Công nghiệp quốc phòng Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới - Bài 1: Khẳng định thương hiệu quốc tế
Lần thứ hai Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam (Vietnam Defence Expo) được tổ chức với quy mô khu vực trưng bày, số nước và đơn vị tham gia tăng mạnh so với năm 2022 cho thấy sự kiện này đã tự bản thân nó “định hình” trở thành một thương hiệu trong khu vực và thế giới. Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã đem đến một diện mạo mới, khẳng định tầm vóc và sẵn sàng cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong một buổi trả lời phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Triển lãm, nhấn mạnh: “Chúng ta luôn đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với quân đội các nước, vì mục đích hòa bình, vì lợi ích của mỗi nước, vì hợp tác cùng phát triển. Có thể nói rằng triển lãm là một sân chơi để chúng ta mở rộng hợp tác quốc tế và thúc đẩy hợp tác quốc phòng, chia sẻ những hiểu biết, những kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng ở mỗi nước”.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, diễn ra từ ngày 19 đến 23-12 (kéo dài 1 ngày so với kế hoạch) tại Sân bay Gia Lâm (Hà Nội), không chỉ là sự kiện giới thiệu các sản phẩm quốc phòng tiên tiến mà còn là biểu tượng cho tầm nhìn chiến lược của Việt Nam. Với quy mô khu vực trưng bày rộng gấp đôi so với năm 2022, nội dung đổi mới và nhiều cam kết hợp tác quốc tế được hiện thực hóa, sự kiện khẳng định vai trò ngày càng lớn của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng, quân sự, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, vì hòa bình và hợp tác toàn cầu. Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam cũng đã tiến thêm một bước vững chắc khẳng định thương hiệu quốc tế của sự kiện nói riêng và vai trò ngày càng quan trọng và bước phát triển ngày càng cao của công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói chung.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 tiếp tục kế thừa và phát huy những thành công từ kỳ triển lãm đầu tiên, nhưng với một tầm vóc hoàn toàn mới. Điểm đặc biệt của Triển lãm là sự hiện diện của các tập đoàn quốc phòng hàng đầu thế giới từ Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc, Israel…, không chỉ minh chứng cho sức hút và uy tín ngày càng lớn của Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam mà còn khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong các vấn đề hợp tác quốc phòng toàn cầu.
Nổi bật tại Triển lãm năm 2024 là khu vực triển lãm có tổng diện tích hơn 100.000m2, trong đó diện tích trưng bày trong nhà là 15.000m2 (tăng gấp 2 lần so với năm 2022) và diện tích trưng bày ngoài trời 20.000m2, 66 đoàn đại biểu quốc tế, hơn 240 đơn vị công nghiệp quốc phòng từ 38 quốc gia tới dự và trưng bày tại triển lãm. Nhiều sản phẩm công nghiệp quốc phòng, bao gồm vũ khí, khí tài, phương tiện chiến đấu, công nghệ hiện đại đã được đem đến Triển lãm, trong đó đặc biệt thu hút sự chú ý của khách tham quan là những nhóm vũ khí, khí tài của Nga như hệ thống tên lửa bờ Rubezh-ME, tên lửa Kh-35U; nhóm vũ khí, khí tài của Hoa Kỳ như máy bay vận tải C-130J, xe chiến đấu bộ binh Stryker, lựu pháo M777, “sát thủ diệt cơ giới” A-10 Thunderbolt II.
Ngoài ra, Triển lãm lần này còn chứng kiến nhiều vũ khí, khí tài, công nghệ hiện đại do Việt Nam tự nghiên cứu và phát triển, là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam và là “thanh nam châm” thu hút sự quan tâm lớn từ các đối tác quốc tế, là minh chứng rõ nét cho nỗ lực tự chủ công nghệ quốc phòng của Việt Nam.
Không chỉ là nơi trưng bày sản phẩm, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam còn là địa chỉ quan trọng và uy tín để thúc đẩy quan hệ với các đối tác. Tại kỳ triển lãm năm 2022, Việt Nam đã tổ chức hội thảo tiếp xúc song phương và ký kết nhiều biên bản ghi nhớ quan trọng với các quốc gia, trong đó có Ấn Độ và Israel. Các thỏa thuận này tập trung vào chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất khí tài và nâng cao năng lực nghiên cứu.
Hai năm sau, các hội thảo chuyên đề về công nghiệp quốc phòng, các buổi gặp gỡ song phương và ký kết biên bản ghi nhớ đã trở thành điểm nhấn quan trọng, không chỉ giúp thắt chặt quan hệ đối tác mà còn mở ra các cơ hội trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực. Một trong những hội thảo thu hút được sự quan tâm của ngành công nghiệp quốc phòng các nước là Hội thảo Công nghiệp quốc phòng Việt Nam - Liên bang Nga tại Triển lãm, do Thiếu tướng Dương Văn Yên, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, chủ trì và sự tham dự của Vụ trưởng Vụ Hành chính và Thông tấn báo chí Liên bang Nga Oplesnin Roman, đại diện Cơ quan Liên bang Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự tại Việt Nam Druzhinin Arkady, cùng đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam và Liên bang Nga.
Tại Triển lãm cũng diễn ra sôi động các hoạt động tiếp xúc và ký kết, trong đó có các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Tổng cục Kỹ thuật với các đối tác như SSB, ASFAT (Thổ Nhĩ Kỳ), Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA), Cơ quan Mua sắm, công nghệ và hậu cần Bộ Quốc phòng Nhật Bản (ATLA), Công ty Texelis (Pháp). Nhiều đối tác đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị công nghiệp quốc phòng của Việt Nam như giữa Nhà máy Z129 với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, giữa Nhà máy Z143 và Z183 với Công ty Astor (Vương quốc Anh).
Về phía mình, các đơn vị của Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hội thảo của các đối tác, nhà thầu quốc phòng đến từ các nước tham gia Triển lãm, mang đến nhiều loại vũ khí, khí tài, thiết bị chiến đấu như Brahmos, IAI, Colt...
Trong bài phát biểu khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu bật chủ đề của Triển lãm là “Hòa bình, Hữu nghị, Hợp tác cùng phát triển”. Cách đây 2 năm, tại Lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh thông điệp về việc cần phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương và đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia dựa trên công lý, lẽ phải và luật pháp quốc tế.
Bài phát biểu năm nay của Thủ tướng nêu rõ: “Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 có ý nghĩa đặc biệt, là sự kiện quốc tế nổi bật với thông điệp ‘Hòa bình, Hợp tác cùng phát triển’, góp phần thúc đẩy đối ngoại và hợp tác quốc phòng trên tất cả các lĩnh vực; vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định: Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, trọng nghĩa, trọng tình, trọng lẽ phải; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 tiếp tục khẳng định chính sách quốc phòng minh bạch, xây dựng Quân đội vững mạnh với mục tiêu tự vệ. Triển lãm cũng là nơi để Việt Nam lan tỏa thông điệp hòa bình và xây dựng lòng tin chiến lược với bạn bè quốc tế. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã và đang chủ động mở rộng đối ngoại và hợp tác quốc phòng nhằm tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau, thể hiện sự chân thành và xây dựng lòng tin, cùng giải quyết các thách thức an ninh, an toàn chung, ngăn ngừa xung đột, phòng chống chiến tranh, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; xây dựng nền tảng hợp tác bền vững giữa các quốc gia; mục đích cao nhất là đóng góp và thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, thịnh vượng, hợp tác, phát triển chung của cả khu vực và trên toàn thế giới.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 không chỉ là sự kiện quảng bá mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng. Thông qua việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc phòng, Việt Nam đang từng bước khẳng định năng lực tự chủ, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn lực quốc gia.
Sự kiện năm 2024 cũng đánh dấu bước tiến mới trong việc Việt Nam phát triển công nghiệp quốc phòng tự chủ thông qua các sản phẩm công nghiệp quốc phòng như các mẫu UAV RAV-80, M400-CT2, DIS-18; tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT với xe radar UNV-VT, bệ phóng SP73-VT; hay các hệ thống tác chiến điện tử và hệ thống tên lửa đất đối hải VCM-01. Những sản phẩm này là minh chứng rõ nét cho nỗ lực tự chủ công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng. Việt Nam đã chứng minh rằng mình không chỉ sẵn sàng học hỏi mà còn có thể đóng góp vào hệ sinh thái công nghệ quốc phòng toàn cầu.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 thể hiện tầm nhìn chiến lược và năng lực hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam nói riêng. Với quy mô lớn hơn, nội dung đa dạng hơn và thông điệp hòa bình mạnh mẽ, sự kiện đã thành công trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Không chỉ là nơi trưng bày những thành tựu khoa học - kỹ thuật, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 còn là biểu tượng cho tinh thần hợp tác và trách nhiệm của Việt Nam trong việc xây dựng một thế giới hòa bình và phát triển bền vững. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Cựu chiến binh Nam Phi Richard Hlophe khi tham quan Triển lãm đã cảm nhận rằng ông rất ấn tượng với các gian trưng bày của Việt Nam. Ông nói: “Tôi đánh giá rất cao nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam. Các loại vũ khí, khí tài mới của các bạn rất tiên tiến. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ hợp tác với Việt Nam để cả hai bên có thể cùng nhau phát triển”.
Là một bước tiến lớn từ kỳ triển lãm lần thứ nhất năm 2022, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã khẳng định thương hiệu quốc tế của sự kiện tổ chức 2 năm/lần này. Công nghiệp quốc phòng Việt Nam cũng đang ngày càng khẳng định một cách bền vững vai trò là một trụ cột đáng tin cậy, là cầu nối quan trọng cho hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng.
(còn nữa)
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN
- Ảnh: TRUNG THÀNH, TTXVN, CTV
- Kỹ thuật, đồ họa: QUỲNH OANH - TRẦN HOÀI