LONGFORMPhát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 1)

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 1)

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 1)

LTS: Còn 22 năm nữa là đến dấu mốc trọng đại kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây cũng là thời điểm Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phân loại các nền kinh tế dựa trên ba tiêu chí chính: (1) thu nhập bình quân đầu người, (2) đa dạng hóa xuất khẩu, (3) hội nhập vào nền kinh tế, hệ thống tài chính quốc tế. Trong đó, tiêu chí thu nhập bình quân đầu người là quan trọng nhất. Còn những yếu tố phi kinh tế của một quốc gia phát triển, trong đó văn hóa lại chưa được xác định.

Trên thực tế, mọi quốc gia đều hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc văn hóa cùng với cường quốc kinh tế. Để làm được điều này, các cường quốc kinh tế trên thế giới đều chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa.

Nhân dịp lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 6-9-2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” - trong đó phát triển công nghiệp văn hóa là một trong sáu nhiệm vụ; Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện loạt bài làm rõ hơn hiện trạng công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay, đồng thời góp thêm tiếng nói cổ vũ công nghiệp văn hóa phát triển đưa văn hóa nước nhà vươn ra thế giới.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 1)

Nói đến văn hóa là nói đến sự khác biệt, không phải hơn kém. Sở dĩ chưa có cá nhân hay tổ chức đưa ra các bộ tiêu chí để nhận diện văn hóa nước phát triển có thu nhập cao bởi vô hình trung sẽ tạo ra sự trịch thượng, sự phân biệt hơn kém và áp đặt về văn hóa lộ liễu. Bản thân cấu trúc nền văn hóa được kiến tạo bởi những yếu tố định tính, khó xác định. Chỉ có công nghiệp văn hóa là mẫu số chung ở các nước phát triển, cũng là một yếu tố hữu hình để kiến tạo văn hóa nước ta với tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 1)

Hai đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink vào cuối tháng 7-2023 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) đã bán ra 67.443 vé, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Tổng doanh thu mang về gần 13,7 triệu USD (hơn 331 tỷ đồng).

Điều khiến những người đau đáu với văn hóa nước nhà kinh ngạc không chỉ bởi các con số biết nói, mà là những câu chuyện liên quan đến nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc trở thành tiêu điểm. Cụ thể có khoảng 5.990.000 kết quả tìm kiếm trên Google. Sự kiện này thêm một lần nữa nung nấu ước mơ của giới văn hóa nước ta là xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, sớm có ngày văn nghệ sĩ Việt Nam cũng trở thành thần tượng được săn đón.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 1)
Hai đêm diễn trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình cuối tháng 7-2023 đã mang về doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink. Ảnh: Blackpink Twitter

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết: Để có được “làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu) đầy sức sống như hiện nay, Hàn Quốc đã học hỏi thành tựu phát triển công nghiệp văn hóa các nước Âu Mỹ đi trước, phải trải qua chặng đường dài hàng thập kỷ triển khai với quyết tâm cao độ, chính sách đột phá. Người Hàn Quốc luôn khát khao vươn lên thể hiện ở những khẩu hiệu “dữ dội”: “Đường lối để sống còn là phải đứng đầu thế giới, đường lối để tiến tới là khán đài thế giới”.

Trước đại dịch Covid-19 bùng phát, công nghiệp văn hóa đã trở thành động lực của nền kinh tế “xứ sở kim chi” khi đóng góp gần 9% trong tổng số GDP với giá trị lên tới hơn 1.500 tỷ USD, và mức tăng trưởng trung bình khoảng 16% mỗi năm. Để có được con số ấn tượng này, người Hàn Quốc đã "thức tỉnh" từ “cú sốc” cách đây 30 năm khi bộ phim “Công viên kỷ Jura” (Mỹ) có kinh phí sản xuất chỉ 63 triệu USD nhưng mang lại doanh thu khổng lồ 1,029 tỷ USD.

Theo TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Về bản chất công nghiệp văn hóa là một ngành công nghiệp mà “nguyên liệu” của nó là vốn văn hóa. Đã là sản xuất công nghiệp nghĩa là sản xuất hàng loạt (mass production) dựa theo quy trình chặt chẽ tạo ra số lượng sản phẩm lớn có giá trị gia tăng kinh tế cao, phục vụ một lượng lớn khách hàng.

Công nghiệp văn hóa luôn được đề cao ở các nước phát triển bởi đóng góp vào GDP tỷ lệ cao, bền vững; tạo ra số lượng việc làm lớn và ổn định; thực sự là “bệ đỡ” giúp các nền kinh tế phát triển vượt qua tác động bởi khủng hoảng do chính trị, năng lượng...

Chiều kích quan trọng khác của sản phẩm công nghiệp văn hóa đó là những tác động đặc biệt về tư tưởng, nhận thức, tình cảm, thói quen, lối sống… TS Trần Thị Thủy, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh: Sản phẩm văn hóa được phổ biến rộng rãi tạo ra một cuộc “xâm lăng văn hóa” âm thầm, quyến rũ. Khi say mê sản phẩm văn hóa giải trí, chắc chắn sẽ có thiện cảm với đất nước họ, sẵn sàng chi tiền đi du lịch, tin tưởng các mặt hàng xuất khẩu của họ. Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh công nghiệp văn hóa sẽ nâng tầm “sức mạnh mềm” quốc gia, tăng cường khả năng áp đặt văn hóa “kín đáo”.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 1)

Từ những dữ kiện định lượng cung cấp cho chúng ta một mối quan hệ chặt chẽ: Các quốc gia phát triển có thu nhập càng cao thì đều có nền công nghiệp văn hóa phát triển, tạo ra “sức mạnh mềm” có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Cho nên Việt Nam cần phải biến giấc mơ công nghiệp văn hóa thành hiện thực, góp phần kiến tạo văn hóa tương lai của một nền kinh tế phát triển có thu nhập cao để đảm bảo các lợi ích lâu dài.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.
Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 1)

Phát triển công nghiệp văn hóa là một trong sáu nhiệm vụ Nghị quyết số 33 đề ra, thể hiện tư duy đột phá của Đảng ta. GS,TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhấn mạnh: Bước chuyển này đã cho phép “hàng hóa hóa” và “tiền tệ hóa” văn hóa. Quan điểm “hàng hóa hóa văn hóa” trong công nghiệp văn hóa không phải là nhằm thương mại hóa văn hóa, làm tổn hại các giá trị cao quý, nhân văn của văn hóa, mà ngược lại, đem đến những cơ hội để chuyên nghiệp hóa lĩnh vực văn hóa, hỗ trợ các tổ chức và người thực hành văn hóa xây dựng các mối quan hệ thiết thực và gắn bó hơn với thị trường và công chúng, tạo thêm nguồn thu thông qua các thực hành và hợp tác về văn hóa, và vì thế về tổng thể sẽ nâng cao hơn nữa vai trò và giá trị của văn hóa trong xã hội.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 1)

Cũng theo GS, TS Từ Thị Loan: Văn hóa từ một lĩnh vực vốn chỉ được coi là vũ khí tư tưởng, công cụ giáo dục con người, một ngành “chỉ biết tiêu tiền”, sống dựa vào bao cấp của các ngành khác đã trở thành một ngành “làm ra tiền”, có tiềm năng, giá trị kinh tế và có thể có đóng góp thiết thực vào GDP của đất nước.

Đặt trong bối cảnh Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đại diện nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa là yêu cầu bắt buộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, rộng ra là công việc của toàn xã hội; không còn chỉ là những kiến nghị, đề xuất, hô hào thể hiện ước mơ của một số chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 1)

Nhìn lại một thập kỷ qua, rõ ràng những điều làm được thiên về chủ trương, chính sách; khẳng định lại về vị trí, vai trò công nghiệp văn hóa. Những việc làm cụ thể, thiết thực, những cơ chế đột phá, những dự án vĩ mô chưa xuất hiện.

Công nghiệp văn hóa đang bị xem là một thứ “mốt”, nguy cơ nói nhiều làm chẳng bao nhiêu, dẫn đến tình trạng nội dung nghị quyết đột phá nhưng chưa đi vào cuộc sống.

(còn nữa)

  • Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 1)
  • Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND
  • Ảnh, video: Bộ VH-TT&DL, Vietnam+, Chinhphu.vn, Báo QĐND
  • Kỹ thuật, đồ họa: TRUNG THÀNH
top