
Hệ giá trị văn hóa, con người - Triết lý phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên mới - Bài 2: Xây dựng con người làm gốc
Lấy con người làm gốc, Hà Nội đang cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng chiến lược xây dựng con người Thủ đô toàn diện – vừa kế thừa tinh hoa văn hiến, vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Trong hành trình mới, xây dựng người Thủ đô toàn diện, trí tuệ, nhân ái, trách nhiệm và sáng tạo chính là hạt nhân kiến tạo một Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại – Nghĩa tình”.
C
hủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định con người là vốn quý nhất và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Người coi việc giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột, đưa con người đến cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc là mục tiêu cao cả nhất của cách mạng. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Điều này cho thấy, con người không chỉ là chủ thể thụ hưởng mà còn là chủ thể kiến tạo nên xã hội mới.
Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định con người là trung tâm, chủ thể và mục tiêu của phát triển; là động lực cốt lõi trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước.
Từ Nghị quyết số 03-NQ/TW (1998) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đến Nghị quyết số 33-NQ/TW (2014), tư duy của Đảng về vai trò của con người không ngừng được phát triển và hoàn thiện. Nghị quyết số 33 nêu rõ: Xây dựng con người Việt Nam toàn diện cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo và trách nhiệm xã hội.
Các chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Bí thư tiếp tục cụ thể hóa chủ trương này. Chỉ thị số 05-CT/TW (2016) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của tấm gương đạo đức trong rèn luyện con người mới. Chỉ thị số 42-CT/TW (2015) tập trung giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.
Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại, gắn phát triển con người với phát triển đất nước bền vững, nâng cao vị thế quốc gia.
Bên cạnh đó, các chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 33 cũng tích hợp nội dung bảo đảm quyền con người vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược: Con người là nền tảng, là trung tâm và là động lực cho sự phát triển của Việt Nam.
Với bề dày nghìn năm văn hiến, Hà Nội luôn coi trọng việc xây dựng con người Thủ đô xứng tầm “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU (2021) về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025. Đây là ba nhiệm vụ then chốt, mang tính nền tảng trong chiến lược phát triển bền vững Thủ đô. Tiếp đó, Chỉ thị số 30-CT/TU (2024) nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác xây dựng con người, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao chất lượng các phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, việc tang và lễ hội.
T
hăng Long - Hà Nội, trái tim của cả nước, không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, mà còn là nơi hội tụ tinh hoa dân tộc, kết tinh những giá trị cao đẹp của con người Việt Nam. Lịch sử nghìn năm đã hun đúc nên cốt cách người Tràng An: Văn hiến, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; yêu nước, nhân ái, trách nhiệm và sáng tạo. Đó là sự kết tinh của lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần hiếu học, trọng nghĩa tình và ý chí kiên cường.
Trong bối cảnh phát triển mới, những giá trị ấy cần tiếp tục được gìn giữ, phát huy và làm giàu thêm để phù hợp với yêu cầu hiện đại. Việc khơi dậy tinh thần Hà Nội không chỉ là nhiệm vụ, mà là hành trình quan trọng để lan tỏa giá trị Việt trong lòng dân tộc và với bạn bè quốc tế.
Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Người tốt, việc tốt như hoa nở mùa xuân của xã hội”, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của cán bộ, nhân dân Hà Nội trong việc nêu gương, dẫn dắt cả nước trên hành trình thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khẳng định vai trò đặc biệt của Thủ đô, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: Hà Nội không chỉ là Thủ đô của Việt Nam, mà còn là bộ mặt quốc gia, nơi hội tụ tinh hoa và là trung tâm của văn hiến, văn minh, hiện đại.
Tiếp nối tư tưởng ấy, Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây nhấn mạnh: “Phát triển con người là nhiệm vụ chiến lược, quyết định sự thành công trong sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Những định hướng đó cho thấy: Xây dựng con người Hà Nội không chỉ là nhiệm vụ của riêng Thủ đô, mà còn là sứ mệnh mang tầm quốc gia.
Bước vào kỷ nguyên hội nhập, con người Hà Nội đang vươn lên trở thành hình mẫu công dân hiện đại: Hội nhập nhưng không hòa tan, tiếp thu tinh hoa nhân loại nhưng vẫn gìn giữ bản sắc dân tộc. Thủ đô từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Thành phố sáng tạo” trong mạng lưới UNESCO - nơi hội tụ những con người đổi mới, ứng dụng công nghệ, bảo tồn di sản và phát triển kinh tế tri thức.
Nhiều thế hệ thanh niên Thủ đô đang tiên phong trong khoa học - công nghệ, khởi nghiệp, xây dựng chính quyền số và xã hội số. Họ cũng là lực lượng lan tỏa lối sống văn minh, trách nhiệm, góp phần xây dựng một Hà Nội hiện đại, đáng sống và giàu bản sắc.
Xây dựng con người Thủ đô toàn diện - yêu nước, trách nhiệm, nhân ái, sáng tạo - là yêu cầu xuyên suốt trong tiến trình phát triển Hà Nội. Điều này đòi hỏi sự kết nối hài hòa giữa giá trị truyền thống, hiện tại và tương lai. Hướng tới tương lai, người Hà Nội cần trở thành hình mẫu công dân hiện đại: Năng động, hội nhập quốc tế, làm chủ công nghệ nhưng vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa và khí chất. Điều đó đòi hỏi tinh thần đổi mới, học hỏi và sáng tạo không ngừng.
Đặc biệt, yếu tố nghĩa tình - chiều sâu nhân văn trong bản sắc người Hà Nội - cần được gìn giữ và lan tỏa mạnh mẽ. Đó là sự sẻ chia, đoàn kết, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và truyền thống thanh lịch, nhân hậu của người Việt, góp phần làm nên cốt cách Thủ đô nghìn năm văn hiến trong kỷ nguyên mới.
Đ
ể xây dựng con người Thủ đô toàn diện, trước hết cần nâng cao lòng yêu nước và ý thức công dân. Tình yêu nước không chỉ là niềm tự hào về lịch sử hào hùng mà phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực trong xây dựng và bảo vệ Thủ đô, đất nước.
Cần đổi mới cách giáo dục truyền thống văn hóa Thủ đô bằng các hình thức sinh động như trải nghiệm thực tế, thăm di tích, gặp gỡ nhân chứng lịch sử… nhằm khơi dậy cảm xúc và tinh thần tự hào dân tộc. Đồng thời, thúc đẩy ý thức công dân tích cực, khuyến khích người dân tham gia hoạt động xã hội, góp ý chính sách, giám sát công quyền. Các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội cần phát huy vai trò trong việc nâng cao trách nhiệm công dân, nhất là với giới trẻ.
Trong thời đại số, việc xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng càng trở nên cấp thiết. Cần định hướng người dân sử dụng mạng xã hội văn minh, có trách nhiệm, không phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, gây chia rẽ, ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Song hành với ý thức công dân là tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Người Hà Nội cần đề cao lối sống tự chủ, ý thức bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ: Bỏ rác đúng nơi quy định, tiết kiệm năng lượng, trồng cây xanh... Trong công việc, học tập, cần thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng, giữ vững tính chuyên nghiệp, trung thực và tận tâm. Với cộng đồng, cần tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, góp sức giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng khu dân cư văn minh, nghĩa tình...
Trong xã hội hiện đại, người Thủ đô cần nuôi dưỡng lòng yêu thương, chia sẻ, sống bao dung, tôn trọng lẫn nhau. Khuyến khích các hoạt động nhân đạo, giúp đỡ người khó khăn, yếu thế trong xã hội. Đặc biệt, vai trò của gia đình cần được phát huy như một nền tảng đạo đức, nơi nuôi dưỡng lòng nhân ái, ý thức cộng đồng và truyền thống yêu nước.
Trong kỷ nguyên công nghệ và toàn cầu hóa, sáng tạo là chìa khóa để Hà Nội bứt phá và phát triển bền vững. Việc thúc đẩy tư duy phản biện, đổi mới trong giáo dục, khoa học - công nghệ, kinh tế và quản lý là yêu cầu cần thiết.
Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ các ý tưởng mới, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời trang bị cho người dân, nhất là thế hệ trẻ, các kỹ năng thích nghi với môi trường làm việc đa văn hóa - đa quốc gia như: Giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và tư duy linh hoạt. Người dân Thủ đô cần được khuyến khích tiếp cận và làm chủ công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, nhằm nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống. Trong bối cảnh sản xuất số và toàn cầu hóa sâu rộng, người Hà Nội cần phát triển toàn diện cả về trí tuệ, đạo đức, thể chất, kỹ năng, tinh thần công dân và trách nhiệm xã hội. Hơn thế, người Thủ đô thời đại mới không chỉ là công dân số, có tri thức và năng lực công nghệ, mà còn phải là công dân văn hóa - sống nhân ái, nghĩa tình, tử tế và trách nhiệm với cộng đồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội:
Các cấp uỷ đảng, chính quyền: Xây dựng chiến lược cụ thể, hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý và tính gương mẫu của đội ngũ lãnh đạo.
Các tổ chức xã hội: Làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tổ chức các phong trào thi đua, hoạt động giáo dục nhằm khơi dậy tinh thần tích cực, tự giác trong cộng đồng.
Doanh nghiệp: Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội.
Gia đình và nhà trường: Giữ vai trò nền tảng trong giáo dục đạo đức và nhân cách, phối hợp chặt chẽ với xã hội để tạo môi trường học tập, rèn luyện toàn diện.
Cộng đồng: Xây dựng môi trường sống văn minh, lành mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, tương trợ lẫn nhau.
Việc xây dựng con người Thủ đô toàn diện không tránh khỏi những thách thức. Sự giao thoa văn hóa, tốc độ đô thị hóa nhanh, bùng nổ thông tin với cả mặt tích cực lẫn tiêu cực đang tác động sâu sắc đến tư duy, lối sống và hành vi của người dân. Thông tin mở rộng tri thức và kết nối xã hội, nhưng cũng đi kèm với nguy cơ nhiễu loạn, tin giả, sự suy giảm chuẩn mực ứng xử và ý thức cộng đồng ở một bộ phận người dân.
Chính vì vậy, công cuộc xây dựng con người Thủ đô cần được triển khai một cách kiên trì, bền bỉ và đồng bộ. Tất cả chính sách, hoạt động quản trị Thủ đô phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, hướng đến lợi ích và sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân.
Cán bộ, đảng viên và những người có uy tín trong xã hội cần nêu gương trong thực hành các phẩm chất tốt đẹp, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa giá trị nhân văn, trách nhiệm, sáng tạo, nghĩa tình trong cộng đồng.
Xây dựng con người Thủ đô toàn diện là hành trình dài, đầy thử thách nhưng cũng đầy triển vọng. Với tinh thần “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình” làm nền tảng, người Hà Nội sẽ là hạt nhân kiến tạo một Thủ đô xứng tầm - trung tâm lớn của cả nước, đô thị đáng sống, điểm đến của hội nhập và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Bài 3: Từ cốt lõi truyền thống đến chuẩn mực thời đại: Định hình hệ giá trị gia đình Thủ đô
- Nội dung: TRẦN QUANG DIỆU - NGUYỄN VĂN DUYÊN - TRẦN NGỌC MINH ANH
- Ảnh: Tư liệu, TTXVN, Báo QĐND
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC