Thượng tướng Song Hào: Vị tướng “rau muống” làm công tác Đảng
Thượng tướng Song Hào là một trong những người có mặt từ buổi đầu cách mạng. Ông từng giữ nhiều cương vị quan trọng như: Chính ủy Đại đoàn 308 thời chống Pháp, Chính ủy Mặt trận B5 (Quảng Trị) trong những năm chống Mỹ; 15 năm Ủy viên Trung ương Đảng; 15 năm Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nhiều năm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị… sau đó là Bộ trưởng Bộ Thương binh-Xã hội (nay là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), chuyên lo chính sách xã hội và chính sách cho người có công… Cuộc đời vị tướng tài ba, “văn võ song toàn” giống như một thước phim quay chậm trong ký ức người thân và đồng đội.
Khi còn sống, trong một lần trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí Trung ương và quân đội, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói về người anh, người đồng chí của mình-Thượng tướng Song Hào bằng những câu từ dung dị nhưng kết sức trân trọng.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chia sẻ: “Anh Song Hào được Bác Hồ gọi là “Tướng rau muống”, bởi anh là người có đủ các đức tính “cần kiệm, liên chính, chí công vô tư”, quan tâm đồng chí, đồng đội, sống giản dị, khiêm nhường… Gắn bó với anh suốt cuộc đời cách mạng, tôi thấy, anh Song Hào là người cộng sản kiên trung, mẫu mực, người con ưu tú của quê hương Nam Định, suốt đời vì dân, vì nước.
Anh là người có uy tín và đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực; nhà chỉ huy tài năng của quân đội nhân dân Việt Nam; người đóng góp xuất sắc vào xây dựng Đảng, công tác Đảng, công tác chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân Việt Nam. Người xây dựng Tổng cục Chính trị thật xứng đáng, là cơ quan đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Kể về những kỷ niệm với Thượng tướng Song Hào, nguyên Tổng Bí thư nhắc lại câu chuyện của thời kỳ đầu tiền khởi nghĩa, đó là Tháng 9 năm 1944, đồng chí Song Hào cùng với một số tù chính trị ở nhà tù Chợ Chu (Việt Bắc) đã vượt ngục thành công và quay trở lại với cách mạng.
Đây cũng là khoảng thời gian đồng chí Song Hào cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp tích cực làm việc để xây dựng ATK thành chiến khu cách mạng. Là người có tài thương thuyết, Thượng tướng Song Hào, đã góp công chính trong giải phóng 6 tỉnh Cao-Bắc-Lạng-Hà-Tuyên-Thái mà không hề phải đổ một giọt máu của quân và dân ta.
Ngày đó ở những tỉnh này có những đồn lính khố xanh, khố đỏ của giặc Pháp đóng làm nhiệm vụ cai quản cả vùng. Thượng tướng Song Hào đã vào thẳng đồn địch, thuyết phục lính khố xanh, khố đỏ trong đồn đầu hàng mà không phải nổ một tiếng súng. Đó là một chiến công lớn của vị Tướng thành Nam những ngày cách mạng còn non trẻ.
“Khi làm Chủ nhiệm TCCT, anh Hào đã kế thừa và có rất nhiều sáng tạo trong chỉ đạo các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong quân đội. Anh dành nhiều thời gian, tâm huyết và có nhiều bài viết, bài nói về tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả CTĐ, CTCT đối với quân đội nhân dân Việt Nam. Anh khẳng định, sự lãnh đạo là nguồn gốc trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta. Đảng phải lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về lực lượng vũ trang”. - Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chia sẻ.
Do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, chức năng của quân đội đòi hỏi phải rèn luyện một đội ngũ cán bộ chỉ huy có bản lĩnh, có đạo đức, năng lực và tác phong tốt để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho. Vì vậy, trong suốt cuộc đời bình nghiệp của mình Thượng tướng Song Hào luôn trăn trở và cho rằng, rèn luyện bản lĩnh vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ, vừa là nguyện vọng của mỗi đảng viên, mỗi người cán bộ.
Thượng tướng Song Hào chỉ ra rằng, trong Quân đội ta, cán bộ là nòng cốt để xây dựng đơn vị, là người tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ của quân đội. Có cán bộ tốt và đội ngũ cán bộ mạnh mới bảo đảm cho quân đội chiến đấu thắng lợi, xây dựng thành công, mới phát huy được sức mạnh chiến đấu của tập thể quần chúng chiến sĩ, sức mạnh của vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Quân đội ta có xứng đáng là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, của giai cấp công nhân, của Nhà nước chuyên chính vô sản hay không, có hoàn thành được nhiệm vụ lịch sử của mình hay không, tùy thuộc một phần rất lớn vào đội ngũ cán bộ-người trực tiếp phụ trách việc tổ chức và xây dựng quân đội, lãnh đạo chỉ huy chiến đấu và chiến thắng.
Theo Thượng tướng Song Hào, người cán bộ trong quân đội có bản lĩnh là người có đạo đức và năng lực hành động cách mạng để tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị chiến thắng kẻ thù. Vì vậy nói bản lĩnh cũng tức là nói đạo đức và năng lực hành động cách mạng, thái độ của người cán bộ đối với Đảng, với nhân dân, với đồng chí đồng đội, với nhiệm vụ, với bản thân, với kẻ thù trong mọi hoàn cảnh.
Là nhà lý luận chính trị sắc sảo, Thượng tướng Song Hào đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị lý luận được tổng kết từ thực tiễn, nhất là về công tác xây dựng Đảng, CTĐ, CTCT, xây dựng tổ chức và con người lực lượng vũ trang, quân đội, tiêu biểu như tác phẩm: “Sự lãnh đạo của Đảng-Nguồn gốc trưởng thành, chiến thắng của quân đội ta”; “Về nhiệm vụ công tác chính trị trong quân đội nhân dân”; “Đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ của lực lượng vũ trang cách mạng”; “Rèn luyện đạo đức cộng sản chủ nghĩa, phát huy truyền thống vẻ vang của quân đội cách mạng…”.
Trong hoàn cảnh nào, Thượng tướng Song Hào cũng luôn tôn trọng tập thể, lắng nghe ý kiến quần chúng, bàn bạc trọng nội bộ. Ông là người trung thành, bản lĩnh… trước khó khăn, trước dư luận đều bình tĩnh, làm sáng rõ mọi vấn đề…
Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn còn nhớ mãi những kỷ niệm với Thượng tướng Song Hào: “Tôi được sống, học tập và làm việc với bác Hào qua 3 thời kỳ: Chiến đấu, cán bộ Đoàn và làm ở Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Thời kỳ nào, bác cũng làm tận tâm, tận lực nhiệt tình, trách nhiệm chỉ bảo chúng tôi. Ông chính là người cha, người chú, người lãnh đạo tuyệt vời nhất”.
Năm 1981, Thượng tướng Song Hào được Đảng, Nhà nước phân công về làm Bộ trưởng Bộ Thương binh-Xã hội. Khi được cử về Bộ, Thượng tướng Song Hào lo lắng và cảm động. Lo về Bộ để săn sóc những người bạn chiến đấu của mình, nhưng săn sóc thế nào đây? Nhưng cảm động vì được trở lại tình nghĩa xưa với đồng đội, chiến sĩ của mình.
Thời kỳ ấy, nhiều thương binh tàn phế nặng, nóng tính, có nhiều suy nghĩ tiêu cực... nhưng Thượng tướng Song Hào đã cố gắng động viên họ, động viên những người đã cùng mình chiến đấu, chiến thắng.
Khi về làm Bộ trưởng Bộ Thương binh-Xã hội, ông dành nhiều thời gian đi thăm các khu điều dưỡng thương binh, tỉnh nào ông cũng đi, có trung tâm điều dưỡng thương binh là ông đến… Một lần, Thượng tướng Song Hào đang làm việc thì nhận được điện thoại của ông Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), ông Bửu nói gấp gáp: “Anh Hào, anh sang giải quyết nhanh không, thương binh của anh đang tụ tập ở đây vác nạng, vác gậy đập phá phòng làm việc, đánh các anh em của Bộ tôi, gay quá”…
Thượng tướng Song Hào vội dập máy và bảo chuẩn bị xe. Vừa đến nơi, anh em thương binh đã vây kín lấy ông. Một anh em thương binh gào lên: “Trong lúc chúng tôi đi chiến đấu, hy sinh ngoài mặt trận để nhiều người được đi nước ngoài học tập, trong đó có không ít người từng là kẻ đào ngũ, trốn lính, bây giờ trở về, những kẻ đó được Bộ đại học tiếp đón nhưng thượng khách, được giải quyết thủ tục nhanh chóng. Còn chúng tôi, những người lính đi chiến đấu về lại bị đối xử như những kẻ đi xin, phải đi lại chờ đợi quá lâu, không ai thèm tiếp chúng tôi”.
Khi đó, nhìn hoàn cảnh các thương binh, người cụt chân, người bị hỏng mất một mắt, những người còn lành lặn thì gầy gò, lam lũ... Một tình cảm đồng đội xót xa bỗng trào lên trong ông.
Thượng tướng Song Hào bảo với anh em thương binh: “Đúng là còn nhiều bất hợp lý nhưng anh em phải bình tĩnh, mình làm quá, họ sẽ cho là công thần, tự phụ. Ai có công, ai có tội, lịch sử và nhân dân sẽ phán xét. Anh em nên bình tĩnh… Cuối cùng anh em thương binh cũng chấp nhận và giải tán. Nhưng đối với Thượng tướng Song Hào thì hôm đó là một bài học, bài học đắt giá cho những người làm chính sách.
Lần thứ 2 xảy ra tại nhà riêng của Thượng tướng Song Hào. Hôm đó ông vừa từ Bộ về. Từ xa đã thấy anh em thương binh vây đặc kín ở cổng nhà. Thượng tướng Song Hào bình tĩnh xuống xe và mời anh em vào nhà uống nước. Phòng khách trật mà anh em thì đông, đứng kín cả ngoài sân.
Thượng tướng Song Hào hỏi tại sao lại phải “vây” như vậy? Anh em thương binh nói đã gửi rất nhiều đơn thư mà không thấy Bộ trưởng trả lời. Ông bảo thế đơn đâu? Họ đưa đơn cho ông, ngồi trò chuyện một lát rồi vui vẻ ra về. Đêm đó, Thượng tướng Song Hào lại mất ngủ. Ông suy nghĩ về trách nhiệm của mình và rút ra một điều:
"Làm công tác chính sách rất khó, nếu chỉ có tâm mà không có trách nhiệm, không có sự nhạy cảm thì chưa làm được, ngược lại có trách nhiệm, nghĩa vụ mà không có tâm, không thông cảm, chia sẻ với đối tượng thì cũng khó mà làm tốt được. Vì vậy, phải có đủ 2 thứ tâm và trách nhiệm".
Bà Hằng nhớ lại: “Bác Song Hào thường dặn chúng tôi, làm chính sách mà không có ngân sách thì mất uy tín của Đảng, Nhà nước… nên phải kết hợp từng bước một, xem nguồn ngân sách của mình đến đâu thì mình làm cho nó chắc, còn lại tạo điều kiện cho anh em tăng gia sản xuất, kết hợp với nhân dân ủng hộ… để đời sống anh em thương binh được cải thiện hơn… chứ đừng có vống chính sách lên mà không giải quyết được cho anh em thì mất uy tín của Đảng… Và từ đấy, khi làm công tác chính sách, gặp những vấn đề khó, còn trăn trở thì chúng tôi đều đến hỏi ý kiến bác…”
Tại ngôi nhà 28D, Điện Biên Phủ (Ba Đình, TP Hà Nội), những người con của Thượng tướng Song Hào đang quây quần bên bà thờ cha. Người chuẩn bị hoa quả, người thắp nén nhang thơm, người nâng niu lau chùi những kỷ vật… Ai cũng muốn, mọi công việc đến ngày sinh nhật cha đều phải tươm tất… như chính ngày cha còn sống.
Cô Nguyễn Thị Chính con gái Thượng tướng Song Hào, mắt long lanh ngấn lệ khi nhìn tấm ảnh bố mẹ chụp hồi 40 tuổi. Lấy tay vuốt nhẹ tấm ảnh, cô Chính tâm sự: “Cha tôi là người rất hiền từ. Từ bé đến lớn, chúng tôi chưa bao giờ thấy ông quát mắng hay dùng roi vọt với con cái mỗi khi chúng tôi có lỗi. Lúc nhỏ, mấy anh chị em chúng tôi rất nghịch. Khi chúng tôi mắc lỗi, cha thường bắt tự viết bản kiểm điểm nhận lỗi, hoặc có lúc thì bắt đi nằm vắt tay lên trán suy nghĩ xem mình làm vậy là đúng hay sai, sau đó trình bày lại với ông và phải sửa chữa khuyết điểm, không được mắc lại khuyết điểm đó. Cha rất tinh tế, chọn những lúc vui vẻ mới nhắc nhở, khuyên bảo chúng tôi. Sự khen, chê đúng lúc của cha khiến chúng tôi vừa cảm động, vừa nghe lời cha hơn”.
Ngừng một lát, cô Chính nói tiếp: Cha tôi rất hiền, nhưng ông cũng là người rất nghiêm khắc, cha luôn yêu cầu con cái phải giờ nào việc ấy. Có hôm buổi chiều, vào giờ học của chúng tôi ở nhà, e tôi muốn đi chơi nhưng không dám vì sợ cha phát hiện. Ngó ra ngoài thấy các chú bảo vệ đang đứng đợi, nhưng không thấy cha, em tôi liền tiến đến, hỏi các chú: "Bố cháu đâu ạ?", để xác định nếu cha đi làm rồi thì sẽ chạy đi chơi. Nhưng không ngờ, cha tôi lúc đó đứng ngay phía sau và nói: "Bố đang ở đây!". Vậy là em tôi im lặng và bị cha bắt lên nhà ngồi học, giao cho tôi quản lý đến chiều báo cáo lại khi cha đi làm về.
Nhớ về những năm tháng bên cha, chú Nguyễn Văn Thắng, con trai thứ của Thượng tướng Song Hào, chia sẻ: “Cha tôi là người rất liêm khiết. Tôi nhớ, năm đó, mẹ tôi ốm và nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Quy định của bệnh viện hồi đó rất nghiêm, người nhà đến thăm bệnh nhân chỉ duy nhất vào ngày chủ nhật. Anh em chúng tôi ai cũng rất nhớ mẹ, chỉ mong ngóng đến chủ nhật để được vào thăm mẹ. Một buổi sáng chủ nhật, anh em chúng tôi không ai bảo ai, ăn mặc gọn gàng để sẵn sàng đi thăm Mẹ. Thấy chúng tôi còn bé, từ nhà đến bệnh viện là quãng đường khá xa, tự đi vào viện không an toàn nên mấy chú thư ký, bảo vệ của Cha nói là sẽ đưa chúng tôi đi bằng xe ô tô công vụ thường đưa đón ông. Nhưng Cha tôi nhất mực không đồng ý. Cha tôi nói: Xe đó là phương tiện của Nhà nước để phục vụ công việc, còn đây là việc riêng của gia đình. Cha tôi muốn chúng tôi tự đi đến bệnh viện, muốn chúng tôi không được ỷ vào địa vị của Cha tôi để làm những việc của mình, lấy của chung để làm việc riêng, không được dùng những thứ không phải của mình”.
***
Khi thượng tướng Song Hào còn sống, căn phòng ông ở có ô cửa sổ mà mỗi lần mở ra sẽ nhìn thấy cột cờ Hà Nội. Đó là nơi ông luôn thích ngồi mỗi chiều. Sau này Thượng tướng Song Hào qua đời, khi chọn chỗ lập bàn thờ ông, thay vì chọn một nơi hợp với phong thủy, với tuổi tác của người thân trong gia đình, các con ông đã quyết định lập bàn thờ ông ở ngay vị trí cái giường ông từng nằm, trong căn phòng ông ở suốt mấy chục năm khi còn sống, để dù đang ở một nơi xa xôi nào đó thì mỗi buổi chiều, khi ô cửa sổ mở ra, ông vẫn có thể nhìn thấy cột cờ Hà Nội, vẫn có thể ngắm cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió…
Thượng tướng Song Hào đã đi xa nhưng trong ký ức của các con, ông là người cha mẫu mực, hết lòng vì con. Những gì mà ông để lại cho Đảng, Nhà nước, Quân đội và gia đình đều vô giá. Đó là hành trang, là nguồn động lực, sức mạnh giúp các con ông tin tưởng nhau, đoàn kết, thương yêu để vượt qua những khó khăn trên đường đời và sự nghiệp.
- Nội dung: TRỊNH VĂN DŨNG
- Ảnh: TƯ LIỆU
- Kỹ thuật, đồ họa: VĂN PHONG - TÔ NGỌC