Quyền con người - Đích đến trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Bài 3)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, nêu rõ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người... Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội... Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn...”.
Đó là những mong muốn tốt đẹp mà Đảng và Nhà nước ta luôn hướng đến và kiên định, kiên trì theo đuổi, thể hiện qua nhiều chiến lược và chính sách thúc đẩy quyền tiếp cận và được đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu không phân biệt địa vị, xuất thân. Đối với nhóm xã hội dễ bị tổn thương (nhóm XHDBTT), Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội… đảm bảo không có ai bị bỏ lại phía sau.
Về nội dung này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Toản, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam và TS Phạm Thị Thu Phương, chuyên gia Xã hội học, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách đảm bảo nhóm người dễ bị tổn thương cũng được thụ hưởng các thành tựu kinh tế - xã hội một cách công bằng như mọi người dân. Theo đó, nhiều chương trình hành động cấp quốc gia được ban hành và thực hiện bao trùm, bao gồm Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030… Xuất phát từ chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, những chính sách này đã và đang góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Phóng viên (PV): Xin ông, bà cho biết nhóm XHDBTT gồm những đối tượng nào? Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách gì nhằm thực hiện cam kết quốc tế của mình và đảm bảo quyền con người cho nhóm dân số này?
TS Nguyễn Ngọc Toản: Bất cứ quốc gia nào cũng có nhóm dân cư dễ bị tổn thương cần có sự bảo trợ của Nhà nước và hỗ trợ của cộng đồng. Theo Sách trắng về quyền con người “Bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người ở Việt Nam” do Bộ Ngoại giao công bố năm 2018, có 8 nhóm XHDBTT, gồm: Người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, người có HIV và người cai nghiện trong các trung tâm cai nghiện.
Tham gia phần lớn các công ước quốc tế và một số nghị định thư về quyền của con người, trong đó có nhóm XHDBTT, Việt Nam đã cụ thể hóa những điều khoản của các văn bản này bằng việc thiết lập một hệ thống luật và xây dựng các chính sách, chương trình cụ thể, trực tiếp và gián tiếp bảo vệ bộ phận dân cư dễ bị tổn thương. Hệ thống luật và chính sách này không chỉ bảo đảm cho nhóm XHDBTT có quyền tiếp cận, thụ hưởng mà còn đóng góp cho xã hội như tất cả mọi người dân.
Về tổng thể, Việt Nam đã thể chế hóa quyền của người dân trong Hiến pháp và trong các bộ luật như: Luật Lao động, Luật Người khuyết tật, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Về chi tiết, việc xây dựng chính sách tuân theo quy trình đánh giá nhu cầu của nhóm đối tượng, so sánh với các nhóm dân cư khác. Trên cơ sở đó, hệ thống luật và chính sách cho nhóm XHDBTT được hình thành và tổ chức thực hiện một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Hệ thống chính sách bảo trợ xã hội của chúng ta hiện đã được thiết lập tương đối đầy đủ và đồng bộ trên các phương diện về trợ giúp tài chính, trợ giúp về điều kiện phát triển hòa nhập, hệ thống chăm sóc nuôi dưỡng. Trợ cấp xã hội về tài chính hằng tháng đảm bảo cho khoảng 3,5 triệu người thuộc nhóm XHDBTT.
Ông Patrick Haverman: Từ khi Việt Nam thông qua Luật Người khuyết tật vào năm 2010, những hoạt động và đối xử với người khuyết tật đã được luật hóa, dần chuyển từ hoạt động từ thiện sang hoạt động dựa trên quyền. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật vào năm 2014, Công ước 159 vào năm 2019 và thời gian tới là Hiệp ước Marrakesh.
Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc nội dung hóa và thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế bằng cách lồng ghép quyền của người khuyết tật vào luật, chính sách chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống pháp lý cần giải quyết để phù hợp với cam kết quốc tế. Việc giám sát và thực thi luật, chính sách cũng cần được tăng cường để bảo vệ tốt hơn quyền của người khuyết tật.
Hỗ trợ sinh kế là chìa khóa tạo dựng sự tự tin cho nhóm XHDBTT, giúp họ hòa nhập cộng đồng thông qua tiếp cận tốt hơn với giáo dục và giáo dục dạy nghề, được trang bị kỹ năng mềm trong tham gia thị trường lao động. Việt Nam đã và đang khuyến khích toàn xã hội, đặc biệt là người sử dụng lao động, tạo điều kiện bình đẳng cho người dễ bị tổn thương trong tiếp cận cơ hội việc làm và thực hiện các cơ chế khuyến khích, ưu đãi như thuế, phí… cho những doanh nghiệp, người sử dụng lao động tuyển dụng lao động thuộc nhóm XHDBTT.
PV: Hỗ trợ sinh kế là một trong những chính sách giúp nhóm XHDBTT tự tin hòa nhập cộng đồng, tạo lập tương lai bền vững. Xin ông, bà nói rõ thêm về những thành tựu Việt Nam đã làm được và những gì cần được bổ sung?
Ông Patrick Haverman: Đào tạo nghề là lĩnh vực trọng tâm trong Chương trình tổng thể quốc gia về trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và 2021-2030 của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho người khuyết tật học nghề và tổ chức hội chợ việc làm nhằm tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật. Để tăng tỷ lệ việc làm cho người khuyết tật, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, bao gồm miễn giảm thuế doanh nghiệp, trợ cấp hằng tháng cho người khuyết tật, hỗ trợ học nghề...
Tuy nhiên, kết quả của các chương trình đào tạo nghề và việc làm cho người khuyết tật còn chưa được như mong đợi, có thể do một vài lý do. Cần có thêm nỗ lực bắt buộc người sử dụng lao động trong mọi lĩnh vực phải đầu tư xây dựng nơi làm việc tiện dụng cho người khuyết tật, tăng cường khả năng tiếp cận tuyển dụng việc làm và đào tạo nghề toàn diện hơn để người khuyết tật qua đào tạo đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đặc biệt là với những kỹ năng kỹ thuật số để tham gia vào lực lượng lao động trong thời kỳ hậu Covid-19.
TS Nguyễn Ngọc Toản: Thành công nhất của Việt Nam đối với đảm bảo quyền con người cho nhóm XHDBTT là đảm bảo quyền tiếp cận về kinh tế. Để đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế cho nhóm xã hội này thì hỗ trợ sinh kế là một trong những công cụ, biện pháp phát huy hiệu quả. Chúng ta đã phát triển những mô hình kinh tế cụ thể cho các nhóm khác nhau như sinh kế cho người khuyết tật hay mô hình sinh kế cho người cao tuổi, sinh kế cho người nghèo, phù hợp với năng lực, sức khỏe của từng nhóm.
Những mô hình này chúng ta đã thực hiện từ lâu và có cách làm tốt, đạt nhiều thành quả đáng khích lệ, giúp bộ phận dân cư trong hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương có thể phát huy được khả năng của mình để có cuộc sống ổn định hơn. Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục rà soát lại chính sách, nguồn lực và thiết kế các mô hình hỗ trợ phù hợp hơn với từng nhóm XHDBTT cụ thể.
TS Phạm Thị Thu Phương: Trước đây Việt Nam thường áp dụng chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tài chính cho nhóm XHDBTT để họ được đảm bảo về sinh kế. Song, hiện nay, phần nhiều hỗ trợ tập trung vào tạo lập “bệ đỡ” an sinh như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ tín dụng… để đảm bảo việc làm và nâng cao năng lực cho nhóm XHDBTT, làm sao để họ có được sinh kế lâu dài.
Cụ thể, Việt Nam đã triển khai mô hình hỗ trợ tín dụng nhỏ cho phụ nữ nông thôn, thực hiện chương trình đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho những người khuyết tật, đầu tư vốn trong thời gian dài giúp cho người dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, tiếp cận với phương thức trồng trọt, chăn nuôi mới mang lại hiệu quả cao, hỗ trợ tái định cư tới chỗ thuận lợi hơn… Nhà nước cũng đã có những ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là người dễ bị tổn thương.
Trong tương lai, các chính sách hỗ trợ sinh kế cần hướng đến: Một là tăng cường năng lực cho các nhóm XHDBTT thông qua tiếp cận tốt với giáo dục, với dạy nghề, các kỹ năng mềm để họ có thể tham gia thị trường lao động. Hai là khuyến khích toàn xã hội, đặc biệt là phía người sử dụng lao động, tạo điều kiện bình đẳng cho người dễ bị tổn thương trong cơ hội việc làm. Ba là có cơ chế khuyến khích hoặc ưu đãi (thuế, phí…) cho những doanh nghiệp, chủ lao động tuyển dụng người dễ bị tổn thương.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ước tính “Tỷ lệ người khuyết tật có nguy cơ trở thành nạn nhân của lạm dụng thể chất và tình dục cao gấp ba lần người bình thường". Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm bất kỳ hình thức lạm dụng nào đối với nhóm người dễ bị tổn thương và đã có những chủ trương, chính sách rộng rãi ngăn chặn tình trạng này. Nhiều văn bản pháp luật quy định cụ thể mức xử phạt hành vi lạm dụng đã được ban hành. Đường dây nóng tổng đài bảo vệ đối với một số nhóm dễ bị tổn thương cũng đã dược thiết lập. Về mặt truyền thông, nhiều thông điệp phòng, chống lạm dụng trẻ em, phụ nữ, chống kỳ thị người có HIV... đã được đưa ra nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của công chúng trong ngăn chặn bạo lực và lạm dụng. Nhiều đạo luật được thông qua đặc biệt điều chỉnh hoạt động liên quan các nhóm dễ bị tổn thương như: Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Người cao tuổi (2009), Luật Người khuyết tật (2010)...
PV: Trong những năm qua, Việt Nam đã có những tiến bộ trong nâng cao nhận thức, phòng ngừa phân biệt đối xử và có chế tài đối với hành vi lạm dụng và xâm phạm quyền con người của nhóm XHDBTT, góp phần giúp họ hòa nhập cộng đồng tốt hơn và có cuộc sống ý nghĩa. Ông, bà có thể nói rõ hơn về nội dung này?
TS Nguyễn Ngọc Toản: Bạo lực, lạm dụng đối với trẻ em và phụ nữ là dễ xảy ra nhất và cần có những biện pháp bảo vệ. Trong quá trình xây dựng luật và chính sách, những nội dung liên quan đến kỳ thị, phân biệt đối xử và lạm dụng đều được quy định là nghiêm cấm. Những ai vi phạm những quy định này ở mức nhẹ thì sẽ bị xử lý hành chính, nếu nặng, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự. Ngoài ra, chúng ta có cả một hệ thống giám sát thông qua các tổ chức địa phương như: Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc... và cộng đồng dân cư.
Chống kỳ thị người thuộc nhóm XHDBTT là vấn đề được nhiều người quan tâm. Những giải pháp chủ yếu trong giải quyết vấn đề này thì tôi cho rằng, trước hết là chúng ta đã và đang nâng cao nhận thức thông qua giáo dục, truyền thông với thông điệp: “Bất cứ ai trong xã hội cũng đều là người có ích”. Quan trọng nhất là chúng ta đang giúp bản thân những người trong nhóm dễ bị tổn thương tự tin vào chính mình. Thứ hai là đã có những mô hình, cách thức chứng minh họ thực sự là người có ích. Thứ ba là chính sách hỗ trợ tổng thể.
TS Phạm Thị Thu Phương: Việc ngăn ngừa và giảm thiểu phân biệt đối xử trong xã hội đối với nhóm XHDBTT phụ thuộc vào 2 yếu tố. Thứ nhất là nhận thức của toàn xã hội: Nhìn nhận họ là những người có năng lực, khả năng. Ở những lĩnh vực nào đó, họ vẫn có thể là người có đóng góp tích cực cho xã hội khi được đối xử bình đẳng. Thứ hai là hệ thống “bệ đỡ” an sinh và hỗ trợ của Nhà nước và xã hội đối với họ. Cái gốc cho sự hòa nhập của nhóm XHDBTT vẫn là tạo cơ hội để họ có thể đóng góp cho xã hội theo năng lực cá nhân phù hợp. Đây cũng là việc mà Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện và được cộng đồng quốc tế, trong nước ghi nhận.
Trên thực tế, không một quốc gia nào có thể thực hiện hoạt động hỗ trợ bao trùm tới tất cả các nhóm xã hội một cách sâu rộng. Đây là một lĩnh vực đòi hỏi sự chung tay, góp sức của nhiều cá nhân, tổ chức với năng lực và nguồn lực khác nhau. Hiểu rõ vấn đề này, Việt Nam đã luôn chú trọng tìm cách huy động nguồn lực trong nước và quốc tế. Đồng hành cùng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức như UNDP, UNICEF, Plan International, ADB, World Bank, Hội Chữ thập đỏ… đã phối hợp thực hiện, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ nhóm XHDBTT.
PV: Ông, bà đánh giá thế nào về độ cởi mở và hợp tác của Nhà nước Việt Nam đối với các cơ quan, tổ chức trong thực hiện chính sách và các biện pháp hỗ trợ nhóm XHDBTT ở Việt Nam?
Ông Patrick Haverman: Các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân hiện là những đối tác của Chính phủ Việt Nam trong đảm bảo việc thực thi chính sách và luật liên quan đến người khuyết tật. Trong nhiều năm qua, đồng hành cùng Việt Nam, họ đã tiến hành nhiều hoạt động nâng cao năng lực khác nhau cho người khuyết tật và các bên liên quan, cung cấp thiết bị và cơ sở vật chất tiện dụng cho người khuyết tật, đồng thời thực hiện các chiến dịch truyền thông hiệu quả để cải thiện hòa nhập xã hội cho người khuyết tật trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm: Giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu rủi ro thiên tai... Những tổ chức này đã đóng góp đáng kể vào các thành tựu trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật ở Việt Nam.
TS Phạm Thị Thu Phương: Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện và hợp tác chặt chẽ với quốc tế, với các khu vực khác ở trong nước để thực hiện các chính sách đối với nhóm XHDBTT. Các tổ chức này đã đồng hành cùng các cơ quan, tổ chức nhà nước trong việc góp ý điều chỉnh những điểm hạn chế trong chính sách và triển khai các chương trình hỗ trợ người dễ bị tổn thương. Chẳng hạn, thời gian vừa qua, khi Chính phủ triển khai chương trình hỗ trợ người lao động do ảnh hưởng của Covid-19, liên minh các tổ chức về lao động di cư đã có bước đồng hành và đề xuất điều chỉnh cách thức thực hiện để chính sách hỗ trợ được thực hiện nhanh chóng, kịp thời và đúng đối tượng.
Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế thì sự đồng hành và hỗ trợ của khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ đã đóng góp rất tích cực cho công tác bảo vệ nhóm XHDBTT và hỗ trợ họ có đóng góp cho xã hội. Đây cũng chính là thành công của Việt Nam trong việc xã hội hóa các hoạt động bảo vệ nhóm xã hội này, để toàn xã hội cùng quan tâm, đồng hành, góp ý và trực tiếp triển khai các hoạt động hỗ trợ nhóm XHDBTT.
Thời gian tới, Nhà nước cần đóng vai trò tổng đạo diễn chương trình trong hoàn thiện hệ thống chính sách để phối hợp hiệu quả hơn với các tổ chức quốc tế và khu vực khác, bảo đảm quyền con người để không ai bị bỏ lại phía sau.
PV: Trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà quản lý!
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN
- Ảnh: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, TTXVN, CỘNG TÁC VIÊN
- Kỹ thuật, đồ họa: TRUNG THÀNH