LONGFORMĐại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt

Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt

Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt

-------------------***-------------------

LTS: Trong lịch sử Tình báo quốc phòng Việt Nam, nhiều anh hùng, liệt sĩ đã thầm lặng chiến đấu, cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho cách mạng và tên tuổi, sự nghiệp của họ chỉ được hé lộ nhiều năm sau khi ngã xuống. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Phạm Ngọc Thảo là một trong những con người ưu tú đó.

-------------------***-------------------

Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt

Đại tá Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo mà mỗi khi nhắc đến, đồng chí cùng chiến đấu đều xúc động và tiếc thương khôn nguôi và thế hệ sau đều nhớ đến ông với niềm cảm phục và biết ơn sâu sắc.

Nhiệm vụ đặc biệt

Đồng chí Phạm Ngọc Thảo (tức Phạm Thao) sinh ngày 14-2-1922 tại tỉnh Long Xuyên (Vĩnh Long) trong một gia đình trí thức. Thân sinh của ông là cụ Phạm Ngọc Thuần, một kỹ sư trắc địa và là một điền chủ giàu có nổi tiếng Nam Bộ, mang quốc tịch Pháp. Anh chị em của ông vì thế đều sang Pháp du học và trở thành bác sĩ, kỹ sư, luật sư. Dù có cuộc sống giàu sang nhưng anh chị em Phạm Ngọc Thảo đều hướng về đất nước và đều tham gia cách mạng.

Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt
Phạm Ngọc Thảo (thứ hai từ trái sang) trong Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 410 tại miền Tây Nam Bộ năm 1952. Ảnh tư liệu

Tháng 8-1945, Phạm Ngọc Thảo tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn. Ngay khi thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Nam Bộ, ông tuyên bố hủy bỏ quốc tịch Pháp, lên đường tham gia kháng chiến. Đầu năm 1946, ông được tổ chức cử ra miền Bắc học Khóa I Trường võ bị Trần Quốc Tuấn (Trường Sĩ quan Lục quân I). Ra trường, ông trở lại miền Nam hoạt động ở địa bàn Khu 8, Khu 9. Cuối năm 1947, được trên giao làm Trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ, chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã thống nhất được các lực lượng tình báo Nam Bộ. Năm 1949, Phạm Ngọc Thảo được trên điều sang làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410 chủ lực Khu 9, có nhiều trận thắng lớn, góp phần mở rộng vùng giải phóng.

Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt
Đại tá Hà Ngọc Quỳnh, nguyên Viện trưởng Viện 501, Tổng cục II - Bộ Quốc phòng.

Sau khi Hiệp định Geneva 1954 được ký kết, nhận chỉ thị của tổ chức, đích thân đồng chí Lê Duẩn đã chỉ thị đồng chí Phạm Ngọc Thảo ở lại miền Nam làm nhiệm vụ thâm nhập vào hàng ngũ cấp cao của chính quyền Sài Gòn, phục vụ yêu cầu tình báo chiến lược với mục tiêu thống nhất đất nước. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận định rằng Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã nhận nhiệm vụ đặc biệt chưa từng có tiền lệ trong cách mạng Việt Nam.

Nói về sự đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Đại tá Hà Ngọc Quỳnh, nguyên Viện trưởng Viện 501, Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, cho biết: “Tình báo thế giới nói chung có 2 chức năng: Tin tức và hành động. Tình báo hành động thể hiện ở những hoạt động chia rẽ, gây rối nội bộ địch, làm cho nội bộ địch không ổn định; gây khó khăn cho địch để chúng không thực hiện được ý đồ, kế hoạch đã được vạch ra; bảo vệ ta; và trực tiếp đánh địch. Phạm Ngọc Thảo là một trong số ít cán bộ chỉ thực hiện nhiệm vụ hành động là chủ yếu”.

Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt
Đại tá Đào An Việt, Phó chủ nhiệm Chính trị Tổng cục II – Bộ Quốc phòng.

Đại tá Đào An Việt, Phó chủ nhiệm Chính trị Tổng cục II – Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: “Điều đặc biệt của đồng chí Phạm Ngọc Thảo là đồng chí thực hiện nhiệm vụ chui sâu, leo cao, gây rối chính quyền ngụy chứ không phải là nhiệm vụ thu thập tin tức. Điều đặc biệt thứ hai nữa là đồng chí hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Duẩn chứ không thông qua tổ chức và cơ quan tình báo. Thứ ba là đồng chí độc lập tác chiến, một mình hoạt động trong lòng địch”.

Đại tá Phạm Ngọc Thảo không làm nhiệm vụ thu thập tin tức như những cán bộ điệp báo khác, mà thực hiện hàng loạt những hoạt động để tác động làm “thay đổi chế độ” ở miền Nam Việt Nam. Điều đặc biệt ở Đại tá Phạm Ngọc Thảo là ông tiến hành cả hoạt động gây rối loạn nội bộ địch, gây khó khăn cho địch trong thực hiện ý định của chúng, cả bảo vệ ta và cả trực tiếp đánh địch. Để thực hiện được nhiệm vụ hành động chiến lược là chủ yếu đó, người thực hiện phải có khả năng hành động và độ tin cậy. Khả năng hành động thể hiện ở chỗ là người thực hiện nhiệm vụ hành động phải có địa vị nhất định trong nội bộ địch, phải có lực lượng cần thiết và phù hợp quy mô nhiệm vụ, và phải có khả năng tổ chức chỉ huy. Về độ tin cậy, người thực hiện nhiệm vụ phải được cả ta và địch tin cậy, phải được địch tin dùng thì mới có cơ hội lên cao, chui sâu để mà thực hiện được mọi hành động theo ý định. Đó là những phẩm chất mà Đại tá Phạm Ngọc Thảo đều đáp ứng được.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đặt ra, đồng chí Phạm Ngọc Thảo đã cùng đồng chí Mười Hương (nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Hương) lúc đó đang công tác tại Ban Đặc tình Xứ ủy bàn bạc cụ thể về đường hướng, phương thức hoạt động và liên lạc tại Sài Gòn. Sau khi nhận nhiệm vụ, Phạm Ngọc Thảo dựa vào thế lực của gia đình trí thức, theo Thiên Chúa giáo, thân cận với gia đình họ Ngô để dễ bề hoạt động. Kể từ đó, Phạm Ngọc Thảo chính thức trở thành nhà tình báo hành động chiến lược đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam.

Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt
Đại tá Phạm Ngọc Thảo trong bộ quân phục quân đội Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Đi thẳng vào lòng địch, giữa rừng gươm vạn giáo

Đồng chí Trần Bạch Đằng, nguyên Phó ban Tuyên huấn Trung ương Cục, từng nói về Đại tá Phạm Ngọc Thảo như sau: “Đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, tung hoành hoạt động vì Tổ quốc cho tới tận lúc hy sinh, trường kỳ mai phục và độc lập tác chiến”.

Năm 1956, ông được chế độ Việt Nam Cộng hòa phong Đại úy, giữ chức Tỉnh trưởng Bảo an Vĩnh Long. Năm 1957, ông là thành viên sáng lập và tham gia Ban Biên tập tạp chí “Bách khoa”. Ông viết rất nhiều bài báo tập trung vào đề tài quân sự. Một số bài báo nổi bật của ông là “Thế nào là một quân đội mạnh?” (Bách khoa số 1), “Đánh giặc mà không giết người” (Bách khoa số 2), “Một số ý kiến về lãnh đạo tinh thần một đơn vị quân đội” (Bách khoa số 4), “Vấn đề kinh tế tự túc trong quân đội” (Bách khoa số 5-6), “Lực lượng quân sự cơ động và lực lượng địa phương” (BK số 13), “Quân đội và nhân dân” (Bách khoa số 14), “Quân đội bình định đem lại bình an hay oán hận” (BK số 16), “Quan niệm về quân sự hiện đại” (Bách khoa số 17).

Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt
Đại tá Phạm Ngọc Thảo khi hoạt động trong hàng ngũ của kẻ thù. Ảnh tư liệu

Những bài báo đó thể hiện kiến thức uyên bác của một nhà chiến lược quân sự với thực tiễn phong phú của một người đã trực tiếp cầm quân; công khai ca ngợi chiến công chống ngoại xâm và việc làm vì dân vì nước của Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, lên án những hành vi phi nghĩa của quân đội phản nhân dân. Những bài báo của ông đã được giới quân sự, chính trị Sài Gòn và tình báo nước ngoài, trong đó có điệp viên CIA, quan tâm. Cái đích mà Phạm Ngọc Thảo nhắm đến là chính quyền Ngô Đình Diệm. Qua những bài báo đó, Ngô Đình Nhu và trùm mật vụ Trần Kim Tuyến đã để ý đến ông. Bắt đầu từ đó, Phạm Ngọc Thảo được chính quyền họ Ngô trọng dụng. Ông được thăng quân hàm lên Thiếu tá, điều động về Sở Nghiên cứu chính trị - xã hội của Phủ Tổng thống. Đây là cơ quan mật vụ do bác sĩ Trần Kim Tuyến phụ trách.

Bằng tài năng của mình và sự dẫn dắt, sự chỉ đạo nhất quán của cấp trên, Phạm Ngọc Thảo đã dần chiếm được lòng tin của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông trở thành một trong những sĩ quan sáng giá mà bất cứ phe phái nào ở miền Nam thời kỳ ấy cũng muốn trừ khử hoặc lôi kéo về phía mình. Năm 1958, ông được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre). Cuối năm 1961, ông sang Mỹ học một khóa quân sự cao cấp, khi về nước được bổ nhiệm làm Thanh tra ấp chiến lược, trực thuộc Phủ Tổng thống.

Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt
Ảnh trái: Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Tỉnh trưởng Kiến Hòa nói chuyện với các chức sắc Cao Đài tháng 4-1961. Ảnh: Tạp chí LIFE. Ảnh phải: Đại tá Phạm Ngọc Thảo cùng vợ là bà Phạm Thị Nhiệm (ngoài cùng bên trái) và diễn viên Sandra Dee tại Universal Studio (Mỹ) năm 1962. Ảnh: Tạp chí LIFE

Trong giai đoạn 1962-1963, chính trường miền Nam Việt Nam rối ren. Mỹ muốn gạt bỏ gia đình họ Ngô, thay vào đó là những nhân vật thân Mỹ nhằm biến miền Nam trở thành một tiền đồn chống cộng. Phạm Ngọc Thảo chính là tác nhân có tầm ảnh hưởng và đạo diễn hai cuộc đảo chính làm rung chuyển chính trường Sài Gòn giai đoạn 1963-1965. Trong cuộc đảo chính thứ nhất, với sự nhạy bén về chính trị, Phạm Ngọc Thảo biết chắc Mỹ sẽ lật đổ gia đình họ Ngô để dựng lên một chính quyền nguy hiểm hơn. Ông đã cùng Trần Kim Tuyến và Huỳnh Văn Lang lên một kế hoạch đảo chính với mục tiêu “cải sửa” chế độ nhằm vô hiệu hóa ý đồ của người Mỹ. Tuy nhiên kế hoạch bị lộ, Trần Kim Tuyến bị đưa đi làm lãnh sự ở Ai Cập. Về phần Phạm Ngọc Thảo, Ngô Đình Nhu không tin ông tham gia kế hoạch này. Ở cuộc đảo chính thứ hai lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, ngày 1-11-1963, dù không chủ động tham gia nhưng Phạm Ngọc Thảo vẫn được “Hội đồng quân nhân cách mạng” do tướng Dương Văn Minh cầm đầu cử làm tùy viên báo chí. Sau đó, khi Nguyễn Khánh lên thâu tóm quyền lực đã cử ông làm giám đốc báo chí, phát ngôn viên chính phủ. Thời gian này Phạm Ngọc Thảo đã được thăng quân hàm Đại tá. Đầu tháng 10-1964, ông được đưa sang Mỹ làm Tùy viên văn hóa quân sự, ông đưa cả vợ con theo cùng.

Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt
Ảnh trái: Trang đầu bức điện về Đại tá Phạm Ngọc Thảo của William Colby gửi từ Sài Gòn cho McGeorge Bundy, Cố vấn an ninh của Tổng thống Johnson, ngày 4-6-1965; giải mật ngày 12-8-1987. Ảnh giữa: Đại tá Phạm Ngọc Thảo (cầm mi-crô), tháng 2-1965. Ảnh: Tạp chí LIFE. Ảnh phải: Hình ảnh Đại tá Phạm Ngọc Thảo ngày 19-2-1965. Ảnh: Tạp chí LIFE

Vừa sang Mỹ một thời gian ngắn, Phạm Ngọc Thảo bị Nguyễn Khánh triệu hồi về nước do nghi ngờ ông và sẽ bố trí bắt ông ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Biết trước ý đồ đó, Phạm Ngọc Thảo đã khôn khéo không về đúng giờ bay như dự định nên không bị bắt. Về Sài Gòn, ông bí mật móc nối, tổ chức lực lượng, kéo tướng Lâm Văn Phát và hàng chục sĩ quan khác tiến hành cuộc đảo chính ngày 19-2-1965. Cuộc binh biến này do Lâm Văn Phát cầm đầu về danh nghĩa, nhưng trên thực tế là do Đại tá Phạm Ngọc Thảo tổ chức và chỉ huy. Chỉ trong một ngày, lực lượng đảo chính đã chiếm Bộ tổng tham mưu, Bộ tư lệnh biệt khu Thủ đô, Đài phát thanh Sài Gòn, Bến Bạch Đằng và sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, do một số sơ xuất của lực lượng đảo chính, Nguyễn Khánh đã được Nguyễn Cao Kỳ - Tư lệnh Không quân lúc đó cứu thoát. Nguyễn Cao Kỳ đe dọa ném bom. Cuộc đảo chính thất bại.

Nguyễn Khánh bị loại khỏi chính trường. Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu cử tướng Nguyễn Chánh Thi chỉ huy lực lượng chống đảo chính, ra lệnh cho Lâm Văn Phát, Phạm Ngọc Thảo và 13 sĩ quan tham gia đảo chính trong vòng 24 giờ phải ra trình diện. Phạm Ngọc Thảo và Lâm Văn Phát bỏ trốn. Chính quyền Thiệu - Kỳ lập tòa án quân sự xử những người tham gia đảo chính. Đại tá Phạm Ngọc Thảo bị kết án tử hình vắng mặt.

Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt
Ảnh của phóng viên Hãng tin Pan-Asia Newspaper Alliance (PANA News, Nhật Bản) chụp Phạm Ngọc Thảo mang lon Đại tá quân đội Sài Gòn lúc chỉ huy cuộc đảo chính ngày 19-2-1965. Ảnh: Tạp chí LIFE

(Còn nữa)

  • Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt
  • Nội dung: HỮU DƯƠNG
  • Ảnh: Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top