LONGFORMTrung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm quê ở xã Khánh Phú, Yên Khánh, Ninh Bình. Làng ông, ngày xưa gọi là Trung Đồng. Ở ngay chỗ lái bầu. Con sông Đáy lượn qua thành phố Ninh Bình êm đềm chảy về đến chỗ đó phình ra là như trái bầu. Làng ở giữa, xung quanh ba mặt là sông, một bên là đường 10. Bên kia sông là huyện Ý Yên, Nam Định. Cứ như theo hình sông thế đất thì nơi đây được gọi là... địa linh nhân kiệt.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh

Thời còn nhỏ, ông Khảm được gọi là... “thằng Lỳ”. Quái danh này là do ông bố đặt cho. “thằng Lỳ” có phẩm chất chiến trận từ bé. Bọn trẻ con cùng tuổi tụ tập, bao giờ “cu Lỳ” cũng là đứa đứng đầu bày trò chơi. Những năm 11, 12 tuổi đi chăn trâu cắt cỏ, “cu Lỳ” đã đầu têu đánh nhau với trẻ con làng bên. “cu Lỳ” cưỡi con trâu mộng sừng cánh ná dẫn đầu bọn trẻ trâu làng Trung Đồng bơi qua sông Đáy sang đánh nhau với trẻ con Ý Yên. Ầm ĩ cả một đoạn sông. Náo động cả một vùng.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh
Ảnh minh họa.

« Biến cố » đầu đời của tướng quân Nguyễn Hữu Khảm ấy là đận cả nhà thiên di lên miền ngược. Dạo đó, là tháng 11-1963, ông mới 15 tuổi đang học cấp 2. Chẳng biết bố mẹ bàn nhau lúc nào, chỉ thấy bố đi họp ở xã về, bảo rằng đi... khai hoang Tuyên Quang.

Nơi lập nghiệp mới là xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Ở quê mới, chàng trai Nguyễn Hữu Khảm vẫn tiếp tục đi học. Đi đường rừng. Trường lớp cách nhà 12 cây số, toàn cuốc bộ. Học dở lớp 9, thì vào quân ngũ. Kỷ niệm thời đi lính của ông vô cùng sinh động, sinh động cũng y như cái thời ở quê Ninh Bình chỉ huy trẻ trâu bơi qua sông Đáy đánh nhau với trẻ con Ý Yên vậy. Trước ngày nhập ngũ, rời bản, chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Khảm lấy vôi tôi viết lên cái quạt lúa dòng chữ: “Đại tướng Nguyễn Hữu Khảm!”

Năm tháng thời gian qua đi, cái quạt lúa cũ kỹ mang màu thời gian ấy vẫn còn. Ông Khảm lên tướng, về quê Tân An, gặp ông Chủ nhiệm Hợp tác xã năm xưa, tóc đã bạc phơ phơ. Ông ấy chỉ vào cái quạt lúa ấy bảo: “Chú Khảm còn nhớ dòng chữ ngày trước chú viết không?”.

Vẫn nhớ, nhưng không nghĩ là nó còn. Dòng chữ “Đại tướng Nguyễn Hữu Khảm!” vẫn còn, mờ mờ. Lòng ông chợt chùng xuống! Thời gian trôi nhanh quá! Đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Vật đấy. Chữ đấy. Người đây. Tất cả đều đã cũ, nhưng vẫn còn vẹn nguyên.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm lúc làm Trung đoàn trưởng. Ảnh TL

Nhập ngũ, chàng trai Nguyễn Hữu Khảm vào Trung đoàn 148, Sư đoàn 316.

Rất lạ! ông ở Trung đoàn 148 từ lúc còn mang quân hàm binh nhì, chiến sĩ tuần tự mà tiến, chỉ chiến đấu mà lên tận Trung đoàn trưởng.

Đi chiến đấu mãi rồi cũng phải đến lúc đi học. Trước hết, ông được đi học bổ túc văn hóa một thời gian hết cấp 3. Sau đó vào học khóa Chỉ huy - tham mưu chiến lược chiến dịch của Học viện Quân sự cấp cao, (bây giờ là Học viện Quốc phòng) 3 năm. Học xong về làm Phó sư đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Sư đoàn dẫn quân đi đánh nhau ở Vị Xuyên. Khi lên Sư trưởng, ông Khảm đi học Bổ túc A. Năm 1993, học xong ông về làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2. Năm 1998, làm Cục phó Quân huấn. Năm 1999, ông giữ chức Cục trưởng và được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 2002 giữ chức Phó tổng Tham mưu trưởng và năm 2004 được phong quân hàm Trung tướng.

Năm 1972, đánh nhau rất ác liệt, triền miên hết mùa khô đến mùa mưa. Ở cánh đồng Chum, đồng chí Nguyễn Hữu Khảm làm Chính trị viên phó Tiểu đoàn 5 bộ binh, Trung đoàn 148. Ông đi cùng Đại đội 5 phục kích khi địch rút chạy. Theo kế hoạch hợp đồng của Trung đoàn thì Tiểu đoàn 2 đánh trước để cắt đuôi, nhưng không tìm ra địch, không đánh được.

Tiểu đoàn ông cũng không đánh được. Thông tin không thông suốt. Hợp đồng chệnh choạc. Sáng bạch có lệnh tiểu đoàn rút. Lính tráng thả cửa chạy hết về sở chỉ huy tiểu đoàn. Trên đồi, địch gọi máy bay và pháo rập vào đội hình. Cả chính trị viên Tùng, tiểu đoàn trưởng Tới, tiểu đoàn phó Khoa... hy sinh. Cán bộ tiểu đoàn chỉ còn ông Khảm đi với Đại đội 5 và Trung đội giữ cứ thì còn sống. Tiểu đoàn hơn 500 quân, chỉ còn hơn năm chục tay súng. Tổn thất quá lớn. Tiểu đoàn coi như mất sức chiến đấu.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh

Đánh không được lại bị bao vây. Ban ngày, quan sát tìm kiếm xác anh em nằm rải rác trên đồi. Nhìn thấy rõ cả bọn địch lật xác lính ta lên, gài lựu đạn ở dưới. Đau xót lắm! Cánh ông Khảm cứ ban ngày quan sát để định hướng chờ đêm xuống mò vào lấy liệt sĩ. Bế thân xác anh em ra thì hy sinh tiếp.

Rút kinh nghiệm, các ông buộc dây kéo. Khổ nỗi ban ngày hết nắng, lại mưa, thịt rữa dần. Có lần mỏ vịt tự bung ra, lựu đạn nổ tung xác anh em mình lên trời, rơi xuống. Xót xa lắm. Có trường hợp chôn xong, ngụy trang không kỹ. Máy bay L19 phát hiện bắn đạn khói xuống. Pháo khoan bắn tới. Thân xác anh em đằng mình lại tung lên lần nữa. Chờ yên yên, mới lò dò ra nhặt nhạnh từng mẩu xương, miếng da thịt anh em mình để chôn lại.

Sau một tháng, Chính trị viên phó tiểu đoàn Nguyễn Hữu Khảm mới dẫn được khoảng 30 lính tráng tơi tả, thất trận, vượt vòng vây ra ngoài. Để có chiến thắng cuối cùng, không phải trận nào cũng thắng lợi.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh

Sau 8 năm biền biệt ở chiến trường về, chàng Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Hữu Khảm mới được về phép.

Vượt qua đèo, sang cuối dốc thì trời đã vãn chiều. Ánh nắng cuối ngày sắp khuất. Hoàng hôn miền rừng đỏ ối đang xuống nhanh. Lòng lâng lâng một chút lãng mạn với phong cảnh hữu tình quê nhà. Chàng Chính trị viên tiểu đoàn quay đầu nhìn bao quát bốn phương tám hướng.

Không gian núi rừng xanh mát mắt, thì bỗng dưng ánh mắt anh bắt gặp trên đỉnh đèo, hai cô gái đội nón trắng đi chung một xe đạp đang đổ dốc. Linh tính người lính trận báo cho anh biết rằng xe đổ dốc nhanh đến chỗ đường khó đi này, rất có thể hai cô gái bị ngã. Anh quay người lại và sẵn sàng tư thế, nếu xe đổ thì giơ tay đỡ.

Quả nhiên, xe đổ dốc đến chỗ anh đứng, thì chệnh choạng. Đôi bàn tay vâm váp của người lính trận kịp giơ ra nắm lấy ghi đông và hãm xe lại.

Cô gái ngồi trên yên xe nhảy phốc xuống, hét ầm lên:

“Anh Khảm!... Có phải anh Khảm không?”

Bất ngờ quá! Thì ra là người quen. Cô gái cầm ghi đông hồ hởi, tíu tít. Còn cô gái ngồi trên gabaga xe đạp thì miễn cưỡng bước xuống theo. Cúi gằm mặt. Cô lấy nón thẹn thùng che cái bụng. Cùng lúc ấy, chàng Chính trị tiểu đoàn nhận ra... người yêu của mình. Cái bụng cô đã lùm lùm to.

Như sét đánh giữa trời quang mây tạnh. Mặt chàng tối sầm lại. Chàng chiến chinh xa nhà đâu ngờ nàng đã lấy chồng. Chiến tranh bao giờ cũng nghiệt ngã như thế. Đành rằng, mình báo tử ba năm rồi và không thư từ về thì người ta đi lấy chồng cũng là phải đạo. Chẳng ai có lỗi trong chuyện này! Nhưng, gặp ai chẳng gặp lại gặp nàng với cái bụng lùm lùm to ở cuối dốc trong ngày đầu tiên trở về.

Tám năm xa quê là một cái chớp mắt của tạo hóa, nhưng là cả đoạn đời tuổi trẻ của một con người. Bao gạo bẩy cân vắt trên nắp ba lô. Con búp bê. Súng lục khoác hông. Náo nức. Nhà đây rồi. Nhà mình mà cái gì cũng lạ. Nguyễn Hữu Khảm nhìn thấy khói bếp mơ màng trên mái gianh. Anh rút then cài cổng.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh

Những giây phút bên gia đình.

Nghe tiếng chó sủa, một người đàn bà tóc bạc trắng, chạy từ trong nhà ra. Bà nhìn người khách đóng quân phục đeo kính râm bằng con mắt xa lạ. Anh nhận ra mẹ mình. Lúc anh đi, tóc mẹ còn xanh đen.

Lúc anh về mái đầu mẹ trắng bạc. “Me... ẹ!” Tiếng anh gọi mẹ như người kêu lên thống thiết lẫn tiếng gà quang quác kêu. Bà nghe không rõ tiếng anh, cũng kêu to: “Vâng! anh vào chơi”. “Con đây. Con Khảm đây mà!” Mẹ anh đứng sững người. Bà im lặng, cái sự lặng im lạnh đến gai người. Rồi bà chợt tỉnh, bà kêu: “Ối làng ơi! ối nước ơi! con tôi còn sống”.

Bà chạy. Chạy ra ngoài cổng, ngã dúi ngã dụi. Rồi chạy đi đâu chẳng rõ. Anh không kịp theo mẹ. Chỉ nghe tiếng bà vọng lại: “Ối ông ơi! con còn sống”... “ối làng nước ơi! con tôi còn sống”...

Thì ra mẹ anh chạy theo con đường giữa bản, chạy lên chỗ bố anh và xã viên hợp tác xã đang làm nương. Mừng quá! Bà truyền đi thông điệp cho cả làng bản, cho chồng con rằng con mình còn sống.

Mọi người ồn ào đổ về. Cả bản làng dồn đến. Lúc ấy, mẹ anh mới sờ đầu, nắn tay, nắn chân anh..., xem anh có sống thật không? Lúc ấy, mẹ anh mới thực sự tỉnh táo để tin con trai đi trận còn sống trở về.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh

Trước khi về Bộ Quốc phòng ở Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm có cả thảy 32 năm ở miền núi. Hết núi rừng Lào đến Tây Nguyên rồi Tây Bắc. Cô giáo Đỗ Thị Thực dạy học ở thành Tuyên, đẹp lung linh trong mắt các chàng trai. Suốt ngày các em phải đun nước tiếp các chàng trai đến tán chị Thực.

Vậy mà, như duyên số, cuộc đời bà lại gắn với một anh sĩ quan xa nhà. Sĩ quan nghèo, chứ lúc đó có biết sau này ông Khảm trở thành tướng quân đâu. Bà Thực bảo: Lúc yêu và lấy ông Khảm, bà không có khái niệm gì về quân hàm, cấp bậc, chức vụ quân đội. Chỉ biết yêu một anh bộ đội, nghe nói là sĩ quan. Chứ có biết sao gạch thế nào đâu.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm tâm sự: “Anh có được như ngày nay là do chị. Anh biết ơn chị. Hơn 20 năm mẹ chồng nàng dâu sống với nhau trong nhà, mà không nói nặng với nhau một lời. Mẹ chồng thương con dâu như con gái”. Có lẽ là hai người đàn bà hợp tính hợp nết. Cũng rất có thể người vợ yêu chồng là yêu tất cả những gì thuộc về chồng. Phải yêu chồng, tự hào về chồng biết bao nhiêu mới làm được cái việc vĩ đại ấy.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh

Khoảnh khắc đời thường của Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm bên người vợ thân yêu. Ảnh TL

Năm 1979, sau chiến tranh biên giới, lên Phố Lu, còn tan hoang, đổ nát. Đêm dài đằng đẵng nằm một mình nghe tiếng mọt giường đục gỗ, nhớ chồng quay quắt không chịu nổi, chị Thực... bắt xe ngược lên biên giới.

Nhạc sĩ Thuận Yến dẫn Đoàn nghệ thuật Quân khu 2 xuống Trung đoàn ông Khảm biểu diễn. Buổi chiều, cô giáo Thực đang phơi ngô cùng hai công vụ. Ông Thuận Yến thấy lạ. Ở doanh trại dã chiến tận miền biên viễn xa xăm mà lại có người con gái trẻ đẹp lam làm như lính tráng đơn vị. Ông Thuận Yến hỏi: “Chị ở đâu? chị làm nghề gì?”.

Cô giáo rụt rè thưa: “Em ở dưới Tuyên Quang. Em làm giáo viên. Nghỉ hè, lên thăm chồng em”. Ông Thuận Yến hơi nhíu mày. Hình như có một ý tưởng nghệ thuật lóe sáng trong đầu, ông bảo: “Hay quá! với câu chuyện này, tôi sẽ nghĩ ngợi và sáng tác một bài hát tặng chị”. Cô giáo Thực bảo: “Anh tặng cho tất cả những người vợ lính nữa nhé”.

Năm tháng thời gian qua đi. Bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” vang lên khắp các miền và có chỗ đứng trong nền âm nhạc nước nhà. Ít người biết nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc bài thơ của Dương Soái để tặng vợ anh Trung đoàn trưởng và những người vợ lính. Tác phẩm đôi khi được hình thành từ câu chuyện, hình ảnh ngoài đời gần gũi như thế.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm và vợ trở về bến sông Đáy quê hương. Ảnh TL

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm được lãnh đạo Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ phụ trách công tác huấn luyện và công tác nhà trường trong toàn quân. Ông chủ trương thông qua huấn luyện để làm rõ tính chất của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc khác với chiến tranh giải phóng. Vừa bảo vệ Tổ quốc, nhân dân, vừa bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Chống diễn biến hòa bình cũng là bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh
Đại tá Nguyễn Hữu Khảm lúc làm Cục trưởng Cục Quân huấn đi thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa. Ảnh TL

Hiện nay, binh lính sĩ quan đang mặc bộ quân phục mới màu xanh ô liu là chủ đạo. Các mẫu quân phục như quần áo, váy, mũ, giầy, nền quân hiệu... đã thay đổi về chất liệu và kiểu dáng. Lúc áp dụng mặc thí điểm, nhiều người còn lạ và băn khoăn, nhưng thời gian đã khẳng định bộ quân phục màu ô liu rất đẹp và hợp với quân đội ta.

Rất ít người biết Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Phó tổng Tham mưu trưởng là người đưa ra ý tưởng đầu tiên và đề xuất thay đổi quân phục. Câu chuyện bắt đầu là Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm đi kiểm tra Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, xuống một trung đoàn.

Đi theo có cả sĩ quan hậu cần, quân nhu, tham mưu, chính trị. Nhìn thấy bộ đội ăn mặc nhiều kiểu dáng, màu sắc quân phục quá. Ông yêu cầu tập trung trung đoàn, và đếm xem có bao nhiêu kiểu quần áo, màu sắc. Kết quả thật bất ngờ, 1 trung đoàn có quá nhiều kiểu quần áo các loại.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh
Một số hình ảnh và hoạt động của Phó Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Khảm. Ảnh TL

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm về, nung nấu suy nghĩ, báo cáo với lãnh đạo Bộ tổng Tham mưu thống nhất với Tổng cục Hậu cần phải thay đổi quân phục. Rồi báo cáo với Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Bộ trưởng chỉ đạo: Thay đổi gì thì màu sắc, kiểu dáng cũng phải thống nhất. Họp hàng chục cuộc. Tham khảo, phân tích, xem xét hàng chục kiểu quần áo để chọn. Hôm họp cuối cùng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, hỏi cần bao nhiêu tiền để có thể thay đổi? Lãnh đạo Cục Tài chính đưa ra báo cáo chi phí. Bộ trưởng gật đầu, quyết định rồi báo cáo thông qua Chính phủ.

Chào không mũ, cái mũ nồi, quân phục rằn ri, “đổi mới, quy chuẩn nghi lễ, quy cách phát phần thưởng”... Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm cũng là tác giả. Dĩ nhiên, làm được các việc đó còn có lãnh đạo Bộ tổng Tham mưu, là Tổng cục Hậu cần, Cục Tài chính và được Đại tướng Phùng Quang Thanh ủng hộ. Có thể nói đó là một thời huy hoàng trong chỉ đạo huấn luyện toàn quân của Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh

Bây giờ, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm đã trở về với cuộc sống đời thường. Ông sống với vợ con ở Hà Nội. Có những đêm đông Hà Nội giá rét, nằm trong chăn ấm, chợt nhớ đến những ngày trận mạc gian khổ, hy sinh.

Nhớ những ngày dọc đường chiến chinh. Nhớ một thời tuổi trẻ trận mạc ở Lào với Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng. Nhớ chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam bộ và năm tháng đánh giặc bảo vệ biên giới phía Bắc... Bỗng chốc, trong lòng lại xót xa, thương hơn 5000 đồng đội ở mặt trận Vị Xuyên mãi mãi không về.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm trở lại bến sông tuổi thơ. Ảnh Sương Nguyệt Minh.
  • Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - Dọc đường chiến chinh
  • Nội dung: Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH
  • Ảnh: Tư liệu và nhân vật cung cấp
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
top