LONGFORMVăn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa

LTS: Mảnh đất Thăng Long - Hà Nội mang trong mình tính quy tụ tự nhiên về cả địa lý, chính trị kinh tế và văn hóa con người. Sự hội tụ của các dòng cư dân về mảnh đất này diễn ra cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc đã làm cho mảnh đất Kinh kỳ mang một màu sắc và nét đặc trưng riêng.

Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, Thủ đô Hà Nội luôn phát huy vai trò là trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất cho đất nước. Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện loạt bài viết về vấn đề phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại".

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa

Với bề dày lịch sử hơn 1.000 năm của mảnh đất Thăng Long- Hà Nội và nền văn hóa Kẻ Chợ xuyên suốt từ đời này sang đời khác thì tự thân nơi đây đã chứa đựng nét đặc sắc riêng biệt. Những người Hà Nội sẽ quyết tâm giữ gìn, phát triển và truyền lại những giá trị tốt đẹp của văn hiến Thăng Long không phải chỉ cho các thế hệ tương lai của Thủ đô mà còn cho cả đất nước.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa

“Chiếu dời đô” là văn bản do vua Lý Thái Tổ ban hành vào mùa Xuân năm 1010 để chuyển kinh đô nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (Hà Nội) ngày nay.

Trong “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ, một trong những lý do quan trọng nhất được nhà vua đưa ra là “muốn đóng đô ở nơi trung tâm mưu đồ nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”. Vị vua này đã nhận xét hết sức chính xác về vị trí quan trọng của vùng đất Thăng Long-Hà Nội rằng: “Ở vào nơi trung tâm trời đất, có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, đúng với vị trí giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, thuận theo chiều hướng núi sông quay vào, ngoảnh ra, đất rộng và bằng, cao và thoáng… Xem khắp đất Việt, chỉ có đây là nơi thắng địa. Thật là nơi hội tụ quan trọng của bốn phương, nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Chính việc dời đô của Lý Thái Tổ đã mở đầu cho một thời kỳ ổn định về chính trị, củng cố và phát triển kinh tế - xã hội, là sự mở đầu cho việc xây dựng nền móng cho văn hiến của dân tộc ta và đặc biệt là văn hiến Thăng Long. Lịch sử đã trao cho mảnh đất Thăng Long-Hà Nội sứ mệnh làm trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của cả nước. Đó là vinh dự của mảnh đất và con người Thủ đô.

Dời đô ra Thăng Long, với đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chỉ trong thời gian rất ngắn – từ mùa thu năm 1010 cho đến đầu năm 1011 – một số công trình cung điện cơ bản nhất của Hoàng thành Thăng Long đã được xây dựng xong.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa

Thời kỳ này, Hoàng thành Thăng Long đã được thiết kế thành hai phần tương đối rõ nét: Hoàng thành là nơi ở của nhà vua và hoàng gia, cũng là nơi nhà vua thiết triều. Toàn bộ triều đình – cơ quan đầu não của nhà nước phong kiến – đều tập trung làm việc ở nơi này. La Thành là vòng thành rộng hơn, bao quanh Hoàng thành. Khoảng đất giữa hai vòng tường thành – Hoàng thành và La Thành – là nơi ở của các tầng lớp nhân dân và quan lại, đây được gọi là khu Kinh thành.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa
Hoàng thành Thăng Long xưa.

Theo, GS, TS Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên: Chính từ đặc điểm mang tính chất trung tâm và tụ hội của Thăng Long-Hà Nội mà chúng ta có thể thấy, dường như trong lịch sử phát triển của dân tộc, tất cả những thánh hiền, anh hùng, nghệ sĩ, danh nhân nổi tiếng của dân tộc đều ít nhiều có quan hệ tới mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Hoặc sinh ra lớn lên tại đây, hoặc học hành đỗ đạt tại đây, hoặc lập nghiệp, công thành danh toại tại đây, thậm chí hy sinh thân mình vì mảnh đất này.

GS, TS Đặng Cảnh Khanh cho rằng: Đã hơn 1000 năm trôi qua, kể từ khi tổ tiên chúng ta chọn Thăng Long làm Thủ đô của đất nước. Sự phát triển của Thăng Long cũng là biểu trưng cho sự phát triển của đất nước. Thăng Long cũng chính là sự kết tinh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo của Việt Nam, là kết tinh của văn hiến Việt Nam. Văn hóa và con người ấy thể hiện trong sự nghiệp đoàn kết, sản xuất và chiến đấu. Văn hiến Thăng Long là nền tảng tinh thần cho sự phát triển của xã hội, con người Thăng Long và rộng ra là của cả nước. Con người Thăng Long phát huy truyền thống tinh hoa văn hóa từ xa xưa của dân tộc và thành tựu về mọi mặt của cả nước để cùng cả nước xây dựng nền văn hiến của dân tộc Việt Nam.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa
Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóaHoàng thành Thăng Long ngày nay.
Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóaDấu tích cổ xưa của Kinh thành Thăng Long vẫn được lưu giữ và bảo tồn đến ngày nay.

Đánh giá về vai trò và vị thế của mảnh đất Thăng Long, PGS, TS Lê Quý Đức, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Thăng Long - Hà Nội từ trong chiều sâu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước. Từ khi nước ta giành lại nền độc lập, tự chủ và đặc biệt từ khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (đổi tên Đại La là thành Thăng Long) thì nền giáo dục chính thống của dân tộc được khai mở và liên tục phát triển đến đỉnh cao của xã hội phong kiến.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa

GS, TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển và TS Nguyễn Quang Anh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phân tích: Quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La của Lý Công Uẩn là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị, đáp ứng được trọn vẹn không chỉ nhu cầu phát triển của đất nước, ý chí của Hoàng đế và vương triều mà còn là nguyện vọng tha thiết của toàn dân.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa
Hà Nội mang nét đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, công việc đại chuyển dời này cũng hoàn toàn bằng thuyền theo đường sông Hồng. Khi thuyền vừa đến nơi, đang tạm đỗ dưới thành thì bỗng có rồng vàng hiện lên trên thuyền ngự. Nhân đó, Lý Công Uẩn quyết định đổi tên thành gọi là thành Thăng Long. Thành Thăng Long với biểu tượng Rồng bay vừa mang khí thế vươn lên mạnh mẽ của dân tộc, vừa chứa đựng ý niệm thiêng liêng về cội nguồn Rồng Tiên và ước mơ về nguồn nước, mưa thuận gió hòa của cư dân văn minh nông nghiệp trồng lúa nước vùng châu thổ sông Hồng.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóaPhát lộ dấu tích kiến trúc của các thời kỳ ở Hoàng thành Thăng Long.

Thành Thăng Long ngay từ thời mới định đô đã bao gồm 3 vòng thành, trong đó Cấm Thành là trung tâm chính trị của vương triều. Phía ngoài, cùng với một số cung điện, chùa tháp là khu vực cư trú, buôn bán, làm ăn của dân chúng gồm các bến chợ, phố phường và cả các thôn trại. La Thành là vòng thành ngoài cùng có chức năng vừa là thành lũy bảo vệ vừa là đê ngăn lũ lụt. Cửa của cả 3 vòng thành gồm nhiều cửa nước nối với sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và đều đổ vào sông Hồng. Từ Thái Tổ nhà Lý cho đến các triều vua đời Lý, Trần, Lê về sau đều triệt để tận dụng địa thế tự nhiên của vùng “sông hồ nửa đất nửa nước”, của “Hồng Hà Tây vắt qua Đông/ Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này” để quy hoạch và xây dựng Kinh đô Thăng Long.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa

Trong Hội thảo khoa học phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng thủ đô “Văn hiến-văn minh-hiện đại” do thành phố Hà Nội tổ chức, PGS, TS Phạm Quang Long, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng: Từ khi dời đô, Lý Thái Tổ đã nhấn mạnh vai trò của địa-văn hóa, địa-chính trị và triều Lý là triều đại đầu tiên đã coi văn hóa có khả năng giáo hóa con người, khai phóng và tạo ra những tiền đề để phát triển đất nước. Triều Lý đã lập Văn Miếu, mở trường học, đề cao vấn đề giáo hóa con người và chọn lựa nhân tài làm rường cột cho nước nhà. Các thời đại tiếp theo như Trần, Lê, Mạc, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn lúc trồi, lúc sụt, nhưng triều đại nào cũng coi dân trí, dân khí, văn hiến, trọng dụng người hiền tài là kế sâu rễ bền, gốc giữ nước. Tính chất khai phóng của văn hóa Thủ đô như là trung tâm, bộ mặt của một quốc gia luôn được coi trọng. Không giữ được điều đó, văn hóa Hà Nội và cả nước sẽ có nguy cơ lạc hậu.

Văn hóa Hà Nội được giới nghiên cứu tổng kết là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị truyền thống, giá trị thời đại, là nơi thử thách bản lĩnh của một dân tộc trước những thay đổi mang tính nhận đường ở một giai đoạn lịch sử cũng là một thực tế khó có thể nói khác. Cái điềm tĩnh trong tiếp nhận, cái vững vàng vượt qua thử thách, cách chọn lọc cái hay để học theo và đặc biệt là sự từng trải và vững vàng trước các dông bão là một phẩm chất rất đặc biệt của sức sống văn hóa Hà Nội. Tính chất khai phóng trong đón nhận, chọn lọc tinh hoa ngoại lai, chắc chắn và theo những cách thức của riêng mình trong hội nhập cũng là một nét trội cần được nghiên cứu kỹ trong quá trình hoạch định những chính sách văn hóa trong tương lai của Thủ đô.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa
Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa và Lễ khai xuân 2023 tại Hoàng thành Thăng Long.

Những nhân tài của Thăng Long - Hà Nội xưa do nền giáo dục Nho học đào tạo đã đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước, của chế độ như: Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Phan Phu Tiên, Lê Quý Đôn, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn An và Hồ Nguyên Trừng...

GS, TS Đặng Cảnh Khanh đưa ra dẫn chứng về những nhân tài được kết tinh, hội tụ từ mảnh đất Thăng Long như đại thi hào Nguyễn Du. Ông vốn người Hà Tĩnh, là con cháu của một trong những gia đình trí thức khoa bảng danh giá bậc nhất đất nước, sinh ra, lớn lên và học hành tại Kinh kỳ trong dinh của cha và anh đều là quan đại thần trong triều đình, mẹ là người Kinh Bắc. Tài hoa của ông là sự hội tụ của ba nếp đất, vừa là của truyền thống tổ tiên với sự uyên thâm trong học vấn của dân Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, vừa là sự kết tinh thứ văn hóa bác học, văn hóa dân gian, quan họ phóng khoáng của quê mẹ Bắc Ninh, và sau cùng là tinh hoa văn hóa của dân Kinh kỳ, Kẻ chợ, nơi ông lớn lên. Thơ văn thiên tài của ông có đầy đủ tính chất của môi trường sống mà ông đã nếm trải. Tuổi trẻ của ông, chính là đặc trưng cho tuổi trẻ Thăng Long- Hà Nội thời đó.

Sinh thời, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, người có nhiều công trình nghiên cứu về Hà Nội đã cho rằng Hà Nội chính là trung tâm, “là chốn hội tụ của hầu hết các đầu mối giao thông ở đồng bằng Bắc Bộ”… Nhưng cũng theo ông, điều quan trọng hơn là Hà Nội trở thành một trung tâm tôi luyện những nhân tài cho đất nước. “Qua sông nước và qua các nẻo đường, Hà Nội nhận nhân tài, vật lực từ bốn phương về, rồi đào luyện, nâng cao gửi lại cho bốn phương”. Như phân tích của cố nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, tính trung tâm và tụ hội của Thăng Long - Hà Nội tạo nên một trong những đặc trưng xuyên suốt lịch sử của mảnh đất này là nó không chỉ đón những người từ các vùng lân cận tới sinh sống mà còn tiếp thu văn hóa, văn minh của các vùng khác nhau. Thăng Long - Hà Nội không chỉ là điểm đến nhiều hứa hẹn, cuốn hút đối với những cư dân có năng lực và tài năng trong khắp đất nước mà còn cả tinh hoa văn hóa của quê hương họ.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa
Tái hiện Lễ ban quạt trong cung đình xưa tại Hoàng thành Thăng Long.

Thăng Long - Hà Nội là trung tâm hội tụ - giao thoa - tỏa sáng, là điểm kết nối giữa truyền thống và hiện tại, quá khứ và tương lai, giữa bề dày văn hiến và xu hướng đổi mới sáng tạo lên tầm cao văn minh nhân loại. Tiếp nối truyền thống đất Kinh kỳ văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo với tinh thần phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực sáng tạo được hun đúc từ hơn nghìn năm qua và khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, Hà Nội từng bước hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, xứng đáng là Thủ đô, trái tim của cả nước, vai trò đầu tàu, vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa
Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa
Hòa cùng dòng chảy của dân tộc vững bước đi lên, TP Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ khi khoác lên mình những nét hiện đại.

  • Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 1: Phát triển Thủ đô bằng giá trị lịch sử và nguồn lực văn hóa
  • Nội dung: KHÁNH HUYỀN
  • Ảnh: Báo QĐND, Tư liệu, hoangthanhthanglong.vn
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
top