LONGFORMPhát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)
Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)

Khi bàn đến những khó khăn, thách thức phát triển công nghiệp văn hóa, những vấn đề thường được nhắc tới đó là: Thiếu kinh nghiệm, khung pháp luật chưa hoàn thiện, các cơ quan chức năng phối hợp chưa tốt, nhân lực sáng tạo thiếu và yếu… Tất cả đều đúng nhưng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”! Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, mang tính xây dựng, nhóm tác giả Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã tiến hành hàng loạt khảo sát làm cơ sở nhận diện căn nguyên cản trở các ngành công nghiệp văn hóa tăng trưởng.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)

Từ những công trình nghiên cứu văn hóa dân tộc của GS Đào Duy Anh, GS Phan Ngọc, GS, TSKH Trần Ngọc Thêm… đã định danh tâm lý tiểu nông trong con người Việt Nam gắn với văn hóa làng xã. Bên cạnh ưu điểm thì có những khuyết điểm như: Không nhìn xa trông rộng, cục bộ, ngại thay đổi… Trong khi đó công nghiệp văn hóa ra đời trong lòng văn minh công nghiệp, văn minh tri thức, phát triển cao độ trong xã hội tiêu dùng gắn với quá trình đô thị hóa, luôn sáng tạo và đổi mới.

Như vậy nhìn theo chiều sâu bản thể, việc phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta sẽ khó khăn hơn so với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa được giới thiệu lý thuyết ở nước ta từ cách đây hơn 20 năm, được đưa vào trong Nghị quyết của Đảng và Chiến lược phát triển ra đời gần 10 năm; không thể đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan là lĩnh vực mới để biện hộ cho việc triển khai chậm chạp.

Kết quả khảo sát hơn 100 người thuộc nhóm cán bộ quản lý, tham mưu, tư vấn liên quan đến công nghiệp văn hóa ở Trung ương lẫn địa phương, đã cho thấy sự thiếu chủ động học hỏi tăng cường hiểu biết, ngại đổi mới, né tránh trách nhiệm mới là căn nguyên thực sự.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)

Điều này giải thích vì sao hai thành phố lớn nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng là trung tâm công nghiệp văn hóa nhưng mãi gần đây Thành ủy Hà Nội mới ban hành Nghị quyết (2022), UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt Đề án (2023).

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)

Tình hình ở các địa phương khác còn đáng lo ngại hơn thể hiện trong các tham luận gửi đến Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Nội dung tham luận chưa hiểu đúng về bản chất công nghiệp văn hóa. Chẳng hạn có địa phương “khoe” thành tích các đoàn nghệ thuật tỉnh nhà giành được nhiều huy chương vàng cấp quốc gia. Đây là chỉ số không có giá trị trong phát triển công nghiệp văn hóa. Chỉ số liên quan đến công nghiệp văn hóa như là các đoàn nghệ thuật huy động nguồn lực xã hội hóa ra sao, ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị thì biểu diễn thu phí ra sao…, thì hoàn toàn không hề được nhắc đến. Một khi hiểu chưa đúng thì khó có thể thực thi hiệu quả!

Về phía công chúng - khách hàng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp văn hóa cũng có những hạn chế thâm căn cố đế. Công nghiệp văn hóa gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ nên nếu công chúng vẫn “vô tư” sử dụng tác phẩm vi phạm thì còn ai muốn đầu tư và sáng tạo nữa đây!

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)
Kết quả khảo sát 1.205 công chúng về tần suất sử dụng các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa.
Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)

Để công nghiệp văn hóa phát triển cần nâng tầm đổi mới tư duy, tiếp tục đề cao hơn nữa tính kinh tế, đề cao tính sáng tạo, vận hành theo cơ chế thị trường. Tại sự kiện lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão (tháng 2-2023), nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã phát biểu nhấn mạnh đến việc cần đặt toàn bộ sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam vào chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân lý giải: “Tác phẩm văn học nghệ thuật ngày nay cần xem là một loại hàng hóa đặc biệt, ở đó giá trị kinh tế phải song song với giá trị nghệ thuật. Chỉ khi đó, văn học nghệ thuật mới là động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển, đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế. Vị trí, vai trò của văn hóa mới được xã hội nhìn nhận đúng đắn, thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Lực cản chính là quan niệm lâu đời quá đề cao (thậm chí đôi khi còn độc tôn) các chức năng di dưỡng tinh thần, tải đạo, tuyên truyền, giáo dục chứ không phải giá trị hàng hóa của sản phẩm văn hóa. Rất nhiều người thường đánh đồng sản phẩm văn hóa “ăn khách” là rẻ tiền, nhảm nhí. Ngoài ra còn là tâm lý lo ngại một số văn nghệ sĩ bất mãn, cơ hội chính trị, phản động lợi dụng văn hóa văn nghệ để chống phá sự nghiệp cách mạng. Lo ngại trên là có lý, chính vì vậy, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Việc quản lý phải rõ ràng, nhất quán, tránh gây khó cho những người sáng tạo. Nhà nước cần phải đưa ra một số quy tắc rõ ràng về biểu đạt liên quan đến “vùng cấm” như: Xuyên tạc lịch sử, đả phá chế độ, bôi xấu người khác, vi phạm thuần phong mỹ tục… để người sáng tạo biết và không làm ảnh hưởng quyền lợi cộng đồng, không xâm phạm lợi ích của người khác. Ngoài một số quy tắc đó, giới sáng tạo được tự do sáng tác bởi muốn phát triển công nghiệp văn hóa phải tạo điều kiện tối đa cho mọi sáng tạo, mọi tiềm năng tài năng của con người được thể hiện”.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)

Kết quả khảo sát các cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, bao gồm người làm sáng tạo nội dung và kinh doanh.

Một khi đã xem các ngành công nghiệp văn hóa thiên về lĩnh vực kinh tế, yếu tố văn hóa chỉ “nguyên liệu” để khai thác; nhất thiết phải kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, mở rộng biên độ sáng tạo tối đa, khơi dòng để công nghiệp văn hóa có bước đột phá.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)

Bức tranh công nghiệp văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều những gam màu tươi sáng. Chỉ cần nhìn vào từng hộ gia đình ở khu vực đô thị hóa, có thể thấy vô vàn các sản phẩm công nghiệp văn hóa ngày càng hiện đại. Đây là điều mà cách đây hàng chục năm, nhiều gia đình có “điều kiện” nhất cũng không dám nghĩ đến.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)

Dưới cái nhìn theo chiều sâu, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, nhấn mạnh: “Sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ giới hạn ở trong các con số, tỷ lệ đóng góp cho GDP. Các ngành công nghiệp văn hóa còn là chỉ số hay là thước đo cho thấy trình độ phát triển của xã hội; trước hết là trong phạm vi hẹp là trình độ phát triển của nền kinh tế thông qua các loại hình dịch vụ văn hóa đang phổ biến. Đồng thời, nó cũng là một chỉ số biểu hiện cho sự phát triển của xã hội nói chung”.

Do nhận thức hạn hẹp cho rằng công nghiệp văn hóa thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần nên ngành này chưa được xem là một mũi nhọn trong tổng thể các ngành công nghiệp quốc gia. Cũng do đó, sự liên kết, hỗ trợ giữa bộ, ngành, địa phương, khối tư nhân cho lĩnh vực này còn thiếu chiều sâu, thiếu bền vững. Đây là nguy cơ mà nhiều chuyên gia cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030.

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: “Việt Nam đã định vị là một quốc gia tầm trung trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới với đóng góp 3,61% GDP và hơn 6% số lượng lao động. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận của các ngành công nghiệp văn hóa trong việc đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững, đồng thời cho thấy khả năng của các ngành công nghiệp văn hóa nước ta trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao, phát triển phồn vinh, hài hòa và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa mang tính bền vững”.

Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)

Nhìn thẳng - nói thật thì câu chuyện công nghiệp văn hóa chính là câu chuyện kiếm thật nhiều tiền thông qua sản phẩm văn hóa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ra thế giới. Làm cho đất nước giàu có hơn thì không có lý do gì lại không quyết liệt đổi mới mạnh mẽ, triệt để vượt qua những tín điều, quan niệm cũ kỹ, lạc hậu. Có như vậy mới tranh thủ thời gian từ nay đến năm 2045 để “hóa rồng” công nghiệp văn hóa, tạo ra “làn sóng Việt Nam” ra thế giới; qua đó thể hiện tài năng, khát vọng vươn lên của con người Việt Nam.

(còn nữa)

  • Phát triển công nghiệp văn hóa - Cơ hội vàng vươn tầm văn hóa Việt Nam (Bài 2)
  • Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND
  • Ảnh: Bộ VH-TT&DL, Quochoi.vn, Vietnam+, Báo QĐND
  • Kỹ thuật, đồ họa: TRUNG THÀNH

top