30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam - Bài 1: Khi Đảng Cộng sản tự xóa bỏ chính mình
L.T.S: Chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm tròn 30 năm Liên bang Xô viết sụp đổ, đánh dấu bằng buổi tối mùa đông lạnh giá 25-12-1991, lá cờ đỏ búa liềm từ đỉnh tháp Kremli sau 74 năm tung bay đã phải hạ xuống, thay vào đó là lá cờ ba sắc. Sự kiện được coi là cơn địa – chính trị chấn động thế kỷ XX này đã làm thay đổi sâu sắc thời đại chúng ta đang sống và để lại rất nhiều bài học đắt giá về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nhân dịp này, Báo Quân đội nhân dân Điện tử trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài “30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam” hi vọng góp phần phân tích, rút ra những điều thiết thực để tiếp tục thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, kiên định thực hiện thắng lợi con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Trước khi thực hiện loạt bài này ít lâu, chúng tôi có dịp đến công tác tại Liên bang Nga và một vài nước thuộc Liên Xô. Trong chuyến đi ấy, có cảm xúc rất đặc biệt khi đến những địa danh như Tháp Kremli, nơi lá cờ Liên bang Xô viết bị hạ xuống hay trước tòa nhà Duma Quốc gia Nga, nơi xe tăng từng xuất hiện cho thấy sự nguy hiểm của “phi chính trị hóa” quân đội.
Khi ấy, một câu hỏi cứ văng vẳng trong chúng tôi: Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô do Lênin sáng lập, từng lãnh đạo giai cấp công nhân Nga lật đổ ách thống trị của Sa hoàng, xây dựng thành công Nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên lại tan rã? Vì sao một đảng từng lãnh đạo nhân dân chống lại sự can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, đánh bại phát-xít Đức trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và đóng góp to lớn cho thắng lợi của thế giới trong Chiến tranh thế giới thứ hai lại mất địa vị cầm quyền sau 74 năm với bao trang sử vẻ vang?
Chúng tôi đã tìm thấy phần nào câu trả lời chính từ những nhà báo tiền bối ở Báo Quân đội nhân dân.
Ngày 22-4-1990, hơn một năm trước ngày Liên Xô sụp đổ hoàn toàn, Thiếu tướng Trần Công Mân, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân trong bài viết “Cuộc chiến đấu chưa kết thúc” đã đưa ra cảnh báo chính xác khi xuất hiện trào lưu ở Liên Xô và nhiều nước XHCN, nhiều người né tránh, không nhắc đến Đảng Cộng sản, đến CNXH. Nêu ra và cũng tự trả lời, ông khẳng định niềm tin mãnh liệt vào vai trò lãnh đạo của Đảng, vào tương lai của CNXH.
Không riêng ông, những nhà lãnh đạo lớn của đất nước ta từ ngày đó đã nhìn thấy “tử huyệt” dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và nhìn rõ Đảng ta, đất nước ta, nhân dân ta cần phải làm gì.
Tháng 4-1992, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đã có bài viết hết sức sâu sắc với tựa đề “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?” đăng trên Tạp chí Cộng sản. Đồng chí chỉ ra 5 nguyên nhân chủ yếu: Không xác lập đúng đắn sự lãnh đạo của Đảng, buông lơi công tác xây dựng Đảng; phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng; Coi nhẹ hoặc phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ; xa rời quần chúng, mất uy tín nghiêm trọng trước nhân dân, không được nhân dân ủng hộ;Từ bỏ chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, thổi lên ngọn lửa kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi.
Thật ra, sai lầm, sự chệch hướng đã diễn ra từ khá lâu. Sâu xa theo nhà nghiên cứu, Đại tá Lê Thế Mẫu (nguyên Trưởng Phòng thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng) phải kể đến những cải cách thời N. Khrushchev nhằm mục đích phá hoại Liên Xô từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, về sau được coi là “cải tổ 1.0”, tạo tiền đề cho “cải tổ 2.0” dưới thời M.Gorbachev. Người ta đã xuyên tạc vai trò của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, bôi nhọ Stalin, đề ra khẩu hiệu “nhà nước toàn dân”, “đảng toàn dân”.
Theo chương trình cải cách, N. Khrushchev còn hủy bỏ hàng loạt dự án hiện đại hóa quân đội như nghiên cứu chế tạo các thế hệ vũ khí trang bị mới cho hạm đội Hải quân và Không quân Liên Xô. Bởi những sai lầm nghiêm trọng đó, tháng 10-1964, sau nhiều chỉ trích, phê phán, N. Khrushchev phải ký tên vào văn bản từ chức. C
Khrushchev buộc phải từ chức Tổng Bí thư nhưng những nấm độc chống phá đã được gieo mầm. Một số cán bộ trẻ tuổi của Đảng Cộng sản Liên Xô thời đó như Mikhail Gorbachev, Alexander Yakovlev, Eduard Shevardnadze...đã bị tác động rất mạnh bởi những tư tưởng cơ hội, xét lại như vậy.
Nhà nghiên cứu Lê Thế Mẫu gần đây trong bài viết của mình đã công bố thông tin từ các tài liệu được giải mật của Mỹ cho thấy: Trong chiến lược "Diễn biến hòa bình" của Mỹ có Dự án Harvard và Dự án Houston nhằm làm tan rã Liên Xô chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoan 1 (1985-1990) sẽ thực hiện “Cải tổ” Liên Xô với các nhiệm vụ: (i) “Công khai hóa” để xuyên tạc lịch sử Liên Xô; (ii) đấu tranh chống lại chủ nghĩa xã hội; (iii) tiến hành cải cách để đưa Liên Xô từ chế độ xã hội chủ nghĩa chuyển sang chế độ tư bản chủ nghĩa.
Trong giai đoan 2 (1990-1995) sẽ thực hiện các nhiệm vụ: (i) xóa bỏ hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới; (ii) xóa bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô; (iii) xóa bỏ Liên Xô; (iv) giải tán Hiệp ước phòng thủ Warsaw; (v) xóa bỏ ý thức hệ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa yêu nước ở Nga.
Thực tế thì sau này như chúng ta đã biết, khi Gorbachev làm Tổng Bí thư từ năm 1985, ông ta đã thực hiện theo đúng như những gì người Mỹ mong muốn và tính toán với sự phát động cải tổ.
Từ năm 1986, Gorbachev sử dụng thuật ngữ “perestroika” để nói về những cải cách căn bản và toàn diện Liên Xô. Ông ta nhấn mạnh: "Tôi đặt dấu gạch ngang giữa hai từ “cải tổ” và “cách mạng”. Các biện pháp cải tổ mà chúng ta đang tiến hành là một cuộc cách mạng thực sự”. Từ đầu năm 1987, thuật ngữ “cải tổ” trở thành khẩu hiệu chính trị chủ yếu và nổi bật trong Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Gorbachev giải thích “cải tổ” có nghĩa là “phá bỏ hoàn toàn cải cũ để xây dựng cái mới” mở đầu bằng tuyên bố chủ trương “công khai hóa”. Từ 1987-1988, Gorbachev đưa ra các “giá trị phổ quát của toàn nhân loại” như thị trường, đa nguyên đa đảng, nhà nước pháp quyền.
Từ ngày 28-6 đến 1-7-1988, diễn ra Hội nghị lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô. Gorbachev đề nghị sẽ tách Đảng Cộng sản Liên Xô ra khỏi chính quyền Xôviết. Nguy hiểm hơn, Hội nghị thông qua Nghị quyết “Về một số biện pháp cấp bách để tiến hành cải cách hệ thống chính trị của đất nước” với tinh thần sẽ sửa đổi Hiến pháp, bầu cử...
Ngày 5-2-1990, Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thông qua nghị quyết bỏ Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội; thiết lập hệ thống chính trị đa đảng và chức vụ Tổng thống Liên Xô. Ngày 15-3-1990, theo đề xuất của Gorbachev, Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô bất thường đã thông qua nội dung sửa đổi Điều 6 Hiến pháp Liên Xô. Theo đó, nội dung “Đảng Cộng sản Liên Xô được hiến định là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội Xô viết” thành “Đảng Cộng sản Liên Xô cùng với các đảng chính trị khác tham gia vào việc hoạch định chính sách của nhà nước Xô viết”.
Việc sửa đổi trên đồng nghĩa với xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với nhà nước và xã hội về mặt pháp lý, công nhân đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19, Gorbachev không chỉ giương cao ngọn cờ dân chủ hóa tính công khai, đa nguyên hóa mà còn yêu cầu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, chuyển vai trò đó sang cho Xô-viết.
Thể chế đa đảng, dân chủ nghị viện lên ngôi và đau đớn nhất phải kể đến sự kiện Đại hội đại biểu lần thứ 28 (Đại hội cuối cùng trong lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô trước khi Liên Xô tan rã) tuyên bố “tiến tới Xã hội chủ nghĩa dân chủ hóa nhân đạo”.
Sự kiện trên đã mở đường cho những tổ chức đối lập, chống phá Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông Kusov, Phó chủ tịch Trung ương Đảng Cộng sản Nga nhớ lại: “Sửa đổi Hiến pháp chỉ vẻn vẹn một năm, đã có khoảng 20 chính đảng cấp Liên bang, có hơn 500 chính đảng cấp nước cộng hòa. Hầu hết trong đó trở thành lực lượng chính trị cuối cùng thúc đẩy Đảng Cộng sản Liên Xô bị hạ bệ và giải tán”.
Được sự cổ vũ của phương châm dân chủ hóa tính công khai và thể chế đa nguyên, đa đảng của Gorbachev, tinh thần dân tộc chủ nghĩa và khuynh hướng ly khai ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Tổ chức Đảng ở các nước này cũng ngày càng xa rời trung ương.
Từ năm 1989, Đảng Cộng sản của một số nước cộng hòa như Latvia, Litva, Estonia… đã yêu cầu tách khỏi hoặc độc lập với Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngày 7 tháng 12 năm 1989, Đảng Cộng sản Litva đã tách khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô và từ bỏ yêu sách của mình để có một "vai trò lãnh đạo" hiến pháp trong chính trị. Lần đầu tiên ở Liên Xô, Đảng Cộng sản cầm quyền của Litva chính thức độc lập khỏi sự kiểm soát của Moscow.
Và cũng chỉ một năm sau Đảng Cộng sản đã mất quyền lực hoàn toàn trong các cuộc bầu cử quốc hội đa đảng, Vytautas Landsbergis trở thành tổng thống phi Cộng sản đầu tiên của Litva kể từ khi bị sáp nhập vào Liên Xô.
Về sau, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tự giải tán trước sự thúc ép của Gorbachev. Kết quả là các tòa nhà làm việc, trung tâm chính trị xã hội, cơ sở nghiên cứu cùng nhiều công trình khác của Đảng Cộng sản Liên Xô đều bị nhà cầm quyền Nga niêm phong và tịch thu.
Tổ chức đảng ở Nga và các nước cộng hòa Liên Xô nhanh chóng bị giải tán hoặc bị cấm hoạt động. Đảng Cộng sản Liên Xô với gần 20 triệu đảng viên đã đánh mất địa vị cầm quyền sau 74 năm. Điều đáng nói là các đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô dường như đã “buông xuôi” , không hề tiến hành bất cứ một hoạt động phản đối quy mô lớn nào nhằm bảo vệ tổ chức đảng của mình.
Mất đảng tất yếu dẫn đến mất nước. Ngày 25-12-1991, Gorbachev đến Phủ Tổng thống ở Điện Kremli chuẩn bị đơn từ chức. 19 giờ, Gorbachev lên Đài truyền hình trung ương- và đau đớn hơn- cả Đài CNN (Mỹ) đọc thư gửi nhân dân Liên Xô và toàn thế giới, tuyên bố từ chức, ngừng mọi hoạt động của mình với chức vụ Tổng thống Liên Xô. Liên bang Xô – viết chính thức tan rã.
Thật ra, xóa bỏ Đảng Cộng sản là một trong những mục tiêu chiến lược của phương Tây, đứng đầu là đế quốc Mỹ rắp tâm thực hiện với Liên Xô từ rất sớm. Tài liệu tuyệt mật số 20/1 - Chỉ thị của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) đề ngày 18-8-1948 "Những mục tiêu của Mỹ đối với Nga" có đoạn viết: "Nếu vị thế của những người cộng sản mất đi thì vấn đề đương nhiên sẽ được giải quyết..."; "...một trong những mục tiêu quân sự chủ yếu của chúng ta đối với Nga là tiêu diệt cơ bản cơ cấu quan hệ mà nhờ đó các thủ lĩnh của Đảng Cộng sản toàn liên bang có được một quyền lực mang tính kỷ luật và tinh thần đối với từng công dân...".
Ngày 25-4-1991, 8 tháng trước khi Liên Xô sụp đổ, Tài liệu của Phòng phân tích những vấn đề Xô viết thuộc Cục tình báo Trung ương Mỹ đã có nhận định rất đúng về gót chân Asin của Liên Xô: "Đảng Cộng sản Liên Xô đang bị tan rã về mặt quy mô khu vực cũng như về tư tưởng. Các lực lượng ở tình trạng phôi thai đang phát triển một hệ thống các đảng mới".
67% người Nga bày tỏ tiếc nuối về sự sụp đổ của nhà nước Liên bang Xô viết. Đây là kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu ý kiến dư luận toàn Nga (VTsIOM) thực hiện đầu năm 2021, nhân dịp tròn 30 năm ngày tổ chức trưng cầu dân ý về việc duy trì Liên Xô (ngày 17-3-1991). Xét về khía cạnh cảm xúc, các số liệu xã hội học đều cho thấy đa số là những nhận xét mang tính tiêu cực như: Thất vọng, luyến tiếc, buồn bã… Chẳng hạn như, 67% người dân Nga nói rằng, họ cảm thấy tiếc vì Liên Xô sụp đổ, và tỷ lệ này không thay đổi kể từ năm 2005 đến nay”. Năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi trả lời câu hỏi sự kiện lịch sử nào ông muốn ngăn chặn xảy ra, đã nói rằng, đó là “sự tan rã của Liên Xô”. Những lời này được nhà lãnh đạo Nga chia sẻ tại Diễn đàn truyền thông của “Mặt trận nhân dân toàn Nga”.
Thật chua xót, điều mà từ đầu thế kỷ XXJ.Keman (1845-1924), một nhà báo Mỹ ủng hộ cách mạng Nga từng cảnh báo đã trở thành hiện thực. Ông viết: "Nếu kẻ nào đó phá tan được sự thống nhất của Đảng Cộng sản như một công cụ chính trị, nước Nga Xô viết có thể sẽ nhanh chóng biến từ một trong những cộng đồng dân tộc hùng mạnh nhất thành một trong những cộng đồng dân tộc hèn hạ và yếu đuối nhất".
Hơn 10 năm sau cơn địa chấn chính trị, nhà nghiên cứu A.P. Sheviakin đã viết cuốn sách Bí ẩn sự diệt vong của Liên Xô - Lịch sử những âm mưu và phản bội 1945 1991 xuất bản tại Moscow năm 2002, cuốn sách được coi là một trong những công trình giá trị và thuyết phục nhất nghiên cứu về sự kiện. Trong cuốn sách, ông đã nhìn nhận việc xóa bỏ Điều 6 Hiến pháp là vấn đề cốt tử nhất: "Như đã nói, thành tố kiến tạo hệ thống quan trọng nhất là sự hiện diện của một công cụ chính trị như Đảng Cộng sản Liên Xô. Việc từ bỏ vai trò lãnh đạo của nó được hình thành hợp pháp thông qua sự thay đổi Điều 6 trong Hiến pháp Liên Xô đã kéo theo nó việc gạt bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô ra khỏi nền tảng quốc gia, để sau đó không lâu, chính ngôi nhà cũng sụp đổ.
Đó là những cách nhìn về thời điểm bước ngoặt. Cần nhắc lại một lần nữa rằng khi đã bước qua thời điểm đó, hệ thống, về thực chất, đã mất khả năng quay trở lại".
Từ sự sụp đổ đau xót của Đảng Cộng sản Liên Xô và Liên bang Xô viết, bài học đã được rút ra với Đảng ta từ rất sớm và ngày nay chúng ta cần tiếp tục nhìn nhận, suy ngẫm để kiên định nguyên tắc số 1: Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng.
Năm 1990, trước khi Liên Xô sụp đổ, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) về tình hình các nước xã hội chủ nghĩa, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta đã được tổ chức. Đảng ta nhận định rõ: Trong quá trình cải tổ, cải cách những người lãnh đạo đã phạm nhiều sai lầm, trong đó có việc hạ thấp hoặc từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Xa hơn nữa, có thể thấy sâu sắc hơn bài học này nếu nhìn lại hành trình mà các Tổng Bí thư của Đảng ta đã thực hiện:
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta từ những năm đầu đổi mới trong lần sang thăm Liên Xô đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười (1917 - 1987) đã thẳng thắn cảnh báo sai lầm có tính nguyên tắc mà Gorbachev và Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh góp ý: “Với tư cách một người cộng sản, tôi có thể chân thành nói với đồng chí việc bỏ Điều 6 và Điều 7 trong Hiến pháp Liên Xô là một sai lầm nghiêm trọng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường không chỉ đối với Liên Xô ”. Sau đó, Đảng ta đã sớm khởi thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trơng thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII năm 1991. Cương lĩnh đã thể hiện rõ lập trường, quan điểm của Đảng, kiên định lý tưởng và con đường độc lập dân tộc gắn liền với xã hội chủ nghĩa.
Tập thể lãnh đạo Đảng ta đã chủ động chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo, đúng vào lúc thế giới xảy ra những "cơn địa chấn chính trị" dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Tổng Bí thư Ðỗ Mười cầm lái con thuyền cách mạng vào thời điểm Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu sụp đổ, phe xã hội chủ nghĩa tan rã. Bản lĩnh chính trị của Đảng lúc này có ý nghĩa quyết định, sống còn. Chúng ta đã vừa giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, vừa quyết tâm đổi mới nhưng không “cải tổ” như Liên Xô mà xác định "Đổi mới không đổi màu", "Hòa nhập không hòa tan".
Tổng Bí thư Đỗ Mười từng trả lời báo chí: "Tại Đại hội VII năm 1991 của Đảng, tôi được Đảng giao nhiệm vụ là Tổng Bí thư. Rất may là lúc ấy nền kinh tế của chúng ta ổn định một bước. Nhưng thật không ngờ Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, tác động xấu đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bộ Chính trị họp và nhận định tình hình, kịp thời đề ra giải pháp.
Bộ Chính trị đánh giá nguyên nhân của sự sụp đổ ấy ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu là do Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước XHCN anh em đã mắc khá nhiều sai lầm, các thế lực phản động có đánh phá nhưng sự sụp đổ là nguyên nhân chủ quan, nhất là sai lầm về tổ chức, về sắp xếp, bố trí cán bộ ở các vị trí chủ chốt. Từ đó, Đảng ta khẳng định kiên định đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của Bác Hồ. Bộ Chính trị triệu tập cán bộ ở 3 miền để giải thích tình hình, tạo yên tâm đoàn kết một lòng để xây dựng đất nước, đồng thời, Bộ Chính trị chỉ đạo cho in toàn tập bộ sách Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phát hành trong toàn quốc...".
Theo nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn: Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nhà lãnh đạo của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thường nói: Qua việc Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, phải thấy nguy cơ của chuyện không làm tốt công tác xây dựng Đảng, để một bộ phận đảng viên tha hóa, tiêu cực, để xa dân là rất nguy hiểm. Đến Đảng Cộng sản Liên Xô có thể đổ vỡ, thậm chí đổ vỡ rất nhanh thì đừng có nói rằng mình không thể, mình có thể tránh được. Tránh được hay không là tùy thuộc vào việc chúng ta có làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chế độ hay không?.
Đồng chí Lê Khả Phiêu khẳng định: Độc lập dân tộc và CNXH là sinh mệnh, mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Muốn thực hiện thắng lợi mục tiêu này phải do Đảng tổ chức và lãnh đạo.
30 năm sau cơn địa chấn chính trị lớn nhất thế kỷ XX ấy, tháng 5 vừa qua, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài viết quan trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Tổng Bí thư nhận định: “…Từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá.
Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác”.
Song trên cơ sở phân tích toàn diện các khía cạnh lý luận và thực tiễn, Tổng Bí thư khẳng định: “Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”.
GS, TS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chỉ rõ rằng không thể có sự cáo chung của Đảng Cộng sản và chế độ XHCN ở Việt Nam. Bởi theo ông: “Cho đến nay, mẫu hình kinh tế-chính trị đổi mới ở Việt Nam là Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Từ góc độ chính trị, thể chế chính trị được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ tập trung dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.
GS, TS. Lưu Văn Sùng, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh rút ra bài học: Xác định kiên định và tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa thì tất yếu phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, vì đây là nhân tố tiên quyết để thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Theo ông khi cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô đã quyết định xóa bỏ Điều 6, Hiến pháp Liên Xô về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì không chỉ là sự tước quyền lãnh đạo của Đảng về mặt pháp lý, thừa nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mà còn là sự từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì tất yếu phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và nếu từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa thì tất yếu dẫn đến phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tiếp nhận hệ tư tưởng tư sản, như trong công cuộc cải tổ ở Liên Xô trước đây.
Bài học xương máu từ sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô sau 30 năm nhìn lại càng cho thấy, nhân dân không hề từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà sự phản bội mang tính chất quyết định của một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã tước đoạt đi chế độ xã hội chủ nghĩa ở đất nước này. Ôn cố để tri tân, để chúng ta tiếp tục làm tốt hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xứng đáng là người cầm lái con thuyền cách mạng, người tổ chức và lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới.
Công cuộc đổi mới cần có những bước đi thích hợp để bảo đảm vừa đổi mới, vừa ổn định. Cải tổ của Liên Xô đã nôn nóng dẫn đến hỗn loạn và sụp đổ chế độ chính trị. Bài học đó thêm một lần nữa cho chúng ta thấy điều kiện tiên quyết là phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội; Đảng phải là người tổ chức và lãnh đạo mọi công việc của sự nghiệp đổi mới hôm nay.
- Nội dung: ANH THU, VĂN DUYÊN, CÔNG MINH và CTV
- Kỹ thuật, đồ họa: VĂN PHONG - TÔ NGỌC