70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 1: Hội tụ, kết tinh, lan tỏa
LTS: Năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2024) và kỷ niệm 25 năm Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16-7-1999/16-7-2024). Đặt trong dòng chảy văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội hơn 1.000 năm lịch sử, 70 năm chỉ là một quãng thời gian rất ngắn; nhưng lại chứa đựng nhiều yếu tố mới lạ, đặc sắc rất khác với thời kỳ trước, là một cơ sở quan trọng định hình văn hóa Thủ đô trong tương lai. Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện loạt bài với mong muốn đi sâu làm rõ hơn về đặc trưng cơ bản của văn hóa Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh, góp thêm một số giải pháp điều tiết biến đổi văn hóa Hà Nội, tạo cơ sở phát triển bền vững.
GS Sử học Trần Quốc Vượng đã khái quát tài tình quy luật văn hóa lớn nhất của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội qua mấy chữ: “Hội tụ, kết tinh, lan tỏa”. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng khó có thể tìm những từ ngữ đắc địa hơn để thay thế. Chính quy luật này là “mã văn hóa” để nhận diện đặc trưng của văn hóa Hà Nội suốt chiều dài lịch sử. Đặc biệt từ sau năm 1954, văn hóa lối sống Hà Nội thay đổi khi đối diện chiến tranh khốc liệt, chìm trong kinh tế kế hoạch hóa, chịu áp lực của làn sóng di cư ồ ạt… Nếu nhìn sâu vào dưới những biến đổi nhanh chóng, văn hóa Hà Nội vẫn giữ được mạch ngầm xuyên suốt là “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”.
Hà Nội từ thuở ban đầu là một nơi chốn nhỏ bé ở phía dưới ngã ba sông Hồng và sông Đuống. Hà Nội ôm lấy hồ Tây ở phía Bắc, phía Đông là sông Hồng, phía Tây là sông Nhuệ và ở giữa là sông Tô Lịch chảy qua: “Nhị hà quanh Bắc sang Đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”.
Mùa thu năm Canh Tuất (1010), vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi thành Thăng Long. Thăng Long được Nhà nước Việt Nam độc lập xây dựng với kiến trúc ba vòng thành bao bọc lẫn nhau (tam trùng thành quách) và kết cấu “trong thành ngoài thị” đã sớm được hoạch định. Từ một trung tâm chính trị, Thăng Long đã phát triển thành một đô thị với những đặc điểm cấu trúc chung của các đô thị phương Đông thời trung đại.
Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu Vũ Hiệp khi nghiên cứu về “tinh thần nơi chốn” (genius loci, spirit of place, sense of place), nôm na là cái khí chất vô hình của nơi chốn, đã nhận ra không phải ngẫu nhiên tiền nhân lại chọn Đại La làm kinh đô.
Thăng Long - Hà Nội là một trong những thủ đô cổ của vùng Đông Nam Á, hơn nữa là thành phố duy nhất hầu như liên tục trải qua hơn 1.000 năm giữ vị trí là đầu mối chính trị, là trung tâm kinh tế và văn hoá của cả nước. Với vị thế đó, người từ mọi miền đất nước đã tụ họp về đây sinh cơ lập nghiệp. Sự tập hợp ngày càng đông cư dân từ mọi miền đất nước đã biến Thăng Long - Hà Nội thành nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước. Với vị trí ở trung tâm của Đồng bằng Bắc Bộ, Thủ đô là nơi hình thành, lưu giữ đậm đặc những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, cũng là điểm giao thoa các vùng, miền văn hoá khác nhau. Có thể nói, chính đặc điểm này đã góp phần tạo nên tính cách con người Hà Nội: Vừa có những nét chung của con người Việt Nam, vừa có những phẩm chất nổi trội của con người đất kinh kỳ, kẻ chợ...
Nơi nào có trình độ văn minh, văn hiến được kết tinh sẽ có tác động kiến tạo rộng khắp. Vì là kinh đô, nơi tập trung người có quyền lực, có điều kiện kinh tế nên tiêu chuẩn thụ hưởng vật chất và tinh thần cũng sẽ cao hơn.
Chính ở vị thế đô thị Thủ đô, còn tác động vô hình rất tinh vi đến lối sống, nếp nghĩ của người dân. Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến nêu ví dụ: “Ở đất kinh đô, người dân gần với chính quyền nhất, cho nên dân chúng muốn hay không đều phải tuân thủ luật pháp nghiêm chỉnh hơn những vùng đất khác. Dần dần, cách đi lại, ứng xử cũng vì thế mà mực thước, khuôn phép hơn hẳn”.
Người từ nơi khác đến, mang theo văn hóa “lạ” nhưng rồi thế hệ sau đã Hà Nội hóa lúc nào không hay. Rõ nhất là trong lời ăn tiếng nói, không kể câu chuyện về ngữ âm, ngữ điệu phức tạp; riêng về phong cách ngôn ngữ dễ nhận ra. Chẳng hạn, cách dùng từ tinh tế (thay vì hỏi người khác “Bác ốm đấy à?” thì hỏi “Bác mệt đấy à?”); muốn hỏi chuyện đời tư người khác thì bắt đầu sẽ là “Tôi hỏi thế này khí không phải”; tự thấy việc làm của mình sẽ không chuẩn mực thì sẽ mở đầu bằng cụm từ “Xin vô phép”.
Trong quãng thời gian hơn 80 năm dưới thời nhà Nguyễn, Hà Nội mất đi vị thế kinh đô nhưng vị thế đô thị thương mại lâu đời vẫn được giữ vững. Vì thế, văn hóa Hà Nội không bị phai nhạt như lời nhận xét của tác giả Jules Silvestre trong cuốn “Đế quốc An Nam và người dân An Nam” (1889): “Mặc dù không còn là nơi vua chúa ở nữa, tôi cho rằng đó vẫn là một thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, công nghiệp, thương nghiệp, về sự giàu có, số dân đông đúc, về sự lịch duyệt và học vấn”.
Có thể nói hai yếu tố là kinh đô và là đô thị thương mại là nhân tố chủ chốt kiến tạo mạch ngầm văn hóa Hà Nội bao đời nay.
Nếu chỉ dựa vào cái nhìn phân tích lạnh lùng thiếu biện chứng, dễ nhanh nhẩu đưa ra nhận định: Văn hóa Thăng Long-Hà Nội là một “ốc đảo” văn hóa thành thị giữa “biển” văn hóa làng xã. Kỳ thực cư dân đất kinh kỳ vốn là người tứ xứ, chủ yếu từ thôn quê. Xa xưa, những thợ thủ công giỏi, các nhà buôn lớn thì phục vụ cho những người giàu, cho vua quan; còn một loại thị dân khác dành cho một số lượng lớn các tầng lớp binh lính, thợ thuyền và những người bình dân khác để phục vụ mọi nhu cầu của cuộc sống. Một số lượng lớn người ưu tú và bình dân đổ về tạo nên bộ mặt xã hội thật phong phú với đủ các loại người, đủ các tầng lớp, trình độ khác nhau. Mặt khác, điều này mới là điều quan trọng, khi đến đây họ đem theo những lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng từ nơi quê hương họ góp vào bộ mặt văn hoá của kinh thành Thăng Long, làm cho nó ngày một giàu có hơn.
Nhìn từ góc độ tín ngưỡng, GS, TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết: “Những người trong một số nghề thường là của một làng hay vài làng cùng nhau đến làm ăn ở đây rồi tập hợp thành phường, hội làm một nghề như trường hợp Hàng Bạc, Lò Rèn… Về mặt tín ngưỡng có khi người ta cũng thờ chung một vị tổ nghề, những cũng có lúc lấy một vị thần làng của nhóm người đến trước để cùng thờ. Làng nghề cũng như phố nghề đều có những di tích văn hóa tín ngưỡng của mình là đình, chùa, đền, miếu”.
Con người làng xã đến Thăng Long mang theo không chỉ tín ngưỡng hiển lộ mà sâu xa hơn còn là tính cộng đồng, tính tự trị đặc trưng của văn hóa làng xã với ưu điểm lẫn khuyết điểm: Đó là sự hòa đồng, tinh thần tự lập, tính cần cù…; nhưng cùng với đó là thủ tiêu vai trò cá nhân, cào bằng, đố kỵ, bè phái địa phương…
Để tồn tại và phát triển ở đất kẻ chợ, mỗi người “tỉnh lẻ” phải ganh đua, thi tài để vươn lên các thứ bậc xã hội. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội có “bộ lọc” ngầm tuyệt vời, giữ lại những nét tinh túy, đáng quý của văn hóa truyền thống dân tộc, bỏ đi những gì tiêu cực, hạn chế; tiếp thu có chọn lọc văn hóa, văn minh nước ngoài.
Nếu không hiểu những điều này, chúng ta không thể lý giải được những hiện tượng có tính văn hóa sâu sắc ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau của Hà Nội. Chẳng hạn, thường người ta nghĩ, chất hào hoa thanh lịch của thị dân quen hưởng thụ thì sẽ không dám hy sinh, chịu đựng gian khổ khi xã hội xảy ra biến động, nhất là khi có giặc ngoại xâm. Thời Trần, triều đình và dân chúng rời bỏ Thăng Long mới có ngày chiến thắng. Hơn 600 năm sau, Hà Nội tiêu thổ kháng chiến “khói lửa ngút trời” mùa đông năm 1946 để có một “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Sau đó, Hà Nội phải đối diện với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Người Hà Nội không sợ hãi, vẫn bám trụ đến cùng dù thiếu thốn trăm bề, hy sinh mất mát không kể xiết. Sự kiên gan, vững vàng của Hà Nội cổ vũ to lớn nhân dân cả nước, nhất là tiền tuyến miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại. Hà Nội vì thế là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, thực sự là một “Thành phố vì hòa bình”.
Tinh thần anh dũng bất khuất có từ đâu, nếu không phải có từ con người làng xã ra đi mang theo quê hương với tinh thần “giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”. Họ có thể khác nhau về nơi xuất thân, trình độ văn hóa, mục tiêu mưu cầu trong cuộc sống song khi đã là người kinh kỳ-Thủ đô thì đều yêu mến mảnh đất này là quê hương, luôn nỗ lực dựng xây và bảo vệ Thăng Long-Hà Nội trái tim của cả nước, bởi: “Thăng Long phi chiến địa/ Thiên hạ vạn đại xương” (Thăng Long không phải là nơi chiến trận/ Non nước mới thịnh vượng mãi bền”).
Xem tiếp bài 2: Văn hóa cũng là một mặt trận
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
- Ảnh: Tư liệu, HUY QUÂN, CTV
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
- 70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 2: Văn hóa cũng là một mặt trận
- 70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 3: Hào hoa, thanh lịch giữa gian khó
- 70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 4: Giữ cốt cách văn hóa Hà Nội trước cơ chế thị trường
- 70 năm tỏa sáng Thủ đô văn hóa - Bài 5: Văn hóa đưa Hà Nội lên tầm cao mới