Ba việc phải làm trong Đề cương về văn hóa Việt Nam: 80 năm vẫn nóng hổi tính thời sự - Bài 2: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”
Mỗi dân tộc mang một nền văn hóa khác nhau và nền văn hóa của từng quốc gia không phải là ngẫu nhiên có mà là cả một quá trình kết tinh những thành tựu, kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ trong quá khứ, rồi bổ sung, sáng tạo và phát triển lên, từ đó làm phong phú thêm cho nền văn hóa.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã bày tỏ quan điểm về vấn đề tranh đấu giữa các tông phái văn nghệ làm cho khuynh hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng đã được nêu trong Đề cương văn hóa năm 1943 và những nét khu biệt của văn hóa Việt Nam với những nền văn hóa khác trên thế giới.
PV: Trong Đề cương về văn hóa nêu vấn đề tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng…) làm cho khuynh hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng thế. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Trước hết khi nói đến Đề cương về văn hóa năm 1943, xét dưới góc độ lịch sử cụ thể thì đây là dạng đề cương, là nét phác thảo ban đầu. Phần nói về đấu tranh về các tông phái văn nghệ, tôi đồng ý là làm sao để phương pháp tả thực thắng thế bởi suy cho cùng, văn chương phản ánh đời sống, đi vào đời sống của con người. Đặc biệt là khi đất nước đang bị chế độ thực dân phong kiến và phát xít đàn áp thì phải đấu tranh để giải phóng đất nước và đấu tranh vì số phận của dân tộc mình và tự do, hạnh phúc của nhân dân mình.
Không phải các tông phái văn nghệ đều phải loại bỏ, mà tôi nghĩ có lẽ nên gạt bỏ một phần nào đó, để rồi tập trung cho tả thực, sau này tả thực phát triển lên nữa là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, đấu tranh với cái xấu, cái ác, cổ vũ, để nâng niu cái tốt đẹp, những cái cao cả. Theo tôi, đấu tranh với các tông phái có lẽ phải hiểu theo hướng đó. Nhưng có ý kiến cho rằng, điều đó không thực sự đúng đắn, mà phải có gì đó hơi khó tả một chút. Ở bối cảnh đất nước như thế, vấn đề này chưa thật đúng một cách hoàn toàn, nhưng cũng cần thiết, bởi vì làm sao để phương pháp tả thực thắng, thì đấy là mong muốn của Đề cương về văn hóa thời điểm đó.
Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ
PV: Đề cập đến hệ giá trị văn hóa Việt Nam, ta thấy điều có thể khu biệt với một số dân tộc và quốc gia, đó là tình yêu nước nồng nàn, tôn kính tổ tiên, yêu nước thương nòi. Văn hóa Việt Nam rất phong phú, cởi mở, hòa hiếu với các dân tộc khác, ông đánh giá thế nào về điểm đặc biệt này cũng đã được nêu trong Đề cương về văn hóa?
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Mỗi dân tộc có một số phận khác nhau. Nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cho rằng, Việt Nam là đất nước “nằm bên bờ sóng”, nhiều cuộc xâm lăng từ kẻ thù bên ngoài. Do đó dân tộc Việt Nam luôn có tinh thần đoàn kết vô cùng to lớn. Tình yêu nước, như Bác Hồ đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”, nếu không có tình yêu nước sẽ không bảo vệ được đất nước, nhân dân, nền văn hóa của dân tộc mình. Cho nên tại sao lại yêu nước nồng nàn. Đấy là sự khu biệt nhất định đối với các nền văn hóa khác. Chứ người dân nào mà chẳng yêu nước nhưng tại sao người Việt Nam khi đi xa, thậm chí định cư ở nước ngoài, thì hằng năm “Vẫn biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”, đó là cách nói của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Tôi đã viết trong bài thơ “Tổ quốc” rằng: Tình yêu nước của người Việt Nam không ai ví được/ Nếu có thể đo xương máu tiền nhân/ Trường Sơn ngút ngàn dễ gì so được/ Bao người mẹ, người vợ, người em nước mắt/ Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng/ Bão trường chinh ào ạt mấy ngàn năm/ Ào ạt mấy ngàn năm châu thổ/ Những bờ đê chắn lũ ngăn thù/ Cùng bọc trứng các con đi trăm ngả/ Vẫn thắm lòng dưa hấu chốn đảo xa…”.
Tình yêu nước, tình đoàn kết, sự sáng tạo, sức chiến đấu để bảo vệ đất nước của người Việt Nam, tôi nghĩ có lẽ là dân tộc ta đã đạt được đỉnh cao nhất. Người Việt Nam ai cũng yêu đất nước, yêu mỗi ngọn núi, dòng sông, yêu đến lúc tột cùng hiến dòng máu đỏ!.
Người Việt Nam sẵn sàng xả thân vì đất nước, vì nhân dân của mình. Đấy là phẩm chất của lực lượng vũ trang, đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Rõ ràng cũng là quân đội, cũng cầm súng bảo vệ đất nước mình, nhưng ít có quân đội nào như Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng xả thân, lao mình vào giữa bão lửa, lao mình vào nơi mũi tên, hòn đạn, thậm chí lấy thân mình che chở cho đồng đội, nhân dân của mình, rồi nhường cả bữa ăn, giấc ngủ cho nhân dân của mình. Cho nên chúng ta mới có Quân đội nhân dân, ít có quân đội nào trên thế giới gọi là Quân đội nhân dân như Việt Nam, đó là phẩm chất của văn hóa Việt Nam, trong đó có văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ.
Đề cương văn hóa có những nguyên tắc được vận dụng cho ngày nay
PV: Liên quan đến tình yêu nước và Bộ đội Cụ Hồ, xét trong bối cảnh hiện tại và tương lai thì Đề cương về văn hóa có giá trị như thế nào để tiếp tục làm sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ?
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Trong Đề cương về văn hóa có những nguyên tắc nêu ra có thể vận dụng được cho cả hôm nay. Đầu tiên, là tính dân tộc, ai cũng phải luôn luôn tự hào về dân tộc mình, văn hóa của dân tộc mình. Đấy là điểm tựa để chúng ta đi về phía trước. Bộ đội Cụ Hồ cũng thế, những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam từ dân tộc mình, nhân dân của mình mà ra. Thứ hai là khoa học, phải tiếp cận tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, trong đó có khoa học để loại bỏ tàn dư của chế độ thực dân phong kiến và tiếp thu tinh hoa văn hóa của dân tộc, của nhân loại.
Các lực lượng quân đội, công an của chúng ta thì đều phải dựa trên nền tảng khoa học mới. Chúng ta có an ninh gọi là an ninh phi truyền thống, thì phải nắm vững, làm chủ khoa học, kể cả không gian mạng; bảo vệ đất nước cả tầm gần và tầm xa, đòi hỏi tri thức, trình độ, công nghệ quân sự của chúng ta phải lên tầm cao mới, thì mới bảo vệ được đất nước, chứ không chỉ là lòng yêu nước, tình yêu nước nồng nàn, mà còn phải biết vận dụng những kiến thức khoa học mới. Đấy là điều mà Đề cương về văn hóa nêu ra để thế hệ ngày nay có thể soi rọi và vận dụng.
PV: “Sức mạnh mềm” thực chất là bản sắc văn hóa, xin ông cho biết giá trị của sức mạnh mềm trong bối cảnh hội nhập văn hóa hiện nay?
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: “Sức mạnh mềm”, văn hóa của mình, dù có đi đâu, dù ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thì phẩm chất của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, của văn hóa Việt Nam vẫn được giữ gìn, thậm chí vẫn bật lên những phẩm chất rất cao quý. Tôi nói ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ bị động đất rất lớn, hơn 40.000 người chết, còn bao nhiêu người nữa bị thương vong, hàng chục nghìn người không có nơi ở, rất khó khăn, thậm chí có thể sa vào khủng hoảng nhân đạo. Bộ đội và Công an Việt Nam đã sang giúp bạn, đó chính là văn hóa Việt Nam.
Tôi cho rằng, “sức mạnh mềm” rất dễ thấm vào tất cả mọi người. Chẳng hạn như lực lượng gìn giữ hòa bình của quân đội ta ra nước ngoài đầy khó khăn, gian khổ, thử thách kể cả chấp nhận hy sinh. Nhưng lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam khác với các lực lượng của những nước khác bởi sự tận tình, hướng dẫn cho người dân trồng rau, chăn nuôi, vệ sinh môi trường... Tại sao bộ đội Việt Nam ở những nơi đó lại được người dân quý mến như người thân của mình? Trẻ con thì ôm ấp các chú bộ đội Việt Nam, và khi ra về thì như tình thân chia tay nhau với những giọt nước mắt, đó chính là sự tin cậy, quý mến, đó chính là “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam.
"Sức mạnh mềm" còn là nền công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Chúng ta đưa điện ảnh, tác phẩm văn học nghệ thuật, phát triển cả du lịch, xuất bản, các ngành nghệ thuật khác nữa ra các nước, thì chính là chúng ta đưa “sức mạnh mềm” ra nước ngoài. Như tôi đã nói, văn hóa Việt Nam có nét khu biệt so với các nền văn hóa khác, đặc sắc lắm, do đó nó có sự lan tỏa, hội tụ lòng người.
Người nước ngoài tiếp xúc với văn hóa Việt Nam thấy không có gì xa lạ, dường như rất thân thuộc với mình. Vì thế người Việt Nam khi ra nước ngoài, dù sống ở đâu, làm ở đâu đều được dân bản địa quý mến. Đương nhiên cũng phải nói rằng, có một bộ phận rất nhỏ, có những hoạt động tiêu cực, nhưng mà rất ít, và gần như không đáng kể, thậm chí những người đó còn bị cộng đồng người Việt ở nước ngoài bài xích hoặc cảm hóa, hoàn lương, đó là sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam.
PV: Bắt đầu từ Đề cương về văn hóa năm 1943, từ đó đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển văn hóa và con người. Chính phủ cũng đã thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng bằng các cơ chế, chính sách để đưa các nghị quyết đó vào cuộc sống, theo ông làm thế nào để lan tỏa sâu rộng những giá trị của bản Đề cương về văn hóa?
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Như tôi đã nói, bản Đề cương mới dừng lại ở đề cương nên chúng ta không nhìn nó một cách toàn diện mà đó là những nét phác thảo ban đầu.
Trong văn hóa, tính dân chủ rất quan trọng. Vì chúng ta có hàng nghìn năm sống dưới chế độ thực dân phong kiến, người dân không được làm chủ.
Bản Đề cương về văn hóa đã nói về xây dựng một chế độ mới khi chúng ta giành được chính quyền. Đây là đường lối, phác thảo ban đầu của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1943, nhất là sau 1945, sau khi chúng ta giành được chính quyền, xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và rất nhiều lãnh đạo của Đảng có nhiều phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 1946, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai 1948, rồi các triển lãm, hội họa ở Việt Bắc 1951, những cuộc tranh luận về văn hóa văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp, các giải thưởng văn hóa văn nghệ, rồi các bài nói chuyện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: Bác Hồ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đều tiếp tục bổ sung những nội hàm mới, nội dung mới vào Đề cương về văn hóa, để thành các Nghị quyết của Đảng.
Vì thế, bao nhiêu kỳ họp của Đảng, thì những nội hàm mới về văn hóa được bổ sung và phát triển. Gần nhất là Nghị quyết Trung ương V khóa VIII, Nghị quyết 33 của Hội nghị Trung ương khóa XI, Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã đề cập những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó có nói về văn hóa.
Tư duy của Đảng về văn hóa, lãnh đạo của Đảng và phương thức lãnh đạo của Đảng về văn hóa có sự thay đổi, được nâng cao lên, được bổ sung, được hoàn thiện từng bước.
Có thể nói, từ Đề cương về văn hóa năm 1943 đến nay, Đảng ta đã bổ sung rất nhiều nội hàm mới, quan điểm mới, làm cho văn hóa của chúng ta tiếp tục thực sự là văn hóa soi đường quốc dân đi.
Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nguồn sức mạnh nội sinh để đưa đất nước đi lên, với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thì đây là sức mạnh văn hóa của chúng ta, từ cội nguồn dân tộc, từ hàng ngàn năm của dân tộc cho đến Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
80 năm qua, chúng ta đã đi được những bước rất dài, rất vững chắc. Và chắc chắn, những năm tới, những vấn đề văn hóa tiếp tục được bổ sung thêm nữa, nâng tầm thêm nữa, để Việt Nam hội nhập với thế giới, tiếp thu tinh hoa của văn hóa thế giới, bổ sung cho văn hóa Việt Nam, đồng thời đưa văn hóa Việt Nam hội nhập và lan tỏa ra bên ngoài.
Tôi nghĩ rằng, ở thời điểm kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 hiện nay là dịp để chúng ta vừa nhìn về phía trước, đồng thời cũng hướng về nhiều năm sau nữa, để cùng xây dựng đất nước ngày càng phát triển, trong đó, văn hóa luôn soi đường cho quốc dân đi.
PV: Trân trọng cảm ơn PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ!
- Nội dung: KHÁNH HUYỀN (thực hiện)
- Ảnh: Tư liệu, TTXVN
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC