Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những vấn đề quốc kế, dân sinh
Phiên họp thứ 16 là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Quốc hội bước vào Kỳ họp thứ tư - kỳ họp cuối năm 2022.
Đặc biệt, tại phiên họp này, bên cạnh những nội dung đã có trong chương trình, trong quá trình chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời bổ sung những nội dung chưa có trong chương trình nhưng là đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, là những điều mà cử tri và nhân dân đang quan tâm, để xem xét, bàn thảo kỹ lưỡng với tinh thần trách nhiệm cao. Tất cả nhằm chuẩn bị chu đáo cho Kỳ họp thứ tư sắp tới bảo đảm thành công tốt đẹp.
Một trong những nội dung rất quan trọng, nổi bật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp lần này là tổng kết, đánh giá việc thi hành quy định tại khoản 3, Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Nội dung quy định này trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương thực hiện các giải pháp mang tính đặc thù, đặc cách, đặc biệt để chủ động, linh hoạt trong phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả, tạo tiền đề quan trọng cho việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Thời điểm ấy, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại vô cùng lớn về người và về kinh tế trên toàn thế giới. Trong nước, tình hình dịch cũng rất căng thẳng, đòi hỏi phải có sự đột phá về cơ chế để tạo ra sự đột phá trong công tác phòng, chống dịch. Ý tưởng về sự đột phá về cơ chế nhanh chóng được báo cáo Bộ Chính trị.
Trên cơ sở lãnh đạo của Đảng, nội dung về phòng, chống dịch được quyết định xây dựng rất khẩn trương, kịp thời, được Quốc hội khóa XV ban hành trong nghị quyết chung của kỳ họp đầu tiên.
Với sự ủy quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 10 nghị quyết để triển khai công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; phục hồi và phát triển kinh tế.
Căn cứ Nghị quyết 30, các nghị quyết khác của Quốc hội và 10 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã ban hành rất nhiều văn bản để triển khai thực hiện, góp phần rất tích cực để cả nước phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao, coi đây là sáng kiến lập pháp rất độc đáo.
Từ xuất phát điểm là Nghị quyết 30, với sự vào cuộc, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự miệt mài của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách ngoại giao vaccine, thuốc và vật tư, trang thiết bị y tế, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã đạt được sự đột phá về hiệu quả.
Với tiền đề rất quan trọng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2021.
Từ những đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân hoạt động thực tiễn tại diễn đàn, các cơ quan đã phối hợp xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở nghị quyết này, ngày 30-1-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Cùng với đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành hàng loạt văn bản đồng hành cùng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có các nghị quyết về hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người dân, doanh nghiệp; giảm phí bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng, qua đó kích thích sản xuất.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa, tiền tệ đã giúp nước ta giữ vững sự ổn định của kinh tế vĩ mô, duy trì lạm phát ở mức thấp; đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh mẽ.
Đánh giá về những thành tựu của nước ta, các chuyên gia kinh tế, tài chính quốc tế khi phát biểu tại Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2022 cho rằng, Việt Nam đang ngược dòng tích cực với thế giới. Trong khi ở khắp nơi trên thế giới, các nước đang phải đau đầu đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao kỷ lục, kinh tế suy giảm, thì lạm phát của Việt Nam rất thấp và kinh tế phát triển rất nhanh. Sự thành công ấy có vai trò rất quan trọng của việc kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Đây cũng là đánh giá chung của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 16 khi cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác tại Phiên họp thứ 16 này là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Ban Dân nguyện về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Trước mỗi kỳ họp, cử tri và nhân dân đều rất mong đợi các báo cáo xem các cơ quan dân cử có phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của mình. Điều quan trọng nhất là các báo cáo phải kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các địa phương thấy những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới phải quan tâm, xử lý.
Tại phiên họp lần này, các báo cáo đã đề cập đến 5 nhóm nội dung mà cử tri có nhiều ý kiến quan tâm, liên quan đến các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như công tác dân tộc, tôn giáo đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Đóng góp ý kiến vào các báo cáo, những ý kiến tâm huyết của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các bộ trưởng, trưởng ngành đã bổ sung, làm rõ, nhấn mạnh thêm một số nội dung sát thực tiễn hiện nay như: Những vụ cháy nghiêm trọng, nhất là cháy ở các quán karaoke, thiếu thuốc bảo hiểm y tế, sản xuất của người nông dân bấp bênh; hay là kiến nghị tăng lương cơ sở, chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức ở các khu vực xã đảo cũng như khu vực xã vùng an toàn khu…
Qua quá trình thảo luận sôi nổi, tâm huyết, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí ý trình Quốc hội sớm xem xét, điều chỉnh lương cơ sở để tháo gỡ khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức và người làm công ăn lương trong bộ máy nhà nước, đồng thời khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27.
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu để hoàn thiện các báo cáo quan trọng này, bảo đảm ngắn gọn nhưng sát thực nhất, thể hiện một cách đầy đủ, trung thực, khách quan nhất tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân và của cử tri cả nước. Đây cũng là mong muốn, nguyện vọng của đại biểu Quốc hội và trách nhiệm là càng ngày càng làm tốt hơn trước nhân dân và trước cử tri cả nước một cách khách quan, toàn diện.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc thực hiện 2 Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật liên quan đến chủ trương thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho hai thành phố lớn của nước ta.
Đó là Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP Hồ Chí Minh; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.
Là hai nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho hai thành phố, nhưng với vị trí, vai trò của hai thành phố “đầu tàu” của cả nước, thì việc đánh giá, tổng kết, sơ kết thực hiện một cách kỹ lưỡng không chỉ có ý nghĩa với riêng hai thành phố, mà đây còn là dịp để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng các vấn đề đặt ra trong dài hạn, từ đó có những thiết kế cơ chế, chính sách mới vượt trội và khả thi hơn nữa, thúc đẩy các tỉnh, thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.
Có thể khẳng định, với sự chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm, đến nay, mọi công việc cần thiết chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư đang hoàn thiện các bước cuối cùng để các nội dung trình Quốc hội đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm phục vụ Quốc hội đưa ra được những quyết sách đúng đắn, kịp thời, tạo chuyển biến tích cực ngay trong cuối năm 2022 trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt là tiến hành thành công Kỳ họp thứ tư.
- Nội dung: CHIẾN THẮNG - NGUYỄN THẢO
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC