Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 1: “Con đường sáng”
-------------------***-------------------
Ông là người đặt nền móng cho ngành tình báo quốc phòng Việt Nam ngay từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, là một trong những nhân vật sáng lập ra Ban địch tình Xứ ủy và ngành Binh vận vào thời điểm gay go, ác liệt nhất của cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - một trong những mũi giáp công lợi hại của cách mạng miền Nam. Đó là nhà tình báo Đào Phúc Lộc, tức Hoàng Minh Đạo.
-------------------***-------------------
Những năm tháng ở trọ nơi đất cảng Hải Phòng đã “đưa” ông đến gần với cách mạng, để từ đó, bộc lộ tài năng thiên bẩm của một chiến sĩ tình báo.
-------------------***-------------------
Sinh ra và lớn lên tại huyện Móng Cái, tỉnh Hải Ninh (nay là thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), Đào Phúc Lộc là con cháu trong một dòng họ nổi tiếng về truyền thống yêu nước, dòng họ vinh dự được nhà chí sĩ Phan Bội Châu tặng đôi câu đối: “Thánh thừa ngọc thị ứng thỉnh trung/Phật ngự kim liên phù gia nội” (đại ý là: Lòng yêu nước thương dân của họ Đào như viên ngọc quý giữa đời thường/Phật ngồi trên tòa sen sẽ phù hộ cho cả gia tộc).
Ông sinh ngày 4-8-1923, là con thứ trong số 5 người con của thương nhân Đào Ngọc Khanh giàu có và nổi tiếng là một đại tư sản ở đất Quảng Ninh - Hải Phòng. Mẹ ông mất khi ông 6 tuổi và em út mới chừng 20 tháng. Người mẹ kế - một ả đào nổi tiếng hát hay, xinh đẹp nhất đất cảng - đã nhân lúc bố Lộc đi công chuyện xa, đuổi 4 chị em ra khỏi nhà (một em đã mất do bệnh). Bố ông đã phải ngậm đắng nuốt cay gửi 2 em nhỏ cho một người bà con trông giùm còn Lộc và chị Hải được bố thuê nhà ở hẻm cô Ba Chìa cho trọ học.
Trái với đam mê kinh doanh của bố, mấy chị em Lộc đều chung một lòng một dạ hướng đến cách mạng. Những năm tháng trọ học ở Hải Phòng đã đưa chị em ông được làm quen với đồng chí Tô Hiệu – người Đảng viên cộng sản xuất sắc. Chị Hải trở thành nữ giao liên ZT (giao thông) giữ đường dây liên lạc bí mật của khu ủy với phong trào vùng mỏ bị đánh phá dữ dội nhất. Điều đó đã khiến Lộc sớm giác ngộ, đi theo cách mạng khi vừa tròn 13 tuổi (năm 1936). Phát hiện ra tố chất thông minh của Lộc, đồng chí Tô Hiệu đã dìu dắt và kết nạp Lộc vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 16 tuổi. Từ đây, ông trở thành cánh tay phải đắc lực của chị Hải trong công tác giao liên.
Từ năm 1936 đến 1939, Đào Phúc Lộc hoạt động trong phong trào thanh niên học sinh yêu nước ở Hải Phòng và được Bí thư khu ủy khu B Tô Hiệu phân công ở bộ phận giao thông. Căn nhà trọ của chị em ông trở thành điểm liên lạc tạm thời của cơ quan bí mật Khu ủy năm 1936-1939 tại Hải Phòng. Đây cũng là nơi từ năm 1938 đến 1939, đồng chí Tô Hiệu lưu trú khi mắc lao phổi ở giai đoạn cuối - căn bệnh mang từ nhà lao Côn Đảo về. Căn nhà nhỏ bé ấy có đường thoát ra đồng và ruộng rau từ cổng sau, con đường thoát hiểm bí mật quý giá vô cùng.
Ngay từ bé, cậu bé Lộc đã thiếu thốn tình cảm của cha. Mẹ hiền lại qua đời sớm; tình thương của người mẹ kế cũng không có; 4 chị em ruột phải sống xa nhau. Với Lộc, chị Hải vừa là chị, vừa là mẹ. Lộc trưởng thành, tham gia cách mạng và trái tim của chàng trai trẻ đã rung động trước cô tiểu thư khuê các Hoàng Minh Phụng, con gái của một vị quan phủ nổi tiếng và giàu có ở Móng Cái thời bấy giờ. Cô tiểu thư đã “phá vỡ” cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt để đi theo cách mạng mà chàng trai trẻ Đào Phúc Lộc dìu dắt, chỉ lối. Một ngày đông giá tháng 12-1945, đôi trai tài gái sắc ấy đã gắn kết với nhau trước sự chứng kiến của đồng đội ngay tại Phòng Tình báo (Bộ Tổng tham mưu).
Một năm sau, đúng vào ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, bé Đào Thị Minh Vân cất tiếng khóc chào đời. Hà Nội bị thực dân Pháp chiếm đóng sau đó mấy tháng, Đào Phúc Lộc phải gửi vợ con lên chiến khu Việt Bắc, Đại Từ (Thái Nguyên) còn mình ở lại Hà Nội vừa cùng đồng đội nghiên cứu chiến đấu bảo vệ Thủ đô, vừa kiện toàn hệ thống tình báo của Đảng.
Nhưng khi Minh Vân chưa đầy 2 tuổi, mới bập bẹ gọi tiếng mẹ, người mẹ đã đột ngột qua đời do căn bệnh sốt rét ác tính. Đêm chôn cất người vợ yêu dấu cũng là ngày cuối cùng đồng chí Đạo được ôm cô con gái bé bỏng còn khát hơi sữa mẹ. Ngay ngày hôm sau, đồng chí đã lên đường vào Nam. Minh Vân được bí mật gửi về Hà Nội, nhờ một cơ sở cách mạng trong nội thành nuôi giúp.
Ba năm sau ngày vào Nam, được sự vun vén của đồng đội, tháng 4-1951, đám cưới lần thứ 2 của Đào Phúc Lộc được tổ chức ngay tại chiến trường Khu Đ. Những lúc được bên nhau của Đào Phúc Lộc và cô giao liên Bùi Ngọc Hường của Ban Quân báo thuộc Phòng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Nam Bộ chỉ được tính bằng giờ, bằng phút. Minh Ngọc, Minh Thu, Minh Hồng chào đời ở 3 chiến trường khác nhau: Chiến trường “miền Đông gian lao mà anh dũng”, chiến trường Tây Nam Bộ, và tại Nam Vang (Campuchia). Nhưng cũng như người chị Minh Vân ở miền Bắc, ba chị em Ngọc, Thu, Hồng đều không nhớ rõ mặt cha. Họ lớn lên cùng với niềm hy vọng một ngày nào đó người cha trở về, gia đình sẽ sum họp sau bao năm xa cách.
Với Đào Phúc Lộc, ông chỉ có một ao ước là “được gặp lại các con của mình”. Ao ước giản dị đó trở nên “xa xỉ” ngay cả trong thời bình với một nhà tình báo.
Cái rét lạnh của mùa đông năm 1939 kéo dài lê thê sang cả mùa xuân năm 1940; gió bấc, rét mướt, mưa phùn ảm đạm mờ che khu vực Máy Chỉ, Cầu Treo, nhà máy Xi măng và xóm thợ Thượng Lý. Khói lửa Chiến tranh thế giới thứ II cũng đang bao trùm lên cả thế giới. Trong hoàn cảnh ấy, đồng chí Tô Hiệu thân mật tiễn chị Hải và Lộc về quê ăn Tết ở Trà Cổ. Đây là một cớ để hai chị em có dịp đưa tài liệu của Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế và truyền đơn tuyên truyền của Mặt trận ra khu vực mỏ. Hai chị em, theo lời dặn của đồng chí Tô Hiệu, giấu kín tài liệu bí mật tận đáy hành trang lỉnh kỉnh bao gói hàng Tết và xuống đò dọc Thủy Nguyên, bởi ngày Tết đi đò dọc là an toàn bậc nhất do mật thám, chỉ điểm chỉ tập trung theo dõi trên bến cảng, dưới tàu khách.
Vì có bố làm việc ở Hồng Gai nên Lộc và chị Hải có điều kiện khi thì bí mật, khi công khai đi lại theo đường đò dọc Thủy Nguyên, theo tàu khách Kim Môn, Giang Môn ra khu mỏ, giữ vị trí quan trọng trong công tác giao thông liên lạc.
Năm 1940, trong một chuyến đi công tác, Lộc bị địch bắt, tra tấn dã man và bị kết án 2 năm tù, bị quản thúc tại Móng Cái trong 5 năm. Chính tại quê hương, ông đã bộc lộ khả năng của một chiến sĩ tình báo tài giỏi. Ông đã khôn khéo lừa bọn mật thám, vượt biên sang Trung Quốc để bắt liên lạc với tổ chức của Đảng, được đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư trực tiếp giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở đảng ở Móng Cái và thành lập đường dây liên lạc ở hải ngoại để đưa cán bộ của Đảng từ Hải Phòng qua Móng Cái ra nước ngoài hoạt động. Cũng trong năm này, ông đã lập Chi bộ đầu tiên của Móng Cái ở thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc) mang tên Trần Hưng Đạo do ông làm bí thư. Trong thời gian này, ông đã bắt đầu sử dụng bí danh Hoàng Minh Đạo (Minh Đạo là con đường sáng, Hoàng là họ của người vợ đầu của ông).
Năm 1943, ông chủ trì thành lập Huyện bộ Việt Minh Móng Cái, trực tiếp lãnh đạo phong trào ở đây. Từ đó đến năm 1945, với nhiệm vụ Trung ương Đảng giao, ông đã đưa phong trào cách mạng của vùng Hải Ninh lên cao, bồi dưỡng, đào tạo cho cách mạng nhiều hạt giống tốt, nhiều người đã trở thành cán bộ nòng cốt của quân đội và ngành Tình báo từ những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ.
Với nhiệm vụ giữ vững đường giao thông của Đảng qua Móng Cái, tháng 2-1945, Đào Phúc Lộc đã trực tiếp dẫn đường và tổ chức chuyến đi an toàn cho đoàn đại biểu Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu sang Trung Quốc gặp bọn tướng Tưởng Quốc dân Đảng.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), tình hình Móng Cái rất phức tạp: Quân Tưởng, bọn Việt Quốc, Việt Cách tràn về, bọn đảng phái phản động cơ hội chính trị, một số tên mật thám cũ, bọn thân Nhật nhảy ra hoạt động, vỗ ngực yêu nước, nói xấu, bôi nhọ Việt Minh, bắt cóc, tống tiền. Đào Phúc Lộc đã cùng các đồng chí của mình kiên trì đấu tranh. Ông hoạt động rất bí mật, có nhiều đầu mối chui cả vào hàng ngũ Việt Quốc, Việt Cách hoạt động. Chính nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của ông, phong trào Việt Minh ở Móng Cái được giữ vững và phát triển trước âm mưu xảo quyệt, thâm độc định tiêu diệt Việt Minh của giặc Tưởng và bọn phản động bán nước.
Tháng 5-1945, Đào Phúc Lộc từ Móng Cái về Quảng Yên gặp đồng chí Nguyễn Bình và Đoàn Quang Thìn lập chiến khu Đông Triều và chiến khu Ba Chẽ. Ngày 8-6-1945, chiến khu Trần Hưng Đạo được thành lập.
[1] Tài liệu do Tổng cục II cung cấp
[2] “Huyền thoại Anh hùng Tình báo Đào Phúc Lộc”, Tập 1, 2, 3, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2015, Thạc sĩ Nguyễn Kim Thành biên soạn.
[3] Phỏng vấn Đại tá Đào An Việt, Phó chủ nhiệm Chính trị Tổng cục II – Bộ Quốc phòng
- Nội dung: MAI HƯƠNG
- Ảnh: Tư liệu
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
- Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt
- Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo hành động huyền thoại của Việt Nam - Bài 2: Tấm gương chói ngời, chiến công xuất sắc
- Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 2: Dấu ấn “Hoàng Minh Đạo” trong hai cuộc kháng chiến
- Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội