các bạn rất tiên tiến… Theo những gì chúng tôi thấy tại Triển lãm thì Việt Nam rất xuất sắc. Tôi rất ấn tượng. Các gian trưng bày của Việt Nam đã thể hiện rõ sức mạnh của mình”.
“Tôi đánh giá rất cao nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam. Các loại vũ khí, khí tài mới của các bạn rất tiên tiến… Theo những gì chúng tôi thấy tại Triển lãm thì Việt Nam rất xuất sắc. Tôi rất ấn tượng. Các gian trưng bày của Việt Nam đã thể hiện rõ sức mạnh của mình”.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Cựu chiến binh Nam Phi Richard Hlophe
Những sản phẩm công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đã đưa người xem, từ đối tác nước ngoài cho đến người dân trong nước, đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cựu chiến binh Trần Đại Lượng, 84 tuổi, ở Tứ Kỳ, Hải Dương, đã không khỏi xúc động khi cùng con trai và hai cháu nội đến Triển lãm và tham quan không gian trưng bày Công nghiệp quốc phòng Việt Nam và khu trưng bày Thành tựu xây dựng Lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Ông chia sẻ rằng: “Dù rất quan tâm đến sự phát triển của Quân đội nhân dân, song tôi không khỏi bất ngờ vì những thành tựu lớn mạnh và tiến trình tiến lên hiện đại của Quân đội ta”. Đặc biệt, ông Lượng cho biết rất tự hào khi thấy những vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại mà ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã làm chủ được công nghệ, tự nghiên cứu, chế tạo và sản xuất hàng loạt mà không phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Vậy là “Make in Vietnam” đã không còn là một khẩu hiệu nữa, mà đã trở thành hiện thực và ngày càng rõ nét hơn, không chỉ tự chủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đủ khả năng mở rộng thị trường, xuất khẩu ra nước ngoài. Một trong những minh chứng cho điều này là việc Tổng Công ty công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) đã chính thức được Lục quân và Bộ Quốc phòng Malaysia trao văn bản chứng nhận các sản phẩm thông tin quân sự của Viettel đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe (theo chuẩn NATO) để cung cấp cho Lục quân Malaysia.
Trao đổi với nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại Triển lãm, Đại tá Nguyễn Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Quản lý công nghệ, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cho biết: “Cách đây hai năm, chúng ta cũng giới thiệu một số sản phẩm, nhưng số lượng còn hạn chế. Năm nay, chỉ tính riêng những sản phẩm thuốc phóng, thuốc nổ, súng đạn, ngòi mìn và cối cho tác chiến của lục quân trưng bày tại Triển lãm đã lên tới số lượng hàng trăm. Đó là kết tinh của kết quả nghiên cứu, thử nghiệm, rồi đưa vào sản xuất, thử nghiệm. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã làm chủ hoàn toàn công nghệ và sản xuất các sản phẩm này để đưa vào trang bị cho Quân đội và khi các nước khác có nhu cầu hợp tác thì có thể xuất khẩu. Điều này đã khẳng định tiềm năng của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Chúng ta đã không chỉ dừng lại ở góc độ bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, mà đã làm chủ để thiết kế, chế tạo những sản phẩm mới”.
Không khó để có thể thấy Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam đã trở thành một thương hiệu tầm cỡ, là nơi để các công ty công nghiệp quốc phòng Việt Nam giới thiệu thành tựu phát triển của nền công nghiệp quốc phòng trong nước; là nơi gặp gỡ, kết nối, giao lưu với các công ty công nghiệp quốc phòng của các nước trên thế giới, cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển. Đại tá Hán Phi Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác 29 chia sẻ: “Tại triển lãm năm 2022, công ty đã có một số sản phẩm trưng bày chung với gian hàng của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Đến Triển lãm lần này, Công ty đã có thêm nhiều sản phẩm hơn và có gian hàng riêng”. Đại diện Công ty TNHH MTV Cao su 75, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Thượng tá Nguyễn Văn Đắc, Giám đốc Công ty, cho biết: “Đây là lần thứ 2 Công ty Cao su 75 tham gia triển lãm quốc phòng. Đây là cơ hội để Việt Nam quảng bá các sản phẩm quốc phòng, đặc biệt là những sản phẩm lưỡng dụng. Chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng sản phẩm của chúng tôi sẽ chinh phục được ngày càng nhiều đối tác… Hiện nay, công ty đang tập trung vào các sản phẩm cao su kỹ thuật cao, các sản phẩm lốp xe quân sự và đang hướng tới sản xuất lốp tiêm kích Su-30, sản phẩm quần áo phòng hóa dành cho người lính hoạt động trong môi trường độc hại, sản phẩm dầu cho máy bay, thiết bị cho các loại xe tăng T-90, T-54, xe chiến đấu XCB-01 do Việt Nam sản xuất, ống phóng tên lửa, phụ tùng dân dụng, các sản phẩm lưỡng dụng như băng tải, ống cao su, hộp sắt bảo quản”.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Đắc, về các mặt hàng kinh tế - lưỡng dụng, hiện nay Công ty Cao su 75 đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Pháp, Đan Mạch, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu mỗi năm đạt khoảng 2 triệu USD. Công ty cũng đã xuất khẩu băng tải tôn sang các thị trường Đông Nam Á, khuôn chế tạo đá xây dựng sang châu Âu, châu Mỹ, băng tải cao su sang Ấn Độ và Australia. Đồng chí nhấn mạnh: “Với các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu trong nước và xuất khẩu, chúng tôi đã và đang từng bước khẳng định mình và tôi nghĩ rằng để bước đi trên con đường phát triển vươn ra thị trường nước ngoài thì chúng ta buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu”.
Với quy mô Triển lãm năm nay lớn hơn, sản phẩm đa dạng hơn so với Triển lãm lần thứ nhất, Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng mang nhiều sản phẩm mới và cải tiến tới trưng bày. Tại gian trưng bày của Nhà máy, khách tham quan được chiêm ngưỡng một loạt UAV với các tính năng chiến đấu, chữa cháy, trinh sát ngày đêm, vận tải, các loại đạn cho bộ binh, dàn phóng chữa cháy, các loại giáp, các loại thuốc nổ mới, đặc biệt là các loại thuốc nổ và các loại giáp cho xe thiết giáp mới. Đại tá Trần Chí Dũng, Giám đốc Nhà máy Z113 cho biết: “Triển lãm là cơ hội để Nhà máy quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại để xuất khẩu các sản phẩm của nhà máy ra thế giới. Triển lãm cũng là cơ hội tốt để Công ty đào tạo đội ngũ nhân viên, học hỏi từ nhà thầu các nước, các đối tác, học hỏi cả về cách phát triển các sản phẩm… Một số đối tác đang xem xét và xúc tiến ký hợp đồng mua các sản phẩm của Công ty, đặc biệt là sản phẩm thuốc nổ”.
“Với các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu trong nước và xuất khẩu, chúng tôi đã và đang từng bước khẳng định mình và tôi nghĩ rằng để bước đi trên con đường phát triển vươn ra thị trường nước ngoài thì chúng ta buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu”.
Thượng tá Nguyễn Văn Đắc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su 75
Cụm từ “Make in Vietnam” (con đường khẳng định vị thế hàng Việt Nam trên trường quốc tế) đã xuất hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông đúng vào thời điểm này cách đây 6 năm (2018). Bốn năm sau, Bộ Quốc phòng tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ nhất năm 2022, bước đầu đặt nền móng cho thương hiệu Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam (Vietnam Defence Expo). Hai năm sau, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã cho người dân trong nước và thế giới thấy một “Việt Nam tự cường” và “Make in Vietnam” từ chỗ là một khẩu hiệu để hướng tới nay đã thành hiện thực và ngày càng được định hình rõ nét hơn với công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
(còn nữa)
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN
- Ảnh: TRUNG THÀNH, TTXVN, CTV
- Kỹ thuật, đồ họa: QUỲNH OANH - TRẦN HOÀI