LONGFORMHoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu

Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu

Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu
Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu

Dẫu có nhiều danh xưng nhưng “Thành phố ngàn hoa” vẫn là chiếc vương miện vừa vặn, hoàn hảo nhất đối với Đà Lạt. Mảnh đất Đà Lạt dường như sinh ra là để dành cho hoa và tới Đà Lạt để chìm đắm trong hương sắc rực rỡ của ngàn hoa luôn là một trải nghiệm tuyệt vời đối với nhiều du khách.

Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu

Đà Lạt - thành phố ngàn hoa là cách nói tượng trưng bởi trên thực tế đang có hàng trăm nghìn loài hoa đang được trồng hoặc sống đời hoang dã trên thành phố này. Trước khi xuất hiện con người, nhiều loài hoa đã chiếm ngự và sống tự do như là một sự sắp đặt đầy ưu ái của tạo hóa. Núi Langbiang, ngọn núi huyền thoại của đồng bào dân tộc Cơ-ho là vương quốc của mai anh đào. Ngày nay, rừng mai anh đào vẫn còn, vào mùa xuân, hàng ngàn cội mai anh đào nở rộ đẹp như tiên cảnh, được người dân và du khách đặt cho cái tên vừa cổ trang, vừa lãng mạn: “Mộng đào nguyên”.

Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu

Dưới chân núi Langbiang, dã quỳ phủ lên những ngọn đồi xếp lớp, nhấp nhô, trải rộng. Vào mùa hoa dã quỳ, cao nguyên như biển vàng óng ả, dậy lên từng đợt sóng bởi hàng triệu đóa hoa rực rỡ khiêu vũ cùng gió. Trong những rừng thông, cỏ hồng phủ kín mặt đất, trổ trông vào cuối năm tựa tấm lụa hồng khổng lồ, mềm mại, tạo nên khung cảnh mộng mơ, lãng mạn. Cùng với đó là hàng trăm loài hoa như phong lan, địa lan, trà mi, đỗ quyên… quanh năm khoe sắc khiến cao nguyên Langbiang tựa như một khu rừng hoa.

Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu

Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu

Lịch sử hình thành, phát triển của thành phố Đà Lạt gắn liền với nghề trồng hoa. Năm 1893, bác sĩ Alexandre Yersin cùng đoàn thám hiểm tìm ra cao nguyên Langbiang. Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer quyết định tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng có khí hậu mát mẻ dành người châu Âu tại Đông Dương. Nhận được thư của Paul Doumer, Alexandre Yersin đã đề nghị chọn cao nguyên Langbiang, nơi có khí hậu tương tự châu Âu để xây dựng khu nghỉ dưỡng. Cuối tháng 3 năm 1899, đích thân Toàn quyền Paul Doumer cùng bác sĩ Yersin đã đến cao nguyên để khảo sát và quyết định triển khai thực hiện dự án. Ngay sau đó, cùng với các nguyên vật liệu phục vụ kiến thiết đô thị, người Pháp cũng đã mang các giống rau, hoa có xuất xứ từ châu Âu để trồng tại Đà Lạt. Năm 1935, thực hiện chỉ đạo của chính quyền thực dân Pháp, Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu tuyển mộ dân từ các làng trồng rau, hoa nổi tiếng xung quanh hồ Tây (Hà Nội) vào phát triển nghề trồng rau, hoa. Cùng năm ấy, 35 người dân từ các làng hoa Ngọc Hà, Nghi Tàm, Quảng Bá… mang theo các giống hoa như lay ơn, thược dược, cúc, thủy tiên, trà mi… vào Đà Lạt. Sự kiện này đánh dấu nghề trồng hoa gắn với sự ra đời của các làng hoa truyền thống tại Đà Lạt như Hà Đông, Xuân Thành, Vạn Thành, Thái Phiên.

Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu

Từ những cây hoa đầu tiên do người Pháp trồng khảo nghiệm và những luống hoa đầu tiên do người Việt trồng bên hồ Vạn Kiếp (Đà Lạt) cách đây gần 1 thế kỷ, hoa đã lớn cùng người, từ làng lên phố, phủ lên khắp cao nguyên Langbiang và biến vùng đất hoang sơ trở thành “thành phố ngàn hoa” vang danh khắp chốn.

Đà Lạt là thiên đường của hoa. Hoa mọc thành rừng phía ngoại ô, được trồng với quy mô lớn trong những khu vườn. Hoa len lỏi trên từng góc phố, hoa phủ trên tường, sà xuống mái hiên, hoa treo trên ngọn đồi lộng gió, hoa e ấp bên hồ, đâu đâu cũng có thể nhìn thấy sắc hoa tươi thắm. Trên mặt đất ba-zan màu mỡ, trong bầu không khí mát mẻ, trong lành, muôn sắc hoa sinh sôi, bốn mùa khoe sắc, tỏa hương. Mai anh đào rực rỡ đón xuân sang, dã quỳ vàng rực báo đông về, phượng tím thay lời chia tay mái trường của học trò vào mùa hạ, mimosa ướp hương thơm cho Đà Lạt vào mùa thu và biết bao loài hoa khác hằng ngày tô điểm cho Đà Lạt thêm mộng mơ, quyến rũ.

Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu

Với mong muốn tăng vẻ đẹp, năng suất và giá trị của hoa, người Đà Lạt không ngừng tiếp thu và áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào trong quá trình sản xuất. Hiện nay, giống hoa chủ yếu được tạo bằng phương pháp nuôi cấy mô, hoa được trồng trong nhà kính hiện đại với các thiết bị như: Hệ thống chiếu sáng, tưới nước, phun thuốc, bón phân tự động, nhiều nhà kính còn được trang bị thiết bị IoT giúp kiểm soát, điều khiển từ xa, mọi lúc mọi nơi các quy trình chăm sóc, sinh trưởng của hoa. Từ những giống hoa truyền thống ban đầu, hằng năm, người Đà Lạt đã lai tạo, nhân giống và nhập khẩu hàng trăm giống hoa mới, thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa dạng của người chơi hoa.

Thời gian gần đây, người Đà Lạt còn ứng dụng công nghệ hoa sấy khô hiện đại của Nhật Bản. Để làm hoa sấy khô, người ta sử dụng 3 loại hoa chính gồm hoa hồng, cẩm tú cầu và hoa cúc. Những bông hoa tươi sau khi trải qua quá trình xử lý phức tạp với công nghệ tiên tiến sẽ trở nên khô nhưng vẫn giữ nguyên được màu sắc, hình dáng như lúc còn tươi. Sau đó, chúng tiếp tục được các nghệ nhân kết hợp với các nhiều phụ liệu khác để tạo nên những tác phẩm hoa tuyệt đẹp. Tại Đà Lạt, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt là đơn vị đi tiên phong trong phương pháp này. Hoa khô nhưng vẫn giữ được màu sắc của cánh hoa và có thể lưu giữ được từ 3 đến 5 năm nên mọi người thường gọi loài hoa này là hoa tươi mãi mãi.

Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu

Thành phố Đà Lạt là trung tâm sản xuất hoa tươi lớn nhất cả nước. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 10.000ha trồng hoa với sản lượng trên 4 tỷ cành, mỗi năm xuất khẩu ra nước ngoài 500 triệu cành và chậu hoa. Trong đó, TP Đà Lạt là địa phương sản xuất hoa chủ lực của tỉnh, chiếm trên 67% diện tích và 75% sản lượng. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 1 tỷ đồng/ha. Một số mô hình canh tác hoa cao cấp như lyly, hoa địa lan, phong lan đạt doanh thu từ 2,5 - 3 tỷ đồng/ha/năm. Trồng hoa được đánh giá là nghề mang lại lợi nhuận cao tại Lâm Đồng.

Trong chiến lược phát triển ngành hoa đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm sản xuất hoa tươi hàng đầu khu vực Đông Nam Á, sản xuất được 200 triệu cây giống/năm theo công nghệ nuôi cấy mô invitro, nâng tỷ lệ hoa xuất khẩu từ 9,7% như hiện nay lên 30%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 200 triệu USD/năm.

Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu
Thành phố Đà Lạt là trung tâm sản xuất hoa tươi lớn nhất cả nước.

Không chỉ là một ngành kinh tế, hoa Đà Lạt còn là yếu tố quan trọng tạo nên thương hiệu, bản sắc văn hóa cho thành phố Đà Lạt. Ngoài chức năng trang trí, thẩm mĩ, hoa còn là tài nguyên của ngành du lịch, nguyên liệu của ngành thời trang, mĩ phẩm, dược phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ. Hoa Đà Lạt đi sâu vào đời sống hằng ngày của người dân, là niềm cảm hứng bất tận cho thơ, ca nhạc, họa…

Không chỉ sở hữu không gian đầy ắp hoa, Đà Lạt còn có không gian thanh bình, thơ mộng với rừng, suối, hồ, thác, kiến trúc độc đáo và nét văn hóa “thanh lịch-hiền hòa-mến khách” của người dân. Đến thành phố Đà Lạt, dạo bước trên những cánh đồng, khu vườn, đường phố ngập tràn sắc hoa, đắm chìm trong hương thơm quyến rũ và bản giao hưởng bất tận của sắc màu sẽ luôn là trải nghiệm thú vị, khó quên đối với du khách.

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024 với chủ đề “Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu” là lễ hội văn hóa, du lịch quan trọng nhất của tỉnh Lâm Đồng nhằm quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đến với du khách trong nước và quốc tế; tiếp tục khẳng định, tôn vinh những giá trị về hoa và nghề trồng hoa; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi, phát triển nghề hoa; phát huy phong cách văn hóa người Đà Lạt “hiền hòa - thanh lịch - mến khách”. Lễ khai mạc Festival hoa Đà Lạt lần thứ X sẽ diễn ra tại Quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt vào 20 giờ ngày 5-12 với chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, hoành tráng, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương và các hình thức nghệ thuật hiện đại. Sau lễ khai mạc là hàng loạt các sự kiện văn hóa, du lịch, thương mại đặc sắc, kéo dài đến hết tháng 12-2024, hứa hẹn mang tới cho người dân và du khách những giây phút trải nghiệm tuyệt vời trên Thành phố ngàn hoa Đà Lạt.​​​​​

Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu
Không chỉ là một ngành kinh tế, hoa Đà Lạt còn là yếu tố quan trọng tạo nên thương hiệu, bản sắc văn hóa cho thành phố Đà Lạt.

  • Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu
  • Bài, ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top