Tình báo quốc phòng trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” - Bài 3: Nhanh, đúng, trúng
Tin tức tình báo liền mạch, liên tục và nhanh chóng, kịp thời tiếp tục góp phần quan trọng vào chiến thắng của Việt Nam trong khi diễn ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lớn nhất từ sau Đại chiến thế giới lần thứ 2 của Mỹ nhằm vào miền Bắc Việt Nam.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, sau khi phân tích thông tin tình báo và tin radar, đồng chí đồ giải khoảng 19 giờ 30 phút, B-52 sẽ ném bom Hà Nội. Người đồng chí báo cáo trước tiên là Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, và đưa ra ý kiến đề xuất cho phép báo động phòng không cho toàn thành phố sớm 5 phút so với quy định (theo quy định, địch cách Hà Nội một khoảng cách nhất định thì mới báo động phòng không). Thượng tướng Văn Tiến Dũng đồng ý.
Sau khi nghe báo cáo tình hình B-52, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp truyền lệnh báo động phòng không, không quân cho Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân. Quân chủng Phòng không - Không quân chủ động lệnh cho các sư đoàn phòng không, sư đoàn không quân, radar vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cấp 1. Tiếp đến, đồng chí Ninh truyền lệnh kéo còi báo động phòng không cho toàn thành phố Hà Nội. Còi báo động là chiếc còi điện nằm trên nóc Hội trường Ba Đình. Khi còi báo động ở Ba Đình vang lên, 16 chiếc còi khác được lắp đặt khắp Hà Nội cũng sẽ được kích hoạt. Sở chỉ huy Hà Nội đã nhận được lệnh vào đánh B-52. “Đứng về mặt phòng không mà chủ động báo cho dân, chứ chưa nói quân đội vì quân đội nhanh nhất rồi, trước được 25 cho đến 30 phút là quý lắm”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhận xét.
Đúng 19 giờ 45 phút ngày 18-12-1972, cả Hà Nội rung lên, những tia chớp dọc ngang xé toạc bầu trời tĩnh lặng; tiếng loa phát thanh, còi báo động, bom rơi, cao xạ nổ, trời đất rung chuyển, mọi thứ lật tung, xáo trộn. Máy bay địch đã vào tầm ngắm, lực lượng tên lửa phòng không của ta phóng những quả đạn đầu tiên mở màn chiến dịch. Trận quyết tử bắt đầu!
Theo Bob Certain, hoa tiêu B-52 Mỹ, những chiếc B-52 đầu tiên bay vào miền Bắc Việt Nam gồm nhóm 21 chiếc từ Utapao và 28 chiếc từ Anderson. 49 chiếc máy bay ném bom di chuyển thành một hàng, hướng về Hà Nội. Trong hồi ký, Bob Certain nhớ lại: “Chúng tôi sẽ nằm trong tầm bắn hiệu quả của tên lửa đất đối không SAM trong khoảng 20 phút, nhưng chúng tôi không được phép phân tâm bởi các mối đe dọa. Hoa tiêu radar và tôi đã tắt thiết bị vô tuyến bên ngoài để chỉ tập trung vào các mục tiêu và phối hợp giữa các kíp”. Cũng theo Bob Certain, trong quá trình bay, họ được lệnh không thực hiện bất cứ hành động vòng tránh nào từ điểm ngắm đầu tiên cho đến điểm cắt bom. Nhưng tuân theo mệnh lệnh này đồng nghĩa với tự sát, bởi trong hành trình bay, họ nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các máy bay B-52 xuất phát từ Utapao đã đột nhập vùng trời Hà Nội trước đó 30 phút. Các cuộc gọi liên tục cảnh báo về đe dọa từ các hệ thống tên lửa SAM.
Sau hơn chục phút, chưa chiếc B-52 nào bị bắn rơi. Pháo cao xạ bắn máy bay tầm thấp, tên lửa đánh các loại máy bay khác chứ chưa tập trung vào đánh B-52. Cả sở chỉ huy nín thở, hồi hộp. “Đến phút thứ 18 của cuộc chiến đấu, trong sở chỉ huy nghe qua loa của đội trinh sát ở Cột cờ báo về, reo lên: ‘Cháy to lắm rồi! Cháy to lắm rồi! Ở phía Bắc’. Đồng thời, ở Quân chủng Phòng không - Không quân báo về là Tiểu đoàn tên lửa của Trung đoàn 261 bắn trúng một B-52 và B-52 rơi rồi, ở Phủ Lỗ. Thế là cả 2 nguồn tin khớp lại thì thấy chắc chắn là rơi B-52 rồi. Chúng tôi vỡ òa ôm lấy nhau, không kể thủ trưởng bộ, thủ trưởng tổng cục, nước mắt, sung sướng quá. Nhiều đồng chí đã khóc”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh xúc động kể lại, giọng vẫn reo vui.
Khi biết tin chiếc B-52 đầu tiên bị hạ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sung sướng (theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh) bước ra khỏi hầm chỉ huy để hít thở không khí. Trời rét thế mà đồng chí cởi cả áo. Khi trở lại hầm, đồng chí gọi điện hoan nghênh Sư đoàn phòng không 361. Chiến dịch mở ra trang mới.
Tin giá trị tiếp theo của Trinh sát kỹ thuật là đã nắm chắc được kế hoạch B-52 sẽ đánh 3 đợt vào Hà Nội trong đêm 18-12, mỗi đợt cách nhau từ 2-3 tiếng. Đấy là cơ sở để đồng chí Văn Tiến Dũng chỉ huy các đơn vị phải tiết kiệm đạn.
Ngay trong đêm 18-12, đồng chí Văn Tiến Dũng đã sang hầm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp Thường vụ Quân ủy Trung ương. Thường vụ Quân ủy Trung ương họp nhận định tình hình Mỹ có âm mưu đánh mạnh, đánh hủy diệt Hà Nội để ép ta ở Hội nghị Paris cho nên ta phải kiên cường làm 3 nhiệm vụ. Một là chủ yếu đánh địch, đánh B-52. Hai là phải bảo đảm công tác phòng không nhân dân. Nhiệm vụ thứ ba là trong bất kỳ tình huống nào cũng phải bảo đảm giao thông vận tải, chi viện chiến trường không ngừng, không nghỉ.
Trong ngày đầu, Mỹ đã huy động 129 lượt chiếc máy bay B-52 (87 chiếc từ căn cứ Anderson và 42 chiếc từ căn cứ Utapao) đánh phá Hà Nội, Hải phòng theo 3 đợt. 7 mục tiêu được lựa chọn đánh phá là: Sân bay Hòa Lạc, sân bay Kép, sân bay Phúc Yên, Nhà máy sửa chữa ô tô Kim Nỗ, Ga xe lửa Yên Viên, Nhà máy xe lửa Gia Lâm và Đài Phát thanh Hà Nội. Nhờ có được nguồn tin tổng hợp tình báo báo trước, nhất là tin của trinh sát kỹ thuật, quân và dân Hà Nội hoàn toàn không bất ngờ và đã bình tĩnh chống trả.
Sau một tuần Mỹ sử dụng B-52 đánh phá miền Bắc, ngày 25-12-1972, đồng chí Đặng Trần Đức (tức Ba Quốc - điệp viên làm việc tại Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy) đã thu thập và báo cáo tin: Mỹ ném bom trở lại miền Bắc không phải để kéo dài chiến tranh mà là để gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris vào đầu năm 1973. Hành động leo thang quân sự trong năm 1972 và chủ trương, ý đồ của Mỹ tại các cuộc hội đàm Paris từ tháng 3-1972 đến ngày 23-1-1973 đã khẳng định tính chính xác nội dung các tin tức do lực lượng điệp báo chiến lược bất hợp pháp báo cáo.
Đêm 26-12 là đêm địch đánh phá ác liệt nhất và cũng là đêm lực lượng phòng không, không quân của ta bắn rơi nhiều nhất: 8 chiếc B-52, bắt nhiều giặc lái.
Tổng kết lại, ta bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 B-52 và quan trọng là ta bắt được 43 giặc lái. Mỹ đã huy động một lực lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật lớn chưa từng có, trong đó có 193 máy bay ném bom chiến lược B-52, chiếm gần 50% tổng số máy bay B-52 đang được sử dụng vào thời điểm đó của toàn nước Mỹ; 1.500 lần chiếc máy bay không quân chiến thuật, 2.100 lần chiếc máy bay không quân hải quân... Đây là những con số biết nói về quy mô, tính chất và mức độ ác liệt của chiến dịch Linebacker II, còn được biết đến với tên Chiến dịch Christmas bombings (Ném bom Giáng sinh).
Do vấp phải sự chống trả quyết liệt và bị tổn thất hết sức nặng nề, 7 giờ (giờ Hà Nội) ngày 30-12-1972, Mỹ đã phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và đề nghị gặp lại phái đoàn đàm phán của ta để bàn ký Hiệp định Paris. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết.
Từ đợt đánh phá đầu tiên đến các đợt đánh phá sau cùng của Không quân Mỹ, Tình báo quốc phòng của ta đều nắm được thông tin và báo cáo sớm, ít nhất là trước 5 giờ; số lượng máy bay và địa điểm đánh phá đều chính xác, kịp thời phục vụ cho trên chỉ huy tác chiến và chiến đấu thắng lợi, góp phần quan trọng vào chiến thắng vang dội của quân và dân ta trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, chúng ta đã thực hiện được vế “đánh cho Mỹ cút”, và chuẩn cơ sở vững chắc để “đánh cho ngụy nhào” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
Đại tá Đào An Việt, Phó chủ nhiệm Chính trị Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, tổng kết, chiến công của Tình báo quốc phòng trong chiến dịch này có thể khái quát trong ba nội dung sau: “Thứ nhất, lực lượng điệp báo chiến lược đã nắm rất sớm ý định của đế quốc Mỹ về việc ném bom miền Bắc nhằm mục đích gây sức ép với ta tại bàn đàm phán Paris hòng buộc ta phải chấp nhận các điều kiện của Mỹ. Việc tình báo chiến lược của ta nắm được từ sớm âm mưu này của địch giúp ta chuẩn bị được lực lượng phòng không đủ sức đánh địch. Thứ hai, khi trực tiếp vào chiến dịch, Trinh sát kỹ thuật đã sớm chặn thu và nắm sớm được những hành động của Không quân Mỹ trong chuẩn bị, tổ chức đội hình máy bay B-52 để ném bom Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc, giúp lực lượng phòng không của chúng ta có được thế chủ động đón đánh B-52. Thứ ba, từ các nguồn tin tình báo tổng hợp, kết hợp khai thác tù binh Mỹ, trong đó có phi công Mỹ, Tình báo quốc phòng đã phối hợp cùng Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng và hoàn chỉnh “cẩm nang đỏ” về cách đánh B-52 ngay từ sớm, đảm bảo cho chúng ta có được chiến thuật và kỹ thuật chiến thắng được B-52 và làm nên chiến thắng kỳ tích lịch sử Điện Biên Phủ trên không”.
Cùng với quân và dân cả nước, Tình báo quốc phòng đã làm nên những chiến công xuất sắc, để lại dấu ấn sâu đậm trong nghệ thuật “Canh trời, dõi biển” của Việt Nam. Về “Điện Biên Phủ trên không”, giới quân sự phương Tây đã phải thốt lên như thế này: Việt Nam đánh thắng trên bộ, trên thủy thì còn hiểu được, nhưng Việt Nam đánh thắng ở trên không thì không thể hiểu được, vì đó là một cuộc chiến tranh công nghệ cao đầu tiên trên thế giới mà Mỹ phát động. Tại sao Việt Nam lại chiến thắng khi lực lượng không hiện đại hơn Mỹ? Câu hỏi tại sao đó có lẽ vẫn sẽ còn làm đau đầu giới chuyên gia quân sự phương Tây!
(Hết)
- Nội dung: HỮU DƯƠNG - MAI HƯƠNG
- Ảnh: TTXVN, Tư liệu,
- Kỹ thuật, đồ họa: TRẦN HOÀI - QUỲNH OANH