LONGFORM“Mở chốt hãm” năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động

“Mở chốt hãm” năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động

Năng suất lao động là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia. Do đó, các nước trên thế giới luôn tìm cách để thúc đẩy tăng năng suất lao động thông qua việc tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp mũi nhọn bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc, đầu tư, đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề cho nguồn lao động; hoặc chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn quốc gia.

Học hỏi những kinh nghiệm trong tăng năng suất lao động từ các quốc gia đã phát triển trước là việc cần thiết để Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động

Theo ước tính của Tổ chức Conference Board, trong giai đoạn trước đại dịch Covid-19, năng suất lao động của Việt Nam đạt tốc độ tăng khá cao, trung bình 6,23%/năm giai đoạn 2016-2019, cao hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực, chỉ thấp hơn của Trung Quốc (6,91%). Trong hai năm đại dịch, khi hầu hết các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề, năng suất lao động sụt giảm, song Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng năng suất lao động là 4,64%.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động

Báo cáo 2020 của Tổ chức năng suất Châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam năm 2018 chỉ tương đương với năng suất lao động của Nhật Bản năm 1960.

Đối với Nhật Bản, sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nền kinh tế nước này bị rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Tình trạng thiếu năng lượng, lạm phát và thất nghiệp gia tăng. Tuy vậy, Nhật Bản đã từng bước vực dậy nền kinh tế và khiến nó phát triển lớn mạnh hơn rất nhiều lần.

Có được sự phát triển thần kỳ như vậy, yếu tố đầu tiên được nhắc đến là con người. Nhật Bản đã chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực lành nghề, có đủ khả năng nắm bắt, sử dụng kỹ thuật và công nghệ mới để tăng năng suất lao động.

Giai đoạn từ 1960-1980, Nhật Bản được biết đến là nước có năng suất lao động cao hàng đầu thế giới và có quá trình cải thiện năng suất lao động hiệu quả. Đạt được thành tựu đó là do Nhật Bản đã sử dụng 3 công cụ là: Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện, bảo trì năng suất tổng thể và sản xuất tiết kiệm hay cải tiến liên tục.

Nhờ các biện pháp tăng năng suất lao động hiệu quả này cùng với chiến lược phát triển của Chính phủ, nền kinh tế Nhật Bản đã phát triển thần kỳ và trở thành một siêu cường kinh tế.

Một trong những cách Nhật Bản thúc đẩy năng suất lao động là giữ chân lao động lớn tuổi nhiều kinh nghiệm. Nhật Bản đang tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 tuổi vào năm 2025; đồng thời đưa ra các lựa chọn việc làm cho những người lao động đến tuổi nghỉ hưu, giữ chân lao động lớn tuổi và hỗ trợ lao động tạm thời bằng cách tạo môi trường lao động công bằng cho họ. Nhật Bản cũng giải quyết hạn chế về nguồn cung lao động bằng cách xem xét lại chính sách nhập cư và áp dụng các công nghệ thế hệ mới.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động
Nhiều người cao tuổi ở Nhật Bản tiếp tục làm việc khi đã qua tuổi hưu. Ảnh: The Japan Times

Ngoài ra, họ tiến hành cải cách hệ thống giáo dục nhằm phát triển tài năng và năng lực dài hạn. Tăng cường văn hóa khởi nghiệp như tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp, công ty thành lập mới, đặc biệt hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn, hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp, tạo ra một hệ sinh thái cho phép các doanh nghiệp đổi mới và phát triển.

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn thực hiện cải cách định hướng thị trường để tăng tính cạnh tranh như giảm sự can thiệp của Chính phủ vào một số lĩnh vực cụ thể, gỡ bỏ rào cản cho các công ty khởi nghiệp và giảm bảo trợ đối với các công ty hoạt động kém hiệu quả. Cải thiện năng suất trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và tái cấu trúc để tạo ra môi trường công nghiệp cạnh tranh và dễ thích ứng hơn.

Đặc biệt, đất nước mặt trời mọc còn cải cách phong cách làm việc và thay đổi phương thức làm việc, chuyển sang làm việc từ xa, làm việc tại nhà nhiều hơn và thay đổi cơ cấu tại nơi làm việc, tăng sử dụng lao động là phụ nữ và người nước ngoài...

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động
Hệ thống giáo dục vượt trội đã đóng một vai trò trung tâm trong nền kinh tế và thu hút rất nhiều người đến Singapore học tập.

Rất gần Việt Nam là Singapore, một quốc đảo không có tài nguyên, tuy nhiên họ đã xác định rất rõ sự phát triển kinh tế đất nước dựa chủ yếu vào các ngành dịch vụ. Đó là dịch vụ chất lượng cao về sức khỏe, dịch vụ logistics, phát triển công nghệ cao.

Để làm được điều đó, Singapore đã thu hút nhân lực chất lượng cao ở khắp nơi đến làm việc với một chế độ đãi ngộ rất tốt và chính sách nhập quốc tịch dễ dàng. Nhờ vậy, Singapore đã sở hữu một nguồn nhân lực tốt, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động
Dịch vụ chất lượng cao về sức khỏe là một trong những thế mạnh của Singapore.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động

Một quốc gia khác ở Đông Nam Á là Malaysia cũng là một ví dụ điển hình về tốc độ tăng năng suất lao động bền vững.

Theo số liệu thống kê cho thấy, năng suất lao động chung của Malaysia năm 2016 gấp 2,5 lần so với năm 1985. Giữa những năm 1990, Malaysia đã triển khai chương trình đổi mới và chuyển đổi nền kinh tế từ dựa trên đầu vào sang dựa trên tri thức.

Từ nền kinh tế ban đầu là nông nghiệp và dựa vào hàng hóa, Malaysia chuyển sang nền kinh tế có ngành chế biến chế tạo và dịch vụ phát triển mạnh mẽ, trở thành nước xuất khẩu hàng đầu về thiết bị điện tử và linh kiện. Năng suất lao động của Malaysia tăng trưởng dương liên tục từ năm 2010 đến năm 2019.

Kế hoạch năng suất quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Malaysia cũng chỉ ra 5 động lực tiềm năng có thể thúc đẩy tăng năng suất lao động, bao gồm: Nhân tài, công nghệ, các chính sách ưu đãi, môi trường kinh doanh và tư duy năng suất lao động hiệu quả.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động

Khởi đầu gian nan, rồi cũng thành công rực rỡ phải kể tới Hàn Quốc – một quốc gia có xuất phát điểm thấp vào những năm 1960: Khi đó, GDP của Hàn Quốc chỉ ngang bằng Việt Nam ở cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, thế nhưng sau đó, họ đã có những bước phát triển thần kỳ.

Đó là do Hàn Quốc đã áp dụng rất triệt để chính sách phát triển kinh tế dựa trên nền tảng là khoa học công nghệ kết hợp với giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - cụ thể là năng suất lao động.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn có sự hỗ trợ tối đa trong khuyến khích phát triển các doanh nghiệp. Ban đầu, Nhà nước lựa chọn tham gia đầu tư vào một số doanh nghiệp để họ phát triển, nâng cao tiềm lực thông qua đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là những lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao… Từ đó giúp nâng dần quy mô của doanh nghiệp lên thành những tập đoàn kinh tế. Khi những tập đoàn này đã đủ lớn mạnh thì họ phát triển thêm những doanh nghiệp phụ trợ đi kèm.

Kết quả là, Hàn Quốc đã phát triển và hình thành hàng loạt các doanh nghiệp quy mô toàn cầu. Chính những tập đoàn đó đã góp phần kéo năng suất lao động và "thúc" tăng trưởng kinh tế cho xứ sở kim chi.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động
Nhà máy sản xuất xe thứ 2 của Hyundai tại Ninh Bình. Ảnh: Thắng Nguyễn

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động

Thái Lan lại có một cách làm khác để tăng năng suất lao động. Theo đó, để có thể được xếp vào nhóm các quốc gia có thu nhập cao ở khu vực và châu lục, Thái Lan đã tập trung thực hiện chiến lược tăng trưởng dựa vào năng suất.

Sáng kiến Thái Lan 4.0 được Chính phủ công bố vào tháng 5-2016 với mục tiêu là nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước tiên tiến và đang phát triển khác, tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao, tạo ra nhiều nghề nghiệp có chất lượng cao hơn.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động
Ruộng bậc thang ở vùng đông bắc Thái Lan.

Cụ thể, Thái Lan đã nâng cao năng lực cạnh tranh trong bốn ngành và lĩnh vực chính: Một là, trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi canh tác truyền thống thành canh tác thông minh. Hai là, doanh nghiệp sản xuất truyền thống được chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ và sản xuất thông minh. Ba là, chuyển đổi ngành dịch vụ, tập trung vào các dịch vụ giá trị cao. Bốn là, lao động sẽ được chuyển đổi thành lao động có kỹ năng.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động
Nhờ triển khai thực hiện sáng kiến Thái Lan 4.0, năng suất lao động của Thái Lan đã cải thiện tích cực.

Các biện pháp để thực hiện sáng kiến Thái Lan 4.0 góp phần nâng cao năng suất lao động, gồm: Một là, tập trung vào công nghệ, đổi mới và sáng tạo. Hai là, phát triển nguồn nhân lực bằng cách nâng cao hiệu suất giáo dục và tăng cường giáo dục, đào tạo kỹ thuật, dạy nghề, cũng như khuyến khích học tập và đào tạo suốt đời. Ba là, cải thiện khung chính sách để khuyến khích sự gia nhập của các doanh nhân đổi mới và các doanh nghiệp quy mô vừa. Bốn là, tăng cường hội nhập khu vực bằng cách giảm các rào cản để các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh; thúc đẩy đổi mới bằng cách tăng cường hợp tác giữa chính phủ, khu vực kinh doanh và giới học thuật. Năm là, phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Kết quả, nhờ triển khai thực hiện sáng kiến Thái Lan 4.0, năng suất lao động của Thái Lan đã cải thiện tích cực. Tốc độ tăng năng suất lao động nói chung và tốc độ tăng năng suất lao động của các ngành mà Chương trình Thái Lan 4.0 hướng tới đã có những thay đổi tích cực.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động

Có thể nói, năng suất lao động đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Thúc đẩy tăng năng suất lao động được các quốc gia ưu tiên thực hiện. Lựa chọn giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động thế nào cho phù hợp với điều kiện riêng biệt của từng quốc gia và nguồn lực hiện có luôn là bài toán cần nhiều lời giải khác nhau.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia không phải là những quốc gia duy trì tốt tốc độ tăng năng suất lao động trong suốt thời gian dài, các quốc gia này cũng có những giai đoạn thăng trầm về năng suất lao động. Tuy nhiên, kinh nghiệm tăng năng suất của các quốc gia này và sự đầu tư nhiều vào khoa học công nghệ để xây dựng, thực hiện kế hoạch tổng thể năng suất lao động quốc gia theo hướng phù hợp với thay đổi của môi trường quốc tế là bài học tốt cho nhiều quốc gia. Từ kinh nghiệm của các quốc gia trong tăng năng suất lao động và từ thực tiễn năng suất lao động tại Việt Nam, chúng ta có thể vận dụng linh hoạt để nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động

Trên cơ sở kinh nghiệm tăng năng suất lao động của một số quốc gia nói trên, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm về tăng năng suất lao động đối với Việt Nam, trong đó cần nhận thức sâu sắc rằng, nền tảng của một chiến lược phát triển tập trung vào năng suất lao động là sự thống nhất giữa Chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, người lao động, các cơ quan truyền thông về những nguyên tắc của chiến lược đó. Khi đã đạt được đồng thuận, cần có sự cam kết mạnh mẽ và giám sát hiệu quả để thúc đẩy những nỗ lực của các cá thể trên phạm vi cả nước nhằm cải thiện năng suất lao động.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động

(Còn tiếp...)

  • Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 3: Muốn thịnh vượng phải tăng năng suất lao động
  • Nội dung: THU THỦY - NGUYỄN VY - NGUYỄN THẢO - TRẦN YẾN
  • Ảnh: straitstimes; sgh.com.sg; thesmartlocal.com; fortune.com; japantimes.co.jp; laodong.vn; TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top