Viết tiếp giấc mơ đảo ngọc Cát Bà - Bài 1: "Viên ngọc quý" Cát Bà
Vậy là giấc mơ bấy lâu nay cũng đã thành hiện thực. Quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) cùng với vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Giấc mơ sẽ được viết tiếp bởi giờ đây còn là nhiệm vụ đưa Cát Bà trở thành điểm du lịch mang tầm thế giới, là thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, quảng bá và nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước.
Nói về Cát Bà, sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi: “Một vùng núi non dựng lên như ngọc, cá tôm nhiều như đất, dân đua nhau thu lượm, lúa má không có, thuế đánh không nhiều. Sóng vỗ dập dồn vách núi, thuyền xuyên vỉa đá mà đi. Nhân dân vui hưởng thái bình, …”. Ngày nay, Cát Bà vẫn giữ vẻ đẹp tú lệ ấy cộng với những lóng lánh từ giá trị truyền thống, lịch sử.
Ở
phía bắc đất nước, Cát Bà nổi lên từ làn nước ngọc bích của vịnh Lan Hạ như một thế giới thần tiên. Nhưng đây là một quần đảo nơi người dân sinh sống và làm việc, nơi ngư dân miệt mài lao động bám biển mưu sinh và là nơi du khách trong, ngoài nước tìm đến để thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên đường nơi hạ giới.
Dù dưới góc độ địa chất, địa mạo hay văn hóa, lịch sử, kinh tế, Cát Bà không hổ là viên ngọc quý. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Cát Bà tài nguyên cảnh quan vịnh-biển-đảo khó có nơi đâu sánh được. Tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển Cát Bà rộng hơn 26.000 ha, với 2 vùng lõi (bảo tồn nghiêm ngặt và không có tác động của con người), 2 vùng đệm (cho phép phát triển kinh tế hạn chế song song kết hợp với bảo tồn) và 2 vùng chuyển tiếp (phát triển kinh tế). Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà là vùng hội tụ đầy đủ cả rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong và đặc biệt là hệ thống hang động.
Sở hữu gần 400 hòn đảo lớn nhỏ, nơi đây ẩn giấu những bãi biển đẹp như chốn tiên cảnh. Những dải cát trắng mịn cong cong uốn lượn, đại dương lung linh sắc màu, làn nước trong vắt ẩn sau những núi đá vôi và rừng cây nguyên sinh, sắc xanh của rừng và rêu đá hòa quyện với màu cẩm thạch của đất đá tạo nên vẻ đẹp huyền ảo của Cát Bà.
Năm 2004, quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, vịnh Lan Hạ cũng nằm trong danh sách những vịnh biển đẹp nhất thế giới với hàng trăm dãy núi kỳ vĩ cùng hàng trăm hang động đầy huyền bí.
Hòa quyện cùng vẻ đẹp của thiên nhiên là hơi thở văn hóa làng chài đã thấm nhuần vào nhịp sống của người dân nơi đây. Chị Lê Thu Hường, hướng dẫn viên du lịch của Cát Bà, cho biết: "Cát Bà là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Di chỉ khảo cổ Cái Bèo với các hiện vật có niên đại 4.000-7.000 năm, được các nhà khảo cổ học nhận định là làng chài biển cổ có quy mô lớn nhất hiện được biết ở Việt Nam".
Cát Bà còn có pháo đài Thần Công, là một địa điểm quân sự được sử dụng trong Thế chiến thứ 2, chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam trên ngọn đồi cao 177m hay hang Quân y vốn là một bệnh viện với cả trăm giường bệnh và nhiều khu chức năng như phòng chữa bệnh, khu luyện tập hồi phục, phòng chiếu phim… Đặc biệt, ở Cát Bà có rất nhiều lễ hội do các làng tổ chức. Có thể kể đến như: Lễ hội Chèo bơi Cát Hải, Lễ hội Xa Mã rước kiệu đình làng Hoàng Châu, Lễ hội đình làng Trân Châu…
Cách đây 64 năm, ngày 31-3-1959, trong chuyến thăm đảo Cát Bà và Cát Hải, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian gặp gỡ với nhân dân huyện đảo. Người căn dặn:
“Rừng là vàng, biển là bạc, rừng biển của ta do nhân dân ta làm chủ, phải ra sức khai thác, bảo vệ, phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt 64 năm qua, mặc dù đã trải qua những cam go khốc liệt của chiến tranh, song Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Cát Bà không ngừng khắc phục khó khăn, kiên cường, quả cảm bảo vệ biển đảo, đồng thời từng bước xây dựng quê hương theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.
Hiện nay, câu chuyện lịch sử và những giá trị của lịch sử được khai thác rõ nhất có lẽ trong các hoạt động du lịch. Lịch sử, văn hóa được kể cho du khách theo cách xâu chuỗi để thể hiện ước mơ đưa Hải Phòng vươn tầm thế giới. Trên du thuyền Heritage Bình Chuẩn, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Lux Group kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về tên du thuyền được lấy cảm hứng từ những câu chuyện về văn hóa, di sản, về doanh nhân yêu nước người Việt Bạch Thái Bưởi cách đây hơn 100 năm. Ông Bạch Thái Bưởi cũng là người đã có công lớn trong việc phát triển giao thông đường thủy vịnh Bắc Bộ những năm đầu thế kỷ XX và ước mơ đưa Việt Nam vươn tầm thế giới với triết lý kinh doanh bằng sự tử tế, tinh thần dân tộc, thực nghiệp, chính đạo cuộc đời.
Trong số các lễ hội ở huyện đảo thì lễ hội làng cá ngày 31-3 được người dân trên đảo coi là ngày tết lớn thứ hai của năm. Lễ hội do Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tổ chức ghi nhớ sự kiện ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Làng cá Cát Bà năm 1959. Hằng năm, ngày 31-3 và 1-4 (Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam) là dịp để người dân, du khách tham gia hàng loạt hoạt động của ngày khai trương mùa du lịch Cát Bà, lễ cầu ngư và ra quân đánh cá vụ Nam, thả con giống… Cũng là một người sinh sống trên đảo Cát Bà, chị Lê Thu Hường kể rằng, người dân nơi đây sống dựa vào tự nhiên, thuận theo tự nhiên nên rất coi trọng ngày này.
Một trong những hoạt động sôi nổi nhất có lẽ là lễ hội đua thuyền rồng truyền thống trong những ngày này. Trong lễ hội, nhân dân và du khách cùng ôn lại lịch sử hào hùng của cha ông, họ hò reo cổ vũ các đội đua. Tiếng trống hội như thúc giục, các tay đua cùng thể hiện lại không khí chiến trường Bạch Đằng xưa. Lại nhớ vào 10 năm trước, ngày 10-7-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại huyện đảo Cát Hải để kiểm tra tình hình thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh và công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết của Trung ương.
Tổng Bí thư mong Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Cát Hải phát huy thành tích, kinh nghiệm, truyền thống đã có, xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển bền vững, xứng đáng là cửa ngõ của TP Hải Phòng, một trung tâm về du lịch và dịch vụ, một pháo đài bảo vệ Tổ quốc. Đến thăm và trồng cây lưu niệm tại Vườn Quốc gia Cát Bà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng động viên cán bộ, nhân viên đang làm việc tại đây tiếp tục gìn giữ và phát huy tiềm năng, giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nơi có hệ sinh thái phong phú, đa dạng và đặc sắc, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, tích cực góp phần xây dựng đảo Cát Bà trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Thấm nhuần lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo TP Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến phát triển du lịch xanh tại quần đảo Cát Bà, đồng thời chú trọng mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội việc làm cho nhân dân địa phương; bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và là mô hình đảo sinh thái, thông minh không có khí thải của phương tiện cơ giới đường bộ theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú mang những giá trị nổi bật toàn cầu, là điểm cuối trong quá trình tiến hóa karst và là môi trường sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm, vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà chính thức được UNESCO ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới ngày 16-9-2023, trở thành di sản liên vùng đầu tiên giữa hai tỉnh, thành tại Việt Nam, hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Cát Bà cũng như quảng bá và nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước và TP Hải Phòng nói riêng.
- Nội dung: ĐÌNH HÙNG, MINH NHÃ
- Ảnh: PHẠM HÀ, TRẦN CÔNG ĐẠT, TRỌNG HẢI, TẠ HUY TOÀN, PHAN TUẤN, TƯ LIỆU
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC