LONGFORMCon đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội

Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội

Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội

Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội

-------------------***-------------------

Sự ra đi của đồng chí Đào Phúc Lộc (Hoàng Minh Đạo) là mất mát to lớn đối với Đảng, Nhà nước, ngành Tình báo quốc phòng Việt Nam, đồng nghiệp và gia đình. Với họ, ông luôn là người nghiêm khắc trong công việc, tài trí, mưu lược, nhìn xa trông rộng, nhưng ngoài đời thì “sống giản dị, chia sẻ, đồng cam cộng khổ cùng anh em, đồng chí”.

-------------------***-------------------

Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội

Cuốn “Huyền thoại anh hùng tình báo Đào Phúc Lộc” của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2015 có trích một đoạn hồi ức của đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam về đồng chí Hoàng Minh Đạo. Theo đoạn hồi ức ấy, đồng chí Nguyễn Văn Linh từng có nhiều thời gian công tác với đồng chí Đạo tại chiến khu miền Nam, Campuchia, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Đồng chí cũng biết rằng ngoài bí danh Hoàng Minh Đạo, đồng chí Đạo còn có nhiều bí danh khác như Năm Thu, Năm Đời, Năm Sài Gòn, đồng thời nhận xét Hoàng Minh Đạo “là một đồng chí trung kiên, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng phân công, tận tụy với Đảng cho tới ngày hy sinh...”.

Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội
Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội
Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về nhà tình báo Hoàng Minh Đạo.

Là người chỉ đạo giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Minh Đạo vào Nam làm Trưởng ban Quân báo Nam Bộ năm 1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Anh đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc”, “Nhớ tới anh Đạo, tôi mong rằng con và cháu của anh noi gương của ông, của cha, học tập tốt, lao động tốt, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, xứng đáng là con cháu của Bác Hồ, đáp ứng lòng mong mỏi của anh Đạo. Tôi nhớ mãi anh Đạo...”.

Trong bức thư năm 1997 gửi thăm hỏi và động viên Hoàng Minh Vân, con gái lớn của đồng chí Hoàng Minh Đạo, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết: “Chú vẫn giữ những ấn tượng sâu sắc về Ba cháu - một cán bộ gương mẫu và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, một người đồng chí chân thành, cởi mở, lạc quan - trong gần 10 năm cùng công tác ở Khu ủy Sài Gòn - Gia Định”.

Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội
Năm 1998, đồng chí Đào Phúc Lộc được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Một năm sau, năm 1999, đồng chí được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Nhớ về người thủ trưởng đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí Nguyễn Minh Quang, nguyên Trưởng ban tình báo Quân khu 4, Trưởng ban Tình báo Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung Bộ, Trưởng khoa Tình báo Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam, Trưởng ban Tình báo Mặt trận III, cho biết đồng chí Hoàng Minh Đạo rất khôn khéo trong công việc. Khi thời kỳ đầu nhận nhiệm vụ là Trưởng phòng Tình báo, lực lượng mỏng, nhiệm vụ lớn, đồng chí đã rất bình tĩnh, biết phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và quần chúng tốt để thu thập tin tức sốt dẻo phục vụ cấp trên. Tính đến năm 1947, đồng chí Đạo đã nắm được các cơ sở tình báo quân đội ở miền Bắc, Khu 4, 5 và 6.

Trong trí nhớ của nhiều đồng đội của ông, Hoàng Minh Đạo (hay Năm Thu, Năm Đời) có khuôn mặt dễ mến và hay cười, rất hay hát, ưa kể chuyện, sống khiêm tốn, hầu như không bao giờ nói về mình, kể cả lúc hàn huyên, tâm sự cùng đồng đội. Nhà tình báo ấy cũng ăn cơm muối giữa rừng với đồng đội, cũng mặc quần xà lỏn chạy thi cùng với chiến sĩ, cũng xuống hầm đánh bài với những người lính cận vệ sau mỗi trận đánh ác liệt. Lối sống giản dị, chan hòa, đầy tình yêu thương của ông đã xóa bỏ khoảng cách giữa người thủ trưởng và chiến sĩ.

Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội

Trong hồi ức của mình, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Trọng Tâm (Bảy Tâm) vẫn còn nhớ về những ngày tháng 6-1955 khi đồng chí Hoàng Minh Đạo trực tiếp xuống Phú Hội ở Biên Hòa để bàn cách lôi kéo, thuyết phục 4 tiểu đoàn Bình Xuyên theo ta, dừng bắt tay với Diệm giết hại Việt cộng. Theo nhận định của đồng chí Đạo, trước sau gì Bình Xuyên cũng bị diệt nên ta phải ra tay trước, thuyết phục trước để lôi kéo binh lính về cho ta, để ta vừa có vũ khí, quân số, vừa không vi phạm Hiệp định Geneve. Lúc đó Hiệp định không có phép ta được có quân số, súng ống. Lúc ấy, lực lượng Bình Xuyên có 4 tiểu đoàn, tiểu đoàn 3 là tiểu đoàn mạnh nhất nên đồng chí Đạo chỉ đạo lôi kéo đưa về tiểu đoàn 3, được vậy 3 tiểu đoàn kia sẽ tan rã dần dần. Theo anh hùng Bảy Tâm, kinh nghiệm đánh địch trong lòng địch của đồng chí Đạo cực kỳ giỏi và nhiều mưu lược.

Một vài lần tiếp xúc trực tiếp với đồng chí Hoàng Minh Đạo, đồng thời là thuộc cấp tại Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Nguyễn Trọng Tuệ, nguyên Trưởng phòng Ủy viên Quân sự, Tòa án Quân sự tỉnh Mỹ Tho cho biết đồng chí Đạo đánh giá con người và sự việc một cách khách quan, trong sáng. Ông viện dẫn chuyện xảy ra khoảng đầu năm 1952 khi ông được giao thụ lý một vụ án gián điệp trong đó có 12 bị can và C.V.N. - Trưởng ban Địa hình - Địa vật Bộ Tư lệnh Nam Bộ, đứng đầu. Khi đang chuẩn bị lấy thêm lời khai của can phạm, ông Tuệ phải tiếp một người khách lạ mặc bộ quân phục màu đen lâu ngày đã bạc màu, gương mặt vẻ hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ và có nụ cưởi rất dễ mến mang theo một phong thư của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Trung tướng Nguyễn Bình. Thư nêu đề nghị thận trọng trong điều tra xét hỏi, tránh oan sai cho người vô tội, đồng thời nêu rõ C.V.N. là cán bộ tốt, có năng lực, đạo đức, chưa làm gì tổn thương đến cách mạng, có bề dày cống hiến. Vị tư lệnh cho biết đồng chí Hoàng Minh Đạo (người mang thư) sẽ trao đổi thêm. Sau khi được hỏi có trao đổi thêm gì không, đồng chí Đạo đã đề nghị nếu được thì cho xem qua hồ sơ và tài liệu chứng cứ. Sau hơn 3 giờ đồng hồ xem hồ sơ và các vật chứng, đồng chí Đạo thấy trời đã nhá nhem tối nên cáo từ về. Khi được hỏi quan điểm đánh giá vụ án, sau 1 phút suy nghĩ, đồng chí Đạo đã thẳng thắn trả lời là theo cá nhân đồng chí, tội thì phải trị, không trị sẽ mất nước.

Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội
Tên tuổi và cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và bi tráng của nhà tình báo Đào Phúc Lộc đã được dựng thành phim dài tập “Con đường sáng” năm 2008. Tên ông cũng được đặt cho một số con đường ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Móng Cái (Quảng Ninh).

Trong dòng hồi ức, cụ Sáu Ninh, tức Đinh Văn Ninh, nguyên Trưởng ban Quân báo khu 8, nhắc lại chuyện đầu năm 1950 trong hàng ngũ cách mạng có 34 đồng chí cán bộ bị Phân liên khu Miền Đông nghi hoạt động hai mang. Mọi bằng chứng dường như đã rõ ràng, Bộ Tư lệnh Nam Bộ yêu cầu xử ngay. Đồng chí Hoàng Minh Đạo lúc đó phụ trách tình báo Nam bộ, thêm nhiệm vụ phản gián. Khi đọc lại hồ sơ (vốn đã khép lại), ông linh cảm còn nhiều uẩn khúc và không tin các đồng chí của mình là gián điệp. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông đã báo cáo với Bộ Tư lệnh xin được chịu trách nhiệm và xin gia hạn thêm thời gian để điều tra, xác minh lại từ đầu để tránh xử oan. Được sự đồng ý của trên, ông đã tin tưởng giao nhiệm vụ đặc biệt này cho ông Sáu Ninh, người có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng gian bảo mật. Phải mất 2 tháng ông Ninh mới đọc được hết hồ sơ, thẩm vấn lại các bị cáo, xem xét lại các vật chúng. Ông Ninh đã viết một bản báo cáo, khẳng định 34 người đều bị oan, sau đó trực tiếp trình bày với thủ trưởng Hoàng Minh Đạo. Sau khi rà soát từng trường hợp, ông Đạo đề xuất: Bộ Tư lệnh cần trực tiếp nghe ông Sáu Ninh trình bày bản báo cáo thẩm tra. Cuộc họp đã có lúc không khí căng như sợi dây đàn, tiếng muỗi bay cũng nghe rõ. Cuối cùng, các đồng chí lãnh đạo gồm Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ, Nguyễn Bình, Cao Đăng Chiếm và cả Hoàng Minh Đạo đi đến thống nhất: Hủy bản án đã tuyên, tiếp tục bố trí công tác cho các đồng chỉ bị oan. Hành động của nhà tình báo Hoàng Minh Đạo, theo cụ Sáu Ninh, đầy nhân văn, ông đã có bản lĩnh can trường, dám chịu trách nhiệm trước việc làm của mình, trước sinh mệnh đồng chí, đồng đội của mình.

Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội

Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội
Đại tá Đào An Việt, Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục II – Bộ Quốc phòng.

“Trong một thời gian rất ngắn, từ tháng 10-1945 đến tháng 3-1947, tức là gần 2 năm làm trưởng phòng, đồng chí Hoàng Minh Đạo đã có những đóng góp hết sức quan trọng đối với ngành”, Đại tá Đào An Việt, Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục II – Bộ Quốc phòng, đã chia sẻ như vậy khi nói về người thủ trưởng đầu tiên của ngành Tình báo quốc phòng. Theo Đại tá Đào An Việt, đồng chí Hoàng Minh Đạo đã triển khai rất nhiều nội dung công việc trong thời kỳ đầu xây dựng ngành tình báo, nhưng để khái quát lại, có 3 nội dung chính thể hiện rõ nhất vai trò của vị tiền bối này.

Thứ nhất, đồng chí Đạo đã có rất nhiều đóng góp trong xây dựng, tổ chức phát triển lực lượng tình báo trong những ngày đầu thành lập. Minh chứng cho điều này là đồng chí đã góp phần hình thành và xây dựng ban tình báo ở 26 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra miền Bắc.

Thứ hai, đồng chí Đạo đã xây dựng, tổ chức hệ thống điều hành chỉ huy từ Trung ương tình báo đến cơ sở. Đây là những đóng góp đầu tiên trong xây dựng tổ chức và phát triển lực lượng tình báo. Bên cạnh đó, đồng chí đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong đào tạo, huấn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ tình báo trong những ngày đầu thành lập. Đồng chí đã mở rất nhiều lớp huấn luyện, đào tạo được nhiều cán bộ cho ngành tình báo để phát triển sau này, đặc biệt là phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta.

Đóng góp thứ ba của đồng chí Hoàng Minh Đạo, theo Đại tá Đào An Việt, là góp phần hình thành nền tảng nghệ thuật về chỉ đạo và tổ chức hoạt động đảm bảo cho tình báo hoạt động đúng chức năng, đúng nhiệm vụ, chấp hành nghiêm nguyên tắc và hiệu quả ngay từ ngày đầu thành lập, để phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Ba đóng góp nổi bật nhất này của đồng chí Hoàng Minh Đạo đã đặt nền móng cho sự phát triển về cả mặt lý luận và thực tiễn của ngành tình báo sau này.

Ghi nhớ công lao của liệt sĩ Đào Phúc Lộc (Hoàng Minh Đạo), Đảng và Nhà nước đã truy tặng ông danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đáng chú ý là trong số gần 2.000 sĩ quan, chiến sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tính đến năm 1998, ông là người duy nhất được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là phần thưởng cao quý nhất vinh danh tên tuổi vị “Thủ trưởng đầu tiên” của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam.

Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội
Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội
Những hiện vật gắn liền với cuộc đời hoạt động tình báo của đồng chí Đào Phúc Lộc (tức Hoàng Minh Đạo) đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng cục II - Bộ Quốc phòng.

[1] Tài liệu do Tổng cục II cung cấp

[2] “Huyền thoại Anh hùng Tình bảo Đào Phúc Lộc”, Tập 1, 2, 3, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2015, Thạc sĩ Nguyễn Kim Thành biên soạn.

[3] Phỏng vấn Đại tá Đào An Việt, Phó chủ nhiệm chính trị Tổng cục II – Bộ Quốc phòng

  • Con đường tình báo của Đào Phúc Lộc - Bài 3: Hoàng Minh Đạo qua góc nhìn đồng đội
  • Nội dung: MAI HƯƠNG
  • Ảnh: Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top