LONGFORMThiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh “đội quân tóc dài huyền thoại”

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh “đội quân tóc dài huyền thoại”

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định là đại diện tiêu biểu cho hình ảnh kiên cường, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Tên tuổi của bà gắn liền với cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước của dân, quân miền Nam. Thiếu tướng Nguyễn Thị Định là thuyền trưởng đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Tầm ảnh hưởng của bà đã vượt ra khỏi lãnh thổ đất nước, được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, kính trọng.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại

Nguyễn Thị Định sinh năm 1920, còn được gọi là Út Định, Ba Định. Bà là con út thứ mười trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Thị Định đã chịu ảnh hưởng của phong trào cách mạng địa phương. Được người anh ruột Ba Chẩn trực tiếp dìu dắt, năm 16 tuổi bà đã tham gia vào cuộc vận động đòi dân sinh, dân chủ tại quê nhà bằng nhiều hình thức như đi liên lạc, rải truyền đơn, vận động bà con nông dân chống lại sự áp bức, bóc lột của bọn cường hào, ác bá.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại
Ảnh trái: Nguyễn Thị Định thời trẻ; Ảnh phải: Bà Nguyễn Thị Định (đứng thứ 2 từ phải sang) và chồng Nguyễn Văn Bích trong ngày cưới năm 1938.

Năm 1938, Nguyễn Thị Định được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này, bà xây dựng gia đình cùng đồng chí Nguyễn Văn Bích, là một cán bộ hoạt động cách mạng tại Bến Tre. Từ năm 1940, cũng như nhiều tỉnh khác ở Nam Kỳ, Bến Tre bị giặc Pháp khủng bố, đàn áp một cách dã man. Nhiều cơ sở cách mạng bị địch phá, hàng loạt đảng viên bị bắt, bị tù đày ở Côn Đảo, trong đó có chồng bà. Bản thân bà thì bị đưa đi giam giữ ở Bà Rá.

Sau một thời gian kiên cường đấu tranh với đòn roi của giặc, đến năm 1943, bà cùng một số đồng chí khác thoát khỏi nhà tù, trở về địa phương. Sau đó không lâu thì nghe tin chồng đã hy sinh ngoài Côn Đảo, Nguyễn Thị Định ráng chịu nỗi đau, vươn lên vừa nuôi con vừa tham gia hoạt động cách mạng.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại

Vào tháng 3 năm 1946, trong khi đang giữ cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh, Nguyễn Thị Định nhận được lệnh của Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre, cùng đoàn đại biểu quân dân chính Khu đi bằng đường biển ra Trung ương với 2 nhiệm vụ chính: Báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí cho quân dân Nam Bộ đánh Pháp. Thành phần đoàn công tác bí mật này gồm đồng chí Đoàn Văn Trường (Tư lệnh Khu 8), nhà giáo Ca Văn Thỉnh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và người nữ duy nhất là Nguyễn Thị Định.

Phương tiện vượt biển lúc bấy giờ chỉ là một con thuyền gỗ, chèo bằng tay và sử dụng buồm để lợi dụng sức gió. Thuyền được ngụy trang giống thuyền đánh cá với những dụng cụ đặc trưng của cư dân miền biển. Hành trình của đoàn xuất phát vào một ngày cuối tháng 3-1946 từ Cồn Lợi (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) thẳng ra biển Đông, khi đến hải phận quốc tế thì chuyển hướng lên phía Bắc.

Thành viên trong đoàn sử dụng la bàn, xem thời tiết, hướng gió, nhìn sao ban đêm để định hướng di chuyển trên biển. Các phương án nghi binh khi gặp tàu tuần tra của địch đã được đặt ra, việc có thể gặp sự cố kỹ thuật cũng được tính đến.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại
Ảnh trái: Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, với chiến sĩ nghỉ giải lao trên đường hành quân; Ảnh trên bên phải: Thiếu tướng Nguyễn Thị Định cùng các chiến sĩ ăn cơm trên đường Trường Sơn; Ảnh dưới: Thiếu tướng Nguyễn Thị Định trên đường Trường Sơn.

Nhờ lòng quả cảm, gan dạ, cùng với việc thông thạo địa hình miền sông nước, Nguyễn Thị Định đã vinh dự được giữ vai trò thuyền trưởng, khi ấy bà mới 26 tuổi. Bà cũng chính là người thuyền trưởng đầu tiên chèo lái con thuyền từ Nam ra Bắc xin Trung ương chi viện, sau đó nhận và đưa 12 tấn vũ khí quay trở về miền Nam. Nhờ lúc nhỏ từng quen sóng gió và bơi thuyền thúng rất giỏi nên bà vượt trùng dương mà không hề say sóng.

Đúng như dự đoán, con thuyền buồm ra Bắc lênh đênh trên biển sau 2 ngày thì gặp gió mạnh, cột buồm bị gãy. Sau khi hội ý, chỉ huy quyết định hướng mũi thuyền vào bờ. Nơi ấy là mũi Kê Gà, tỉnh Phan Thiết đã bị Pháp chiếm đóng. Đoàn quyết định bắt liên lạc để đi bộ xuyên rừng núi ra Khu 5. May sao, gió chuyển hướng Tây - Nam, đoàn thuê được một con thuyền khác, giương buồm tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc.

Lần thứ 2, thuyền quay vào bờ đã là đất Phú Yên, khi ấy nơi đây là vùng tự do. Chính quyền cách mạng địa phương tiếp đón đoàn rồi theo đường bộ, giao liên đưa đoàn ra Quảng Ngãi. Tại đây, Tư lệnh Khu 5 lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Sơn đã đón đoàn và bố trí đoàn ra Hà Nội bằng xe lửa.

Đoàn vinh dự được gặp Bác Hồ và trực tiếp trình bày nguyện vọng được Trung ương chi viện vũ khí về Nam đánh Pháp. Nghe Bác Hồ nói: “Thế nào Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi vào Nam. Nhưng nước ta còn nghèo, các cô các chú về, phải đánh Pháp cho giỏi, cướp lấy súng của nó dùng thì cái vốn đó mới nhiều”, cả đoàn mừng vui và xúc động!

Kết thúc chuyến đi ra miền Bắc, Nguyễn Thị Định đi thẳng vào Quảng Ngãi – trụ sở của Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam để nhận súng, tiền và tài liệu của Trung ương chi viện mang về cho Xứ ủy Nam Bộ. Nguyễn Thị Định vào tận kho để nhận phần chi viện cho Khu 8 và còn năn nỉ xin thêm: “Tôi mang một cây mà bị lộ thì tôi cũng chết, các anh cho tôi một ngàn cây tôi đi một chuyến cho đáng”.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại
Ảnh 1: Bà Nguyễn Thị Định đại diện cho đồng bào và phụ nữ miền Nam ra Thủ đô báo cáo tình hình với Bác Tôn; Ảnh 2: Bà Nguyễn Thị Định bắt tay, thăm hỏi các nữ chiến sĩ; Ảnh 3: Bà cùng 2 nữ chiến sĩ nghỉ chân trên đường đi công tác; Ảnh 4: Bà Nguyễn Thị Định cùng các nữ chiến sĩ quân đội; Ảnh 5: Bà Nguyễn Thị Định cùng đoàn đại biểu Hội LHPN giải phóng miền Nam nghỉ giải lao trong chuyến vượt Trường Sơn.

Sau khi nhận vũ khí, các đồng chí đi cùng đoàn ở lại miền Bắc nhận nhiệm vụ mới. Nguyễn Thị Định trực tiếp chỉ huy con thuyền chở vũ khí quay trở lại miền Nam. Cùng đi với bà còn có đồng chí Phong – cán bộ vô tuyến điện của Trung ương được bổ sung cho Khu 8 và hai đồng chí Vệ quốc đoàn của tỉnh Quảng Ngãi được cử đi theo bảo vệ thuyền.

Tình hình cấp thiết nhưng cũng gặp nhiều khó khăn vì các đồng chí còn lại trong đoàn đều chưa đi biển bao giờ, các đồng chí Vệ quốc đoàn còn trẻ, có sức khỏe nhưng chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Sau khi tìm kiếm, cuối cùng đoàn cũng bổ sung được bốn người vốn là dân buôn bán gạo ở Gò Công, bị máy bay Pháp bắn chìm ghe nên cũng đang tìm đường về.

Con đường trên biển khi thuyền trở về vào mùa mưa nên gặp nhiều giông bão, lại phải đối phó với các tàu tuần tiễu của quân Pháp, nên thủy thủ đoàn phải thật khôn khéo, bình tĩnh mới vượt qua được những trạm kiểm soát của địch, thậm chí cả đoàn sẵn sàng hy sinh cho nổ tung con thuyền khi cần thiết.

Khi thuyền chở vũ khí chuẩn bị cập bờ Thạnh Phong (Bến Tre). Do thời điểm vào bờ lúc nước ròng, lại ban đêm, thuyền bị mắc cạn, Nguyễn Thị Định phải xuống thuyền thúng một mình bơi vào bờ để bắt liên lạc. Đây là loại thuyền hình tròn mà bà đã được ngư dân Phú Yên hướng dẫn cách sử dụng. Dân quân tự vệ xã Thạnh Phong phát hiện “thuyền lạ và người lạ” nên giữ lại xét hỏi. Sau một hồi vừa trả lời, vừa thẩm định tình hình và xác định đây là “quân ta”, bà mừng khôn tả, rồi xin gặp chỉ huy du kích địa phương truyền đạt chỉ đạo khẩn cấp dùng thuyền nhỏ chở số vũ khí về nơi tập kết ngay trong đêm ấy. Con thuyền chở vũ khí từ Bắc vào Nam lần đầu tiên cuối năm 1946 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Sau này chính bà kể lại: “Ra đó, tôi chỉ chăm bẵm xin vũ khí. Gặp Bác không nói được nhiều mà khóc nhiều. Bác cũng không cầm nước mắt khi nhắc đến đồng bào miền Nam còn nhiều khó khăn, gian khổ”.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại

Bằng lòng quả cảm, trí thông minh, thuyền trưởng Nguyễn Thị Định cùng các thành viên trong đoàn đã dũng mãnh vượt trùng dương, bão tố, khéo léo tránh được hệ thống tuần tra nghiêm ngặt của quân địch, đưa con thuyền chở 12 tấn vũ khí chi viện trở về miền Nam an toàn.

Nguyễn Thị Định bàn giao số vũ khí cho đồng chí Trần Văn Trà (Tư lệnh Khu 8). Sau này khi nhắc lại, đồng chí Trần Văn Trà bồi hồi: “Phải nói tôi vô cùng vui mừng và phấn khởi khi tiếp nhận số vũ khí, đạn dược do chị và một số thủy thủ dũng cảm từ miền Nam Trung Bộ đã mất bao công lao vượt qua nguy hiểm mới đưa đến chiến trường đang thiếu thốn súng đạn…Đây là món quà chi viện vô cùng quý giá, rất đúng lúc của Trung ương, của Bác gửi cho quân và dân Nam Bộ, lần đầu tiên được đưa đến tận tay chiến sĩ”.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại
Các tướng lĩnh trong Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam, từ trái sang Nguyễn Thị Định, Trần Văn Trà, Trần Độ, Lê Trọng Tấn

Số vũ khí mà Nguyễn Thị Định đưa về có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với quân và dân miền Nam. Nó đã giải quyết được vấn đề thiếu hụt trang bị vũ khí, giúp lực lượng dân quân có thêm cơ sở để tiến hành đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang.

Hành động quả cảm của bà như một cầu nối, gửi gắm muôn vàn tình cảm của Đảng, của Bác Hồ từ miền Bắc tới miền Nam ruột thịt. Và quan trọng hơn cả, chuyến vượt biển ra Bắc thành công của người thuyền trưởng đầu tiên Nguyễn Thị Định là tiền đề để Trung ương có cơ sở nghiên cứu, đánh giá, đi tới quyết định thành lập tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại

Vào tối ngày 02-01-1960, tại xã Tân Trung, cù lao Minh, đã diễn ra cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng bàn kế hoạch thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và chủ trương nổi dậy của Liên Tỉnh ủy. Tại đây, Nguyễn Thị Định nhấn mạnh: “Phát động quần chúng, trong đó chú trọng vận động gia đình binh sĩ nổi dậy phá hệ thống kìm kẹp ở xã, ấp, trừng trị bọn tay sai chỉ điểm, bọn ác ôn trong bộ máy tề xã, tề ấp, dân vệ, kết hợp với cơ sở trong lòng địch để bức hàng, bức rút, lấy đồn, giải phóng xã, ấp”. Tỉnh ủy Bến Tre quyết định phát động tuần lễ toàn dân nổi dậy, lấy cù lao Minh gồm ba huyện Minh Tân, Mỏ Cày, Thạnh Phú làm điểm nổi dậy đầu tiên.

Để giải quyết tình trạng thiếu cán bộ, hội nghị quyết định triệu tập tất cả các đảng viên đã điều đi nơi khác quay trở về, huy động cán bộ cơ quan tỉnh, huyện, xã trực tiếp phát động quần chúng. Điều căn bản là phải tin tưởng quần chúng và luôn dựa vào quần chúng để chiến đấu. Bên cạnh đó, lực lượng chính trị nòng cốt là những nam nữ trung kiên với cách mạng, đấu tranh công khai.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại
Thiếu tướng Nguyễn Thị Định và các nữ chiến sĩ .

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại

Do lực lượng quân địch ở Bến Tre đông và ngoan cố, lại được sự chi viện của chính quyền bù nhìn Sài Gòn, cuộc nổi dậy bước đầu gặp rất nhiều khó khăn. Nguyễn Thị Định đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo ra những cách đánh phù hợp với tình hình. Quân ta thua thiệt về súng đạn, thì kết hợp thêm vũ khí thô sơ, giáo mác, gậy gộc. Khi thua thiệt về quân số thì hoạt động nghi binh, giả làm bộ đội chủ lực để gây hoang mang cho địch…Bằng sự khéo léo, tài tình, bà cùng các Tỉnh ủy viên đã lãnh đạo cuộc nổi dậy Bến Tre thành công ngoài mong đợi, tạo tiếng vang và hiệu ứng lan tỏa khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam.

Khả năng lãnh đạo của Nguyễn Thị Định còn được thể hiện qua việc gắn kết các tầng lớp xã hội, bà truyền lửa, tạo ra sức mạnh vô hình cho ngay cả những lực lượng vốn gọi là chân yếu, tay mềm.

Lần đầu tiên, hơn năm ngàn phụ nữ gồm cả thanh niên, bà già, trẻ em của xã Phước Hiệp, Bình Khánh, Thành Thới…họp thành một đoàn lớn, đầu đội khăn tang, mặc áo rách bồng con kéo vào quận Mỏ Cày, đòi chấm dứt khủng bố, trừng trị bọn ác ôn ở Phước Hiệp. Giằng co với địch suốt mấy ngày đêm, mỗi ngày lại có thêm lực lượng đến chi viện, khí thế của ta càng sôi sục.

Cuối cùng, tên quận trưởng đã phải chịu rút hết lính khỏi xã Phước Hiệp. Từ đây, một hình thức đấu tranh mới của Bến Tre ra đời, độc đáo và hiệu quả, khiến bè lũ quân địch khiếp sợ và gọi với cái tên: “Đội quân tóc dài”.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại

Năm 1965, Nguyễn Thị Định đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Ủy viên Bộ Chính trị, Chính ủy Bộ Chỉ huy miền Nam) gặp và trao quyết định của Bộ Chính trị, theo đó bà đảm nhiệm cương vị Phó tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại

Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà đã cùng Bộ Chỉ huy miền Nam gắn bó với nhân dân, đưa cách mạng miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với những đóng góp to lớn đó, tháng 4-1974, Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng và trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại
Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại
Nữ tướng Nguyễn Thị Định với các nữ đại biểu dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ II (1967).

Sau khi miền Nam được giải phóng, non sông thống nhất, Nguyễn Thị Định được chuyển về Thủ đô Hà Nội công tác, bà đảm đương nhiều vị trí, chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Tháng 6-1987, Nguyễn Thị Định được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, bà cũng là nữ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trên những cương vị mới, Nguyễn Thị Định tiếp tục thể hiện bản lĩnh của một người lãnh đạo uy tín, quan tâm, chỉ đạo, xử lý công việc kịp thời trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Về ngoại giao, với sự khéo léo, mềm mỏng, nhưng đầy bản lĩnh, Nguyễn Thị Định được nhiều bạn bè các quốc gia, cũng như người dân trên thế giới biết đến, ngưỡng mộ. Bà là đại diện tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam anh hùng.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại
Ảnh 1: Nữ tướng Nguyễn Thị Định và lãnh tụ nước cộng hòa Cuba Fidel Castro; Ảnh 2: Bà Nguyễn Thị Định nhận Huân chương Lênin của chính phủ Liên Xô; Ảnh 3: Bà Nguyễn Thị Định và nữ du hành vũ trụ Valentina tại Đại hội Phụ nữ thế giới ở Matxcơva (1987); Ảnh 4: Bà Nguyễn Thị Định với bạn bè quốc tế; Ảnh 5: Bà Nguyễn Thị Định, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam thăm Tiệp Khắc tháng 10-1981; Ảnh 6: Bà Nguyễn Thị Định với bạn bè quốc tế.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định từ trần ngày 26-8-1992. Để tri ân những công lao, đóng góp của bà, ngày 30-8-1995, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Người dân xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội đã rước bát hương bà về thờ trong Đền Hai Bà Trưng. Còn trong Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định ở Giồng Trôm, Bến Tre có khắc câu nói ấn tượng của Giáo sư Trần Văn Giàu: “Những người như chị sống làm tướng, chết thành thần”. Tên bà cũng được đặt cho nhiều con đường, trường học ở Việt Nam.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Định về thăm quê nhà ở Bến Tre (1975)

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại

  • Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Thị Định: Thuyền trưởng đầu tiên, thủ lĩnh đội quân tóc dài huyền thoại
  • Nội dung: HOÀNG HỮU CHUNG
  • Ảnh: Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top