LONGFORM“Mở chốt hãm” năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?

“Mở chốt hãm” năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?

Dù Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định trong quá trình cải thiện năng suất lao động nhưng khoảng cách tuyệt đối về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á còn lớn. Tại sao và bao giờ thì năng suất lao động ở Việt Nam sẽ tăng lên là câu hỏi trong nhiều năm chưa có lời giải. Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu về nguyên nhân của việc này thông qua những lý giải xác đáng của những “người trong cuộc”.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?

Chị Nguyễn Thu Giang (sinh năm 1989), công nhân Công ty TNHH Tae Kyung Vina (Tứ Kỳ, Hải Dương) kể: Hiện nay chị đang làm việc 8 tiếng/ngày với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, tháng nào tăng ca thì thu nhập "nhỉnh" hơn, quanh mức 7 - 8 triệu đồng.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thu Giang cũng như nhiều công nhân khác, mức lương 8 tiếng/ngày như vậy không đủ để trang trải cuộc sống, chăm lo con cái ăn học cùng nhiều chi phí sinh hoạt khác, nhất là trong điều kiện thắt chặt chi tiêu như hiện nay.

Chị Giang biết rằng, khi muốn nâng cao thu nhập thì bắt buộc phải tăng ca hoặc phải nâng cao tay nghề. Thế nhưng, khi giờ làm thêm liên tục tăng, lương lại chỉ đủ chi tiêu thì việc đi học thêm để nâng cao trình độ, tay nghề lại vẫn là ước mơ xa vời. Với nhiều công nhân thuê trọ xa nhà thì càng thêm nặng gánh...

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?
Sản xuất trang cụ tại Xí nghiệp Liên hợp Z751 (Tổng cục Kỹ thuật).

Còn ở phía khu vực hành chính nhà nước, nhiều công chức, viên chức cho rằng, với mức lương "bèo bọt", hệ số lương cơ bản chỉ 1,49 triệu đồng/tháng thật khó đòi hỏi họ có ý thức cao cũng như tinh thần sáng tạo, trách nhiệm với công việc... Điều này đã ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động. Chưa kể, lương thấp nên còn dễ phát sinh gian lận, tham nhũng, tiêu cực và không thể bảo đảm được kỷ cương, kỷ luật cũng như thái độ, ý thức làm việc...

Khảo sát tại Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), được biết, nguyên nhân khiến năng suất lao động trong lĩnh vực xây dựng thấp là do trình độ phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ còn thấp; việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chưa đổi mới kịp thời.

Đặc biệt, chính sách tiền lương bất cập, thu nhập người lao động chưa phù hợp. Nhân công lao động trong lĩnh vực xây dựng có nhiều công nhân thời vụ, thời gian làm việc không ổn định, tinh thần kỷ luật trong lao động không cao; nhiều lao động cũng chưa có ý thức chấp hành an toàn lao động, dẫn tới những rủi ro trong hoạt động thi công...

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cho mức tăng năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đó là do quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ, xuất phát điểm thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, từ các ngành sử dụng nhiều lao động, có năng suất lao động thấp sang các ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng, có năng suất lao động cao hơn còn chậm.

Không những thế, lao động trong nông nghiệp và lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng cao, trong khi lực lượng lao động này lại có trình độ chuyên môn kỹ thuật tương đối thấp.

Mặt khác, máy móc thiết bị, quy trình công nghệ dùng trong sản xuất lạc hậu. Khu vực doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô không hợp lý để đạt năng suất lao động cao hơn.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?

Lao động trong nông nghiệp và lao động phi chính thức của nước ta chiếm tỷ trọng cao, trong khi lực lượng lao động này lại có trình độ chuyên môn kỹ thuật tương đối thấp. Trong ảnh: Nông dân làng nghề dệt chiếu cói thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vào mùa.

Cùng với đó, trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập. Đặc biệt, các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, cải cách hành chính cũng ảnh hưởng đến tăng năng suất lao động của nền kinh tế nước ta....

"Thực trạng chất lượng lao động hiện nay của nền kinh tế nước ta chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, thị trường lao động Việt Nam có một số hạn chế đáng lo ngại", TS Nguyễn Bích Lâm nhận định.

Cụ thể, cả bên cung và bên cầu chưa đáp ứng được một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập; cơ cấu lao động theo 3 khu vực kinh tế chưa hợp lý, lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tới 27,5% tổng số; số lượng lao động tăng nhanh nhưng ở khu vực phi chính thức; tính bấp bênh và dễ bị tổn thương đến việc làm và thu nhập của người lao động khá cao; lao động thời vụ phát triển, hạn chế về đào tạo kỹ năng....

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?Lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nước ta chiếm tới 27,5% tổng số lao động.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Đình Quảng, Ủy viên Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), người có nhiều năm theo dõi “sát sườn” người lao động cũng cho rằng, nguyên nhân khiến năng suất lao động ở nước ta còn thấp là do kết cấu lao động khu vực nông, lâm nghiệp của nước ta rất lớn; lao động trong khu vực phi chính thức cũng chiếm tỉ lệ khá cao. Do đó, khi lấy tổng sản phẩm nội địa (GDP) chia cho tổng số lao động sẽ cho ra một năng suất lao động thấp.

“Những nước có cơ cấu nền kinh tế với lao động công nghiệp, dịch vụ chiếm phần lớn thì thường là những nước có năng suất lao động xã hội cao. Theo đó, cơ cấu công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong nền kinh tế của các nước này chiếm tỷ trọng lớn hơn khu vực nông lâm thủy sản - tức là gia tăng những ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao”, ông Lê Đình Quảng dẫn chứng từ thời gian ông có dịp đến tìm hiểu, nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới và cho rằng, Việt Nam mới đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng này và đang có những chuyển biến bước đầu.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?

Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cũng nhắc đến nguyên nhân từ cách tổ chức quản lý khoa học, cách thức quản trị lao động, tổ chức sản xuất của người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp.

Theo ông Lê Đình Quảng, nếu người lao động Việt Nam có được người lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức, quản lý giỏi thì năng suất lao động người Việt chắc chắn cũng sẽ được nâng lên.

"Cùng một doanh nghiệp, cùng một công nghệ, cùng dây chuyền sản xuất, cùng là công nhân đó nhưng nếu người sử dụng lao động nào quan tâm hơn đến quản trị lao động, quản trị doanh nghiệp tốt hơn thì chắc chắn sẽ cho năng suất lao động cao hơn", ông Lê Đình Quảng cho rằng thực tế một số nước có công nghệ tiên tiến đã chứng minh điều này.

Mặt khác, ông Lê Đình Quảng cũng nhận định, nếu người đứng đầu quan tâm đến người lao động, coi người lao động là giá trị lớn của doanh nghiệp thì chắc chắn doanh nghiệp đó bao giờ cũng có sản xuất ổn định, quan hệ lao động ổn định, giữ chân được người tài và năng suất lao động cũng sẽ cao hơn những doanh nghiệp chỉ biết tận dụng sức của người lao động.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?
Tăng cường kỹ năng, năng lực, ý thức, kỷ luật của người lao động... cũng sẽ giúp tăng năng suất lao động. Trong ảnh: Ảnh 1: Hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất lốp ô tô, Công ty TNHH Sailun Việt Nam (tỉnh Tây Ninh). Ảnh 2: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam. Ảnh 3: Hoạt động sản xuất tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh 4: Công ty TNHH HAVINA Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) là DN có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc sản xuất mặt hàng may mặc xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ông Lê Đình Quảng cũng nhắc đến việc tăng cường kỹ năng, năng lực, ý thức, kỷ luật của người lao động... cũng sẽ giúp tăng năng suất lao động.

“Một người lao động thủ công thì làm sao bằng máy móc được? Và người lao động có kỹ năng tốt thì chắc chắn là năng suất lao động sẽ cao”, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh và cho rằng, chất lượng lao động là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định tăng trưởng năng suất lao động; vị thế việc làm của người lao động có tác động khá lớn đến năng suất lao động, nhất là những vị trí việc làm đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và nhiều chất xám, góp phần lớn vào tăng năng suất lao động.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?

Những người nông dân làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp tất bật chăm sóc, dưỡng hoa mỗi dịp cận Tết.

Chung mối quan tâm, nhấn mạnh "năng suất lao động thấp so với đầu tư là sự lãng phí không nhỏ" song ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lại nêu thực tế rằng, năng suất lao động của nước ta hiện chưa cao trong khi trình độ lao động, tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngày càng tăng.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan do cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão hiện nay còn có nguyên nhân chủ quan là do quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa tính đến phát triển nguồn nhân lực.

Mặt khác còn có nguyên nhân là do tốc độ đô thị hóa nhanh hơn khả năng chuyển dịch của nguồn cung lao động, sự chênh lệch giữa ngành nghề đào tạo và nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt, các ngành chế biến, chế tạo công nghệ cao, thương mại điện tử, logistics là những ngành thu hút đầu tư nước ngoài FDI lớn, tạo giá trị gia tăng cao song tỷ lệ lao động qua đào tạo của nước ta đến nay mới chỉ đạt 26% và năng suất lao động lại thấp hơn nhiều ngành có giá trị gia tăng thấp như khai khoáng, điện, nước, bất động sản...

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?

Nhìn trên một khía cạnh khác, báo cáo của Tổng cục Thống kê đưa ra đánh giá rằng, lao động ở nước ta còn nhiều tồn tại làm cho năng suất lao động chưa xứng với tiềm năng lực lượng lao động, trong đó có thể kể đến sự yếu kém dai dẳng của lao động phổ thông.

"Sau nhiều năm công nghiệp hóa nhanh chóng, chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều ngoài sức trẻ, sự khéo léo và cần cù. Số lượng các nhà khoa học, nhà quản lý, kỹ sư và kỹ thuật viên với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm để có thể cạnh tranh hiệu quả với khu vực và thế giới còn thiếu. Số người làm việc tại các vị trí việc làm giản đơn, không yêu cầu nhiều về trình độ chuyên môn kỹ thuật tuy có giảm nhưng không đáng kể và vẫn duy trì ở tỷ lệ khá cao. Trong khi đó, đào tạo nghề ở tỷ lệ còn khá thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động", Tổng cục Thống kê nhận định.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?
Sau nhiều năm công nghiệp hóa nhanh chóng, chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều ngoài sức trẻ, sự khéo léo và cần cù. Ảnh minh họa: Ảnh 1: Mô hình chuyển đổi trồng sen trên đất lúa kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm ở huyện Tây Hòa được nhân rộng ở tỉnh Phú Yên. Ảnh 2: người dân phường Bàng La (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) trồng táo cho năng suất cao. Ảnh 3: Nông dân Hậu Giang chăm sóc vườn bưởi của gia đình. Ảnh 4: Thu hoạch lúa tại An Giang.

Nhắc đến nguyên nhân chính của tình trạng năng suất lao động của nước ta chưa “bằng chị, bằng em”, đại biểu Quốc hội, TS Phạm Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân là do chất lượng nhân lực của nước ta còn hạn chế, trình độ khoa học công nghệ còn thấp.

“Qua thống kê cho thấy tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam mới chỉ đạt hơn 26% và có sự chênh lệch tương đối lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa lao động nam và lao động nữ”, TS Phạm Trọng Nghĩa nói.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?
Ảnh trên: Xuất khẩu thép qua cảng Hòa Phát Dung Quất, Quảng Ngãi. Hai ảnh dưới: Hoạt động tại cảng Tân Cảng Cái Mép - Thị vải.

TS Phạm Trọng Nghĩa cho biết thêm, chất lượng lao động cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng, tỷ lệ lao động động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (36,96%), tiếp đến là vùng vùng Đông Nam Bộ (28,34%), vùng Trung du và miền núi phía Bắc (25,99%), vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (25,75%); thấp nhất là 2 vùng Tây Nguyên (16,51%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (14,61%).

“Mặt khác, mặc dù khoa học công nghệ được quan tâm và việc sử dụng khoa học công nghệ tăng, nhưng vẫn là tăng ở công nghệ phụ trợ là chủ yếu chứ chưa phải là tăng ở lõi. Máy móc, thiết bị công nghệ cao (công nghệ lõi) nhưng chỉ là công nghệ ở dạng bìa rìa ngoài, thô sơ như lắp ráp, yêu cầu kỹ năng thấp, phù hợp với số đông ở Việt Nam...”, TS Phạm Trọng Nghĩa chỉ rõ.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?

Chung quan điểm này, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhắc đến nguyên nhân năng suất lao động của nước ta thấp là do tay nghề lao động có kỹ năng số, trình độ công nghệ thông tin của lao động nước ta chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề chỉ chiếm 11%. Tỷ lệ lao động giản đơn, trình độ thấp chiếm tới 38%, chỉ có 35% nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp....

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?

Ở góc độ liên quan, GS, TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội thì nhấn mạnh, năng suất lao động ở nước ta thấp là do phần giá trị mới tạo ra trong lao động không cao. Đặc biệt, chúng ta đang nằm ở khu vực sản xuất gia công là chính.

"Một công nhân ngành may mặc, làm việc quần quật từ sáng đến tối; may xong một cái áo, bán được 100 đồng thì phần trả công người lao động chỉ là 10 đồng, còn 90 đồng là khâu của người khác", GS, TS Hoàng Văn Cường dẫn chứng.

Do đó, theo GS, TS Hoàng Văn Cường, tăng năng suất lao động là phải thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tức là phải chuyển từ khâu sản xuất giá trị thấp sang khâu sản xuất giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, việc thay đổi này lớn nên tăng năng suất lao động không thể đòi hỏi trong ngày một, ngày hai được, mà phụ thuộc vào việc thay đổi, tái cấu trúc nền kinh tế theo một quá trình nhất định.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?

Rõ ràng, năng suất lao động là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Do đó, trong bối cảnh tự do hóa thương mại và Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển, một trong những điểm nhấn căn bản để thúc đẩy tăng trưởng, chính là cải thiện năng suất lao động thông qua một loạt các giải pháp về thể chế, chính sách; giải pháp chung cho nền kinh tế và giải pháp cho khối doanh nghiệp, từ đó tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng sức mạnh cho nền kinh tế.

Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?
Trong bối cảnh tự do hóa thương mại và Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển, một trong những điểm nhấn căn bản để thúc đẩy tăng trưởng chính là cải thiện năng suất lao động, từ đó tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng sức mạnh cho nền kinh tế.
Ảnh: landmark81skyview.com, Vnexpress

  • Mở chốt hãm năng suất lao động - Bài 2: Vì đâu năng suất chưa cao?
  • Nội dung: THU THỦY - NGUYỄN VY - NGUYỄN THẢO - TRẦN YẾN
  • Ảnh: Báo Quân đội nhân dân, Văn phòng Quốc hội
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top