LONGFORMQuyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)

Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)

Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)
Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)

Văn hóa có vai trò tạo dựng hạnh phúc cho cá nhân, mang lại tính cân bằng, tính bền vững cho sự phát triển của cộng đồng. Thế nhưng nhìn vào đời sống văn hóa của đất nước hiện nay là sự băn khoăn, trăn trở vì văn hóa chưa tương xứng với các lĩnh vực khác. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và ca sĩ Đỗ Tố Hoa, giảng viên Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, cho rằng: Chỉ khi chú trọng quản lý và thực hành dựa vào các quyền văn hóa của con người, đời sống văn hóa ở nước ta mới có những khởi sắc rõ nét.

Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của một cá nhân, rộng ra là của một cộng đồng, quốc gia và dân tộc?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khẳng định quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Văn hóa trước hết chứa đựng căn tính dân tộc, giúp chúng ta hội nhập sâu rộng mà không bị “hòa tan”, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Ở phương diện cá nhân, văn hóa thông qua định hướng giá trị giúp con người sống có lý tưởng, hoài bão và mục đích, từ đó hình thành nên lẽ sống cho mỗi người. Trong khi đó, văn hóa ứng xử giúp con người biết cách sống hài hòa với người khác, với cộng đồng, xã hội, với thiên nhiên và cả đời sống tinh thần, tâm linh. Như vậy, văn hóa giúp con người phát triển toàn diện hơn, phù hợp với quá trình phát triển bền vững đất nước.

Ở bình diện chung của cộng đồng và xã hội, trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, văn hóa là một thành tố không thể xem nhẹ. Thực tiễn đã chứng minh: Văn hóa không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển; văn hóa giữ vị trí trung tâm, có vai trò xây dựng con người, là hệ điều tiết cho sự phát triển xã hội, âm thầm như mạch nguồn nhưng có sức mạnh to lớn và bền chắc. Do đó, xây dựng và phát triển văn hóa rất cần thiết trong nỗ lực chung phấn đấu tạo lập một đất nước Việt Nam hùng cường, hạnh phúc. Văn hóa trên thực tế còn là “quyền lực mềm” để nâng cao vị thế quốc gia. Nhiều quốc gia sử dụng các sản phẩm công nghiệp văn hóa như phim ảnh, âm nhạc, thời trang… đi trước, mở đường cho chính trị, kinh tế. Đó cũng là cách mà chúng ta cần tham khảo.

Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)
Quyền văn hóa của người dân ngày càng được đảm bảo.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Khi những giá trị văn hóa bao trùm lên cuộc sống của một cá nhân, một cộng đồng, sự hạnh phúc sẽ tràn ngập. Nhiều người nghĩ rằng, giải quyết vấn đề cơm ăn, áo mặc thì sẽ tìm được “chìa khóa” mở ra “cánh cửa hạnh phúc”. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, cần có thêm một đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, giàu tính nhân văn mới khiến con người sống nhân ái, tìm được niềm vui trong cuộc sống xô bồ, phức tạp.

Nói đi cũng phải nói lại, nếu không có kinh tế, nếu con người bò sát đất kiếm từng miếng ăn, văn hóa sẽ không hiện ra. Ở làng Chùa (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) quê tôi, những người nông dân đã viết trên bức tường đình làng mấy câu: “Không có ăn thì không thể bước đi”, “không có chữ thì không nhìn thấy đường”. Nghĩa là kinh tế rất cần thiết, nhưng văn hóa giúp chúng ta có nhận thức và hành động đúng đắn như Bác Hồ phát biểu từ năm 1946: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đưa ra quan điểm về quyền con người trong lĩnh vực văn hóa.

PV: Nhiều ý kiến nhận xét rằng: Văn hóa, đạo đức xã hội bây giờ có mặt đang xuống cấp; bản thân văn hóa chưa tương xứng với các lĩnh vực khác. Ông có cho rằng, dường như tất cả chúng ta chưa nhận thức đầy đủ và đặt mối quan tâm về văn hóa lên hàng đầu?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đường lối, chủ trương, quan điểm, tư duy của Đảng đã xác lập vị thế, sứ mệnh của văn hóa bằng một sự thấu hiểu đúng đắn. Những người thực thi, cá nhân tôi e rằng chưa có nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa khiến chủ trương, đường lối tốt đẹp chưa đi vào cuộc sống và có khoảng cách khá xa so với những tầm nhìn chiến lược của các nghị quyết về văn hóa, văn nghệ.

Những tác động dù là đúng đắn tới văn hóa vẫn cần thời gian để kiểm chứng, cần thời gian để chuyển biến. Tôi từng viết bài báo “10 giây và 100 năm”: Chỉ mất 10 giây khi ai đó ném rác từ ô tô xuống đường. Một người khác thấy vậy liền nhặt lên bỏ vào thùng rác. Sự tự giác mang tính văn hóa ấy phải mất cả 100 năm mới có được. Vậy nên câu chuyện đạo đức xã hội xuống cấp hiện nay phải xem xét trên nhiều yếu tố tác động, chứ không chỉ quy trách nhiệm quản lý của ngành văn hóa. Cho nên, khi bàn về các giải pháp chấn hưng văn hóa dân tộc, trước hết mỗi cá nhân chúng ta cũng cần có ý thức trách nhiệm của mình trong việc sống đẹp, sống có văn hóa, mới nhân lên được những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)

PV: Khi nhắc đến quyền con người, nhiều người liên tưởng ngay đến quyền lợi về kinh tế, an sinh xã hội... Còn trong văn hóa, quyền con người được thể hiện cụ thể ở phương diện nào, thưa ông?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Quyền con người trong lĩnh vực văn hóa gói gọn trong ba quyền, có mối quan hệ khăng khít như “kiềng ba chân” đó là: Quyền được thụ hưởng văn hóa, quyền được sáng tạo và thể hiện văn hóa, quyền được tôn trọng các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Quyền văn hóa quan trọng đến mức, ngày nay hầu hết các quốc gia đều quản lý văn hóa theo phương diện này. Chẳng hạn, bất kỳ ai cũng có thể có mong muốn được thể hiện khả năng văn nghệ, dù có hay không có năng khiếu. Tư duy quản lý là phải đáp ứng nhu cầu sáng tạo, thể hiện văn hóa của người dân. Điều đó cũng sẽ giúp đời sống văn hóa “trăm hoa đua nở”, tài năng nghệ thuật phát triển, làm giàu có đời sống văn hóa. Tương tự như vậy là cách chúng ta tôn trọng các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Mỗi cá nhân, cộng đồng có những nhu cầu, thị hiếu riêng của mình đối với văn hóa, nghệ thuật. Ngoại trừ những nhu cầu, thị hiếu trái thuần phong mỹ tục, vi phạm luật pháp thì đều phải được tạo điều kiện để thể hiện trong xã hội và phải được tôn trọng. Chính sách, pháp luật của Nhà nước phải được thiết kế để tôn vinh các biểu đạt đa dạng này để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong phát triển văn hóa. Quản lý văn hóa dựa vào quyền cơ bản của con người thì mới có tư duy quản lý đúng hướng, hợp xu thế; từ đó có những giải pháp đối với các hiện tượng văn hóa, không chạy theo xử lý vụ việc vụn vặt.

Nhìn một cách tổng thể, trong điều kiện của một nước đang phát triển, Việt Nam trong nhiều năm qua đã làm được rất nhiều việc để đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực văn hóa. Bất cứ một cá nhân có năng khiếu, quyết tâm muốn sáng tạo, thể hiện tài năng văn nghệ đều được quan tâm hỗ trợ; di sản văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số được gìn giữ…

Tạo điều kiện cho mọi người dân, cộng đồng được thỏa sức sáng tạo văn hóa, hưởng thụ văn hóa, cũng như tôn trọng quyền văn hóa của họ chính là chìa khóa chấn hưng văn hóa nước nhà.

Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)
Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)

PV: Là những nghệ sĩ ít nhiều có đóng góp cho lĩnh vực văn nghệ, ông, bà đã được thụ hưởng các quyền văn hóa cụ thể thế nào để phát triển sự nghiệp?

Ca sĩ Đỗ Tố Hoa: Tôi là người có năng khiếu ca hát từ bé với nhạc cảm tốt, hát đúng phách, đúng nhịp, tiếp thu nhanh… Những giờ học nhạc trong nhà trường là chưa đủ. Thật may mắn, dù sinh sống ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Tuyên Quang nhưng có nhà văn hóa, có giáo viên nên tôi được học thêm về luyện thanh. Suốt quá trình học phổ thông, tôi được gia đình và nhà trường động viên phát triển khả năng ca hát. Rất nhiều sự quan tâm, ưu tiên khác như: Đặc cách vào học hệ trung cấp thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, được cử du học đại học tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc)… Nhìn lại quá trình dấn thân cho đam mê ca hát, quả thật sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình và xã hội rất to lớn; giúp tôi phát huy được những tố chất để trở thành ca sĩ đúng như mơ ước.

Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Từ khi tôi bước vào con đường sáng tác văn chương cuối thập niên 1980 đến nay, tôi chưa hề gặp bất cứ sự cản trở nào trên con đường sáng tạo. Với tôi điều hạnh phúc nhất là có được sự tự do trong sáng tác, được tôn trọng sự khác biệt trong tác phẩm. Một tác phẩm văn chương sẽ có người yêu, kẻ ghét, đó là lẽ thường. Để hiểu, để cảm nhận được văn chương đương đại, những sự khám phá, cách tân mới mẻ, chắc chắn không dễ với độc giả không có kiến thức chuyên sâu. Nhưng quan trọng là cần mở rộng tấm lòng, có sự chia sẻ, không nên phê phán, bài xích với những điều khác lạ.

PV: Một số ý kiến cho rằng: Ở Việt Nam, việc công bố, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật vẫn gặp những trở ngại nếu vi phạm những “cấm kỵ”, động chạm đến những vấn đề “nhạy cảm”. Sự thật như thế nào thưa ông, bà?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi có dịp tham quan, tìm hiểu tình hình văn chương, nghệ thuật ở một số quốc gia, không ai ngăn trở văn nghệ sĩ sáng tạo nhưng việc phổ biến tác phẩm thì có một số giới hạn nhất định. Ngay như ở nước Mỹ không thể nào phổ biến những tác phẩm có nội dung phân biệt chủng tộc, ấu dâm hay đi ngược lại những giá trị văn hóa tinh thần của nước Mỹ. Quyền tự do sáng tác, quyền tự do biểu đạt trong tác phẩm văn học, nghệ thuật luôn được xem trọng nhưng không bao giờ có sự tự do tuyệt đối. Cá nhân tôi từng hỏi nhiều văn nghệ sĩ ở Việt Nam là có gì ngăn cản việc sáng tác, phổ biến tác phẩm không? Tôi đều nhận được câu trả lời không có bất kỳ sự hạn chế nào nếu tác phẩm đó không vi phạm những quy định cấm của pháp luật.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Không có tự do nào là tuyệt đối vì quyền tự do của người này chỉ có thể được đảm bảo và tôn trọng khi không xâm phạm đến tự do của người khác, đi ngược lại giá trị chung được cộng đồng thừa nhận, tôn trọng. Thử tưởng tượng, nếu một bài thơ, một bức biếm họa có nội dung phân biệt vùng miền thì chắc chắn sẽ đi ngược lại tinh thần đại đoàn kết dân tộc, không ai có thể chấp nhận được. Đó cũng chính là tinh thần cơ bản của tôn trọng đa dạng của các biểu đạt văn hóa trong khuôn khổ pháp luật.

Có thể pháp luật không thể quy định hết tất cả các trường hợp một cách cụ thể để văn nghệ sĩ biết được đâu là giới hạn không được phép vi phạm thì quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm công dân của người sáng tạo. Một khi văn nghệ sĩ không tôn trọng pháp luật và đạo đức thì chính là không tôn trọng giá trị cao đẹp của nghệ thuật.

Ca sĩ Đỗ Tố Hoa: Văn nghệ sĩ vốn có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, nhiều khi sống dựa vào cảm xúc, kể cả những việc, sự kiện ngoài văn nghệ. Do đó cân bằng, hài hòa giữa lý trí và cảm xúc là việc không dễ. Có thể như thế mà một số văn nghệ sĩ quá đề cao cái tôi, đôi khi có những lời nói, hành động, những sáng tạo không phù hợp với công chúng, với thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Tôi tâm đắc với luận điểm: Tư tưởng dẫn dắt hành động. Nếu văn nghệ sĩ có tư tưởng làm nghệ thuật với mục đích cao đẹp, vị nhân sinh ắt hẳn sẽ biết trách nhiệm của sản phẩm của mình, không chỉ đơn thuần thể hiện công phu nghệ thuật mà còn tính toán, cân nhắc tác động của tác phẩm đến công chúng.

Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)

PV: Nói về văn hóa không thể nhắc đến mối liên hệ mật thiết với giáo dục. Ông có thể hiến kế để giáo dục phát huy giá trị trong việc nâng trình độ văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ cho người học?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chuyển từ giáo dục kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức cơ bản, thiết thực; hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mỹ. Giáo dục nghệ thuật trong trường phổ thông không nhằm mục đích chính là tạo nên nhiều văn nghệ sĩ tài năng. Vì tài năng văn nghệ phụ thuộc trước tiên vào năng khiếu, mà không phải đứa trẻ nào cũng có. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào sự đam mê cá nhân, sự ủng hộ của gia đình; khi đó những trung tâm nghệ thuật bên ngoài nhà trường sẽ có chức năng bổ trợ quan trọng. Nhưng điều quan trọng của giáo dục nghệ thuật trong nhà trường là giúp học sinh hình thành tình yêu đối với nghệ thuật, với cái đẹp và hình thành nên tinh thần sáng tạo.

Khi một đứa trẻ biết yêu cái đẹp, tâm hồn hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ thì khó làm điều xấu, cái ác; qua đó giúp đạo đức xã hội tốt hơn, có khả năng đề kháng những hiện tượng lệch chuẩn, suy đồi, xấu xa tồn tại lẩn khuất trong xã hội. Bên cạnh đó, tư duy sáng tạo được hình thành qua tiếp xúc với nghệ thuật cũng sẽ giúp trẻ em trở thành những người sáng tạo trong tương lai. Đây lại là một phẩm chất vô cùng cần thiết trong xã hội hiện đại vì sáng tạo chính là nguồn lực cho sự phát triển đất nước. Trẻ em là tương lai và với hành trang sáng tạo được nuôi dưỡng bởi nghệ thuật, chính họ sẽ giúp “bừng sáng” tương lai của đất nước!

Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)
Văn hóa mang lại hạnh phúc cho cá nhân, sự phát triển hài hòa cho cộng đồng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi từng rất ngạc nhiên khi nhiều độc giả nước ngoài đồng cảm với nỗi niềm tôi gửi gắm thông qua bản dịch thơ; trong khi nhiều độc giả, thậm chí là “siêu độc giả” là những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, đọc thơ tôi bằng tiếng Việt lại không thể cảm nhận được. Tôi nhấn mạnh ở khía cạnh cảm nhận chứ không phải là hiểu biết để phân tích kỹ lưỡng như một nhà phê bình. Rõ ràng nội dung chương trình, cách dạy và học ngữ văn hiện nay chưa thể tạo ra một lớp công chúng có khả năng cảm nhận sự đa dạng vẻ đẹp văn chương. Một khi độc giả thiếu sự tương tác, đồng sáng tạo với nhà văn thì nhiệt tình sáng tác của nhà văn sẽ giảm đi phần nào. Đây là điều bất lợi với văn học Việt Nam hiện nay.

Câu chuyện giáo dục ảnh hưởng đến văn hóa con người không nên chỉ giới hạn ở nhà trường mà còn là gia đình và xã hội. Nhiều người than phiền trẻ em bây giờ cứ dán mắt vào điện thoại, ti vi mà không chịu đọc sách, tìm hiểu thiên nhiên, giao tiếp xã hội... Nhưng thử hỏi, trong gia đình, khi người lớn ai nấy đều sử dụng điện thoại trước mắt trẻ em thay vì cầm cuốn sách thì trẻ em liệu có thể thoát khỏi sức hấp dẫn của các thiết bị điện tử?

Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)

Mọi đứa trẻ trước tiên đều là tờ giấy trắng như nhau. Giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội sẽ định hướng “phông nền” văn hóa của đứa trẻ. Một người nông dân đương nhiên không thể giáo dục đứa trẻ bằng những lời thuyết giảng nhưng thông qua hành động thể hiện lối sống tình nghĩa, có trên có dưới, yêu thương đùm bọc vẫn có thể làm gương, để những đứa trẻ sống tử tế. Đó là lý do vì sao thế hệ của tôi sinh ra trong chiến tranh, điều kiện sống, học tập vô cùng khó khăn gian khổ và không phải tất cả thế hệ chúng tôi ai nấy cũng đều tài năng, có những đóng góp lớn lao nhưng chắc chắn cơ bản là những người tử tế, biết sống với tình thương và lẽ phải.

PV: Trân trọng cảm ơn các chuyên gia, văn nghệ sĩ!

Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)

  • Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 2)
  • Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN
  • Ảnh: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, TTXVN, CỘNG TÁC VIÊN
  • Kỹ thuật, đồ họa: TRUNG THÀNH
top