Gần dân, trọng dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng – Kinh nghiệm từ Đảng bộ Thành phố Hà Nội
Chủ trương tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân của Thành ủy Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, đồng tình, ủng hộ rất cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân Thủ đô. Dư luận cũng nêu lên nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, phát huy kết quả đạt được, tiếp tục đưa công tác này trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp tại Đảng bộ Thành phố.
Nhằm tạo môi trường dân chủ giữa chính quyền với người dân, tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng đảng, chính quyền các cấp, Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch cụ thể, quy định rõ về nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm, nội dung, quy trình, thủ tục trong tiếp nhận, xử lý, theo dõi, tổng hợp, báo cáo công tác xử lý đơn thư, tiếp công dân... Trong đó xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền Thành phố, địa phương và đơn vị.
Với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) của Đảng bộ Thành phố nhấn mạnh: Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn liền với kỷ cương, gắn bó mật thiết, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Chương trình số 01 về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025" của Thành ủy cũng đề ra mục tiêu: Đổi mới cơ chế hoạt động, phối hợp của các cơ quan Đảng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố với đổi mới phương thức, lề lối làm việc của các cấp ủy theo hướng gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; dựa vào dân để giám sát, kiểm tra hoạt động của cán bộ, đảng viên, trên cơ sở đó củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội: Tăng cường đối thoại, tiếp thu góp ý, tích cực xử lý các ý kiến góp ý chính đáng của nhân dân là giải pháp căn cơ, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của địa phương, ủng hộ và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhất là đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân khi triển khai những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.
Một số văn bản tiêu biểu của Thành ủy Hà Nội: Kế hoạch số 123-KH/TU, ngày 25-6-2014 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 16-12-2016 “về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố”; Kế hoạch số 05-KH/BCĐ ngày 13-3-2017 “về kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị; Chỉ thị 15 ngày 16-12-2016 của Thành ủy và thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố Hà Nội”; Quyết định 1232-QĐ/TU, ngày 19-1-2018 ban hành Quy định về “Quy trình tiếp công dân, đảng viên và xử lý đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo”…
Thời gian qua, công tác tiếp xúc, đối thoại, giải quyết khiểu nại, tố cáo trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, Tuy nhiên, do đây là công việc khó, phức tạp, nên khi triển khai thực hiện vẫn còn những hạn chế, bất cập. Thành ủy Hà Nội đã tổng kết, đó là sự lúng túng trong công tác chuẩn bị, điều hành, tổ chức, bố trí thời gian thực hiện các nội dung trong hội nghị đối thoại, giám sát kết luận; còn tâm lý né tránh, ngại va chạm đối với các nội dung phức tạp...
Còn theo Ban Nội chính Thành ủy, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt công tác tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo; người đứng đầu chính quyền ở một số địa phương chưa chú trọng thực hiện đối thoại với công dân. Ở một số nơi, chất lượng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; chưa chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo rộng rãi trong quần chúng nhân dân; vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết, chưa giải quyết dứt điểm ở cơ sở...
Chia sẻ về kết quả khảo sát việc thực hiện tiếp xúc, đối thoại với người dân tại 7 quận, huyện trên địa bàn Thành phố, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trịnh Huy Thành cho biết, một số hội nghị đối thoại còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và thời gian giải quyết; hiệu quả của việc giám sát kết luận sau các cuộc tiếp xúc, đối thoại chưa cao. Đáng chú ý, tại một số địa phương, việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo kết quả các hội nghị tiếp xúc, đối thoại cấp trên để nắm tình hình chưa kịp thời dẫn đến chậm giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân…
Nguyên nhân khách quan của tình trạng này là hệ thống, chính sách pháp luật còn chồng chéo, chưa thực sự hoàn thiện, chưa có các chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm đối với các đối tượng cố ý không thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý về tố cáo. Việc xử lý đoàn đông người khiếu kiện vẫn mang tính chất tạm thời, trên cơ sở quy định cũ (do chưa có nghị định, thông tư mới hướng dẫn về việc này), nhiều quy định không còn tính khả thi dẫn đến xử lý trong thực tế còn nhiều lúng túng, bị động... Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan do hạn chế trong nhận thức, bất cập về số lượng, chất lượng cán bộ trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15 và 6 năm thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Thành phố Nguyễn Văn Phong yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tăng cường tính dự báo về các vấn đề phức tạp xảy ra trên địa bàn để có cách tiếp cận và giải quyết phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp giữa các đơn vị quận, huyện với các sở, ban, ngành của Thành phố để giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Khi có các vụ việc phức tạp xảy ra tại cơ sở, cần chú trọng công tác truyền thông để định hướng dư luận; quan tâm dự báo được các vấn đề lớn tác động đến người dân; đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt những nơi có thể phát sinh điểm nóng để người dân hiểu và chấp hành; củng cố năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Theo Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy Trần Văn Khảm, Thành phố cần triển khai liên tục, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã được Thành ủy xác định. Trong đó, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện nghiêm quy định về tiếp xúc đối thoại với người dân. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường đối thoại với người dân ngày từ khi phát sinh vụ việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo những vấn đề người dân còn thắc mắc, đồng thời chỉ đạo, giải quyết kịp thời những nội dung còn vướng mắc; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tiếp công dân, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin để nâng cao chất lượng, tiến độ điều hành, xử lý nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố táo của công dân.
Phương hướng giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25-5-2017 của Thành ủy Hà Nội:
(1) Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và nhân dân về thực hiện việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân.
(2) Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền thong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân tham gia tiếp xúc đối thoại.
(3) Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò vận động, thtam gia tiếp xúc, đối thoại đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Cần có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của cấp ủy đảng, sự điều hành trực tiếp của các cấp chính quyền Thành phố, sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể. Chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, nơi phát sinh vụ việc; coi trọng công tác dân vận, công tác hòa giải ở cơ sở; giải quyết vụ việc dứt điểm, có quyết định xử lý, trả lời, giải thích cho công dân rõ ràng; phục hồi quyền lợi cho công dân kịp thời. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trước pháp luật…
(Sơ kết 6 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”)
Một trong những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được Thành ủy Hà Nội chỉ ra là phải đảm bảo sự vào cuộc chủ động, mang tính nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát, phản biện và nắm bắt dư luận xã hội của các tổ chức này.
Thực tế thời gian qua, người dân ở một số địa phương còn tâm lý ngại đóng góp ý kiến đối với các tổ chức đảng và chính quyền. Để khắc phục tình trạng này, GS,TS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, trước hết cần nâng cao nhận thức về vai trò của nhân dân nói chung và các tổ chức chính trị-xã hội nói riêng trong xây dựng Đảng, chính quyền. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tranh thủ được những ý kiến có chất lượng, tránh được việc làm hình thức, cần nắm vững và phát huy đầy đủ quyền hạn, chức năng giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức này theo đúng quy định. Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm phải được tiến hành từ cả hai phía là đối tượng chịu giám sát cũng như chủ thể thực hiện quyền giám sát, phản biện.
Theo GS,TS Trần Ngọc Đường, chức năng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc có ý nghĩa quan trọng, giúp kiểm soát trước đối với mọi văn bản của các tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước trước khi được ban hành, tránh được sai sót do chủ quan, duy ý chí trong quá trình xây dựng văn bản. Mặt khác, trong điều kiện một đảng lãnh đạo như ở nước ta, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc là kênh quan trọng, hiệu quả để kiểm soát quyền lực từ bên ngoài, góp phần đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong các tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trong quá trình thực hiện chức năng phản biện của mình cần quyết liệt yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải làm cho đúng, cung cấp đầy đủ thông tin để làm cơ sở phản biện, tránh nể nang, xuê xoa dẫn đến chất lượng phản biện chưa cao, chỉ dừng lại ở việc góp ý đơn thuần. Điều quan trọng nữa là Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội phải đồng hành và thực sự là chỗ dựa để nhân dân góp ý đấu tranh, phê bình.
GS,TS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Cũng theo GS,TS Trần Ngọc Đường, để người dân mạnh dạn đóng góp cho các cấp ủy, chính quyền thì công tác tiếp xúc, đối thoại cần thực chất hơn, tránh qua loa, hình thức, làm cho đủ chỉ tiêu, mà trước hết phải tạo lập được bầu không khí thực sự dân chủ, cởi mở. Mặt khác, cơ quan nhà nước phải thực sự cầu thị khi tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tiếp công dân, không được né tránh, đùn đẩy cho cấp phó. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm, dám đương đầu với những vấn đề nóng, phức tạp, nhất là không được biến buổi đối thoại thành diễn đàn để thanh minh, giải thích về mình. Một buổi tiếp xúc, đối thoại đạt hiệu quả thực chất sẽ làm cho các quyết định của cơ quan nhà nước đi vào cuộc sống, gần dân hơn, phù hợp ý chí và nguyện vọng của nhân dân, kịp thời khắc phục được những thiếu sót, tồn tại.
Không nên nhầm lẫn giữa đối thoại với hoạt động tiếp xúc cử tri. Theo GS,TS Trần Ngọc Đường, tiếp xúc cử tri là dịp để đại biểu dân cử thông báo đến người dân về kết quả của kỳ họp, đồng thời tiếp nhận ý kiến phản ánh của cử tri về những vấn đề ở tầm vĩ mô, những việc lớn của đất nước và địa phương nhiều hơn là những vấn đề bức xúc cá nhân hay vụ việc cụ thể. Còn việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân là để nghe dân nói về tình hình, giải quyết những vấn đề vướng mắc xảy ra hằng ngày của người dân ở địa phương, có những việc phải giải quyết ngay tại chỗ, kịp thời giải thích mọi thắc mắc để người dân yên tâm.
Chia sẻ quan điểm này, chị Đào Thanh Hương, Tổ 4, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho rằng, việc lựa chọn vấn đề sao cho đúng, trúng, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng sẽ quyết định rất lớn đến hiệu quả thực chất của đối thoại. Để làm được điều này, cán bộ các cấp, nhất là ở cấp cơ sở cần sâu sát, chủ động đến với nhân dân nhiều hơn. Theo chị Nguyễn Thị Thái, công dân phường Việt Hưng, quận Long Biên, nhờ các hoạt động đối thoại của các cấp chính quyền phường, quận, thành phố, mọi thắc mắc của người dân đều được ghi nhận và giải quyết theo đúng phân cấp. Điều này làm tăng niềm tin của nhân dân vào cán bộ, chính quyền. Sự sâu sát của cán bộ, đảng viên từ cấp cơ sở sẽ giúp người dân có cơ hội thể hiện tâm tư, đề đạt nguyện vọng của mình.
Yêu cầu gần dân, lắng nghe dân và chất lượng đội ngũ cán bộ cũng được PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chỉ ra: Để hoạt động đối thoại với nhân dân có hiệu quả, điều quan trọng là người cán bộ, đảng viên phải thực sự gần dân, lắng nghe nhân dân để sửa đổi lối làm việc cho phù hợp, tránh bệnh hình thức. Đặc điểm của Thủ đô có đối tượng quần chúng phong phú và đa dạng, trong tiếp xúc, đối thoại, người lãnh đạo cần vận dụng linh hoạt với từng đối tượng để tận dụng tối đa nguồn lực phát triển. Quan tâm toàn diện đến các tầng lớp, nhưng 3 thành phần là công nhân, nông dân và trí thức cần được chú ý, ưu tiên.
Cần phải có đội ngũ cán bộ giỏi. Nếu cán bộ năng lực hạn chế, hoạt động đối thoại sẽ chỉ dừng ở mức hình thức, kém hiệu quả. Đây là yếu tố rất quan trọng để củng cố quan hệ giữa đảng, chính quyền với nhân dân. Chỉ khi đối thoại với nhân dân hiệu quả thì công tác xây dựng Đảng và hiệu quả hoạt động của chính quyền mới tốt được. Đi liền với đó là việc chăm lo tốt đời sống nhân dân và thực hiện tốt nguyên tắc “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cán bộ, đảng viên tốt, bộ máy chính quyền hiệu quả thì sẽ lấy được niềm tin của nhân dân.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
Ngoài những giải pháp nêu trên, cần có quy định cụ thể hơn về những hành vi bị cấm khi tham gia hội nghị tiếp xúc, đối thoại. Bởi thực tế thời gian qua vẫn có hiện tượng người dân tự ý tụ tập lôi kéo đông người, cố tình vi phạm nội quy tiếp công dân; lợi dụng quyền khiếu nại tố cáo để cố tình gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền tại trụ sở tiếp công dân, tố cáo sai sự thật, gây rối an ninh trật tự, xúc phạm cán bộ, công chức; lợi dụng sự dân chủ trong diễn đàn tiếp xúc, đối thoại để kích động tạo áp lực đối với cơ quan nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và Thành phố…. Đối với những trường hợp như vậy cần tiến hành làm rõ, áp dụng chế tài xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Để công tác tiếp xúc, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo đi vào nền nếp, hiệu quả, thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
- Nội dung: NHÓM PV BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ
- Ảnh: Báo QĐND, Tư liệu, CTV, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC