70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 3: Hào hoa, thanh lịch giữa gian khó
Khi những đoàn quân tiến vào năm cửa ô, một thời đại mới của văn hóa Hà Nội mở ra. Đời sống mới xã hội chủ nghĩa với lý tưởng cách mạng dẫn đường đã khơi dậy và phát huy những ưu điểm tốt đẹp nhất của người Hà Nội. Văn hóa đã thể hiện rõ ràng nhất là sức mạnh nội sinh để Hà Nội trụ vững trước mưa bom bão đạn, vượt qua gian khó để trở thành trái tim, điểm tựa của nhân dân cả nước.
Sau Ngày Giải phóng Thủ đô, nếp sống tập thể đã thành hình, là sản phẩm của cuộc vận động xây dựng đời sống mới.
Nội dung của cuộc vận động này nằm trong tác phẩm “Đời sống mới” do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1947. Có thể tóm tắt ngắn gọn, đó là: Sửa đổi bốn điều ăn, mặc, ở, đi lại sao cho hợp lý với từng người, từng cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, nghề nghiệp… Đời sống mới không phải là bỏ hết cái cũ, chỉ toàn cái mới. Người đã dẫn ví dụ rất cụ thể: Cái cũ mà tốt phải phát triển thêm (tinh thần tương thân tương ái); cũ mà xấu thì bỏ (lười biếng, tham lam) hoặc phải sửa đổi (ma chay, cưới xin xa xỉ); cái gì mới mà hay thì phải làm (ăn, ở hợp vệ sinh)… Người đặc biệt đề cao “cần, kiệm, liêm, chính”, xem đây là “xương sống” để thực hành đời sống mới.
Là một nhà văn hóa lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ đặc thù của văn hóa, trong đó biến đổi văn hóa lối sống là một quá trình lâu dài, không thể nóng vội, sửa đổi bằng mệnh lệnh quan liêu vì “thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen người ta cho là thường”. Người nhấn mạnh việc phải coi trọng công tác tuyên truyền, mà trước hết là “phải tuyên truyền, giải thích và làm gương”. Khi tuyên truyền phải cho người ta dần dần hiểu, “để người ta vui lòng làm, chứ không có quyền ép người ta”. Trong quá trình tuyên truyền phải “hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng”.
Mục đích xây dựng đời sống mới thực chất là nâng cao tinh thần yêu nước, yêu lao động, căm ghét bóc lột, xây dựng đạo đức cách mạng và loại bỏ thói hư, tật xấu của xã hội cũ sót lại.
Các phong trào xây dựng đời sống mới ở thời kỳ này được người dân Thủ đô nhiệt tình tham gia hưởng ứng. Nét đẹp giản dị phổ biến trong lối sống của tất cả các tầng lớp nhân dân. Tính chất “tập thể hóa” trong lối sống của người Hà Nội hình thành, phát triển từ thời kỳ này. Nổi bật là phong trào thanh niên tình nguyện đi khai hoang và xây dựng kinh tế mới, đi về các vùng nông thôn làm việc. Nếp sống “mình vì mọi người” với tinh thần lạc quan cách mạng là dòng chủ lưu. Lối sống tập thể len lỏi mọi ngõ ngách, thể hiện trong thảo luận tập thể, quyết định tập thể. Thậm chí, tập thể dục buổi sáng theo hiệu lệnh kẻng, đài phát thanh cũng dần phổ biến. Mức sống, lối sống giữa cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và nhân dân lao động không có khoảng cách lớn.
Đạo đức cách mạng được đề cao bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị và bằng các tấm gương người tốt, việc tốt. Đặc biệt, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời để người dân Hà Nội noi theo. Thêm vào đó, lý tưởng về một chế độ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp, từng bước trở thành niềm tin và định hướng cho lối sống mang tính tập thể trong sáng, lạc quan. Các hủ tục, tệ nạn xã hội vì thế rất ít xảy ra.
Ở giai đoạn này chứng kiến đợt xuất cư, tản cư chưa từng thấy. Nhiều đồng bào Hà Nội vì nghe theo tuyên truyền, dụ dỗ, đe dọa của thực dân Pháp và tay sai đã di cư vào miền Nam. Ngược lại, một số lượng không nhỏ nhân dân từ miền Nam và miền Trung tập kết sau Hiệp định Geneve, cộng với cán bộ, nhân dân ở các tỉnh miền Bắc cũng chuyển đến Hà Nội sinh sống, làm việc. Chưa bao giờ trong lịch sử Hà Nội có lượng người nhập cư đông đảo, đa dạng vùng miền như vậy.
Nhìn chung giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1965 là giai đoạn định hình văn hóa Thủ đô có nội dung xã hội chủ nghĩa. Trong đó không thể kể đến văn hóa khối các nước xã hội chủ nghĩa, nổi lên là văn hóa Liên Xô, Trung Quốc phủ lên văn hóa Hà Nội, tạo ra những nét mới lạ chưa từng có.
Đời sống mới rất phù hợp với giai đoạn kiến thiết sau chiến tranh còn nhiều gian khó. Người Hà Nội dần quen với đời sống mới nên khi đối diện với bom đạn Mỹ và những hạn chế của nền kinh tế kế hoạch hóa sau hòa bình vẫn có thể thích nghi, tự lực tự cường, đạt được nhiều điểm sáng trong mọi lĩnh vực.
Người Mỹ đã từng kinh ngạc khi giữa lúc máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại đến dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (1966). Nhạc sĩ Phan Nhân sáng tác bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng” với cảm hứng lớn lao khi ông đứng trên tầng cao theo dõi quân dân Hà Nội chiến đấu với siêu pháo đài bay B-52 mùa đông 1972.
Những câu chuyện như thế cho thấy qua khói lửa chiến tranh, bản lĩnh và khí phách người Hà Nội đã được bộc lộ rõ nét. Chiến tranh tạo ra những điều kiện bất thường, nét thanh lịch, hào hoa có thể bị cái xô bồ, cái tạm bợ và cái tùy tiện làm cho lu mờ, song không thể làm suy đồi và biến dạng. Hà Nội trong chiến tranh phá hoại vẫn sạch đẹp, người dân triệt để tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền. Sự tương trợ giúp đỡ nhau được đề cao với tinh thần “lá lành đùm lá rách”; người đi sơ tán gửi tài sản người ở lại vẫn nguyên vẹn; kính già, yêu trẻ, giúp người tàn tật... là nét đẹp phổ biến lúc bấy giờ.
Trong thời kỳ này nở rộ những tấm gương người tốt, việc tốt trong sản xuất và chiến đấu với tinh thần thi đua hăng hái, trong sáng, không màng đến lợi ích riêng. Có được điều này bởi văn hóa Hà Nội với tính tập thể cao độ được phát huy thông qua nhiều phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tay búa tay súng”, “Tay cày tay súng”… Cuộc vận động “Người Hà Nội thanh lịch” và cả các biện pháp hành chính đã kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc văn hóa như bắt chước, học đòi, chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ, lười lao động…
Năm 1978, Hà Nội được mở rộng thêm 7 huyện: Mê Linh, Sóc Sơn, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Số người hoạt động kinh tế nông nghiệp lớn gấp nhiều lần số người hoạt động kinh tế phi nông nghiệp trong điều kiện chưa thể đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này đặt ra những vấn đề mới của một Thủ đô mở rộng quá đa dạng tích hợp văn hóa đô thị, văn hóa làng xã. Do vậy, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa hai chia làm hai mảng có vị trí quan trọng như nhau: Nội thành (đô thị) và ngoại thành (nông thôn).
Trong vòng hơn 10 năm (1975-1986), văn hóa Thủ đô bước vào một giai đoạn giao thời vô cùng quan trọng; bộc lộc nhiều vấn đề văn hóa - xã hội sôi động, khó khăn và phức tạp do sự tác động của các điều kiện kinh tế - xã hội có tính khủng hoảng, nhất là vào những năm 1979-1985.
Nguyên nhân trước hết bắt đầu có sự phân hóa về lối sống. Nhiều người đi học nghề, làm việc ở nước ngoài ở khối các nước xã hội chủ nghĩa, nhiều gia đình có người thân là kiều bào gửi hàng, gửi tiền về cho gia đình, đã góp phần cải thiện mức sống. Khi có sự chệnh lệch về thu nhập và mức sống làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu chuẩn về văn hóa, lối sống, quan niệm về giá trị vật chất và tinh thần. Đây là những vấn đề rất mới, tạo ra không ít sự lúng túng cho các cấp quản lý văn hóa. Một số biểu hiện tiêu cực có mầm mống xuất hiện và nhen nhóm trong lối sống người Hà Nội thời kỳ này phát sinh từ quá trình phân phối, lưu thông lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật liệu xây dựng... do khan hiếm. Đạo đức xã hội chủ nghĩa theo phương châm “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” bắt đầu bị vi phạm và xói mòn.
Có thể nói, trước mốc Đổi mới năm 1986, đã diễn ra những biến động khá sâu sắc và phức tạp trong lối sống người Hà Nội do sự tác động của khủng hoảng kinh tế - xã hội. Các yếu tố lợi ích cá nhân, đồng tiền tuy đã can dự vào lối sống, song nếp sống tập thể vẫn cơ bản giữ vai trò chủ đạo ở đa số người Hà Nội.
Xem tiếp bài 4: Giữ cốt cách văn hóa Hà Nội trước cơ chế thị trường
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
- Ảnh: Tư liệu
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
- 70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 1: Hội tụ, kết tinh, lan tỏa
- 70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 2: Văn hóa cũng là một mặt trận
- 70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 3: Hào hoa, thanh lịch giữa gian khó
- 70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 4: Giữ cốt cách văn hóa Hà Nội trước cơ chế thị trường
- 70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 5: Văn hóa đưa Hà Nội lên tầm cao mới