LONGFORMPhát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 4)

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 4)

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 4)
Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 4)

Với sự linh hoạt, nhạy bén, dám nghĩ dám làm, khối tư nhân trở thành rường cột trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa. Để “nắn” dòng tiền khổng lồ của xã hội đổ vào công nghiệp văn hóa, cần nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể, thiết thực.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 4)

Trong một nền kinh tế thị trường, lĩnh vực nào có nhiều ưu đãi chính sách, sinh lời cao, thu hồi vốn nhanh, ít rủi ro thì nghiễm nhiên dòng tiền của khối tư nhân sẽ chảy vào nhiều hơn.

Nhìn tổng thể các chính sách ưu đãi về đầu tư, về hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở nước ta so với các quốc gia phát triển đang có một khoảng cách lớn và chưa phải là “cần câu” để khối tư nhân có thể sử dụng tạo ra bước nhảy vọt.

Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26-3-2021 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư”, trong lĩnh vực văn hóa, phạm vi được đặc biệt ưu đãi đầu tư đó là: “Đầu tư kinh doanh bảo tàng cấp quốc gia, nhà văn hóa dân tộc; đoàn ca, múa, nhạc dân tộc; rạp hát, trường quay, cơ sở sản xuất phim, in tráng phim; nhà triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh; sản xuất, chế tạo, sửa chữa nhạc cụ dân tộc; duy tu, bảo tồn bảo tàng, nhà văn hóa dân tộc và các trường văn hóa nghệ thuật; cơ sở, làng nghề giới thiệu và phát triển các ngành, nghề truyền thống; đầu tư kinh doanh các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; đầu tư cho Thư viện quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thư viện có vai trò quan trọng”.

Nhìn vào danh mục này, có thể thấy chính sách ưu đãi đầu tư chủ yếu là muốn thu hút nguồn lực tư nhân để bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống và thực hiện các dịch vụ công phi lợi nhuận. Từ đây, dư luận cũng hiểu vì sao mấy năm gần đây nhiều tập đoàn tư nhân lại chỉ “thích” đầu tư vào nhà hát, bảo tàng bởi họ sẽ nhận ưu đãi lớn như miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: “Nguyên nhân thứ nhất của việc chủ thể tư nhân chưa mặn mà là họ chưa thấy được cơ hội lợi nhuận. Lợi nhuận chính là yếu tố quan trọng nhất. Nguyên nhân thứ hai chính là hệ thống chính sách chúng ta đã có một số ưu đãi nhưng quy trình thực hiện chính sách quá phức tạp khiến chủ thể tư nhân nản chí”.

Điện ảnh luôn là mũi nhọn ở bất cứ quốc gia nào có nền công nghiệp văn hóa phát triển. Nhưng điện ảnh Việt Nam không có dấu hiệu bứt phá bởi thiếu các “đại gia” đầu tư. Số liệu của ngành trước đại dịch Covid-19 bùng phát cho thấy rõ: Doanh thu toàn ngành có tăng nhưng nhìn tổng thể thì không bền vững. Chưa bàn đến vấn đề chất lượng nghệ thuật mà các yếu tố số lượng phim, số lượng cụm rạp… của doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn lép vế so với nước ngoài.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 4)

Các nhà sản xuất điện ảnh Việt Nam luôn trong tình trạng “đói vốn”. Chỉ có cách “lấy ngắn nuôi dài” là làm chương trình truyền hình, tổ chức sự kiện hoặc vài ba công ty chung tay cùng làm. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD mong mỏi: “Làm sao phải khơi thông nguồn vốn ngân hàng, vốn vay cho văn hóa. Rất mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất như cho vay nông nghiệp. Làm sao để các bộ phim không có tài sản hữu hình mà có thể đi vay để sản xuất được”.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa rất trông chờ vào những ưu đãi dưới hình thức khấu trừ thuế hoặc miễn giảm thuế với 4 loại thuế cơ bản (Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất - nhập khẩu). Ưu đãi hiện nay về thuế, phí trong các luật hiện hành được đánh giá là chưa tạo động lực cho kinh doanh công nghiệp văn hóa. Chúng ta có thể nghiên cứu, học tập cách làm của các quốc gia đi trước. Chẳng hạn, từ năm 1996, Canada đưa ra Tín dụng thuế sản xuất phim hoặc video (CPTC) với khoản ưu đãi khấu trừ nghĩa vụ thuế hoàn lại cho các doanh nghiệp trong nước (Refundable Tax Credit - là một dạng ưu đãi, hỗ trợ thuế mà người đóng thuế có thể yêu cầu hoàn trả cho họ bằng tiền mặt hoặc tương đương tiền mặt nếu số tiền yêu cầu vượt quá số thuế phải nộp hoặc người đóng thuế không có số thuế phải nộp) lên tới 25% chi phí lao động đủ điều kiện, tối đa là 60% chi phí sản xuất đủ điều kiện. Do đó, tín dụng có thể cung cấp tới 15% tổng chi phí sản xuất. 10 năm sau khi thực hiện CPTC, các báo cáo đánh giá kết luận rằng việc áp dụng cơ chế này đã đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất phim và truyền hình trong nước của Canada. Kết quả khảo sát cho thấy khoảng một nửa (48%) doanh nghiệp nhận tín dụng thuế nói rằng các dự án của họ sẽ không được thực hiện nếu không có ưu đãi thuế.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 4)
Khảo sát mức độ hỗ trợ và mức độ hài lòng về các thủ tục hành chính liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa.

Phát biểu tại Hội thảo toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cho biết: “Riêng những kiến nghị mà các đại biểu phát biểu đang vượt quá những chính sách, quy định hiện hành, Bộ Tài chính xin được ghi nhận để nghiên cứu, tổng hợp lại trong các chương trình, kế hoạch sửa các quy định pháp luật thuế liên quan đến lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa như kiến nghị của các đại biểu. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa như sáng tạo nội dung số, không gian sáng tạo, các hoạt động công nghiệp văn hóa khác như điện ảnh… tận dụng được cơ hội để, trên cơ sở đó phát triển công nghiệp văn hóa”.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 4)

Sự đồng hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp mang ý nghĩa quyết định. Nói như Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: “Nhà nước, cấp quản lý là “bà đỡ” bao dung, quan trọng nhất là “đầu tư” niềm tin lớn vào văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là văn nghệ sĩ tiêu biểu”.

Nguồn lực từ nhân dân cũng cần huy động để tiếp sức cho sự nghiệp chung xây dựng nền công nghiệp văn hóa. Trên hết, công nghiệp văn hóa là sự tích hợp nhiều ngành nghề khác nhau, do vậy cần có mối liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, tránh tình trạng cục bộ, lĩnh vực nào biết lĩnh vực đó.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 4)

Một câu chuyện bàn luận sôi nổi hiện nay là về việc thành lập các loại quỹ đầu tư, hỗ trợ cho sáng tạo. Có nhiều băn khoăn về mô hình hoạt động, cách thức quản lý, kiểm soát và đặc biệt cơ chế đóng góp. Cần sớm giải quyết vấn đề này từ ban hành luật, tuyển chọn hội đồng quản lý, đưa ra giải pháp thích hợp thu hút tài chính….; nếu không các hoạt động như sáng tạo tác phẩm, đào tạo nhân lực, giao lưu hợp tác trao đổi kinh nghiệm… vốn không thể dựa dẫm vào ngân sách Nhà nước sẽ không thể triển khai trên thực tế.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 4)

Ở Trung Quốc, 3% doanh thu các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được trích cho quỹ phát triển âm nhạc. Tiền thu về nhiều đến mức, dư sức tài trợ cho các dự án. Ở các nước phương Tây, các loại quỹ sáng tạo văn hóa do nguồn tiền từ quỹ cá nhân, gia đình giàu có, quỹ từ thiện, doanh thu từ xổ số… đóng góp. Còn ở Việt Nam, đang có ý kiến bắt buộc các đài truyền hình trích doanh thu quảng cáo cho quỹ phát triển điện ảnh. Chưa bàn đến vấn đề nội bộ của quỹ nhưng đối tượng bắt buộc phải nộp quỹ dường như chưa phù hợp bởi doanh thu quảng cáo của nhiều đài truyền hình cũng chẳng phải là cao.

Mấu chốt để công nghiệp văn hóa phát triển là cần sự dấn thân đầu tư của các tập đoàn lớn. Với bề dày kinh nghiệm kinh doanh, tài lực đảm bảo, uy tín kêu gọi vốn, mới có thể tạo bước đột phá, chứ không thể trông chờ vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ như hiện nay.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 4)

Không cần có hiểu biết về kinh doanh ai cũng biết đầu tư cho du lịch văn hóa thì “dễ ăn” hơn là đầu tư cho các dự án điện ảnh, âm nhạc. Tuy nhiên, các sản phẩm điện ảnh, âm nhạc có sức lan tỏa lớn trên toàn cầu; cho nên đây là câu chuyện không chỉ liên quan đến tiền bạc mà còn thể hiện “sức mạnh mềm”, vị thế của quốc gia. Nhiều doanh nghiệp đã không tiếc tiền đầu tư cho bóng đá, các hoạt động từ thiện…, không có lý do gì không đầu tư cho sản phẩm công nghiệp văn hóa. Nếu hoàn thành một sản phẩm có tiếng vang, bản thân doanh nghiệp ngoài lợi ích vật chất, cũng có thể quảng bá được thương hiệu của mình mãi mãi, bởi sản phẩm văn hóa văn nghệ giá trị có đặc tính vượt thời gian.

(còn nữa)

  • Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 4)
  • Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND
  • Ảnh: Bộ VH-TT&DL, Sun Group, VinGroup, BÁO QĐND
  • Kỹ thuật, đồ họa: TRUNG THÀNH
top