70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 5: Văn hóa đưa Hà Nội lên tầm cao mới
Để văn hóa Hà Nội tiếp tục tỏa sáng trong tương lai, định hướng đúng đắn là ưu tiên phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Văn hóa là lĩnh vực rất rộng lớn, nội hàm chồng lấn với nhiều lĩnh vực khác nên để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược kể trên, Hà Nội chắc chắn cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó ưu tiên những công việc đã chín muồi về nhận thức.
Sau 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng; ngày 30-10-2019, Hà Nội tiếp tục vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo” của UNESCO với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về “phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết riêng về công nghiệp văn hóa; tạo ra xu hướng phát triển mới của văn hóa Hà Nội.
Không cần phân tích dài dòng, cũng dễ thấy Hà Nội có quá nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Vấn đề bây giờ là làm như thế nào?
Sự kiện liên quan mật thiết đến công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo được tổ chức rất thành công gần đây là Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.
Quận Hoàn Kiếm là địa phương tiên phong tìm đến các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ để tổ chức các không gian sáng tạo như: Phố bích họa Phùng Hưng, không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân, dự án nghệ thuật trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, không gian nghề thuốc phố Lãn Ông… Tuy nhiên, những dự án này mới chỉ quy mô nhỏ, tính lan tỏa không quá cao, chưa khai thác những giá trị đặc sắc của văn hóa Hà Nội. Do vậy cần những dự án lớn hơn, trong đó vai trò dẫn dắt của chính quyền thành phố là cực kỳ quan trọng.
Ý thức được điều này, tại Hội thảo Văn hóa năm 2022, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã đề xuất Nhà nước cần có chính sách đầu tư xây dựng về quản trị tư, đặc biệt là thiết chế văn hóa. Cần có quy hoạch tổng thể về văn hóa và công nghiệp văn hóa của cả nước để việc điều tiết quản lý và phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực, như vậy sẽ mang tính cạnh tranh lẫn nhau. Tiếp đến Hà Nội mong muốn có chính sách để phát triển các loại quỹ về văn hóa của cả công và cả tư. Hà Nội xin sẵn sàng là địa phương thí điểm các chính sách về văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, trên cơ sở đó là tiền đề rút kinh nghiệm nhân rộng ra cả nước.
Theo Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: Có thể tạo ra một dự án kết hợp danh hiệu hai danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” và “Thành phố sáng tạo” trong một sự kiện. Chặng hạn tổ chức triển lãm nghệ thuật có tầm vóc quốc tế định kỳ 2-3 năm/lần (còn gọi là Biennale và Triennale). Địa điểm có thể chọn là bãi giữa sông Hồng, với chủ đề xuyên suốt là nghệ thuật vì hòa bình, trong đó nhấn mạnh đến sự chia sẻ, đồng cảm giữa những nền văn hóa khác nhau, những thể chế chính trị khác nhau, những ước mơ khác nhau. Như thế sẽ tạo ra điểm nhấn thu hút văn nghệ sĩ, du khách bốn phương đến với Hà Nội để sáng tạo, trải nghiệm.
Rõ ràng, văn hóa Hà Nội trong tương lai cần đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa, nâng cao tính sáng tạo trong thực hành văn hóa. Đây là cơ sở để xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế; là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô Hà Nội có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời quyết tâm chuyển hóa cho nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm” văn hóa, đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu: Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Một nước phát triển có thu nhập cao có nền văn hóa tương ứng như thế nào khi mà đường lối của Đảng đã xác định văn hóa phải đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội? Văn hóa sẽ góp sức như thế nào cho mục tiêu xây dựng một Việt Nam hùng cường? Những câu hỏi lớn đó có thể được trả lời từ thực tiễn xây dựng văn hóa và con người Hà Nội trong hơn 20 năm tới!
Vì văn hóa thẩm thấu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống cho nên nếu biết phát huy sức mạnh nền tảng tinh thần của văn hóa sẽ góp phần giải quyết các bất cập vấn đề đời sống xã hội. Từ kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới có thể thấy chủ trương phát triển văn hóa phải nhất quán, tiến bộ, bám sát thực tiễn; việc cụ thể hóa phải thực sự khoa học, bài bản với tầm nhìn, hoạch định chiến lược. Mọi ý tưởng, sáng kiến từ quần chúng đều được tiếp thu tối đa phục vụ cho sự phát triển chung. Điều đó có nghĩa, khi thiết kế bất cứ một chủ trương, chính sách nào, Hà Nội cần phải chú ý đến yếu tố văn hóa, bám sát vào các hệ giá trị chủ chốt, tạo ra “sức mạnh mềm” của văn hóa để phát triển, điều tiết các vấn đề xã hội, con người.
Tự thân văn hóa không thể phát triển một cách độc lập mà chịu những tác động từ các lĩnh vực khác. Do vậy, thực hiện các giải pháp đồng bộ là điều bắt buộc. Về mặt chính trị, tiếp tục xây dựng các văn bản pháp luật về văn hóa đô thị; quy hoạch không quan cho hoạt động văn hóa; tiếp tục hoàn thiện quy chế giao thông đô thị, quy hoạch và phát triển đô thị; ban hành chính sách khuyến khích các hình thức sinh hoạt văn hóa; phân cấp quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa… Đây là nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, kiến tạo văn hóa quan trọng, thể hiện hành động quyết liệt của Hà Nội ưu tiên phát triển văn hóa, xây dựng con người không chỉ vì Hà Nội mà còn vì cả nước. Trên hết, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải là tấm gương đạo đức, văn hóa, của hình mẫu con người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Văn hóa trong Đảng bộ Hà Nội là đạo đức, là văn minh mới góp phần thúc đẩy văn hóa Thủ đô, tạo là sức lan tỏa, để nhân dân học tập, làm theo.
Không chờ đến lúc kinh tế phát triển cao mới quan tâm đến những vấn đề văn hóa, Thủ đô Hà Nội luôn xác định dành nguồn lực ở mức độ cao nhất trong khả năng của thành phố. Rõ ràng, văn hóa cần được đầu tư mới phát triển nhưng phải sử dụng nguồn lực đúng và trúng mới phát huy được hiệu quả, trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của người dân và phải sát thực tiễn. Ví dụ như việc duy trì các thư viện cơ sở, tủ sách công cộng để người dân đến đọc sách là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là đầu tư vào khuyến đọc, hướng dẫn cách đọc, tập trung xây dựng tài liệu số để người dân Thủ đô tiếp cận tri thức mọi lúc mọi nơi…
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cũng cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới. Bởi suy cho cùng yếu tố con người, nhất là công tác cán bộ quyết định tất cả. Muốn lãnh đạo, chỉ đạo văn hóa, cán bộ phải có hiểu biết sâu rộng về chuyên môn, đặc biệt phải nhạy cảm, tinh tế để xử lý các sự việc cụ thể. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều lúc bố trí cán bộ lãnh đạo văn hóa thiếu chuyên môn, trái sở trường. Căn nguyên cũng là do xem nhẹ lĩnh vực văn hóa nên bố trí cán bộ thiếu cân nhắc, tính toán; quan niệm cứ được bầu vào cấp ủy là đủ khả năng lãnh đạo, chỉ đạo bất cứ lĩnh vực nào.
Theo TS Phan Đăng Long, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Cần xây dựng khung chuẩn chức danh, trình độ cán bộ làm công tác văn hóa; tuyển dụng cán bộ văn hóa đúng bằng cấp chuyên môn và thưc hiện luân chuyển cán bộ hợp lý trong nội bộ ngành; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn liền với việc hoạch định chương trình hoặc chiến lược hoạt động của ngành văn hóa.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia: Việc tiếp tục giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ về văn hóa, văn minh Hà Nội là vô cùng cần thiết, cần đặc biệt chú ý và đẩy mạnh. Qua đó, mỗi đứa trẻ hễ sinh trưởng trên mảnh đất nghìn năm văn hiến, phải cảm thấy tự hào về Thăng Long - Hà Nội, tự hào là người Thủ đô, thấm đẫm tinh thần hào hoa, văn minh, thanh lịch. Đồng thời, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, có hiểu biết về văn hóa để vừa là chủ thể sáng tạo, đồng thời chính là công chúng thụ hưởng và tiêu thụ sản phẩm văn hóa trong tương lai.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người con Hà Nội và là Bí thư Thành ủy Hà Nội (2000-2006)- đặc biệt coi trọng vai trò văn hóa của Hà Nội-trái tim của cả nước, nơi phải thể hiện rõ nét nhất và dẫn dắt sự phát triển chung của văn hóa đất nước.
Dẫn lại những lời căn dặn tâm huyết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để nói lên tình cảm, kỳ vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế về Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy hào khí nghìn năm, nhẹ gót bước vào tương lai, đạt những tầm cao mới trên nền tảng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
- Ảnh: Báo Quân đội nhân dân, CTV
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
- 70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 1: Hội tụ, kết tinh, lan tỏa
- 70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 2: Văn hóa cũng là một mặt trận
- 70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 3: Hào hoa, thanh lịch giữa gian khó
- 70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 4: Giữ cốt cách văn hóa Hà Nội trước cơ chế thị trường
- 70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 5: Văn hóa đưa Hà Nội lên tầm cao mới