Ba việc phải làm trong Đề cương về văn hóa Việt Nam: 80 năm vẫn nóng hổi tính thời sự - Bài 3: Tầm vóc và sứ mệnh lớn lao của tiếng Việt
Đã là người Việt thì phải yêu tiếng Việt, yêu ngôn ngữ của dân tộc mình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tiếng Việt vẫn tồn tại và phát triển, đồng thời được bồi đắp, làm giàu thêm ngôn ngữ truyền thống. Điều đó đã được nêu trong bản Đề cương văn hóa ra đời cách đây 80 năm nhưng hiện nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Bản Đề cương văn hóa đã giúp ích rất nhiều vào việc định hướng cũng như giữ gìn hồn cốt của dân tộc, đó là tiếng Việt.
PGS, TS Phạm Văn Tình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học (Viện Nghiên cứu Việt Nam học) đã nêu tầm quan trọng của tiếng nói và chữ viết được đề cập trong Đề cương văn hóa và đưa ra giải pháp nhằm hạn chế sự lệch chuẩn, lai căng ngôn ngữ của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Phóng viên (PV): Trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, phần 5 có nêu rõ những công việc phải làm, trong đó có tranh đấu về tiếng nói và chữ viết, nêu rõ: Thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói; Ấn định mẹo văn ta; Cải cách chữ Quốc ngữ. Đồng chí đánh giá thế nào về vấn đề này?
PGS, TS Phạm Văn Tình: Tiếng nói (ngôn ngữ) là một phần làm nên hồn cốt dân tộc. Đó là một trong ba nhân tố chính (Quốc sử, Quốc văn, Quốc ngữ) làm nên bản sắc mỗi dân tộc. Vì vậy giữ gìn, làm giàu tiếng Việt không chỉ là bổn phận mà còn là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt. Chữ Quốc ngữ là một sáng tạo của các giáo sĩ phương Tây (Pháp và Bồ Đào Nha) và đã trở thành công cụ quan trọng của tiếng Việt xét từ phương diện chữ viết. Đó là một tài sản vô giá mà cộng đồng người nói tiếng Việt phải có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ cái hay, cái phong phú, cái trong sáng của nó.
PV: Ở bất kỳ dân tộc nào thì tiếng nói và chữ viết là vô cùng quan trọng và quý giá, đó chính là niềm tự hào của mỗi quốc gia, tiếng Việt của Việt Nam cũng như vậy, theo đồng chí, qua các giai đoạn phát triển, tiếng Việt đã được hình thành và có vai trò như thế nào?
PGS, TS Phạm Văn Tình: Tiếng Việt của chúng ta đã có lịch sử ngàn đời. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử (qua gần 1.000 năm Bắc thuộc và gần 100 năm dưới ách đô hộ của Pháp), có thời gian bị tiếng Hán chữ Hán, tiếng Pháp, chữ Pháp lấn át nhưng người Việt vẫn không để mất tiếng nói và chữ viết.
Có những giai đoạn tồn tại tam ngữ bất bình đẳng (chữ Nho, chữ Pháp, chữ Nôm). Tuy vậy, chữ Nôm vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và truyền bá các tác phẩm văn học dân gian, truyền miệng. Đến khi chữ Quốc ngữ ra đời thì tiếng Việt bước vào thời kỳ mới. Chữ Quốc ngữ khẳng định vai trò, vị thế và trở thành văn tự chính thức để người Việt ghi chép, sáng tác, lưu giữ các tác phẩm văn học, văn bản hành chính, văn bản khoa học… trong một thời gian xuyên suốt mấy thế kỷ. Với một cộng đồng khoảng 90 triệu người như hiện nay, tiếng Việt thực sự trở thành một ngôn ngữ có “tầm vóc và sứ mệnh” lớn lao, đủ sức diễn đạt mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện đại.
PV: Trải qua quá trình hội nhập và phát triển, tiếng Việt đã có những bước phát triển, giàu có hơn, phong phú hơn, mang bản sắc dân tộc, đồng chí có thể chia sẻ cảm nhận của mình về vấn đề này?
PGS, TS Phạm Văn Tình: Phát triển là một quá trình. Tiếng Việt, như đã nói, đã có lịch sử cả ngàn năm. Dù có những bước thăng trầm nhưng tiếng Việt vẫn giữ được bản sắc, cốt cách riêng và ngày càng được bồi đắp trong tất cả các địa hạt làm nên hệ thống ngôn từ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). Trong sự phát triển đó, có nhân tố nội sinh (tự sản sinh) và ngoại sinh (tiếp nhận các yếu tố ngoại lai). Đó cũng là bình thường trong xu hướng phát triển của mọi ngôn ngữ. Có thể nói, cùng với sự phát triển của đất nước, tiếng Việt càng ngày càng “giàu” và càng “đẹp”. Sản phẩm ngôn ngữ là thành quả của cả cộng đồng. Tiếng Việt hiện nay có hàng vạn từ ngữ thông thường và hàng chục vạn thuật ngữ. Tài sản vô giá là ở đấy chứ ở đâu!
PV: Hiện nay có một thực tế là một bộ phận giới trẻ sử dụng ngôn ngữ thiếu trong sáng, thậm chí lệch chuẩn, lai căng, hỗn tạp, theo đồng chí, thực trạng này ảnh hưởng ra sao đến hồn cốt của tiếng Việt và biện pháp nào để khắc phục tình trạng đó?
PGS, TS Phạm Văn Tình: Giới trẻ là một phần quan trọng của cơ cấu dân cư. Hiện nay, giới trẻ giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Ngôn ngữ giới trẻ thời đại nào cũng có đặc thù riêng. Nhưng ở thời đại hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thì ngôn ngữ giới trẻ lại rất đặc biệt, mang một màu sắc mới. Cái mới thường lạ. Trong cái lạ có cái hay và cũng có cái dở. Nhiều bạn trẻ bây giờ có cách nói phá cách (dùng từ ngữ lạ tai, các cấu trúc bất thường, lai căng quá mức…). Điều này ảnh hưởng nhiều tới sự trong sáng của tiếng Việt ngàn đời, vốn đơn giản, dễ hiểu và thuần chất.
Chúng ta chấp nhận sự giao lưu và tiếp biến ngôn ngữ. Nhưng cái gì cũng phải có chừng mực, “thái quá như bất cập”. Nếu một số bạn trẻ mải mê chạy theo cái mới lạ “vô nguyên tắc” thì chính họ đã làm “mất mình” từ góc độ ngôn từ. Mà như vậy cũng làm mất đi giá trị văn hóa dân tộc. Cần phải có Luật Ngôn ngữ để uốn nắn, điều chỉnh. Nhưng không có biện pháp chế tài “luật hóa” nào làm tốt cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt bằng hành vi tự thân (xuất phát từ sự tự nhận thức) của các bạn trẻ. Nhận thức đúng sẽ có hành vi đúng. Nên nhớ, tương lai của tiếng Việt nằm trong tay các bạn trẻ.
PV: Tầm quan trọng của tiếng nói và chữ viết đã được đề cập trong Đề cương văn hóa, 80 năm qua vẫn còn nguyên giá trị, theo đồng chí phải làm gì để tiếng nói và chữ viết ngày càng phát triển trong tương lai?
PGS, TS Phạm Văn Tình: Không có cái gì tự nhiên đến cả. Nếu chúng ta thờ ơ và thiếu trách nhiệm với ngôn ngữ dân tộc thì không bao giờ chúng ta trau dồi được lời ăn tiếng nói theo hướng tích cực. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt và sự phát triển của nó là công sức và trách nhiệm của toàn xã hội.
Tôi nghĩ, chúng ta phải xúc tiến nhanh việc cho ra đời Luật Ngôn ngữ. Bởi muốn có luật này, phải tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng của tiếng Việt (và tiếng các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam) để từ đó hoạch định các chính sách ngôn ngữ phù hợp. Đây là sự nghiệp của toàn dân. Hy vọng Đảng và Nhà nước sẽ dành cho sự nghiệp này một sự quan tâm thỏa đáng và cộng đồng bản ngữ tiếng Việt sẽ là “chủ thể” thực thi sứ mệnh đó.
PV: Trân trọng cảm ơn PGS, TS Phạm Văn Tình!
- Nội dung: KHÁNH HUYỀN (thực hiện)
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
- Ảnh: TUẤN HUY, Tư liệu