Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5G: Nơi tình thân đẩy lùi đại dịch
Ở Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm (DCTN) số 5G, không một bệnh nhân nào đơn độc. Dù không có người nhà ở bên, nhưng họ lại có những người thân mới. Đó là những y, bác sĩ, điều dưỡng viên đang hằng ngày chăm lo cho họ từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc thăm khám, điều trị bệnh...
Trước những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19 tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 2885/QĐ-BQP ngày 27-8-2021 về việc thành lập lâm thời Bệnh viện DCTN số 5G thuộc Học viện Quân y với quy mô 300 giường bệnh, trong đó có 50 giường hồi sức (sẵn sàng mở rộng lên 500 giường bệnh) để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng tại TP Hồ Chí Minh. Bệnh viện được triển khai tại Phân viện Y học cổ truyền Quân đội (số 84/9 Kinh Dương Vương, phường 13, quận 6, TP Hồ Chí Minh).
Tuy được thành lập sau một số bệnh viện DCTN khác của quân đội đang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh nhưng Bệnh viện DCTN số 5G được giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng. Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ này, trên cơ sở hạ tầng sẵn có của Viện Y học Cổ truyền phía Nam, Bệnh viện Quân y 103 và Viện Y học cổ truyền Quân đội đã nhanh chóng sửa chữa cải tạo thành bệnh viện DCTN điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng.
Thiếu tướng, GS.TS Trần Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y cho biết: Để điều trị cho bệnh nhân nặng và nguy kịch, không thể không có hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại. Bệnh viện Quân y 103 đã huy động trang thiết bị để đưa vào Bệnh viện DCTN số 5G, bao gồm trang thiết bị hiện đại như: 1 hệ thống ECMO, 2 máy siêu lọc máu, 35 máy thở, 60 máy HFNC, hệ thống máy xét nghiệm tự động... Quá trình thực hiện, bệnh viện tiếp tục được Bộ Quốc phòng bổ sung trang thiết bị, UBND TP Hồ Chí Minh lắp đặt hệ thống camera giám sát, một bồn oxy với thể tích 20m3, với 210 họng oxy cho 210 giường bệnh và hệ thống khí nén dành cho 50 giường nặng và nguy kịch.
Bệnh viện DCTN số 5G tiếp nhận Bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng từ sự điều phối của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, bệnh viện đã chủ động đón nhận bệnh nhân từ các phân đội quân y của Học viện Quân y ở các xã, phường. Dù mới triển khai trong thời gian ngắn, nhưng mô hình này của Bệnh viện DCTN số 5G đã phát huy tác dụng rất đáng ghi nhận, giảm thiểu số ca tiến triển thành nguy kịch. Hiện nay, bệnh viện luôn tổ chức thường trực 3 xe cứu thương có kíp cấp cứu sẵn sàng đón bệnh nhân trong thời gian sớm nhất về điều trị.
Bệnh viện DCTN 5G có sự kết hợp của hai bệnh viện đầu ngành của quân đội về y học hiện đại và y học cổ truyền là Bệnh viện Quân y 103/Học viện Quân y và Viện Y học cổ truyền, do đó có điều kiện áp dụng các biện pháp phối hợp tốt giữa y học hiện cổ truyền và y học hiện đại với phục hồi chức năng trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
Những kết quả bước đầu trong hoạt động điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện DCTN số 5G đến từ sự chuẩn bị thần tốc nhưng đặc biệt cẩn trọng và tuân thủ triệt để quy trình phòng ngừa lây nhiễm. Khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, vấn đề lớn nhất mà các y, bác sĩ, điều dưỡng viên của Bệnh viện DCTN số 5G gặp phải là cơ bản là chưa có nhiều bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm về điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng. Theo Trung tá, TS, bác sĩ Đặng Phúc Đức, Phó chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103, Chủ nhiệm Khoa Bệnh nhân nặng Bệnh viện DCTN số 5G, với hầu hết các bác sĩ, điều trị bệnh nhân Covid-19 là một thử thách mới mẻ. SARS-CoV-2 là virus siêu lây nhiễm, chỉ một sơ suất nhỏ của nhân viên y tế có thể gây nguy hiểm cho bản thân và sau đó là đồng đội.
Do đó, việc tiếp cận một cách an toàn, đúng nguyên tắc mà vẫn bảo đảm chăm sóc tỉ mỉ, tận tình cho bệnh nhân là một vấn đề phức tạp nhưng phải đạt được. Vì thế, việc đầu tiên Bệnh viện DCTN số 5G thực hiện là xây dựng những quy trình và phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 một cách chi tiết nhất có thể. Nền tảng các tài liệu này dựa vào hướng dẫn của Bộ Y tế, cập nhật kiến thức của các hội chuyên ngành. Đặc biệt, Học viện Quân y và Bệnh viện Quân y 103 đã thành lập nhóm chuyên gia các chuyên ngành, trực tiếp hỗ trợ theo yêu cầu của Bệnh viện DCTN số 5G trong việc xây dựng, hoàn thiện các phác đồ. Các phác đồ đó sau khi áp dụng, nếu có những điểm chưa đầy đủ, chưa thực sự phù hợp các chuyên gia sẽ cùng các bác sĩ Bệnh viện DVTN số 5G tiếp tục hoàn thiện để tối ưu các quy trình, phác đồ.
Tranh thủ ít phút trò chuyện với chúng tôi trước giờ vào ca trực, Trung tá, bác sĩ Đặng Phúc Đức cho biết, Khoa Bệnh nhân nặng là một trong hai khoa trọng điểm của Bệnh viện DCTN số 5G với hơn 100 cán bộ, nhân viên từ nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó có 30 bác sĩ, đảm nhiệm điều trị 130-200 bệnh nhân. Do lực lượng bác sĩ, điều dưỡng viên từ nhiều chuyên ngành khác nhau nên vấn đề trọng tâm là phải xây dựng tinh thần đoàn kết, giữ vững ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cả khoa. Thứ hai, phải khẩn trương đào tạo những kỹ năng về phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân, cũng như kỹ năng chuyên môn, hoàn thiện quy trình hoạt động cũng như phác đồ điều trị, các quy tắc ứng xử với bệnh nhân, ứng xử giữa các nhân viên y tế. Và điều quan trọng nhất, là việc bảo đảm thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân tốt nhất, an toàn nhất và mọi bệnh nhân đều có cảm giác thoải mái, an toàn khi điều trị.
Việc điều trị bệnh nhân Covid-19 có rất nhiều khác biệt so với bệnh nhân thông thường. Đầu tiên, đó là việc nhân viên y tế phải luôn chú trọng tới việc bảo vệ an toàn cho bản thân. Vì thế, trong toàn bộ quá trình làm việc phải mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân. Việc đó ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe của nhân viên y tế. Mặt khác, hoạt động thăm khám, cũng như chăm sóc ít nhiều bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các bệnh nhân Covid-19 rất dễ hoảng loạn hoặc lo âu, rối loạn giấc ngủ. Sự lo lắng càng gia tăng do không có người nhà ở bên. Vì thế, “Tôi luôn quán triệt các bác sĩ, điều dưỡng viên trong khoa là: “Mỗi bác sĩ, điều dưỡng viên phải thực sự trở thành một người thân của bệnh nhân, ở bên cạnh bệnh nhân, động viên, nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân thì mới có thể đạt kết quả điều trị tốt nhất”, Trung tá, bác sĩ Đặng Phúc Đức cho biết.
Thời điểm mới nhập viện, bệnh nhân Đ.T.L đang ở trạng thái khó thở, rất hoang mang, thiếu hợp tác với các bác sĩ, điều dưỡng viên. Khi ấy, Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Thảo, điều dưỡng hành chính Khoa Bệnh nhân nặng, đã trở thành người thân thực sự của bệnh nhân Đ.T.L. Thảo chăm sóc cho bệnh nhân từ bữa ăn, vệ sinh cá nhân đến việc theo dõi diễn biến của bệnh. Dần dần, tinh thần bệnh nhân Đ.T.L ổn định trở lại. Cũng từ đó, tình hình sức khỏe của bệnh nhân có nhiều tiến triển tích cực. Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thảo tâm sự: “Những ngày đầu vào đây ai cũng nhớ nhà. Nhưng giờ người bệnh đã trở thành người thân của mình. Tất cả mọi người đều quyết tâm cùng cả nước chống dịch”.
Dù Bệnh viện DCTN số 5G mới đi vào hoạt động, bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 6-9, nhưng đã có những bệnh nhân đầu tiên xuất viện. Khác với những bệnh viện DCTN khác, việc một bệnh nhân ở đây khỏi bệnh mang rất nhiều ý nghĩa.
Bệnh viện DCTN số 5G đã thu dung điều trị 350 bệnh nhân trong đó có nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch, một số bệnh nhân sau một thời gian điều trị bệnh tạm ổn định đươc tiếp tục điều trị kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền và phục hồi chức năng trước khi ra viện, đến nay đã có 98 bệnh nhân được điều trị kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền và phục hồi chức năng.
Ngày 21-9 đã có 16 bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện, trong đó có những bệnh nhân nguy kịch trước đó đã phải đặt nội khí quản, thở máy và có nhiều bệnh nền nặng như bệnh nhân H.C.Đ…
Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ đánh giá cao công tác chuẩn bị khẩn trương, tích cực, sự phối hợp của các lực lượng để đưa Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5G nhanh chóng đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu về cơ sở y tế tại chỗ để chăm sóc cho các bệnh nhân: “Tất cả những việc Quân đội làm đến ngày hôm nay, có thể nói rằng là một phần không thể thiếu được, không chỉ trong lực lượng trực tiếp chống dịch, mà trong cả huy động, sự đồng lòng đồng sức của toàn dân tham gia chống dịch. Tôi tin rằng, bệnh viện này nằm ở địa bàn quận 6 và sẵn sàng đón tiếp bệnh nhân không chỉ ở quận 6 mà còn ở các quận lân cận, giúp cho mục tiêu khống chế dịch bệnh ở khu vực này, ở trên toàn thành phố” .
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó thủ tướng Chính phủ, đồng thời giao nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5G: “Tôi đề nghị cán bộ, chiến sĩ tham gia bệnh viện dã chiến 5G hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao cho”.
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Bệnh viện DCTN số 5G: Với bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng thì tỉ lệ tử vong rất cao và công tác điều trị hết sức khó khăn, chúng ta phải dùng các trang, thiết bị máy móc hết sức hiện đại, ví dụ như hệ thống ECMO, hệ thống siêu lọc, máy thở xâm nhập, máy thở không xâm nhập, máy thở oxy dòng cao để điều trị cho bệnh nhân. Và đặc biệt quan trọng là hệ thống oxy trung tâm cũng như là khí nén. Về con người thì phải có đội ngũ bác sĩ hồi sức, truyền nhiễm, cũng như đào tạo chuyên ngành nội khoa phải có kinh nghiệm để điều trị mặt bệnh hết sức mới mẻ này.
Trung tá, bác sĩ Hoàng Đô, hỗ trợ bệnh nhân điều trị đông y: Các bệnh nhân sau khi đã cai được thở máy, chúng tôi hỗ trợ họ luyện tập các bài tập thở, sử dụng các sản phẩm đông y tăng cường sức khỏe, hệ miễn dịch cho cơ thể. Tùy thuộc khả năng phục hồi sẽ xuất viện và về nhà tiếp tục các bài tập đã hướng dẫn.
Nữ bệnh nhân, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh: Bệnh này cái sợ nhất là khó thở, nên khi được điều trị, các bác sĩ hỗ trợ tôi các bài tập để dễ thở hơn. Sau khi ra viện tôi sẽ tiếp tục tập để hồi phục sức khỏe tốt nhất.
Bệnh nhân H.C.Đ, quận 6, TP Hồ Chí Minh: Lúc vào đây tôi không biết gì hết, chỉ cảm thấy là có oxy để thở, sợ lắm. Đến giờ chuẩn bị được ra viện, mừng quá, qua được cửa tử rồi. Cám ơn tất cả các bác sĩ đã cứu tôi.
- Nội dung: HUY ĐĂNG- SONG DUY
- Ảnh: HUY ĐĂNG- SONG DUY
- Kỹ thuật, đồ họa: VĂN PHONG - TÔ NGỌC