Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Đại bàng bay cao nhìn xa
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) là một trong hai đại tướng đầu tiên của quân đội ta. Từ vị tướng du kích, cứu tinh của Bình-Trị-Thiên khói lửa đến Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị với bước đột phá trong xây dựng quân đội chính quy; từ phong trào “Gió Đại phong”, “Cờ Ba nhất”, “Sóng Duyên Hải”… ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa; từ Đại tướng của nông dân bám đội lội đồng đến chiến lược gia sắc sảo của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông luôn thể hiện là nhà lãnh đạo xuất sắc và có sức dấp dẫn to lớn. Không chỉ được Bác Hồ đặt tên, Bác còn nhận xét: “Chú Thanh là một con đại bàng bay cao nhìn xa”
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ra trong một gia đình bần nông ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. 14 tuổi, cha mất, Nguyễn Vịnh phải bỏ học đi làm tá điền, trở thành trụ cột gia đình, 17 tuổi tập hợp thanh niên Niêm Phò lập hội kín chống cường hào, ác bá tại địa phương.
Năm 1934, Nguyễn Vịnh tham gia Mặt trận Bình dân. Giai đoạn 1936-1938, ông hoạt động trong phong trào Mặt trận dân chủ. Tháng 7-1937, Nguyễn Vịnh chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng, nửa năm sau trở thành Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khi mới 24 tuổi. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Nguyễn Vịnh đã lãnh đạo nhân dân và dân biểu đấu tranh làm thất bại dự án tăng thuế của thực dân Pháp.
Từ cuối năm 1938, bị địch bắt giam ở lao Thừa Phủ (Huế), rồi sau đó là Lao Bảo, Buôn Ma Thuột… Nguyễn Vịnh kiên cường giữ vững khí tiết của người cộng sản bất chấp mọi sự đàn áp, tra tấn của kẻ thù. Không chỉ đứng ra thành lập chi bộ Đảng, ông còn khởi xướng cuộc đấu tranh của tù nhân nhà lao.
Năm 1941, Nguyễn Vịnh vượt khỏi ngục tù trở về với nhân dân và bắt tay xây dựng lại các cơ sở cách mạng trong quần chúng và cơ sở đảng bị địch đánh phá. Năm 1943, Nguyễn Vịnh lại bị địch bắt, đến năm 1945, ông cùng nhiều tù nhân chính trị khác được trả tự do.
Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào tháng 8-1945, Nguyễn Vịnh được đề cử là Uỷ viên Trung ương, trực tiếp làm Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ. Khi đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nghe có tên Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Vịnh quay sang hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Nguyễn Chí Thanh là ai mà nghe lạ thế!".
Đồng chí Võ Nguyên Giáp mỉm cười trả lời: "Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy". Từ đó, cái tên Nguyễn Chí Thanh đã đi vào lịch sử cách mạng, lịch sử quân đội ta. Có lẽ cũng giống Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn ra những phẩm chất xuất sắc của một nhà lãnh đạo tài ba trong Nguyễn Chí Thanh và ông được Người “chấm” từ rất sớm, từ khi ông chưa gắn bó nhiều với binh nghiệp.
Quả như vậy, Bác Hồ đã gọi ông là “tướng du kích” khi ông còn chưa vào quân đội.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dưới danh nghĩa quân Đồng Minh quay trở lại xâm lược Việt Nam. Đảng ta nhận định, khi chiến sự nổ ra thì Huế là mặt trận chủ yếu, nếu địch chiếm được Huế sẽ mở rộng chiến tranh trên đất Bình-Trị-Thiên, thực hiện chia cắt chiến lược hai miền Nam-Bắc nước ta.
Trong tình thế cấp bách đó, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Chí Thanh đã triệu tập hội nghị toàn Xứ, chỉ đạo công tác xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ; thành lập các đoàn quân Tây Tiến, Nam Tiến giúp cách mạng Lào và cách mạng miền Nam; đồng thời chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng cho cuộc chiến đang cận kề.
Tháng 2-1947, Mặt trận Huế vỡ, các lực lượng cách mạng buộc phải rút khỏi nội thành. Từ đây, thực dân Pháp khủng bố, xóa trắng cơ sở đảng từ nông thôn đến thành thị. Đã có lúc người dân hoang mang, lo sợ trước sự truy lùng gắt gao và hành quyết dã man các đảng viên cộng sản, nhất là trước sự rút lui của bộ đội. Tinh thần bộ đội cũng có lúc sa sút vì cái đói, cái rét và sự khủng bố của kẻ thù. Phong trào cách mạng Thừa Thiên tưởng chừng như không thể cứu vãn nổi.
Tháng 3-1947, tức 40 ngày sau khi quân ta rút khỏi Huế, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh đã triệu tập Hội nghị Nam Dương lịch sử, chỉnh đốn lại tổ chức đảng và công tác kháng chiến. Tại Hội nghị, đồng chí khẳng định:"Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân".
Theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh, quân ta phải đánh một số trận, diệt một vài đồn để gây lại lòng tin cho nhân dân, trả lời cho nhân dân biết là cách mạng vẫn còn, đập tan luận điệu của kẻ thù rằng đã tiêu diệt hết Việt Minh.
Giữa năm 1948, được chỉ định làm Bí thư Phân khu ủy Bình-Trị-Thiên, sau là Bí thư Liên khu ủy Khu 4, Nguyễn Chí Thanh đã tạo nên một phong trào Bình-Trị-Thiên khói lửa nhưng cực kỳ anh dũng, góp phần chặn đứng âm mưu chia cắt và mở rộng chiến tranh ra vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh của thực dân Pháp. Trên một vùng nông thôn rộng lớn của Bình-Trị-Thiên, đâu đâu cũng có chính quyền cách mạng, có dân quân du kích hoạt động. Từ chiến trường này, đường lối chiến tranh du kích được khắp các tỉnh hưởng ứng và học tập, tạo thành một phong trào rộng lớn trong cả nước. Báo chí Pháp gọi ông là “cứu tinh của Bình-Trị-Thiên” (le sauveur de Binh Tri Thien).
“Ngay từ những năm khói lửa đầu tiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã thể hiện tài nghệ của mình, trong đó cơ bản nhất là tổ chức dân, nắm lại dân, dựa vào dân để tổ chức lực lượng đánh địch”. --- Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Cánh chim bằng không mỏi)
Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn quan trọng. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cho quân đội, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào quân đội làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Phó bí thư Tổng Quân ủy.
Ngày 11-7-1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 122/SL bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Chí Thanh giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Chiến dịch Biên giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh và một số cán bộ cao cấp khác tháp tùng. Đây cũng là chiến dịch đầu tiên Nguyễn Chí Thanh tham gia với cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khi mới tròn 36 tuổi.
Ngay từ những ngày đầu non trẻ của quân đội, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định:
Để hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề xuất thay thế chế độ chính ủy tối hậu quyết định (được áp dụng từ tháng 8-1949) bằng chế độ đảng ủy. Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đây là một thành công lớn, ghi dấu ấn đóng góp quan trọng của Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh, góp phần khắc phục được những hạn chế của cơ chế cũ. Đến nay, trải qua những giai đoạn khác nhau, chế độ đó vẫn được khẳng định là đúng đắn, khoa học, phù hợp với đặc điểm và bản chất cách mạng của quân đội ta.
Cùng với thiết lập chế độ đảng ủy, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là người đi đầu trong việc chấn chỉnh, đưa hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội vào nền nếp, thật sự "là linh hồn và mạch sống của Quân đội ta". Năm nguyên tắc, sáu phương pháp lãnh đạo tư tưởng ông đề ra đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ngày 2-8-1952, phát biểu tại Hội nghị Tổ chức toàn quân lần thứ nhất, đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu: “Điều tra một đơn vị X, trong tổng số 578 đảng viên của 25 chi bộ thì có đến 406 đồng chí vào Đảng với động cơ cá nhân (70%). Trong 200 đồng chí của chi bộ khác đã điều tra vừa rồi thì có 17 đồng chí vào Đảng mà hầu như hoàn toàn chưa hiểu Đảng là thế nào, một số lớn hiểu Đảng lơ mơ, còn số hiểu Đảng khá thì chỉ một ít thôi. Thậm chí một số đảng viên, cán bộ có những nhận thức sai lầm nặng nề: Cho rằng chi bộ là tổ chức phụ thuộc của cơ quan chính quyền… là cơ quan đơn thuần chấp hành mệnh lệnh của cơ quan chính quyền qua thủ trưởng”.
Từ thực tế đó, ông chú trọng xây dựng tổ chức cơ sở đảng, trước hết là chi bộ đại đội, nơi được xem là "cầu nối liền Ðảng với quần chúng". (Nguyễn Chí Thanh những góc nhìn từ hậu thế, NXB Quân đội)
Là người lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng công tác tư tưởng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hiểu rất rõ vai trò của văn hóa-văn nghệ trong quân đội. Ít ai biết rằng gần 70 năm về trước, những làn điệu quan họ thấm đẫm tình yêu đôi lứa của xứ Kinh Bắc từng khiến những người lính thắng trận nổi giận vì cho là “lãng mạn, suy đồi” trong buổi văn nghệ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Thời điểm đó, trong bối cảnh bữa tiệc khao quân đang bừng bừng khí thế của những con người vừa bước ra từ máu lửa huy hoàng của cuộc chiến, sau những tiết mục đầy khí phách như “Hò kéo pháo”, “Trường ca sông Lô”..., lại được nghe những làn điệu đầy vẻ e ấp, lãnh mạn như “Yêu nhau cởi áo cho nhau/Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”, “Gió giục cái đêm đông trường/Nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai...”, thì việc phản đối đó cũng là điều dễ hiểu. (Nguyễn Chí Thanh những góc nhìn từ hậu thế, NXB Quân đội)
Và ai cũng nghĩ các vị tướng có mặt cũng sẽ giận giữ, nổi trận lôi đình, nhưng ngược lại, Tổng Chính ủy Nguyễn Chí Thanh đã đứng ra bảo vệ và tổ chức một cuộc tranh luận sòng phẳng, chỉ ra vẻ đẹp chân, thiện, mỹ trong từng câu hát của các liền anh, liền chị. Đêm văn nghệ đầy “bão táp” ấy đã trở thành giai thoại đẹp về tầm vóc, bản lĩnh Nguyễn Chí Thanh. Ông không chỉ có cách ứng xử sâu sắc mà sau này còn giúp nhiều văn nghệ sĩ say mê cống hiến theo tiếng gọi của Đảng và đất nước.
Ngày 31-8-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 36/SL phong quân hàm cấp tướng cho 16 sĩ quan quân đội. Dự lễ phong quân hàm ngày 1-9-1959, Bác Hồ căn dặn: "Dù ở cương vị nào chúng ta cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đầy tớ trung thành và tận tuỵ của nhân dân”. Thay mặt những đồng chí được phong quân hàm cấp tướng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trân trọng hứa: luôn luôn làm đúng lời căn dặn của Bác, giữ vững lập trường trọn đời phục vụ nhân dân.
Năm 1961, trên cương vị Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyễn Chí Thanh bất ngờ được Đảng, Bác Hồ phân công làm Trưởng ban công tác Nông thôn Trung ương. Lúc này, Đảng ta xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, làm tiền đề xây dựng và phát triển miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nông thôn cần có một luồng gió mới, cách nghĩ và cách làm mới để giải bài toán thiếu ăn, thiếu mặc cho hàng chục triệu con người. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người được Bác Hồ tin tưởng, lựa chọn.
Với tác phong sâu sát của con người hành động, Đại tướng đã “bám đội, lội đồng” cùng người dân tát nước, cấy lúa, khảo sát, tìm hiểu các mô hình sản xuất, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học,… Nhiều lần xuống cơ sở không thông báo trước, ông lội tắt cánh đồng, quan sát cung cách làm ăn của hợp tác xã rồi vào thẳng trụ sở bàn bạc công việc. Nhờ đó, chỉ một thời gian ngắn, Đại tướng đã phát hiện ra những điểm yếu, điểm thiếu của ngành nông nghiệp, qua đó đề ra nhiều giải pháp cho nông thôn, nông dân giải phóng sức sản xuất.
Những phong trào “Phá xiềng ba sào”, “Đuổi kịp mức sống trung nông”, “Gió Đại Phong”, “Làm thủy lợi hai năm”… đều in đậm dấu ấn của vị “tướng nông nghiệp” Nguyễn Chí Thanh. Đây là những “ngọn gió mới”, đồng thời cũng là những đột phá mà ông đề ra nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp mang lại những thành tự to lớn cho ngành nông nghiệp miền Bắc. Cùng với đó là những phong trào "Sóng Duyên Hải" trong công nghiệp, "Cờ Ba nhất" trong quân đội, “Trống Bắc Lý” trong giáo dục đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Kể về bí quyết của những thành công thời làm “tướng nông nghiệp”, bà Nguyễn Thanh Hà, con gái ông tâm sự:
“Tôi còn nhớ một lần vào năm 1961, được theo ba về thăm một hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Bình, ba không làm việc với Ban Quản trị, mà tìm đến một gia đình hai vợ chồng vừa thoát cảnh cố nông”.
Bước vào nhà, ông hỏi: "Thế nào, trong gia đình ta có cái gì nào? Tài sản có gì cho xem chơi nào!?".
Người chồng chẳng biết ông là ai, trả lời thủng thẳng: "Hai vợ chồng, một cái nhà, một cái nồi, một nồi hai, một mâm thau chén bát, một cái giường, một cái phản. Ngoài chuồng có một gà mẹ mười con, lợn thì có chuồng rồi nhưng chờ lợn Hợp tác xã đẻ sẽ bán cho hai con".
Ông hỏi: "Nhà có hai vợ chồng, tại làm sao có một giường một phản, thế tối ngủ chung hay ngủ riêng?". "Báo cáo ngủ riêng, vì có mang tám tháng rồi".
Ông cười rất tươi, bảo: "À thế thì được, cầm lọ dầu bao giờ vợ đẻ mà dùng. Thế cuộc sống thế này, đối với Đảng có đề nghị gì không?".
Chị vợ tranh lời: "Úi chào, đề nghị gì nữa, đến chết thôi chừ cũng tin Đảng hung rồi, năm năm nữa thì sung sướng hung rồi".
Ông hỏi chị vợ: "Thế hai vợ chồng hạnh phúc chứ?". Hai vợ chồng nhìn nhau tủm tỉm cười… Họ nói chuyện y hệt những người nông dân với nhau vậy.
Chưa bao giờ tôi thấy ông vui như lần ấy và tôi nhìn thấy trong tận cùng của ba vẫn là một người nông dân, một anh cố nông được Đảng đổi đời, cũng như vợ chồng anh cố nông kia vậy.
Có lẽ chính là nhờ những mối quan hệ như bạn bè, người thân với những người nông dân miền Bắc, mà ba đã đóng góp được những ý kiến có giá trị trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sản xuất nông nghiệp thời bấy giờ.
Giữa năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được điều vào Nam giữ chức Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Chỉ sau vài tháng có mặt tại chiến trường, ông cùng Trung ương Cục đã đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương chiến lược, sách lược đúng đắn.
Giải đáp băn khoăn của không ít người khi đó là: “Chúng ta có dám đánh Mỹ không? Đánh được không và đánh như thế nào?”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phân tích:
Với phương châm “cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vạch ra cho quân, dân miền Nam con đường đấu tranh bằng những khẩu hiệu dễ nhớ, dễ hiểu, nhanh chóng lan tỏa thành một cao trào cách mạng rộng lớn trên khắp chiến trường: “Tìm Mỹ mà đánh”, “Tìm ngụy mà diệt”, “Một tấc không đi, một ly không dời”…. Nhờ cách đánh sáng tạo, độc đáo này mà quân ta đã chống được ý đồ “phân tuyến” của Mỹ-ngụy, hạn chế đến mức tối đa (có trận đã vô hiệu hóa) hỏa lực của địch. Từ đó, hình thành nên những “vành đai diệt Mỹ” ở khắp nơi, từ Củ Chi, Chu Lai, Minh Đức rồi Rạch Kiến…. Ở đâu có quân Mỹ thì ở đó có vành đai diệt Mỹ. Mỹ lập vành đai an toàn thì ta lập vành đai du kích khóa chặt Mỹ lại mà đánh; đánh Mỹ mọi lúc, mọi nơi, đánh bằng mọi cách, với mọi vũ khí có trong tay; đánh Mỹ với quyết tâm giặc đến nhà đàn bà, con trẻ đều đánh.
Thực tiễn các trận Bàu Bàng, Đất Cuốc, Núi Thành, Vạn Tường, Ia Đrăng,… đã chứng minh tính đúng đắn của cách đánh độc đáo này. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam, “vành đai diệt Mỹ” là một trong những cống hiến lớn nhất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân ở chiến trường miền Nam, điển hình sáng tạo về tư duy “bám thắt lưng địch mà đánh” do chính ông đề ra. Trong bài viết “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-Nhà chính trị-quân sự lỗi lạc, hình ảnh tiêu biểu Bộ đội Cụ Hồ”, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh nhận xét: Ta thắng quân đội Mỹ, và sau này thắng quân ngụy Sài Gòn ở giai đoạn “Việt Nam hóa chiến tranh” cũng từ tư tưởng “ở gần và đánh gần” này. Còn tướng Mỹ Westmoreland phải chua chát thốt lên rằng, không thấy Việt Cộng ở đâu mà đến đâu quân Mỹ cũng bị đánh.
Ở tầm chiến lược, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đặc biệt coi trọng xây dựng các đơn vị chủ lực để giành những thắng lợi quyết định. Tháng 9-1965, Sư đoàn 9 ra đời tại Chiến khu D, tiếp sau là các Sư đoàn 5 và 7, đánh dấu sự lớn mạnh của chủ lực Miền. Từ đây, quân ta đã mở những chiến dịch lớn như Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài, cùng hàng loạt trận tiến công đánh bại từng chiến đoàn quân ngụy, đập tan hàng ngàn "ấp chiến lược" thúc đẩy sự phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ-ngụy.
Tài năng quân sự đặc biệt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn thể hiện ở chủ trương mở rộng hoạt động kháng chiến lên Tây Nguyên. Thực tế đã chứng minh tư tưởng chỉ đạo này là rất đúng đắn và sắc sảo. Mặt trận Tây Nguyên được mở, không chỉ góp phần chia lửa với các chiến trường trọng điểm, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để Trung ương mở tuyến đường chi viện chiến lược bằng cơ giới trên con đường Trường Sơn huyền thoại, từ đó đưa một lượng lớn người và của chi viện cho chiến trường miền Nam.
Những cống hiến to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến lược, chiến thuật đến chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân; đánh địch bằng “hai chân, ba mũi, ba vùng”…; cùng những bài học rút ra từ cuộc phản công chiến lược mùa khô đã góp phần cùng Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chiến lược, tạo tiền đề quan trọng để quân, dân ta tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân (1968).
Những phân tích, đánh giá cụ thể, toàn diện và biện chứng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vô cùng quý giá khi dám khẳng định: “Mỹ giàu nhưng không mạnh”, “đế quốc Mỹ không phải là bất khả xâm phạm”. Những ý kiến của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được Bộ Chính trị đồng ý và Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 11 khóa III đã ra Nghị quyết (đặc biệt) “Về tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt”, một nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tháng 1-2001, Cơ quan Tình báo Liên bang Mỹ (CIA) đã bạch hóa tài liệu mật đề ngày 11-7-1967. Tài liệu nêu rõ:
Mùa hè năm 1967, khi ra Hà Nội báo cáo Bộ Chính trị tình hình chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ và đồng bào cả nước. Khi đó Bác Hồ như lặng đi. Ngay trong ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 75/LCT truy tặng Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nhân dân còn ghi nhớ mãi hình ảnh Bác Hồ, vị cha già của dân tộc lấy khăn lau nước mắt khi đến viếng người học trò xuất sắc của mình. Mấy hôm sau, Bác đến tận nhà thăm và mời bà cụ thân sinh ra Đại tướng, bà Nguyễn Thị Cúc phu nhân của Đại tướng cùng 4 người con là Nguyễn Thanh Hà; Nguyễn Kim Sơn; Nguyễn Thị Thành và con trai út Nguyễn Chí Vịnh lúc đó mới 10 tuổi đến ăn cơm với Bác. Từ đó hàng năm lúc sinh thời những dịp giỗ, dịp Tết bao giờ Bác cũng nhắc hoặc mời, hoặc đến thăm gia đình. Nhiều lần, Bác đã mời cả nhà Đại tướng đến gặp gỡ và thăm hỏi.
- Nội dung: VĂN DUYÊN
- Ảnh: Tư liệu
- Kỹ thuật, đồ họa: MINH NGỌC