LONGFORMĐồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng kỳ tích tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn vẫn mãi trường tồn trong trang sử hào hùng của dân tộc ta. Trong đó có một người là một phần không thể thiếu của Trường Sơn huyền thoại. Đó là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ, trọn nghĩa, vẹn tình với đồng đội.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Đồng Sỹ Nguyên khi ở chiến trường Trường Sơn. Ảnh Tư liệu.

Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào ngày 19-5-1989 trong Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn được tổ chức tại Binh đoàn 12. Lúc đó trụ sở binh đoàn ở xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội). Ngày đó, tôi là trợ lý cán bộ của Binh đoàn 12, thành viên ban tổ chức lễ kỷ niệm. Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi và nhiều đại biểu trong buổi lễ hôm ấy là vị tướng nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) dạn dày trận mạc Đồng Sỹ Nguyên trong khi phát biểu, nhắc tới những đồng đội đã khuất, ông đã không cầm được nước mắt. Khi nhận bó hoa của đồng chí Tư lệnh Binh đoàn 12 trao tặng, ông đã tặng lại Thiếu tướng Võ Bẩm, người đã vâng lệnh Bác Hồ đi mở đường Trường Sơn, đồng thời là người phụ trách Đoàn 559 lúc mới thành lập. Cũng trong buổi lễ kỷ niệm ấy, tôi được nghe khá nhiều chuyện về cuộc đời trận mạc của ông. Có những chuyện đã thành giai thoại.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong một lần tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng. Ảnh: VGP/Trần Hồng.

Đầu năm 1998, để chuẩn bị kỷ niệm 39 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, tôi được tòa soạn Báo Quân đội nhân dân cử đến gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên để ghi lời kể của ông về quá trình xây dựng đường “kín” Tây Trường Sơn-một kỳ tích của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhớ lại những giai thoại về tên gọi của ông, tôi mạnh dạn hỏi chuyện về việc vì sao ông lại mang tên Đồng Sỹ Nguyên, tôi đã nhận được câu trả lời:

- Hầu hết cán bộ của ta hoạt động thời ký bí mật trong vùng địch hậu đều có nhiều tên gọi khác nhau. Riêng tôi tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, tuổi Quý Hợi (sinh năm 1923) tại Quảng Bình. Tôi còn có tên là Nguyễn Đồng, Nguyễn Dũng trong thời kỳ hoạt động bí mật và tên trong danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là Nguyễn Văn Đồng. Năm 1947, tôi với tên gọi là Nguyễn Văn Đồng làm Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch (Quảng Bình) kiêm Huyện đội trưởng và Chính trị viên Huyện đội. Lúc đó trụ sở của huyện đóng ở Chiến khu Trung Thuần. Quân Pháp biết lực lượng của ta non yếu, mở nhiều đợt tấn công vào chiến khu. Bàn đạp của chúng đặt ở đồn Hương Phương, một làng Thiên chúa giáo. Chúng dùng một số phần tử phản động bắt cóc cán bộ, chiến sĩ vệ quốc đoàn… Nhà thờ tôn nghiêm trở thành căn cứ của giặc. Gác chuông thành đài quan sát… Theo chủ trương của huyện ủy, một trung đội Vệ quốc đoàn phối hợp với bộ đội địa phương tiến hành vũ trang tuyên truyền giáo dân không theo giặc chống phá cách mạng, hãm hại cán bộ, bộ đội và giúp đỡ Mặt trận phá tan âm mưu của giặc. Cuộc vũ trang tuyên truyền không thành vì những phần tử phản động cầm đầu đã xúi giục một số ít giáo dân cuồng tín chống lại, đâm chém cán bộ, bộ đội, gây thương vong. Bộ đội phải rút lui. Sau trận đánh này, tôi được Khu ủy Khu IV triệu tập về báo cáo trực tiếp cho Bí thư Khu ủy Hoàng Quốc Việt, sau đó tôi nhận được quyết định của Khu ủy cử tôi làm Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Bình. Đồng chí Hoàng Văn Nhiệm, Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Bình lúc đó đề nghị tôi đổi tên Nguyễn Văn Đồng thành Đồng Sỹ Nguyên để tiện hoạt động trong vùng địch hậu. Tôi vui vẻ nhận lời. Và cái tên Đồng Sỹ Nguyên gắn bó với tôi từ đó cho tới nay.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Theo cuốn sách “Lịch sử Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh”, đầu năm 1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm Tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn. Khi được bổ nhiệm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, tình hình cách mạng miền Nam có những chuyển biến quan trọng, đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn và cấp bách cho chiến trường. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí đã đề xuất giải tán các tuyến, thành lập các binh trạm nhằm tăng cường sự chỉ huy trực tiếp của bộ tư lệnh, đồng thời đẩy mạnh vận chuyển bằng cơ giới. Nhờ giải pháp đó, đến hết năm 1968, Đoàn 559 đã vận chuyển được 42.910 tấn hàng, gấp 14,7 lần giai đoạn I (1959-1965), bảo đảm hành quân cho 70.456 cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại
Ảnh trái: Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (đội mũ vải) nghe báo cáo về kế hoạch triển khai tuyến xăng dầu khu vực 471. (Ảnh tư liệu). Ảnh phải: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đồng Sỹ Nguyên xiết bulông tượng trưng tại lễ nối liền dầm cầu Chương Dương (Hà Nội), ngày 17-2-1985. Ảnh: TTXVN.

Trong giai đoạn 1969-1972, để kịp thời đối phó với âm mưu, thủ đoạn đánh phá điên cuồng của Mỹ, Đoàn 559 đã xây dựng được 5 trục vượt cửa khẩu và 3 hệ thống trục dọc. Đặc biệt, từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1972, Đoàn 559 tập trung mở đường “kín” bảo đảm cho xe chạy ban ngày. Đây là một quyết định táo bạo, quyết đoán và sáng tạo độc đáo của Bộ tư lệnh Trường Sơn mà đứng đầu là đồng chí Tư lệnh để chống chiến tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa sự đánh phá của địch.

Về kỳ tích đường “kín” Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, hào hứng kể: Từ đầu năm 1971, đế quốc Mỹ và tay sai sau khi thất bại ở nhiều nơi trên chiến trường miền Nam, chúng tìm cách đánh trực tiếp vào các đoàn xe vận tải của ta. Từ chỗ dùng máy bay phản lực oanh tạc bắn phá với thời gian không dài, xác suất thấp, chúng chuyển sang dùng máy bay AC-130 có tốc độ bay chậm, thời gian ở trên không lâu, với những trang thiết bị trinh sát mới có khả năng phát hiện mục tiêu nhanh về ban đêm, tạo thành các pháo đài hiện đại đi dộng trên bầu trời, đánh trực tiếp vào xe vận tài, khiến ta không sử dụng được đội hình xe vận tải lớn, tốc độ vận chuyển chậm và gây thiệt hại khá nghiêm trọng về người, xe của ta.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại
Chính ủy Trung đoàn 515 Hoàng Anh Tuấn (bên trái) cùng Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên (giữa) ngày ở Trường Sơn. Ảnh: htv.com.vn.
Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Trường Sơn

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Trước thủ đoạn đánh phá ngăn chặn mới của địch và yêu cầu chi viện cho chiến trường lớn hơn, nhanh hơn, Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã thực hiện hàng loạt các biện pháp chống ngăn chặn bằng sức mạnh của một binh chủng hợp thành, như: Tập trung cao xạ, tên lửa đánh mạnh máy bay; mở thêm các đường nhánh để phân tán đội hình xe; tổ chức nghi binh thu hút địch vào một số tuyến… Các giải pháp đó đều có tác dụng tốt nhưng hiệu suất vận tải vẫn chưa cao và phải trả giá quá đắt.

Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn trong khi nghiên cứu các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của chiến trường đã phát hiện yếu tố địa lợi ở cao nguyên phía tây Trường Sơn, rừng đại ngàn dù bị chất độc hóa học do Mỹ thả nhưng vẫn xanh tốt, chạy suốt từ Trung Lào, Hạ Lào, nối với Tây Nguyên của Việt Nam và Đông Bắc Campuchia. Yếu tố địa lợi đó là cơ sở để Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn nghiên cứu xây dựng một tuyến đường “kín”. Lấy rừng đại ngàn làm màn ngụy trang kín đáo, khổng lồ.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101, Bộ đội Trường Sơn. Ảnh Tư liệu.

Để giữ được bí mật cao nhất, lâu nhất, khi thiết kế tuyến đường “kín”, Bộ tư lệnh cho phép đường được lượn vòng và kéo dài để tránh tối đa việc chặt phá cây rừng. Nền đường chỉ rộng 4 mét, bảo đảm cho tán cây hai bên đường giao nhau. Ở những vị trí thuận lợi qua rừng già thì phải mở thêm một tuyến song song để sử dụng hai chiều. Từ một đến hai cây số phải có một đoạn đường tránh dài từ 150 mét đến 200 mét có tính chất như một nhà ga để điều chỉnh xe đi hai chiều. Ở một vài điểm cục bộ, đường đi qua không có cây, công binh phải làm màn ngụy trang nhân tạo bằng cách bứng cây to về trồng hai bên đường, có xe téc tưới nước, khi cây chết phải thay ngay. Cũng có chỗ làm giàn phong lan ngụy trang kín đường.

Mạng đường “kín” xuất hiện trong thời gian ngắn tạo ra bước ngoặt lớn trong sự phát triển của tuyến chi viện chiến lược. Đội hình xe từ chỗ chỉ chạy chủ yếu vào ban đêm đã chuyển sang chạy vào ban ngày, cung vận chuyển dài hơn, Đặc biệt, đường kín đã ngăn chặn được sự đánh phá bằng máy bay AC-130 hiện đại của địch, bảo đảm an toàn cho cả người và xe của ta.

Mạng đường “kín” Tây Trường Sơn là một công trình sáng tạo độc đáo, một công trình huyền thoại có ý nghĩa về chiến lược trong tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Điều khá thú vị là sau khi mạng đường “kín” Tây Trường Sơn hoàn thành, việc vận chuyển hàng hóa trên Đường Hồ Chí Minh chủ yếu vào ban ngày theo đường kín, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng các tuyến đường cũ để nghi binh lừa địch. Bộ đội ta đặt những bình ắc-quy trên đường cũ vào ban đêm, tạo ra ánh sáng bằng những bóng đèn như đèn gầm ô tô. Thế là các thiết bị điện tử hiện đại của địch cứ tưởng đó là đoàn xe thật, gọi máy bay đến bắn phá.

Trước đó, trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, Bộ đội Trường Sơn đã có nhiều hoạt động nghi binh lừa địch. “Lúc đầu, pháo phòng không, tên lửa của ta vẫn nằm im lìm dưới những tán rừng già, chỉ cho các loại súng đại liên, súng bộ binh ra đánh “kéo” máy bay đến. Chờ khi nào có trên 30 chiếc bay vào “túi lửa” phòng không mới xả đạn. Bộ đội kiên trì nhử đến ngày thứ 6, địch đi một đoàn trực thăng ào ào đổ quân xuống. Lập tức, ta phụt “túi lửa” ra tiêu diệt, chỉ hai ngày đã quét sạch hơn 100 máy bay trực thăng. Đây là trận đánh “đẹp” hiếm có trên thế giới”- Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kể.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Ảnh trái: Ông từng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng của hai bộ là Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải.

Ảnh phải: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đồng Sỹ Nguyên (thứ ba từ phải sang) cùng các chuyên gia Liên Xô và công nhân Việt Nam đón Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đến thăm công trường xây dựng cầu Thăng Long, ngày 5-11-1983. Ảnh: TTXVN.

Giai đoạn đồng chí Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thiện 3 phương thức vận tải cơ giới-đường bộ, đường sông và đường ống; trong đó lấy vận tải ô tô là chính, đường ống là quan trọng, vận tải đường sông là hỗ trợ. Chỉ trong hơn 2 năm (1973-1975), Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển binh lực, hỏa lực, vũ khí kỹ thuật, bảo đảm hành quân tăng gấp 318 lần so với giai đoạn 1959-1964 và đưa đến các chiến trường trước 3 tháng. Trong giai đoạn này, Bộ đội Trường Sơn còn tham gia nhiều chiến dịch lớn, như Chiến dịch Tây Nguyên, góp phần hết sức quan trọng giải phóng Tây Nguyên. Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Trường Sơn đã huy động hơn 2.000 xe ô tô của 2 sư đoàn làm nhiệm vụ cơ động khẩn cấp 3 quân đoàn (Quân đoàn 1, 2, 3) và 90 đoàn binh khí kỹ thuật vào tham gia các chiến dịch; vận chuyển 61.000 tấn đạn cho chiến dịch, bắc lại hàng trăm cây cầu bảo đảm giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A từ Quảng Trị vào Đồng Nai; tổ chức nhiều điểm cấp phát xăng dầu, bảo đảm cho các phương tiện cơ động tham gia chiến dịch.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Chiến công của Bộ đội Trường Sơn là vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn từ đầu năm 1967 đến 30-4-1975, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, hoàn thành xuất sắc 5 nhiệm vụ chiến lược do Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao, có ý nghĩa chiến lược rút ngắn thời gian giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Ảnh trái: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) cùng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (giữa) và Chính ủy Đặng Tính đến thăm bộ đội Trường Sơn vào năm 1973.

Ảnh phải: Bộ đội chi viện chiến trường miền Nam qua đường Trường Sơn.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Trong thời gian công tác tại Binh đoàn 12, đơn vị kế tục truyền thống của Bộ đội Trường Sơn và những năm làm báo sau này, tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều đồng đội của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và đều nhận được những lời rất xúc động về vị tư lệnh thương yêu cấp dưới. Trong thời gian đồng chí Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Đoàn 559, đường Trường Sơn từ con đường mòn nhỏ đã trở thành tuyến giao thông vận tải chiến lược với cả hệ thống đường được mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm". Con đường này lúc cao điểm có hơn 10 vạn bộ đội, hơn 1 vạn thanh niên xung phong.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Nói chuyện với tôi về đường Trường Sơn, nhắc tới các đồng đội đã hy sinh trên tuyến chi viện chiến lược này, thỉnh thoảng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lại lấy khăn lau nước mắt. Ông cho biết: Trên tuyến đường này, hơn hai vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh; hơn hai vạn người bị thương và biết bao người bị nhiễm chất độc hóa học…

Ngay trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta bước bào giai đoạn ác liệt nhất, đánh giá và nhận định về xu thế của chiến trường và lường trước những khó khăn trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ thị cho các lực lượng tìm kiếm, cất bốc và quy tập các hài cốt liệt sĩ. Nếu không có sự chủ động như vậy, sau khi giải phóng các lực lượng rút dần thì với hơn 20.000 liệt sĩ hy sinh nằm rải rác trên núi rừng Trường Sơn sẽ gặp biết bao khó khăn và không thể có hơn 10.000 hài cốt liệt sĩ được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Đây là sự tri ân sâu sắc đối với các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Để trọn tình, trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội đã hy sinh, đầu năm 1974, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Bộ tư lệnh Trường Sơn đã quyết định xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tại khu đồi Bến Tắt, nằm ở chân phía đông dãy Trường Sơn, cạnh trục đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn. Khu đồi Bến Tắt ở bờ nam sông Bến Hải, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cũng là nơi đóng Sở chỉ huy của Bộ tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn do ông đề xuất xây dựng hoàn thành 10-4-1977.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn do Bộ đội Trường Sơn thiết kế, quy hoạch. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp duyệt bản thiết kế quy hoạch này, đồng thời giao các đơn vị thuộc Bộ đội Trường Sơn xây dựng. Hơn một vạn phần mộ liệt sĩ được chính đồng đội của mình đã chiến đấu ở Trường Sơn quy tập về đây chôn cất và chăm sóc.

Sau này, khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được phân công sang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, rồi Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ... ông vẫn nặng lòng với đồng đội cũ và gắn bó với Bộ đội Trường Sơn.

Từ năm 2011 đến khi từ trần, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Ảnh 1: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sỹ Nguyên (bên trái) cùng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đến thăm công trường xây dựng cầu Thăng Long, ngày 5-11-1983. Ảnh: TTXVN.

Ảnh 2: 11 giờ ngày 18-10-1983, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sỹ Nguyên (giữa, áo trắng, đội mũ) cùng các chuyên gia Liên Xô và người lao động Việt Nam thực hiện nghi thức vặn chiếc bu-loong cuối cùng trên công trường xây dựng cầu Thăng Long, nối liền 2 bờ Nam Bắc của công trình mang biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Xô này. Ảnh: TTXVN.

Ảnh 3: Ngày 20-6-1985, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sỹ Nguyên đến kiểm tra công trình xây dựng cầu Chương Dương và trực tiếp quét sơn lan can cuối cùng trước lễ thông cầu, 30-6-1985. Ảnh: TTXVN.

Ảnh 4: Lễ tuyên thệ vượt cung đường lửa - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm ATP. Ảnh: TTXVN.

Ảnh 5: Đoàn xe vận tải quân đội 559 đưa hàng hóa vào chiến trường, vượt qua trọng điểm Ngã 3 Đồng Lộc, Nghệ Tĩnh. Ảnh: TTXVN.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại
Gia đình bốn thế hệ của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: htv.com.vn.

Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, mọi lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn đều xứng danh anh hùng. Bằng nỗ lực cao độ của mình, cán bộ và chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn đã góp phần to lớn thực hiện một sáng tạo trong nghệ thuật quân sự-cơ giới hóa bộ binh, tạo nên khả năng cơ động cao, sức đột kích mạnh của các binh đoàn chủ lực, nhanh chóng đè bẹp mọi sự phản kháng của kẻ thù, giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng-Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngày đưa Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên về nơi an nghỉ cuối cùng là một ngày khá đặc biệt. Chúng tôi vô cùng xúc động khi được đội ngũ cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn từ mọi miền đất nước, từng hàng dài, tề tựu về nhà tang lễ để vĩnh biệt vị Tư lệnh yêu quý của mình. Trong đội ngũ ấy, có cả các thương binh ngồi trên xe lăn, có người chống gậy… Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt vị Tư lệnh huyền thoại của mình, nhiều người đã không kìm nổi nước mắt.

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại

Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại
Lễ gặp mặt kỷ niệm 58 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh.

  • Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của Trường Sơn huyền thoại
  • Nội dung: ĐỖ PHÚ THỌ
  • Ảnh: TTXVN, TƯ LIỆU, BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
  • Kỹ thuật, đồ họa: VĂN PHONG - TÔ NGỌC

top