Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 4)
Do thiếu hiểu biết hoặc có ý đồ “dắt mũi” dư luận, một số cá nhân, tổ chức vẫn thường rêu rao luận điểm: Ở Việt Nam chỉ có một đảng chính trị duy nhất cầm quyền thì không thể có tự do, dân chủ; quyền con người trong lĩnh vực chính trị sẽ không được tôn trọng và đảm bảo. Trên thực tế, chưa bao giờ như bây giờ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước, tự do dân chủ, quyền con người của nhân dân Việt Nam được đảm bảo; người dân tham dự ngày càng sâu rộng vào đời sống chính trị, vào việc quản lý Nhà nước và xã hội. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ; PGS, TS Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương và TS Lương Hoài Nam, Phó chủ tịch Công ty Cổ phần công nghệ du lịch Gotadi.
Phóng viên (PV): Với tư cách hình thức chính trị-nhà nước, dân chủ xã hội chủ nghĩa tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân như thế nào, thưa ông?
PGS, TS Phạm Văn Linh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã nêu rõ: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”. Chúng ta có thể hiểu, trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam nhất thiết phải xây dựng, củng cố dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhân dân có quyền làm chủ, tất yếu quyền con người trong tất cả các lĩnh vực sẽ được đảm bảo, tôn trọng.
Xét về bản chất, dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ tiến bộ, mô hình dân chủ nhân văn. Đây là nền dân chủ của đa số người dân, không phải của thiểu số bóc lột, đặc quyền, đặc lợi; mọi quyền lực thuộc về nhân dân lao động; không ngừng mở rộng dân chủ gắn với tăng cường kỷ cương, pháp luật.
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý đều nhằm mục tiêu thực thi quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân tin vào Đảng, vào Nhà nước; góp ý xây dựng đường lối phát triển đất nước; phát hiện, tiến cử và giám sát cán bộ thực hiện đường lối; và nhất là đổ mồ hôi xương máu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Yếu tố bảo đảm duy trì một cách tự nhiên sự vận hành và mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân chính là sự thống nhất từ trong bản chất, mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Nhà nước luôn vì lợi ích nhân dân; mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân suốt chiều dài lịch sử.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Bản chất của dân chủ tức là dân là chủ và dân làm chủ. Điều này được thể hiện ngay từ ngày lập quốc, trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không phải ngẫu nhiên Người trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Người Việt Nam đổ máu mấy chục năm sau đó để chống ngoại xâm cũng vì các quyền lợi dân tộc, quyền con người. Dân tộc Việt Nam đã chấp nhận cái giá rất lớn của sự hy sinh, đổ máu vì nhân quyền, đó thực tế không ai có thể chối cãi. Độc lập dân tộc là cơ sở để bảo vệ quyền cơ bản của con người mà trong chiến tranh không phải lúc nào cũng thực hiện được.
Từ Đổi mới (1986) đến nay, quyền con người ở Việt Nam trong lĩnh vực chính trị đạt nhiều thành tựu quan trọng thể hiện ở hai khía cạnh: Hệ thống pháp luật bảo vệ quyền con người và các biện pháp, hình thức cụ thể.
Hiến pháp năm 2013 kế thừa và phát triển các chế định quyền con người, quyền công dân, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chính đáng và ngày càng tăng về quyền và tự do của nhân dân, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Hiến pháp 2013 có 11 chương, 120 điều, trong đó có 36 điều Chương II chế định trực tiếp các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới nhiều đạo luật liên quan đến quyền con người, trong đó đáng chú ý là: Luật Trưng cầu ý dân; Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Căn cước công dân; Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)...
Về biện pháp, hình thức cụ thể về việc dân chủ ngày càng mở rộng xã hội thì rất nhiều, tôi có thể dễ dàng kể ra một số ví dụ: Các kỳ họp Quốc hội diễn ra các phiên chất vấn công khai; lãnh đạo địa phương định kỳ tiếp dân; công khai các dự án luật để người dân góp ý kiến; công dân tự do đi lại, cư trú…
Tóm lại, Đảng, Nhà nước, với tư cách là những người phục vụ, luôn đặt quyền lợi của người dân lên trên hết, chứ không phải ban phát quyền lợi cho người dân.
PV: Ông có thể giải đáp cho những băn khoăn của một số người về vấn đề: Quyền con người được tôn trọng, đảm bảo như thế nào trong cơ chế một đảng duy nhất cầm quyền?
PGS, TS Phạm Văn Linh: Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước, xã hội là lựa chọn tất yếu của lịch sử, của nhân dân Việt Nam. Từ thân phận nô lệ, nước mất nhà tan, nước ta lại có tên trên bản đồ thế giới, giành được độc lập, tự do; tiến hành công cuộc đổi mới đạt được nhiều thành tựu to lớn, đời sống nhân dân no ấm, được cả thế giới thừa nhận, ngưỡng mộ. Không có sự lãnh đạo của Đảng, làm sao đất nước ta, nhân dân ta có được cơ đồ như ngày hôm nay. Nếu ai đó còn băn khoăn vấn đề quyền con người có được tôn trọng, đảm bảo khi chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền thì tôi nghĩ họ chưa tìm hiểu, chưa so sánh thực tế đời sống kinh tế, xã hội hiện nay với những thời kỳ trước đây; chưa tận mắt chứng kiến được những đợt sinh hoạt chính trị lớn của cả nước như bầu cử Quốc hội, góp ý kiến dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng...
TS Lương Hoài Nam: Cá nhân tôi và nhiều người khác đều cho rằng: Đa đảng không đồng nghĩa với dân chủ và quyền con người vì thế sẽ được đảm bảo. Nhìn lại lịch sử, nhiều nước tồn tại chế độ đa đảng nhưng vẫn có những nhà độc tài bằng nhiều thủ đoạn chính trị lên nắm quyền, bóp chết dân chủ, vi phạm quyền con người; hoặc các đảng phái không vì lợi ích chung đất nước và nhân dân, mà tranh giành quyền lực, khiến xã hội bất ổn.
Thời gian này, tôi đang sống ở Singapore - đất nước có lịch sử gần 60 năm độc lập, mà trong quãng thời gian đó Đảng Hành động nhân dân (PAP) nắm quyền liên tục. Tôi đã trao đổi với nhiều người dân lao động ở “quốc đảo sư tử”, họ đều cho rằng chẳng có đảng nào tốt hơn PAP vì đảng này luôn lo nghĩ cho người dân thông qua các chính sách đảm bảo phúc lợi xã hội như nhà ở giá rẻ, bảo hiểm xã hội… Mặt khác, bản thân họ biết rất rõ vị thế đất nước Singapore dưới sự nắm quyền của PAP lên cao như thế nào, được thế giới tôn trọng ra sao. Cho nên thời nay không ai còn bàn luận nhiều về chuyện đa đảng hay một đảng cầm quyền, miễn làm sao đảng chính trị cầm quyền phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết.
Bản thân tôi thấy rằng, quyền con người ở Việt Nam dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng có nhiều tiến bộ rõ rệt. Riêng trong lĩnh vực chính trị, chỉ nhìn vào việc có nhiều hình thức tương tác, tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với chính quyền để giải quyết vấn đề bức xúc trong đời sống, quả thực không khác biệt so với một số quốc gia luôn tự xưng là tự do dân chủ nhất.
PV: Trong đời sống chính trị Việt Nam trong 10 năm qua, xây dựng, chỉnh đốn Đảng có bước đột phá lớn, đặc biệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng, việc loại bỏ những người nắm giữ quyền lực thoái hóa biến chất sẽ góp phần khiến hệ thống chính trị trong sạch, liêm chính, quan tâm đến quyền lợi nhân dân và vì thế quyền con người cũng được thúc đẩy?
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Nạn tham nhũng thời nào cũng có, quốc gia nào cũng có. Ở nước ta, kinh tế càng phát triển, tham nhũng, tiêu cực tăng lên vì một số người nắm giữ quyền lực không giữ được mình trước cám dỗ vật chất. Tham nhũng, tiêu cực do một nhóm nhỏ gây ra nhưng tạo nên sự bất mãn, giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong quần chúng nhân dân. Cá nhân tôi rất mừng khi Đảng, Nhà nước đã trừng trị tham nhũng, tiêu cực với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tất nhiên sẽ góp phần tích cực để quyền con người được tôn trọng và đảm bảo bởi đã loại bỏ những người chỉ quan tâm đến quyền lợi cá nhân, sẵn sàng vi phạm quyền con người.
Tuy nhiên, chỉ chống tham nhũng, tiêu cực thôi là chưa đủ mà cần biện pháp đồng bộ để khiến người có quyền lực “không dám, không thể, không cần, không muốn” tham nhũng. Như vậy, còn mênh mông công việc phải làm phía trước.
Tôi có mặt trong lần Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu sang thăm Việt Nam hội đàm với Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ông Lý Quang Diệu nêu kinh nghiệm là phải trả lương cao cho bộ máy công quyền hơn các công ty tư nhân để họ không cần tham nhũng và phạt rất nặng nếu vi phạm để họ không dám tham nhũng. Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói rằng: Không phải lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam không biết đến cách làm này nhưng thời điểm này chưa thể tăng lương cao cho bộ máy công quyền, nguồn lực còn phải thực hiện một số công việc khác, chẳng hạn phải chăm lo, đảm bảo đời sống tốt cho đối tượng chính sách. Ông Lý Quang Diệu giật mình và nói rằng hóa ra lãnh đạo Việt Nam đã biết đâu là “điểm nghẽn” chỉ là chưa có điều kiện để thực hiện. Ông tin rằng Việt Nam sau này giàu mạnh sẽ thực hiện được nhiều giải pháp đồng bộ để bộ máy công quyền liêm chính, hoạt động hiệu quả.
Tôi kể lại chuyện cũ để muốn nói rằng: Cần thực hiện song hành giữa chống tham nhũng, tiêu cực, nhốt quyền lực vào “lồng” cơ chế và đảm bảo đời sống cho những người công tác trong bộ máy công quyền để họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.
TS Lương Hoài Nam: Chống tham nhũng, tiêu cực là việc không thể không làm. Điển hình như “vụ Việt Á”, “vụ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao”, không ai có thể chấp nhận những công bộc của dân mà lại trục lợi bất chính trên sự đau khổ, cơ cực của đồng bào. Phải trừng trị, thẳng tay loại bỏ những người nắm quyền thoái hóa, biến chất, vị kỷ; bởi họ còn có thể thực hiện những hành vi phạm pháp, hại dân, hại nước, đồng nghĩa vi phạm quyền con người. Thực hành dân chủ trong Đảng, Nhà nước đương nhiên cần phải đi đầu, có tính nêu gương để thực hành dân chủ trong xã hội, đạt được những tiến bộ rõ rệt.
Trong khi Đảng và Nhà nước đang tích cực kiểm soát quyền lực, tôi cho rằng cần tinh gọn bộ máy công quyền và hệ thống chính trị. Vấn đề tinh gọn biên chế không chỉ là tiết kiệm ngân sách để trả lương thưởng cao hơn cho những người làm được việc. Trên thực tế bộ máy cồng kềnh thì giải quyết sự vụ sẽ chậm chạp hơn vì phải chia việc cho những người không thạo việc.
PV: Bên cạnh các hình thức dân chủ đại diện quen thuộc, ngày càng xuất hiện nhiều hình thức dân chủ trực tiếp. Ông đánh giá điều này có tác động thế nào về sự tiến bộ dân chủ trong xã hội?
PGS, TS Phạm Văn Linh: Dân chủ trực tiếp là hình thức dân chủ quan trọng nhất, là sự tham gia trực tiếp của người dân vào chính sách và quản lý, nhất là ở cấp địa phương, thông qua nhiều hình thức để nêu ý kiến với các cấp có thẩm quyền của Nhà nước. Thực hành dân chủ trực tiếp ở Việt Nam cũng tương đồng với nhiều nước trên thế giới, đó là khuyến khích sự tham gia của người dân, trước tiên ở cấp hành chính thấp nhất, nơi mà người dân gần gũi nhất với các thể chế có tác động đến đời sống. Trước đây, chúng ta đã có hình thức dân chủ trực tiếp như “hòm thư góp ý”, ngày nay hình thức dân chủ trực tiếp được mở rộng, đa dạng hơn rất nhiều như: Ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp; bầu cử trực tiếp trưởng thôn, bản, khu phố; phản biện xã hội trên không gian mạng, chất vấn lãnh đạo trực tiếp thông qua phương tiện thông tin; đánh giá mức độ hài lòng với các dịch vụ hành chính công; giám sát công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; góp ý vào các dự án luật; kiến nghị sửa đổi luật nếu điều luật không phù hợp với đời sống…
Mỗi một hình thức dân chủ đều có mặt mạnh, mặt yếu riêng và phải xem xét, đặt trong tình hình thực tế để thực hiện. Cốt yếu vẫn là thực hành dân chủ phải thực chất để bảo đảm cho mọi người dân thực hiện quyền dân chủ của mình, hiện thực hóa phương châm mà Đảng ta đã xác định. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định lại quan điểm “dân là gốc”, bổ sung “dân giám sát, dân thụ hưởng”, bên cạnh “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Muốn vậy cần cung cấp người dân biết thông tin đầy đủ về chủ trương chính sách (dân biết), thảo luận trước khi triển khai (dân bàn). Từ sự đồng thuận thì dân mới tin, mới cùng chung tay thực hiện (dân làm) và đồng thời kiểm tra, giám sát. Không chỉ chủ trương chính sách mà phẩm chất đạo đức, năng lực của người lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chủ trương, chính sách, dân cũng cần được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát.
TS Lương Hoài Nam: Việt Nam có dân số xấp xỉ gần 100 triệu người, một số hình thức dân chủ trực tiếp rất khó thực hiện, chẳng hạn như trưng cầu dân ý do tốn kém, không đủ nhân lực triển khai. Ngay cả việc ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của nhân dân một cách trực tiếp cũng rất khó vì mỗi người có những tâm tư, nguyện vọng, ước muốn rất khác nhau. Vì vậy, việc duy trì hình thức dân chủ đại diện thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội, các đoàn thể, vẫn vô cùng quan trọng để đảm bảo thực hành dân chủ được hiệu quả.
Một số hình thức dân chủ trực tiếp nếu điều kiện cho phép mà được thực thi thì đương nhiên không gì tốt bằng. Quan trọng nhất là các vấn đề nảy sinh trong xã hội sẽ được các cơ quan công quyền nắm bắt nhanh, xử lý nhanh. Càng để vấn đề bức xúc lâu ngày sẽ càng dễ nảy sinh phức tạp; từ chuyện nhỏ xử lý chậm có thể thành chuyện lớn. Tôi nghĩ việc Chính phủ, lẫn chính quyền địa phương giao tiếp với người dân trực tiếp thông qua mạng xã hội, các phương tiện truyền thông báo chí như hiện nay là bước tiến lớn, cần nhân rộng.
PV: Trong các hình thức dân chủ trực tiếp, phản biện xã hội ngày càng nhiều hơn. Theo ông cần có thái độ thế nào với các ý kiến phản biện xã hội hiện nay?
TS Lương Hoài Nam: Là người thường xuyên phản biện xã hội qua trang facebook cá nhân, trên các tờ báo, mục đích của tôi không phải để “đánh bóng tên tuổi”, mà là mong muốn góp ý vì lợi ích chung của cộng đồng. Chẳng hạn, đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành, tôi đã đề xuất nên sử dụng khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch để làm nơi cách ly, giúp người dân có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, giảm thiểu lây nhiễm chéo. Đề xuất này cũng được báo chí góp ý thêm, được các cơ quan chức năng tiếp thu, trở thành hiện thực.
Cũng có những lĩnh vực tôi rất tâm huyết góp ý nhưng không được phản hồi, đó là lĩnh vực giáo dục. Không vì thế mà tôi buồn chán, không tiếp tục đóng góp ý kiến phản biện. Vì thực ra ý kiến của tôi dù rất nghiêm túc, có nghiên cứu suy nghĩ trước khi phát ngôn song cũng chỉ là một góc nhìn cá nhân, có thể nó chưa phù hợp với thực tiễn nên chưa trở thành hiện thực.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Phản biện xã hội là xu hướng tất yếu thể hiện sự mở rộng dân chủ, đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực chính trị. Tôi nghĩ các cơ quan công quyền nên lắng nghe, chắt lọc, nghiên cứu các ý kiến phản biện. Có thể các ý kiến phản biện hơi “khó nghe” song hãy cứ tiếp thu nếu là ý kiến mang tính xây dựng, không nên phản ứng thái quá, nhất là không nên quy chụp động cơ những người phản biện.
Người phản biện chỉ có hiểu biết ở chuyên môn hẹp nhưng trước nhiều vấn đề bức xúc, họ có quyền lên tiếng. Như chuyện ùn ắc giao thông, phá vỡ quy hoạch xây dựng ở một số đô thị lớn thì dù không có chuyên môn trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, người dân vẫn có quyền nói lên cảm xúc của mình. Chính quyền nên lắng nghe tiếng nói từ bức xức dồn nén lâu ngày, tìm cách thay đổi tích cực thì tốt hơn là phê phán những tiếng nói phản biện từ những người không có chuyên môn.
PGS, TS Phạm Văn Linh: Hiện nay có không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng phản biện xã hội để xuyên tạc, phá hoại thành quả cách mạng của nhân dân ta. Tôi cho rằng không khó để phân biện đâu là phản biện xã hội tích cực, đâu là những ý kiến lợi dụng phản biện xã hội để chống phá chế độ khi căn cứ vào nội dung, mục đích, ngôn từ, giọng điệu, thái độ… Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích phản biện xã hội nhưng trên tinh thần đóng góp mang tính xây dựng, vì sự phát triển chung của đất nước.