Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 3)
Xây dựng nền công nghiệp văn hóa gắn với phát triển thị trường văn hóa rất cần vai trò kiến tạo của chính quyền. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, những cơ quan có trách nhiệm trước hết cần xác định nhiệm vụ cụ thể để “đúng vai, thuộc bài”. Chỉ khi đó Nhà nước được ví như “nhạc trưởng” mới có thể điều khiển các ngành công nghiệp văn hóa vận hành linh hoạt.
Ngày nay, dù thể chế chính trị có khác nhau song bất cứ Nhà nước nào cũng phải có trách nhiệm đáp ứng quyền về văn hóa của người dân, đó là: Quyền được thụ hưởng văn hóa, quyền được sáng tạo và thể hiện văn hóa, quyền được tôn trọng các biểu đạt đa dạng của văn hóa.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: Quyền văn hóa quan trọng đến mức, hầu hết các quốc gia đều quản lý văn hóa theo phương diện này. Chẳng hạn, ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, người dân có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật nhưng không có rạp phim, nhà hát; dĩ nhiên cần có các đội chiếu phim lưu động, đoàn văn công phục vụ do Nhà nước tổ chức. Còn rất nhiều vấn đề khác cần sự can thiệp của Nhà nước như: Phát triển văn hóa đọc, bảo tồn các môn nghệ thuật truyền thống, phục dựng các di tích văn hóa lịch sử… Tóm lại, nếu là “dịch vụ công”, hoặc những lĩnh vực rất khó xã hội hóa, khó có thể thương mại hóa “lấy ngắn nuôi dài”, ngân sách Nhà nước sẽ phải chi trả toàn bộ để đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau” về mặt văn hóa.
Ngoài ra, với đặc thù nước ta chỉ có một duy nhất một Đảng cầm quyền, để đảm bảo tính chính danh của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phản động, giữ vững trận địa tư tưởng; ngân sách phải chi để đặt hàng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật nhằm tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nguồn lực chi thường xuyên của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho lĩnh vực văn hóa có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Tiếp tục quán triệt phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được xây dựng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta.
Còn có những ý kiến cho rằng Nhà nước là một chủ thể kinh doanh sản phẩm công nghiệp văn hóa để thu về lợi nhuận là không đúng với nhiệm vụ, trái với các nguyên tắc kinh tế thị trường.
Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa ra đời trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa, hiện do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, về bản chất không có gì khác nhiều do với doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước không can thiệp vào chuyên môn, kinh doanh sản xuất mà chỉ định hướng để các sản phẩm văn hóa không đi ngược giá trị, chuẩn mực văn hóa và niềm tin của cộng đồng. Với những đơn vị kinh doanh thua lỗ, thiếu hiệu quả trong sáng tạo, phương án giải thể như Nhà xuất bản Phương Đông (thuộc UBND tỉnh Cà Mau), hoặc sáp nhập như các nhà xuất bản của Thành ủy TP Hồ Chí Minh là điều tất yếu và cần thiết.
Do lợi ích của công nghiệp văn hóa mang lại rất lớn, có tính bao trùm nên bất cứ Nhà nước nào cũng ban hành thể chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển. Sự lớn mạnh của ngành xuất bản thông qua chính sách cho phép liên kết xuất bản là ví dụ rõ rệt nhất. Mô hình liên kết xuất bản ra đời từ chủ trương xã hội hóa ngành xuất bản được nêu ra lần đầu tiên tại Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, ngày 25-8-2004 và sau đó được cụ thể hóa ở Luật Xuất bản năm 2004.
Từ đây, đối tác liên kết không còn phải “núp bóng” các nhà xuất bản (NXB) với danh xưng là “đại lý phát hành” mà hoàn toàn được công khai tham gia vào quy trình xuất bản, được đứng tên chung với NXB khi “trình làng” xuất bản phẩm. Mục đích của mô hình liên kết xuất bản là mời gọi khối tư nhân tham gia góp công, góp của kết hợp với các NXB để nâng cao số lượng và chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sách Thái Hà, khẳng định: “Nếu không có Luật Xuất bản năm 2004 và việc Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật có hiệu lực tại Việt Nam cũng trong năm 2004, chắc chắn cá nhân tôi và nhiều đồng nghiệp sẽ không thành lập công ty sách”.
Trên thực tế, không phải ngành nào của công nghiệp văn hóa cũng có may mắn như ngành xuất bản. PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng: Hệ thống pháp luật và cơ sở dữ liệu liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa chưa hoàn thiện đang là lực cản làm chậm khả năng phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Hệ thống văn bản pháp luật liên quan gồm nhiều loại khác nhau từ luật, pháp lệnh đến thông tư. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số lĩnh vực chưa có luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sĩ...) thậm chí chưa có văn bản điều chỉnh (quản lý hoạt động trò chơi...). Điều này đã ảnh hưởng lớn đến cả công tác quản lý nhà nước lẫn hoạt động của từng lĩnh vực, từng ngành vì mỗi lĩnh vực, mỗi ngành đều cần hệ thống chính sách để phát triển. Năng lực dự báo của các cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa còn hạn chế. Việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học cho hoạch định chính sách phát triển các ngành công nghiệp chưa được chú trọng.
Các nước tư bản Âu Mỹ có đã kinh nghiệm hàng trăm năm xây dựng và phát triển kinh tế thị trường. Nhà nước sinh ra luật pháp để điều chỉnh, thúc đẩy và giữ vai trò “trọng tài”, còn triển khai cụ thể các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường như thế nào thuộc về khối tư nhân.
Con đường phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam hiện tại và trong tương lai, phụ thuộc lớn vào vai trò Nhà nước. Điểm khác biệt của Nhà nước ta đó là còn phải thực thi “làm mẫu” cụ thể hóa chính sách được tạo ra. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: Do đặc thù lịch sử và do những thói quen tư duy, quần chúng ở các nước Á Đông và đặc biệt ở trình độ đang phát triển như Việt Nam rất là coi trọng và đề cao vai trò dẫn dắt của Nhà nước. Thế nên, nếu Nhà nước chỉ hoạt động thuần túy là hoạch định và ban hành chính sách thì chưa chắc đã tạo ra được sự chuyển động mà Nhà nước cần tham gia vào thực hiện các hoạt động để đảm nhiệm vai trò dẫn dắt.
Minh chứng cho luận điểm này chính là sự thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra từ ngày 17 đến 28-11-2023 với 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động chỉ riêng tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Con số ấn tượng này có được đó là nhờ quyết tâm chính trị, cách làm bài bản của thành phố Hà Nội để không chỉ thực hiện chương trình cam kết khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, mà còn muốn là địa phương đi đầu về phát triển công nghiệp văn hóa.
Khối tư nhân không thể tổ chức sự kiện tương tự ở thời điểm này vì có rất nhiều trở ngại: Các không gian tổ chức độc đáo đều là công sản; chi phí tổ chức rất lớn; khó thể kêu gọi các nhà tài trợ, nhà thiết kế và các tình nguyện viên; khó dự báo lợi nhuận và lợi ích… Như vậy không chỉ có cam kết trên giấy, chính quyền Hà Nội đã trực tiếp bỏ ra “vốn mồi”, sử dụng uy tín “chính danh” để kêu gọi tài trợ tài lực, nhân lực của xã hội. PGS, TS Bùi Hoài Sơn lý giải: Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội hay là các sự kiện sáng tạo khác là cách mà Nhà nước triển khai quan điểm, chủ trương, chính sách của mình. Từ đó thúc đẩy một loạt các vấn đề từ nhận thức của xã hội về di sản đô thị; đưa ra hình mẫu về cách thức tổ chức, kiến tạo không gian sáng tạo hiệu quả, gợi mở khả năng tạo ra sản phẩm có tính thương mại…
Từ ví dụ trên, TS Nguyễn Văn Đáng cho rằng: Nhà nước chỉ nên “làm mẫu” chứ không làm thay việc phát triển công nghiệp văn hóa. Bởi lẽ các sản phẩm công nghiệp văn hóa là đáp ứng nhu cầu thị hiếu cá nhân. Cho nên sự linh hoạt và năng động của các chủ thể tư nhân sẽ là tốt hơn và phù hợp hơn. Điều này đã được chứng minh ở các nước phát triển đi trước và thực tế ở nước ta rất nhiều sản phẩm văn hóa do Nhà nước sản xuất nhưng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, thị hiếu người dân.
(còn nữa)
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND
- Ảnh: Bộ VH-TT&DL, Quochoi.vn, Vietnam+, BÁO QĐND
- Kỹ thuật, đồ họa: TRUNG THÀNH
- Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 1)
- Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)
- Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 4)
- Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 5 - Tiếp theo và hết)